Các cơ quan chức năng như: Tổ Giám sát, đánh giá đầu tư, Thanh tra Bộ Công nghiệp, Thanh tra Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước và các tỉnh, thành phố cũng thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát các đơn vị có dự án đầu tư để phát hiện, xử lý sai phạm, uốn nắn thiếu sót, hạn chế tiêu cực nảy sinh. Qua thanh tra, rà soát 89 dự án ở các đơn vị trong Bộ (tập trung ở một số viện, trường, tổng công ty 90), có tổng mức đầu tư là 5.916.578 triệu đồng, thì 66/89 dự án được hoàn thành với chất lượng cao, trong đó 61 dự án đã phát huy được hiệu quả. Đối với các viện nghiên cứu, các trường đào tạo, việc đầu tư đã mang lại hiệu quả to lớn. Trang thiết bị, công nghệ, cơ sở vật chất được đầu tư đã kịp thời phục vụ cho công tác nghiên cứu, ứng dụng, nâng cao trình độ cho cán bộ KHKT, đội ngũ giáo viên và học sinh. Về hoạt động tài chính, các chủ đầu tư đều quản lý vốn chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích và thanh quyết toán đúng quy định của Nhà nước, hạn chế được những biểu hiện tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí lớn…
Những thiếu sót, sai phạm
Qua kiểm tra, rà soát của Đoàn thanh tra Bộ Công nghiệp cho thấy nổi cộm những vấn đề sau đây: Trước hết, bộ máy một số ban quản lý còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực tư vấn, thiết kế còn hạn chế, sự phối hợp giữa chủ đầu tư với tư vấn và nhà thầu chưa chặt chẽ, đồng bộ… tiến độ giải ngân bị chậm, kéo theo hàng loạt những rắc rối mà chủ dự án không lường trước được. Điển hình là việc lập dự toán không sát với thực tế dẫn đến phải điều chỉnh mức đầu tư theo chiều tăng; phải thay đổi địa điểm xây dựng dự án, hoặc vừa thi công, vừa thiết kế, thiếu tính động bộ, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công; công tác giám sát công trình không chặt chẽ để xảy ra tình trạng làm bừa, làm ẩu, thay đổi chủng loại vật tư, bớt xén nguyên vật liệu, dẫn tới chất lượng công trình không đảm bảo thiết kế… Hầu hết số công trình, dự án có vốn đầu tư lớn qua thực tế kiểm tra đều bị chậm so với kế hoạch, trong đó có một số công trình phải hoãn lại, 05 công trình dù đã được đầu tư nhưng không phát huy được hiệu quả, trong đó có dự án phải dừng lại như: Công trình di dời và đầu tư mở rộng của Công ty Nhựa Rạng Đông; Các dự án chậm tiến độ như: Dự án Xây dựng Nhà máy khuôn mẫu và trục in của Công ty Nhựa Việt Nam; Dự án di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường và đổi mới dây chuyền sản xuất cồn tinh bột tại NM Rượu Bình Tây; Dự án di chuyển và đầu tư chiều sâu để nâng cao năng lực sản xuất của Công ty Caric (TCT Máy và Thiết bị công nghiệp); Công ty TNHH Cơ khí Hà Nội; Công ty TNHH Cơ khí Duyên Hải; Dự án Khu nhà ở chung cư Cầu Bươu của Tổng công ty Xây dựng công nghiệp; Dự án đầu tư di chuyển và xây dựng mới của Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo; Dự án Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hoá…
Được biết mới đây, cơ quan Kiểm toán Nhà nước lần đầu tiên được phép công bố báo cáo kết quả kiểm toán thu, chi ngân sách năm 2004 đã xác định, về quản lý thu, chi tài chính ở các DNNN thường bị sai lệch kết quả SXKD, nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, “lãi giả, lỗ thật”. Một số tổng công ty, doanh nghiệp do quản lý lỏng lẻo, cơ chế tạm ứng, thanh toán thực hiện không đúng nguyên tắc, dẫn tới có số nợ khó đòi quá lớn như: Tổng công ty Xây dựng công nghiệp (46,7 tỷ đồng); Tổng công ty Giấy (36,7 tỷ đồng); Tổng công ty Dệt May (328 tỷ đồng),… Đấy là chưa kể tình trạng quản lý vật tư, hạch toán nguyên giá và trích khấu hao tài sản cố định, sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ có chất lượng thấp, công tác quản lý đấu thầu mua sắm thiết bị, xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, các đề tài sáng kiến sử dụng vốn nhà nước… ở nhiều công ty, đơn vị hành chính sự nghiệp thiếu chặt chẽ, không đúng nguyên tắc, thiếu hiệu quả. Mặc dù trong số này có những yếu tố khách quan như Tổng công ty Dệt May do sắp xếp lại tổ chức, sáp nhập nhiều cơ sở làm ăn thua lỗ, nên gánh nặng tài chính đương nhiên Tổng công ty phải gánh chịu, nhưng dù thế nào thì đó cũng là hậu quả của quá trình buông lỏng quản lý ở một số doanh nghiệp. Đây chưa phải là đợt các cơ quan chức năng kiểm tra tất cả, bởi thực tế còn nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp đang hoạt động và thực hiện những dự án lớn, sử dụng một nguồn vốn của Nhà nước, vốn ODA… nếu thanh tra, chắc chắn sẽ không tránh khỏi sai phạm.
Biện pháp khắc phục và chấn chỉnh sai phạm
Ngay sau khi có kết luận thanh tra một số đơn vị trong Ngành, Bộ Công nghiệp đã đề ra một số biện pháp chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm. Mặc dù các cơ quan chức năng của Bộ đã xác định, những thiếu sót, sai phạm của đơn vị trong Ngành không trầm trọng nhưng Bộ Công nghiệp vẫn xử lý nghiêm khắc như: Giảm trừ giá trị các công trình khi thanh quyết toán do tính sai định mức, đơn giá; tiến hành thu hồi số tiền do nghiêm thu không đúng về khối lượng, đơn giá; kiểm điểm và quy trách nhiệm cá nhân đối với những cán bộ có sai phạm… Bộ Công nghiệp cũng đã chỉ đạo các đơn vị cần củng cố lại nhân sự, bổ sung những cán bộ có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ ở các ban quản lý dự án, phối hợp với các bộ, ngành để đào tạo, bồi huấn cho cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ; kiểm tra, rà soát lại các dự án đầu tư, đảm bảo phù hợp với quy hoạch đã phê duyệt, nếu thấy dự án không có tính khả thi hoặc không phù hợp với nhu cầu của thị trường, không phát huy được hiệu quả cho ngành thì quyết định ngừng thực hiện. Việc triển khai các dự án, công trình phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Nhà nước về đấu thầu; tăng cường giám sát thi công xây dựng, đẩy mạnh công tác kiểm tra chất lượng, khối lượng, tiến độ và an toàn lao động, về sinh môi trường; tránh biểu hiện tiêu cực thông đồng, móc ngoặc, nghiệm thu khống để rút tiền của Nhà nước và kịp thời phát hiện thiếu sót, sai phạm giữa các bên A – B để chấn chỉnh, nếu cần thì phải chuyển sang cơ quan pháp luật xử lý nghiêm túc.
Được biết, ngày 7-8-2006, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có Chỉ thị số 28/2006/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước, trong đó hấn mạnh: Những kết quả đạt được trong đầu tư xây dựng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế, tiến độ giải ngân các nguồn vốn, kể cả tín dụng Nhà nước và trái phiếu Chính phủ còn chậm, tình trạng yếu kém trong quản lý đầu tư, xây dựng vẫn chưa được khắc phục, gây ảnh hưởng không tốt đến kế hoạch năm 2006 và các năm sau. Thủ tướng yêu cầu, trong tháng 8 và quý III/2006, các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch HĐQT tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng giám đốc các tổng công ty phải chủ trì soạn thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, các Nghị định về quản lý và sử dụng vốn ODA, về quản lý dự án đầu tư công trình xây dựng...
Những biện pháp kiên quyết của Bộ Công nghiệp về tăng cường quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước được coi là định hướng chung để các đơn vị trong toàn Ngành thực hiện. Đặc biệt, việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, rút kinh nghiệm từ những vụ vi phạm trong công tác quản lý đầu tư, sử dụng nguồn vốn ở các công trình, dự án là những việc làm cần thiết và cấp bách, để không xảy ra thiếu sót, sai phạm, góp phần tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư khi Việt Nam chuẩn bị ra nhập WTO.