Người công nhân hết mình vì công việc

Trong chuyến đi công tác tại chi nhánh điện Thành Cổ, tôi được biết ở đây có nhiều công nhân rất cần mẫn và tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Vì đã có ý định từ trước sẽ viết về gương người tốt

Không bỏ lỡ dịp may mắn này, tôi đã tìm gặp bằng được Nguyễn Đăng Phương (công nhân bậc 6/7) khi anh đang thi công cải tạo tuyến đường dây hạ áp xã Triệu Đông để kịp tiến độ nghiệm thu bàn giao lưới điện, phục vụ bán điện đến từng hộ dân. Nguyễn Đăng Phương nhìn chúng tôi cười và nói hiền từ: "Công việc của em ngày nào cũng vậy, áo quần da cam mặc cả ngày, mũ bảo hộ và dây da an toàn luôn thường trực bên người, khi thì trèo cột căng dây, lắp đặt công tơ, lúc thì đi kiểm kê đường dây, vật tư thu hồi. Mục tiêu là hoàn thành công việc được giao mà anh". Câu nói mộc mạc chân thành ấy đã gây thiện cảm với tôi ngay từ đầu tiếp xúc với Phương.

Nguyễn Đăng Phương sinh năm 1968, bên dòng sông Thạch Hãn. Tuổi thơ của Phương phải chứng kiến và chịu đựng sự tàn khốc của bom đạn trong cuộc chiến tranh 81 ngày đêm Thành Cổ Quảng Trị năm 1972. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh rèn luyện trong quân ngũ 3 năm tại Sư đoàn rađa phòng không TP.Đà Nẵng, sau đó học tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật điện Hội An, chuyên ngành quản lý vận hành lưới điện. Năm 1996, Nguyễn Đăng Phương được tiếp nhận vào công tác tại Chi nhánh điện Thành Cổ. Tuổi trẻ nhiệt huyết và sôi nổi trong công tác được phân công là quản lý đường dây và tham gia tích cực các phong trào của đoàn thanh niên, nên sau hai năm công tác, anh Phương được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn cơ sở liên tục hai nhiệm kỳ 1998 - 2007 và nay là uỷ viên Ban chấp hành Công đoàn Điện lực Quảng Trị, Chủ tịch Công đoàn Chi nhánh điện Thành Cổ.

 Năm 1999, trận lụt bão lịch sử đã làm thiệt hại rất lớn tài sản lưới điện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Đăng Phương được giao nhiệm vụ chỉ huy Đoàn thanh niên Chi nhánh điện Thành Cổ khắc phục sự cố, hậu quả thiệt hại lưới điện tại những nơi xung yếu nhất của các xã ven biển Hải Lăng. Sau đợt khắc phục hậu quả lũ lụt, Nguyễn Đăng Phương được UBND tỉnh Quảng Trị tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc khắc phục hậu quả lũ lụt và Đoàn cơ quan Dân chính Đảng Tỉnh tặng  Giấy khen.

Năm 2005, một công việc đặc thù và khó khăn mà Chi nhánh điện Thành Cổ đảm nhận là chương trình xoá bán tổng, quản lý bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn 15 xã được đầu tư cải tạo bằng nguồn vốn ADB, và Nguyễn Đăng Phương được phân công làm nhóm trưởng nhóm lắp đặt công tơ. Lăn lộn với công việc được giao, đóng góp tích cực vào thành tích chung của đơn vị, vì thế trong năm 2005, Nguyễn Đăng Phương được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 2006, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ xoá bán tổng lưới điện hạ áp nông thôn, Nguyễn Đăng Phương được lãnh đạo Chi nhánh “chọn mặt gửi vàng”, giao làm Tổ trưởng tổ xoá bán tổng. Nói về công việc, Nguyễn Phương cởi mở tâm sự với tôi: "Để đảm bảo tiến độ và năng suất lao động, em phải lo tính toán vật tư, dụng cụ thi công, lập kế hoạch phương tiện xe máy từ hôm trước cho công việc ngày hôm sau. Đúng giờ làm việc đầu ngày, anh em trong tổ phải có mặt tại Chi nhánh để “xuất hành” về các xã. Nhiều khi công việc dở dang, bọn em phải gắng làm cho xong, nên kết thúc công việc quá giờ nghỉ trưa hoặc xế chiều là chuyện thường ngày, kể cả ngày thứ bẩy. Vào thời điểm "tăng tốc", anh em trong tổ làm cả ngày chủ nhật nữa”.

Vừa trực tiếp làm, vừa chỉ đạo sát sao từng công việc cho anh em trong tổ, chiếc điện thoại E-phone của Phương thỉnh thoảng lại được cầm lên a-lô để nhận sự điều hành từ lãnh đạo Chi nhánh, từ các bộ phận liên quan và mối quan hệ phối hợp công việc với ban quản lý các HTX. Công việc dồn dập như con thoi, sáng làm ở HTX này, chiều có thể lại sang địa bàn khác. Gặp các anh ở ban quản lý các HTX và các đại lý dịch vụ bán lẻ điện nông thôn một số xã của huyện Triệu Phong, tôi đều nghe chung một ý kiến: "Anh Nguyễn Đăng Phương về đây cứ thấy luôn tay luôn chân, người và việc luôn đi đôi với nhau như hình với bóng, làm việc với tinh thần và trách nhiệm cao".

Để có số liệu cho phương án đầu tư xây dựng và cải tạo sửa lớn ở các xã có dự án đầu tư ADB và các xã khác trong kế hoạch xoá bán tổng, Nguyễn Đăng Phương cùng tổ đã dùng thước dây loại 50 mét đi đo vẽ các tuyến đường dây hạ áp, có những tuyến phải lội ruộng, đi qua vườn nhà dân, bờ ao... Vừa đo vừa thống kê chi tiết các loại cột, xà, sứ, dây dẫn, tiếp địa, néo cột. Một con số nói lên sự chăm chỉ, miệt mài với công việc của một người công nhân chỉ lấy kết quả công việc làm thước đo cho mình và của đơn vị: Trong 20 ngày Phương cùng anh em trong tổ cầm thước dây đi đo vẽ và liệt kê khối lượng gần 120 km đường dây hạ áp nông thôn để kịp cho tiến độ lập hồ sơ tiếp nhận; bình quân mỗi ngày tổ xoá bán tổng lắp được 300 công tơ, tính đến nay tổ của Phương đã lắp được gần 8.000 công tơ cho các xã; ngoài ra Nguyễn Đăng Phương cùng với tổ xoá bán tổng còn tham gia trực tiếp thi công xây dựng và cải tạo trên 100 km đường dây hạ áp nông thôn để cấp điện an toàn, bán điện đến tận hộ dân. Vì thế, nếu có ai hỏi về địa danh hay con số đường dây, công tơ đã cải tạo và lắp đặt cho HTX này, xã kia thì Phương nói vanh vách, thuộc lòng như “cháo chảy”.

Nhiều năm liền, Nguyễn Đăng Phương đều đạt danh hiệu Lao động giỏi của Chi nhánh điện Thành Cổ và Điện lực Quảng Trị. Với tuổi nghề đang độ chín, có sức khoẻ và tâm huyết với nghề nghiệp, không nề hà bất cứ việc gì, Nguyễn Đăng Phương đang là nhân tố tích cực trong phong trào lao động sản xuất, đồng thời, anh còn được phong tặng danh hiệu Chủ tịch công đoàn giỏi của Điện lực Quảng Trị.