Từ mẹt chanh ớt

Buổi trưa, khi hoạt động kinh doanh tấp nập ở khu chợ đầu mối rau quả Tân Xuân (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) đã tạm lắng, các chủ vựa đang tạm ngơi tay sau một đêm dài vất vả, thì ở một góc chợ, tạ

Chuyện giữa chúng tôi và chị Lâm Kim Liên, chủ của ba gian hàng trên luôn bị ngắt quãng bởi điện thoại từ bạn hàng của chị gọi đến, người thì hỏi giá, người thì đặt hàng, lúc lại là “mối ruột” từ miền Tây gọi lên thông báo về tình tình thu mua hàng hóa… Tuy chỉ là một chủ vựa chuyên doanh chanh, ớt, tỏi, hành khô…, nhưng cách thức điều hành công việc và quy mô kinh doanh của vợ chồng chị Sáu Liên chẳng khác những doanh nghiệp lớn chuyên doanh hàng thực phẩm. 

Chị Sáu Liên

Chị kể, cũng như nhiều chủ vựa khác tại chợ đầu mối nông sản này, để có được cơ ngơi như hôm nay, chị đã lăn lộn với thương trường đến hơn 40 năm, bắt đầu từ việc phụ việc cho người ta trong chợ Cầu Muối năm 9, 10 tuổi.

Làm giàu từ vị “chua cay”

Cha mẹ nghèo, nhà đông con nên chị Liên phải lao động kiếm sống từ khi còn bé. Cũng may là nhà gần chợ Cầu Muối nên tìm việc không khó. Sáng sáng, chị phụ việc lặt vặt cho các chủ hàng trong chợ, khi vãn việc, chị xin hoặc mua rẻ hàng dạt từ các quầy bán sỉ, “dọn” lại cho bắt mắt, rồi sắp lên cái mẹt, ra lề đường bán cho người mua lẻ. Vì là buôn bán ở lề đường, không ổn định nên chị chọn mặt hàng chanh ớt, vừa dễ bán lẻ, vừa dễ bảo quản, ít hư hỏng.

Dần dần, tích lũy được chút vốn, chị bắt đầu mua hàng về bán tại chợ Xóm Chiếu, quận 8, nhưng vẫn gắn bó với những mối hàng tại chợ Cầu Muối. Cứ thế, ngày qua ngày, nhờ uy tín trong buôn bán, chị bắt mối được với một số thương lái miền Tây, giao dịch trực tiếp với họ, không cần qua các chủ sạp trong chợ.

Một trong những “mối ruột” của chị ngày ấy là một chủ hàng kiêm tài xế đến từ Chợ Gạo (Tiền Giang), người sau này thành “ông xã” của chị. Hai người bén duyên, cùng chung tay tạo dựng cơ đồ. Miệt mài lao động trong gần 20 năm, đến năm 28 tuổi, chị mới mua được một sạp hàng và chính thức trở thành một trong những chủ vựa lớn mặt hàng chanh, ớt và các gia vị khác của chợ Cầu Muối.

Nghề buôn sỉ hàng rau củ quả thật nhọc nhằn, lắm khi “đắt đồng, ế chợ”, để duy trì nguồn hàng ổn định, anh chị không chỉ trông chờ vào nguồn cung cấp hàng từ miền Tây mà còn chủ động tìm kiếm, mở rộng nguồn cung ra tận miền Trung, ra cả miền Bắc. Cũng may do thời tiết của ba miền khác nhau, thời vụ canh tác và thu hoạch cũng khác nhau nên nguồn hàng cung cấp cho chị khá dồi dào.

Do khéo léo trong buôn bán và linh hoạt trong việc điều chỉnh giá cả theo sát thị trường và thanh toán nhanh, dứt điểm cho nông dân, nên sạp hàng của gia đình chị dần trở nên nổi tiếng ở khu chợ Cầu Muối, cả khách và mối hàng tìm đến chị ngày càng nhiểu, công việc kinh doanh ngày càng phát đạt, cuốn theo cả năm người con và dâu rể của chị cùng tham gia. Gần 40 năm kể từ ngày ra chợ buôn bán, chị đã tậu được căn nhà mặt tiền ngay mặt chợ, điều mà trước đây chị không dám nghĩ tới.

Một bước ngoặt đến với gia đình chị khi Nhà nước cho di dời chợ Cầu Muối ra chợ đầu mối ở ngoại thành (chợ Tân Xuân, Hóc Môn), xa địa điểm cũ đến hơn 15km. Tiểu thương trong chợ không ít người băn khoăn, ngần ngại bởi dời chợ ra nơi xa xôi như thế giống như làm lại từ đầu, rồi còn mối hàng, còn khách quen, dễ gì họ đi theo mình.

Sau khi lên thăm khu chợ mới, chị Sáu Liên quyết định chuyển cả cơ nghiệp nhà mình lên đó, thuê luôn ba gian hàng để mở rộng kinh doanh. Với con mắt nhà nghề, chị đánh giá, khu chợ mới khang trang, thoáng, rộng, giao thông thuận lợi, về lâu dài, chắc chắn làm ăn sẽ tốt hơn khu chợ cũ chật hẹp trong lòng thành phố. Còn về khách hàng, nếu mình kinh doanh sòng phẳng, giữ uy tín, đương nhiên họ sẽ theo mình, chưa kể sẽ có thêm nhiều khách hàng mới do thuận lợi về giao thông mà tìm đến.

Nhận định của chị hoàn toàn chính xác. Chỉ một thời gian ngắn sau khi dọn về chợ mới, chị đã có được những khách hàng “đại gia”, trong đó có cả khách hàng nước ngoài. Từ đó, một dây chuyền thu mua và đóng gói hàng xuất khẩu đã hình thành ngay trước sân ba gian hàng của chị.

Hiện nay, ngoài những khách hàng lớn trong nước, đều đặn mỗi tuần, chị đều xuất một “công” hàng 10 tấn sang Singapore, chủ yếu là chanh tươi không hạt và ớt tươi đủ loại. Đơn hàng ngày càng nhiều, nhưng do thiếu mặt bằng nên chị không thể đáp ứng đủ yêu cầu của khách. Chị cũng đã cho làm kho lạnh ngay tại gian hàng để trữ hàng nhưng cũng không đủ cung cấp cho khách hàng từ nhiều nơi tìm đến.

Đầu năm nay, anh chị đã cùng nhau làm một chuyến xuất ngoại tìm hiểu thị trường một số nước để học hỏi, rút kinh nghiệm. Điều làm anh chị day dứt mãi là việc ở nước ngoài, rau, củ, quả được phân loại và đóng gói cẩn thận ngay tại nơi thu hoạch rồi mới vận chuyển đến chỗ buôn bán, như thế tránh được hư hao, thất thoát, lại giữ được chất lượng tươi ngon, còn nước mình thì do tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên nhà vườn chỉ đóng gói sơ sài, vận chuyển hàng mấy trăm, thậm chí cả ngàn cây số dưới thời tiết nóng bức, nên tỷ lệ hao hụt quá cao, hơn 30%, dẫn đến giá thành sản phẩm tưởng rẻ hóa đắt, khó cạnh tranh.

Những kiện hàng chanh ớt đã đóng gói xong chờ xuất khẩu. 

Chị ước mong, giá như Nhà nước tập trung đầu tư sắp xếp, quy hoạch lại vùng sản xuất cho nông dân để nông sản Việt Nam có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới thì nông dân và cả tầng lớp thương lái như chị đỡ vất vả, mới giàu lên được. “Nếu có nơi nào làm được điều này, chúng tôi sẵn sàng cùng góp sức, chứ còn bảo chúng tôi tự tổ chức lấy nguồn nguyên liệu và đóng gói tại chỗ thì không đủ sức” - chị chia sẻ.

Thấm nhuần đạo lý “lộc bất tận hưởng”, biết chia sẻ với những người khó khăn hơn mình là điều mà anh chị luôn tâm niệm và răn dạy con cháu, vì thế, năm nào gia đình chị cũng tổ chức những chuyến hàng thiện nguyện về những vùng quê hẻo lánh, trao tận tay người nghèo những món quà tình nghĩa chắt chiu từ lao động của cả gia đình. Theo Ban quản lý chợ Tân Xuân, mỗi khi có đợt kêu gọi đóng góp cho những chuyến hàng cứu trợ bà con những vùng bị thiên tai hoặc xây nhà tình thương…, gia đình chị Sáu Liên đều là một trong những tiểu thương tham gia tích cực nhất.

Người đời thường nói, cuộc đời thật lắm chông gai, hiếm ai chưa từng nếm trải đủ mặn, ngọt, chua cay mà lại thành công. Với anh chị Sáu Liên, chính vị “chua, cay” của chanh, ớt, của nông sản quê nhà đã đem lại ngọt ngào, hạnh phúc cho gia đình chị và bao gia đình nông dân đã gắn bó với cây chanh, trái ớt hàng chục năm nay. Âm thầm nhưng thật hiệu quả, hoạt động kinh doanh của những thương lái như chị Sáu Liên đã góp phần khơi thông dòng chảy cho nông sản Việt Nam tới với thị trường thế giới.

  • Tags: