Người phụ nữ yêu nghề cơ khí

Nghề cơ khí vất vả lắm, nếu bạn không giỏi nghề, bạn sẽ thấy nản và không làm nổi”, chị Vân mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy về công việc của mình. Trần Thị Vân là tổ trưởng tổ nguội, phân xưởn

 Cuộc đời chị gắn liền với cơ khí, đó là niềm vui, nỗi buồn và là niềm đam mê của chị. Kể cũng lạ, mình hạc xương mai, vậy mà chị lại đang từng ngày, từng giờ làm bạn với những máy móc lỉnh kỉnh, những dầu mỡ, bản vẽ với những thông số rất phức tạp. Thế mà vẫn cứ làm “ngon lành”, chẳng hề vì mình là phụ nữ mà thua kém đàn ông. Năm 1997, ở cương vị người tổ trưởng, biết mình còn trẻ, có nhiều người trong tổ hơn chị tuổi đời và tuổi nghề, lại giầu kinh nghiệm hơn, nên chị rất chịu khó học hỏi, tranh thủ mọi thời gian nhàn rỗi để nghiên cứu tài liệu, trau dồi kiến thức đã học. Tổ của chị được giao trọng trách chuyên sản xuất những sản phẩm mới, thiết kế và đi đến sản xuất hàng loạt các thiết bị phục vụ khai khoáng trong Công ty và theo nhu cầu của khách hàng, nên phải mất rất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu trước khi triển khai vào sản xuất. Chị kể, mỗi khi có một sản phẩm mới, phòng kỹ thuật chuyển bản vẽ thiết kế xuống là chị phải nghiên cứu, bóc tách từng chi tiết, sắp xếp từng công đoạn xem chi tiết nào làm trước, chi tiết nào làm sau để khi công nhân gia công đảm bảo độ chính xác và đạt năng suất cao nhất. “Có những đêm mình gần như thức trắng đọc bản vẽ và sắp xếp các chi tiết để kịp hôm sau cho anh em thực hiện. Gặp phải cái nào khó, làm không xong thì thấy bực bội, khó chịu vô cùng”, chị nói.
Là người đứng mũi chịu sào, chị phải chịu trách nhiệm về yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm. Quá trình triển khai, chị phát hiện những điểm sai sót, bất hợp lý trong thiết kế, là phải đề xuất kịp thời với phòng kỹ thuật, ban lãnh đạo Công ty về yêu cầu cần thay đổi, về kích thước chi tiết, về truyền động… trước khi đưa vào thực hiện, tránh được lãng phí tiền của, thời gian, nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín của Công ty. Chị còn quan tâm tới trình độ tay nghề của các tổ viên để phân công nhiệm vụ cho hợp lý, đạt năng suất cao nhất cho cả dây chuyền sản xuất. Luôn tuân thủ nguyên tắc “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe” nên chị đã tạo được sự công bằng, dân chủ trong tổ, mọi người đều hăng hái thi đua lao động sản xuất, có tinh thần tương trợ lẫn nhau trong công việc. Tổ sản xuất do chị phụ trách luôn được bầu là tổ lao động giỏi, luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch, thu nhập khá, mọi thành viên trong tổ đều đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Do thiết bị của Công ty đã quá lạc hậu, nhiều khi không đáp ứng yêu cầu sản xuất các sản phẩm mới, chị lại cùng anh em trong tổ suy nghĩ cải tiến các công đoạn cho phù hợp, cải thiện điều kiện làm việc, giảm cường độ lao động, đạt năng suất cao như: Cải tiến đồ gá cho máy tiện để gia công chi tiết gối chỉnh nghiêng của bàn đãi; Cải tiến gá kẹp để tiện vành lăn sàng quay; Cải tiến trục bơm dầu hộp giảm tốc bàn đãi… Ngoài những mặt hàng phục vụ cho tuyển khoáng, tổ của chị còn tham gia làm một số công trình phục vụ cho sản xuất của Công ty, làm các công trình vui chơi giải trí cho CNLĐ.

Chị nhớ lại, hồi mới chuyển từ phân xưởng sửa chữa ô tô sang khai khoáng, công việc chưa quen nên ít nhiều còn lúng túng. Một lần, tổ nhận nhiệm vụ đi sửa chữa bàn đãi tuyển quặng. Một anh công nhân khi chỉnh máy tuyển làm không đúng thao tác, chị góp ý nhưng anh không nghe, lại còn thách chị giỏi thì tự làm. Chị không ngần ngại, bảo anh tránh sang bên để chị làm lấy. Thấy chị làm được, anh công nhân lúc đó mới tâm phục, khẩu phục và làm theo ý chị.
Với chị, 20 năm trong nghề là 20 năm không ngừng học hỏi và thực hành. Công việc ở Công ty cho thu nhập chưa đủ cho cuộc sống gia đình với hai cô con gái đang tuổi ăn tuổi học, ngoài giờ làm việc tại Công ty chị còn tìm việc làm thêm để phụ với chồng xây dựng kinh tế gia đình, vừa nâng cao tay nghề nhờ được cọ sát với thực tế đa dạng. Vốn là một công nhân giỏi tay nghề nên chị không thiếu việc. Tất cả những gì liên quan đến cơ khí sửa chữa ô tô, hay tuyển quặng chị đều làm được. Hai cô con gái ngoan ngoãn, học giỏi và rất tự lập là niềm tự hào của vợ chồng chị. Dù anh do điều kiện công tác lái xe phục vụ sản xuất luôn phải đi xa, nhưng chị vẫn vun vén được cho tổ ấm của mình luôn ấm áp, mọi việc được phân công hợp lý để ai cũng có việc, ai cũng góp sức vì hạnh phúc của gia đình. Vì thế, gia đình chị luôn chan hòa tiếng cười hạnh phúc. Và chị chọn giải pháp làm một công nhân giỏi để toàn tâm toàn ý với gia đình, chứ không học lên cao để tham gia làm quản lý. Với chị, “mình là một công nhân giỏi có lẽ sẽ tốt hơn là một nhà quản lý tồi”, mình an phận chính vì lẽ đó.
Luôn phấn đấu để “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà”, chị là người công nhân duy nhất trong số 6 người được lựa chọn để đọc tham luận trong Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà” 5 năm (2001-2005) của ngành Công nghiệp. Số còn lại đều là cán bộ quản lý. Mặn mà với độ tuổi ngoài 40, nụ cười tươi với hàm răng trắng đều như hạt bắp, chị để lại trong tôi ấn tượng khó quên về một người phụ nữ mà lại đam mê cái nghề rất đỗi đàn ông, nghề cơ khí.

  • Tags: