Công nghiệp chế biến Nông, Lâm, Thủy sản, Thực phẩm: Những định hướng phát triển cơ bản đến năm 2010

1. Những kết quả đạt được trong thời gian qua Công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản, thực phẩm bao gồm 4 phân ngành: + Phân ngành chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống. + Phân ngành chế biến

 

- Giá trị SXCN liên tục tăng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 1996-2000 là 9,44%, năm 2001 tiếp tục tăng 13,45% và năm 2002 tăng 13,3% so với năm trước. Tỷ trọng công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản - thực phẩm - đồ uống năm 2002 trong công nghiệp chế biến là 35,08% và trong toàn ngành công nghiệp năm là 28,11%.

- Các sản phẩm chế biến hàng năm đều gia tăng về số lượng và chất lượng.

- Đã hình thành một số cơ sở công nghiệp chế biến có công nghệ và thiết bị tương đối hiện đại (xay xát, chế biến mủ cao su, đường sữa, dầu thực vật...).

- Công nghiệp chế biến đã làm thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu và làm tăng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông -lâm - thủy sản.

- Chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì của nhiều mặt hàng chế biến đã được cải tiến từng bước, đang chiếm lĩnh thị trường trong nước và một số mặt hàng bước đầu được thị trường nước ngoài chấp nhận.

- Góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong cả nước.

Tuy nhiên, công nghiệp chế biến NLTS cũng còn có một số tồn tại như:

- Công tác quy hoạch, cả quy hoạch vùng nguyên liệu lẫn quy hoạch đầu tư phát triển CB NLTS, còn kém. Một mặt, do công tác điều tra cơ bản vừa yếu lại vừa chậm, trình độ năng lực cán bộ làm công tác quy hoạch còn hạn chế... nhưng mặt khác, cũng do chủ quan của các cơ quan chủ quản xây dựng và thực hiện quy hoạch.

- Sự phối hợp giữa các địa phương và vùng miền chưa tốt, trong một số trường hợp còn xảy ra hiện tượng phát triển ngành CB NLTS theo phong trào (đường mía, tôm, cà phê...) nên không những hiệu quả thấp, mà đôi khi còn gây những thiệt hại lớn đối với bà con nông dân và Nhà nước.

- Tỷ trọng công nghiệp chế biến một số nông, lâm sản còn thấp so với nguyên liệu hiện có như mía đường 30%, chè 55%, rau quả 5%, thuỷ sản thịt xuất khẩu 1%... Riêng chế biến thuỷ sản có giá trị khá hơn (65,8%) nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Ngành. Tác động của công nghiệp chế biến, nhất là chế biến đồ uống từ hoa quả để tiêu thụ nông sản, đến việc thay đổi cơ cấu và phát triển cây trồng, vật nuôi chưa mạnh;

- Chất lượng sản phẩm chưa cao, mặt hàng đơn điệu, tính cạnh tranh kém, giá trị thấp, giá xuất khẩu thường thấp hơn giá thị trường thế giới cùng loại 10 - 15%;

- Việc đa dạng hóa và tận dụng trong chế biến còn thấp. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là dạng sơ chế.

- Tỷ lệ thất thoát ở các khâu thu hoạch và sau thu hoạch còn lớn, như lương thực 8 - 10% (thậm chí vụ lúa hè thu ở Đồng bằng Sông Cửu Long đến 15%), rau quả 7 - 8%.

- Còn sử dụng nhiều thiết bị cũ, trình độ công nghệ còn thấp so với khu vực và trên thế giới, hiệu suất sử dụng thiết bị còn chưa cao.

Nguyên nhân của các tồn tại là:

- Đầu tư cho công nghiệp chế biến chưa tương xứng với tốc độ phát triển của nông, lâm, thủy sản. Hệ số đổi mới thiết bị trong những năm qua mới đạt ở mức 7%/năm (bằng 1/2 đến 1/3 mức tối thiểu của các nước khác).

- Chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến như thiếu quy hoạch và chính sách phù hợp cho vùng nguyên liệu tập trung, việc đưa giống mới, cải tạo giống, áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến thích hợp còn chậm... Nhiều nhà máy chưa chủ động xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đủ cho chế biến. Giữa xây dựng nhà máy chế biến và phát triển vùng nguyên liệu còn chưa đồng bộ.

- Công tác tiếp thị còn yếu kém, chưa có chiến lược về thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản. Chưa có thị trường xuất khẩu ổn định, đồng thời chưa quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa.

- Việc đầu tư cơ sở hạ tầng (đường sá, thủy lợi...) chưa theo kịp với việc xây dựng nhà máy chế biến, mức độ đầu tư cũng chưa hợp lý, có lúc còn xem nhẹ.

- Các chính sách tuy đã có một số khuyến khích, nhưng vẫn chưa vận động được mọi thành phần kinh tế tham gia tích cực vào phát triển công nghiệp chế biến.

- Công tác đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ công nhân kỹ thuật cho công nghiệp chế biến chưa tương xứng và đồng bộ với quy mô và tốc độ phát triển. Công tác nghiên cứu thiếu tập trung, đặc biệt là việc nghiên cứu về giống để có vùng nguyên liệu năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ cho chế biến còn bị xem nhẹ.

2. Định hướng phát triển ngành trong thời gian tới

Trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước, ngành CB NLTS được xác định là có lợi thế cạnh trạnh hàng đầu trong các ngành công nghiệp cả nước.

Trong quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới và khu vực, ngành công nghiệp nói chung và ngành CB NLTS của nước ta có điều kiện thuận lợi để tranh thủ sự giúp đỡ và học tập kinh nghiệm từ các nước trong việc lựa chọn các bước đi thích hợp, trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự phát triển vượt bậc của ngành Nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua đã tạo điều kiện quan trọng về nông sản hàng hóa cho tiêu dùng, xuất khẩu và phục vụ cho ngành CB NLTS. Nhiều chủ trương của Đảng và Nhà nước được ban hành và thực hiện có kết quả, đang tiếp tục được hoàn thiện, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất công nghiệp nói chung, trong đó có ngành CB NLTS. Lực lượng lao động dồi dào, trình độ học vấn trương đối khá, cần cù, chịu khó và có khả năng tốt trong tiếp thu chuyển giao công nghệ, nhất là lao động đã qua đào tạo… Đó là những tiềm năng to lớn cho phát triển kinh tế nói chung và phát triển CB NLTS nói riêng.

Để khai thác triệt để và phát huy những tiềm năng vốn có của ngành Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, Ngành cần tập trung phát triển theo những định hướng chủ yếu sau:

- Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản - và thực phẩm đồ uống vào những ngành có lợi thế cạnh tranh và nguồn nguyên liệu dồi dào của nền nông - lâm - ngư nghiệp nhiệt đới, sản phẩm có thị trường tiêu thụ lớn trong nước và xuất khẩu.

- Nhanh chóng giảm dần các sản phẩm sơ chế, tích cực nhập khẩu, đầu tư các công nghệ chế biến sâu để chế biến ra những sản phẩm tiêu dùng cuối cùng, nhằm tăng nhanh giá trị của hàng hóa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Phát triển chế biến gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết nguồn nhân lực dư thừa ở khu vực nông thôn, phù hợp với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

- Phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản - thực phẩm trên cơ sở quy hoạch chung của quốc gia, với phương châm phát triển công nghiệp chế biến phải gắn liền với phát triển vùng nguyên liệu, gắn liền với việc CNH phát triển nông thôn, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn.

- Huy động mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp chế biến, trong đó thành phần kinh tế quốc doanh nắm vai trò chi phối.

- Đa dạng hóa về quy mô và loại hình sản xuất, song song với xây dựng các cơ sở chế biến tập trung tại các vùng nguyên liệu lớn, đồng thời khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống và công nghiệp gia đình...

- Đi đôi với phát triển công nghiệp chế biến, cần quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái để đảm bảo cho công nghiệp chế biến phát triển bền vững và hiệu quả.

Căn cứ nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, kết hợp với năng lực hiện có và kế hoạch đầu tư mới trong các phân ngành CB NLTS, mục tiêu phát triển một số sản phẩm chính của ngành CB NLTS được đặt ra là: (Xem bảng 1)

Về xuất khẩu: Phấn đấu đến năm 2005, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm sản chế biến đạt từ 5 - 6 tỷ USD, tỷ trọng chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. (Xem bảng 2)

Trên cơ sở các dự báo và mục tiêu phát triển đã nêu trên, căn cứ vào điều kiện phát triển của từng vùng kinh tế, có thể định hướng phát triển CB NLTS trên các vùng như sau:

- Vùng 1 (Vùng núi phía Bắc): Chủ yếu sản xuất và chế biến chè, cà phê, rau quả, giấy, thuốc lá.

- Vùng 2 (Đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ): Chủ yếu là chế biến thịt xuất khẩu, rau quả, gạo, chè, mía đường, sữa, dầu thực vật, giấy...

- Vùng 3 (Duyên hải miền Trung): Chủ yếu là mía đường, chế biến gỗ, điều, thuỷ sản...

- Vùng 4 (Tây Nguyên): Chủ yếu là sản xuất chế biến cà phê, cao su, điều...

- Vùng 5 ( Đông Nam bộ): Tập trung vào chế biến mủ cao su, giấy, thịt, dầu thực vật, điều, gạo...

- Vùng 6 (Đồng bằng Sông Cửu Long): Chủ yếu là chế biến gạo, thuỷ sản, mía đường, dầu thực vật...

3. Một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển các ngành công nghiệp chế biến

Để đạt được các mục tiêu trên, một số giải pháp chính được đề xuất là:

1. Quy hoạch và xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung

1. Quy hoạch từng ngành và từng vùng phát triển công nghiệp chế biến phải gắn liền với vùng nguyên liệu.

2. Tiếp tục hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu như:

- Các vùng tập trung trồng lúa xuất khẩu ở đồng bằng Sông Cửu Long và đồng bằng Sông Hồng với tổng diện tích khoảng 1,3 triệu ha, để hàng năm sản xuất ra khoảng 70% lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao.

- Các vùng cà phê thâm canh cao ở Tây Nguyên, miền núi phía Bắc; các vùng chè xuất khẩu, nhất là vùng chè ở độ cao trên 1.000 mét để chế biến chè xanh đặc sản. Vùng sản xuất tập trung cây ăn quả đặc sản, vùng rau và chăn nuôi xuất khẩu...

3. Việc quy hoạch xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung gắn với việc xây dựng cơ sở chế biến công nghiệp phải đáp ứng yêu cầu:

- Có điều kiện sinh thái thích hợp với sinh trưởng cây trồng, vật nuôi; diện tích, sản lượng phải đáp ứng đủ cho các nhà máy hoạt động liên tục trong thời gian chế biến quy định.

Chọn lọc giống tốt cho sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, đồng đều theo nhu cầu thị trường xuất khẩu và yêu cầu của CB NLTS.

- Hướng dẫn nông dân kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản, vận chuyển để không làm tổn thất về số lượng cũng như chất lượng nông - lâm - thủy sản phục vụ chế biến.

- Tổ chức tốt việc thu mua nguyên liệu. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng. Tạo mối liên hệ giữa nông dân, ngư dân và công nhân nhà máy, giữa nuôi trồng, đánh bắt và chế biến trong các tổ chức hợp tác, nhằm điều hòa lợi ích hợp lý giữa các phía, khuyến khích người sản xuất nguyên liệu góp vốn (hoặc đóng cổ phần) với nhà máy.

2. Tiếp tục đổi mới về tổ chức quản lý trong chế biến nông - lâm - thủy sản - thực phẩm

- Nghiên cứu việc chuyển đổi các cơ sở chế biến gắn liền với sản xuất nguyên liệu và thị trường thành một tổ chức quản lý. Phát triển các loại hình doanh nghiệp và các tổ chức khác nhau để liên kết giữa người sản xuất  nguyên liệu với nhà máy chế biến như công ty cổ phần, xí nghiệp hợp tác, hiệp hội...

- Củng cố, tăng cường lực lượng và cơ sở vật chất cho bộ máy quản lý chế biến nông - lâm sản tại các tỉnh, các vùng làm nhiệm vụ chuyển giao công nghệ, tư vấn, thị trường, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, huấn luyện đào tạo. Mỗi tỉnh có từ 1 - 2 trung tâm, toàn quốc có khoảng 70 trung tâm.

- Các địa phương có kế hoạch cụ thể về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn, thông qua chương trình chế biến nông - lâm - thuỷ sản, xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung để tận dụng cơ sở hạ tầng, tiết kiệm đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm... Từ đó hình thành các liên hiệp sản xuất hoặc các Tổng công ty sản xuất, kinh doanh thực sự có mối quan hệ hữu cơ và đem lại hiệu quả.

3. Đầu tư phát triển cơ sở chế tạo thiết bị phục vụ công nghiệp chế biến

- Xây dựng lực lượng tư vấn, thiết kế và chế tạo đủ năng lực thực hiện các dự án xây dựng các nhà máy chế biến nông - lâm sản.

- Mỗi nhà máy chế biến phải có xưởng cơ khí để sửa chữa, bảo dưỡng máy thường xuyên, định kỳ.

- Tổ chức các lực lượng cơ khí chế tạo theo nguyên tắc chuyên môn hóa, hợp tác hóa, liên doanh hợp tác với nước ngoài để từng bước chế tạo từng phần, tiến tới chế tạo toàn bộ các dây chuyền thiết bị cho các ngành chế biến nông - lâm sản chủ yếu. Trước hết là dây chuyền thiết bị cỡ nhỏ và vừa để phục vụ mục tiêu CNH nông nghiệp và nông thôn nói chung.

4. Xây dựng các cụm công nghiệp, làng nghề phục vụ sơ chế, tinh chế nông - lâm - thủy sản.

- Đẩy mạnh đầu tư các cơ sở chế biến quy mô phù hợp, phát triển một số ngành nghề phục vụ sơ chế, tinh chế nông-lâm-thuỷ sản có trên địa bàn.

- Phục hồi, duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống, nhất là trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, tận dụng nguồn nguyên liệu ở địa phương (mây tre đan, thêu ren, chạm khắc mỹ nghệ...).

- Phát triển thị trường và dịch vụ ở nông thôn.

5. Huy động mọi nguồn vốn, mọi thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia CB NLTS

- Cần đề ra chính sách để các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các Tổng công ty nhà nước, phát triển đầu tư về các vùng nông thôn nhằm phát triển ngành CB NLTS.

- Nhà nước hỗ trợ tích cực và có hiệu quả cho phát triển kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân để góp phần ngày càng nhiều vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước.

6. Một số giải pháp khác

- Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc khai thác các thị trường mới; điều hoà sản xuất, kinh doanh giữa các thành viên, tránh gây khủng hoảng thừa, thiếu, sốt giá.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thông qua việc cung cấp đầy đủ, kịp thời cho nông dân, ngư dân, các doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng những thông tin về thị trường, pháp luật, tập quán kinh doanh ở các nước và các tổ chức quốc tế. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập quan hệ, tìm hiểu thị trường, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ và đào tạo với các đối tác nước ngoài.

  • Tags: