Mật độ dân số bình quân 107 người/km2 (cả nước 236 người/km2). Có thể nói, đây là khu vực có nhiều cửa khẩu quốc tế quan trọng, thuận tiện cho việc thông thương như với nước CHND Trung Hoa có cửa khẩu Đồng Đăng, Hữu Nghị, Lào Cai và nhiều cửa khẩu khác với CHDCND Trung Hoa là Chi Ma, Bình Nghị (Lạng Sơn); Tà Lùng (Cao Bằng); Thanh Thuỷ, Phó Bảng (Hà Giang); Mường Khương (Lào Cai); Mù Lù Tăng, Tây Trang (Lai Châu, Pa Háng, Chiềng Khương (Sơn la) cùng nhiều cửa khẩu địa phương khác.
Khu vực miền núi và trung du phía Bắc còn là lá phổi xanh để bảo vệ môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu tự nhiên, bảo vệ nguồn nước mặt…cho các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ. Đồng thời, do địa thế vùng cao, núi nhiều, khu vực này có khả năng cung cấp nguồn thủy năng quan trọng cho các nhà máy thuỷ điện cũng như là vùng có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, trong đó nhiều loại đã trở thành tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế – xã hội nói chung, phát triển công nghiệp dịch vụ nói riêng. Ngoài ra, nơi đây có nhiều cộng đồng người Việt sinh sống lâu đời, có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc đang được Đảng và Nhà nước quan tâm gìn giữ và phát triển. Vùng này còn có vị trí rất quan trọng về an ninh quốc phòng bảo vệ vùng biên cương phía Bắc của tổ quốc.
Với những điều kiện như vậy, vùng I có những thuận lợi nhất định trong việc phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển công nghiệp, dịch vụ nói riêng. Điều kiện tự nhiên tạo cho vùng này có nhiều tài nguyên thiên nhiên (tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản…) rất phong phú. Hệ thống sông ngòi chằng chịt, vừa cung cấp nguồn nước sạch cho sản xuất, vừa là nguồn thủy năng quan trọng để phát triển thuỷ điện và giao thông thuỷ. Hệ thống giao thông bộ (cả đường bộ và đường sắt) tương đối phát triển, nối liền các tỉnh trong vùng với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Hồng và nối liền các tỉnh trong khu vực. Hệ thống số xã trong vùng có điện lưới quốc gia phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Hệ thống thông tin liên lạc thông suốt và đang được hiện đại hóa. Tất cả các tỉnh trong vùng đều đã lắp đặt các tổng đài hòa mạng vào hệ thống quốc gia. Từ tổng đài các tỉnh đã truyền dẫn thông tin với tất cả các huyện, xã trong vùng. Do đó, mặc dù còn khá nhiều khó khăn, nhưng sản xuất công nghiệp trên địa bàn các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc, năm 2002 và 6 tháng đầu năm 2003, đều có mức tăng trưởng khá. Năm 2002 tăng 17,28% so với năm 2001 (toàn ngành tăng 14,45%); 6 tháng đầu năm 2003 tăng 19,3% (toàn ngành tăng 15,7%). Nổi bật là các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên. Đây là hai tỉnh có nền công nghiệp tương đối phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2002 của 2 tỉnh này chiếm 64,11% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn vùng; Đồng thời có sự phát triển tương đối đồng đều ở tất cả các khu vực, song khu vực quốc doanh Trung ương vẫn chiếm tỷ trọng chi phối (tỉnh Thái nguyên: công nghiệp CNTW chiếm 68,16%, Phú Thọ CNTW chiếm 54,69%) và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm tỷ trọng đáng kể (Thái Nguyên 12,58%, Phú Thọ 17,71%); cả 2 tỉnh đều nằm sâu trong nội địa và liền kề với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, so với toàn ngành thì giá trị sản xuất công nghiệp của vùng I còn nhỏ bé (năm 2002 chiếm 4,49%). Trong khi đó, các tỉnh có công nghiệp chậm phát triển trong vùng đều là các tỉnh biên giới, đồng thời là những tỉnh nghèo. ở những tỉnh này, giá trị sản xuất công nghiệp QDTW còn quá thấp, chiếm tỷ trọng chưa quá 50% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh (Cao Bằng chiếm 30,87%, Lạng Sơn chiếm 23,83%, Lào Cai chiếm 48,6%, Lai Châu chiếm 6,4%, Sơn La chiếm 9,76%). Tuy nhiên, công nghiệp ngoài quốc doanh đã bước đầu phát triển và đạt giá trị khá, chiếm tỷ trọng khá cao (Lai Châu 80%, Lạng Sơn 46%, Hà Giang 43%).
Trong Hội nghị các sở Công nghiệp vùng I tại Lạng Sơn, nhiều đại biểu đã thẳng thắn đánh giá công nghiệp địa phương các tỉnh trong khu vực chủ yếu là công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, hầu hết các tỉnh đều có từ 1-2 nhà máy xi măng lò đứng. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của vùng. Ngoài một số địa phương đã hình thành vùng nguyên liệu tập trung cho các cơ sở chế biến giấy và chè, các địa phương khác chưa có vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến, nên hầu hết các cơ sở chế biến trong vùng đều có quy mô nhỏ, hiệu quả thấp.
Để giải quyết được bài toán này, trước mắt, Trung ương đã đầu tư trên địa bàn khu vực này một số dự án quan trọng, có giá trị lớn như Thuỷ điện Na Hang, Nhiệt điện Na Dương, Nhiệt điện Cao Ngạn, Nhà máy xi măng lò quay 1,5 triệu tấn/năm Thái Nguyên… Một số tỉnh đã đầu tư một số dự án sản xuất mới như nhà máy chế biến tinh bột sắn 10.000tấn/năm tại Yên Bái, xưởng tinh luyện Antimon tại Hà Giang, dự án tổ hợp đồng Sin Quyền tại Lào Cai… Những dự án này đều khai thác thế mạnh về khoáng sản, nông lâm sản tại địa phương, vì vậy khi hoàn thành và đi vào hoạt động, không những sẽ tăng đáng kể giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, tạo nhiều việc làm cho địa phương…, đặc biệt còn góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại địa phương… Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước cũng được các tỉnh vùng I chú trọng như công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; về điện, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước… Đáng chú ý là công tác quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Để tạo điều kiện thu hút đầu tư, tăng cường công tác quản lý và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhiều địa phương trong vùng đã khẩn trương triển khai quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã và đang xây dựng 4 cụm công nghiệp với tổng diện tích 86,9 ha và đang trình phê duyệt 6 cụm công nghiệp vừa và nhỏ với tổng diện tích hơn 40ha; tỉnh Thái Nguyên đã có khu công nghiệp Sông Công đưa vào hoạt động và đang trình duyệt 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích 70 ha. Tỉnh Lạng Sơn đã triển khai xây dựng 2 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích 45,6 ha; tỉnh Yên Bái đã và đang hình thành 4 khu, cụm công nghiệp; tỉnh Lào Cai đang hình thành 3 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích 332 ha; tỉnh Sơn La đã hình thành 3 cụm công nghiệp… các tỉnh còn lại đang trong giai đoạn lập quy hoạch.
Tuy nhiên, do địa hình của khu vực bị phân cắt mạnh, các tỉnh miền núi đất đai canh tác ít và manh mún, hình thức quản lý và sử dụng đất hiện nay không thuận tiện cho việc “dồn điền đổi thửa” để có đất lập các khu, cụm công nghiệp; người dân đòi giá đền bù cao, nên tiến độ giải pháp mặt bằng thực hiện chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư, do vậy đã có nhiều nhà đầu tư phải tự mua đất hoặc thuê lại đất của các doanh nghiệp khác để làm mặt bằng. Hiện nay, Chính phủ chưa có quy định hướng dẫn về xây dựng và quản lý các khu, cụm, điểm công nghiệp, do đó từ tên gọi đến phương thức tổ chức quản lý, vận dụng đều chưa thống nhất.
Trong quá trình chuẩn bị cho việc hội nhập kinh tế quốc tế đã nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc. Ngoài một số doanh nghiệp quốc doanh trung ương và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang triển khai một số chương trình phục vụ cho hội nhập AFTA, còn hầu hết các doanh nghiệp quốc doanh thuộc tỉnh và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, do thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu, vốn ít, hiệu quả kinh doanh thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm hết sức hạn chế… nên rất lúng túng trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh lâu dài và lộ trình hội nhập của doanh nghiệp. Thực tế đó đặt ra cho các cấp, các ngành, các địa phương trong vùng cần tập trung chỉ đạo, kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện: Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, tăng cường đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng và phát triển thị trường, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước…
Nhằm tận dụng thế mạnh, biến tiềm năng thành sức mạnh kinh tế, các sở công nghiệp vùng I đã đưa ra một số giải pháp và định hướng phát triển, đó là: Tiếp tục đầu tư phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản. Đi đôi với việc củng cố, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhà nước (cả Trung ương và địa phương quản lý), khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này; Phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông lâm sản, chế biến thực phẩm, trên cơ sở sắp xếp lại các cơ sở hiện có, đầu tư đồng bộ để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; Đồng thời, khuyến khích đầu tư mới các cơ sở chế biến đã có vùng nguyên liệu tập trung và có thị trường tiêu thụ; Phát triển các cơ sở gia công, lắp ráp, tái chế… tại các thành phố, thị xã, các cửa khẩu… để giải quyết việc làm, thu hút lao động có trình độ và tay nghề ở lại địa phương làm việc, giảm sức ép về lao động tìm việc làm ở các thành phố lớn; Phát triển mạnh ngành, nghề thủ công, gắn với phát triển làng nghề. Sản phẩm chính của các làng nghề này là các mặt hàng thổ cẩm, thêu ren…theo các mẫu mã của đồng bào dân tộc trong vùng, các mặt hàng mỹ nghệ từ gỗ, tre, trúc, đá… phục vụ trong nước và xuất khẩu; Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống thủy điện cả quy mô lớn, vừa và nhỏ, để khai thác nguồn thủy năng dồi dào trong vùng, tăng nguồn phát cho lưới điện quốc gia; đồng thời tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng trong vùng v.v… Bên cạnh đó, cần thống nhất đầu mối quản lý từ Trung ương đến địa phương; Khẩn trương khắc phục những lĩnh vực còn chồng chéo hoặc bỏ sót quản lý. Tích cực cải cách thủ tục hành chính, phân cấp mạnh cho địa phương và cơ sở, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một đầu mối, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được vay vốn đầu tư để đồng bộ hóa dây chuyền sản xuất hoặc đầu tư mới từ quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia hoặc từ nguồn ODA để tăng năng lực sản xuất. Tiếp tục bổ sung vốn lưu động cho doanh nghiệp để tăng hiệu quả kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; Lập và thực hiện chính sách khuyến khích tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, giữa các doanh nghiệp địa phương với doanh nghiệp trực thuộc Bộ quản lý và giữa các doanh nghiệp trong ngành với các doanh nghiệp ngoài ngành trong đầu tư sản xuất công nghiệp trên địa bàn, trong đào tạo nguồn nhân lực, trong xúc tiến thương mại.