Phần lớn các cơ sở công nghiệp tập trung ở khu vực đô thị, tỉnh lỵ, các thị trấn và khu vực nông thôn hầu như chưa có hoặc quá ít; phân theo ngành, lĩnh vực kinh tế cho thấy: Thuỷ điện là lợi thế hàng đầu của vùng, nhưng mới chỉ chiếm 9,5% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản còn nhiều lúng túng, tự phát, thiếu quy hoạch, hiệu quả thấp; chế biến nông, lâm sản còn nhỏ, manh mún, chưa gắn bó với vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tới 99,63% số cơ sở, nhưng giá trị sản xuất chỉ bằng 47,1% so với cả vùng; cơ chế chính sách chưa thật sự khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển; trình độ công nghệ thấp kém, lạc hậu; năng lực cạnh tranh của công nghiệp chế biến yếu; rất ít doanh nghiệp tạo lập được thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường, cho nên hiệu quả chưa cao. Nhìn chung, công nghiệp chưa giữ được vai trò mở đường, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, chưa tạo được nguồn thu nhập cho lao động và tích luỹ cho ngân sách.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang Uỷ viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư chỉ rõ: Mục tiêu phát triển công nghiệp vùng Tây Bắc đến năm 2010 phải nhằm giải phóng mọi nguồn lực, tập trung cao độ cho khai thác thế mạnh phát triển công nghiệp vùng, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế (theo ngành, vùng, theo thành phần kinh tế), rút ngắn khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển trong nội vùng và so với các vùng khác, đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng trong vùng và cho cả nước.
Đồng chí Trương Tấn Sang biểu thị sự nhất trí cao với đề án, nhưng cũng nhấn mạnh cần nhận thức đúng và phát huy những tiềm năng lợi thế của vùng, tập trung phát triển thuỷ điện, khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản và phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với dịch vụ du lịch. Để mục tiêu trở thành hiện thực, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu như: đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch, rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp (quy hoạch ngành nghề, quy hoạch vùng, khu, cụm công nghiệp) làm định hướng và tạo điều kiện thuận lợi thu hút đến mức cao nhất các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp hàng hoá, đáp ứng yêu cầu thị trường và xu thế hội nhập. Cải thiện kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực. Cải tiến cơ chế chính sách và thực hiện một số chính sách ưu đãi đặc thù về tài chính, tín dụng như: chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án đầu tư trên địa bàn; miễn giảm thuế sử dụng đất, kinh phí giải phóng san lấp mặt bằng, thuê đất…; ưu đãi vay vốn từ quỹ Hỗ trợ phát triển, vốn ODA, phát hành trái phiếu, lập quỹ khuyến công; hỗ trợ đào tạo nghề tại nhà trường, thu hút lao động và dạy nghề tại cơ sở sản xuất; hỗ trợ tổ chức xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho doanh nghiệp vừa và nhỏ… Với các giải pháp tổng hợp và đồng bộ, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương và các cấp các ngành liên quan, nhất định công nghiệp vùng Tây bắc sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.