Thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ

Khẳng định Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, song ông Jay Eizenstat, nguyên chuyên viên cao cấp Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần hết

          

            Tránh bị kéo vào những vụ kiện

            Theo ông Jay Eizenstat, doanh nghiệp Việt Nam nên tránh để bị kéo vào những vụ Mỹ kiện Trung Quốc về bán phá giá thép, giày da, may mặc, đồ gỗ... vào thị trường Mỹ. Những biện pháp về thương mại của Trung Quốc hiện nay vẫn gây lo ngại cho Mỹ, chẳng hạn hạn ngạch hàng dệt may không còn áp dụng với Trung Quốc thì hàng Trung Quốc có thể tràn ngập Mỹ chứ không phải là hàng Việt Nam. Quốc hội Mỹ đã yêu cầu Uỷ ban Thương mại quốc tế của Mỹ theo dõi khối lượng hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc. Hàng dệt may từ Việt Nam ít có khả năng bị Mỹ áp dụng chế tài riêng, nếu có thì sẽ áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc thuế đối kháng dành cho một nhóm quốc gia.

            Luật thực thi thương mại mới cho phép chính quyền Mỹ áp dụng thuế đối kháng với sản phẩm nước ngoài. Lần đầu tiên họ áp dụng với nền kinh tế phi thị trường là vụ bán phá giá mặt hàng giấy không bọc của Trung Quốc vào năm ngoái. Trong thời gian tới, các ngành công nghiệp Mỹ có thể kiện một ngành hàng của nước xuất khẩu và yêu cầu Chính phủ Mỹ áp dụng thuế đối kháng với nước đó. Điều này ảnh hưởng đến các ngành hàng xuất khẩu chính yếu của Việt Nam như thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ.

            Việt Nam đang được hưởng chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), nhưng sẽ hết hạn vào cuối năm nay, sau đó nếu tiếp tục được áp dụng, phải được Quốc hội Mỹ tái phê chuẩn. Rất có khả năng kỳ phê duyệt vào cuối năm nay Quốc hội Mỹ sẽ đưa ra những thay đổi về GSP đối với Việt Nam.

            Những luật có lợi cho thương mại và đầu tư của Việt Nam

            Những thay đổi về Luật Hải quan của Mỹ sẽ tác động đến Việt Nam, được phân chia thành hai nhóm: những quy định chung về thủ tục hải quan và những quy định riêng cho Việt Nam. Hải quan Mỹ đòi hỏi các công ty nhập khẩu cũng như các hãng tàu phải chung cấp cho hải quan nhiều thông tin hơn, sớm hơn về cả dây chuyền cung ứng. Hồ sơ cho hàng nhập khẩu vào Mỹ gồm thông tin về hàng hóa vận chuyển, nguồn gốc hàng hóa. Những đòi hỏi mới đối với hãng tàu là phải nộp thông tin về con tàu, hàng hóa trên tàu, trạng thái của container chứa hàng không chậm hơn 24 giờ trước khi xuất phát. Các cơ quan thương mại Mỹ đòi hỏi các nhà nhập khẩu báo cáo giá tính cho lô hàng bán lần thứ nhất (do nhà sản xuất bán cho trung gian) hay giao dịch bán hàng lần cuối cùng vì thuế hải quan khác nhau. Nếu giá lô hàng tính theo giao dịch bán hàng lần cuối cùng (không qua trung gian) thì thuế hải quan sẽ cao hơn.

            Ngành dệt may cũng cần chú ý những điều chỉnh bổ sung trong Luật cải thiện an toàn sản phẩm tiêu dùng năm 2008. Doanh nghiệp cần chú ý quy định mới về hàm lượng chì trong sách, sản phẩm vệ sinh răng miệng, áo quần, giày dép, tấm đệm lót cho trẻ em. Mặc dù luật này chỉ trừng phạt nhà nhập khẩu, nhưng phí nhà sản xuất Việt Nam nếu không hợp tác, không cung cấp thông tin dẫn tới việc nhà nhập khẩu bị phía Mỹ phạt thì quan hệ kinh doanh của hai bên sẽ xấu đi. Luật về trồng trọt năm 2008 bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ. Doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam phải có hệ thống theo dõi hàng tồn kho và truy nguyên nguồn gốc gỗ, đảm bảo không sử dụng gỗ khai thác trái luật để làm hàng xuất khẩu sang Mỹ.

            Sáng kiến quan trọng nhất của Mỹ về tự do hóa thương mại là tiến tới ký kết Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương. Hiệp định này quan trọng với Mỹ vì Mỹ vẫn muốn duy trì sức cạnh tranh của nền kinh tế với vùng châu Á – Thái Bình Dương. Đông Á và Bắc Á đã triển khai Hiệp định thương mại tự do khu vực, nhưng Mỹ đứng bên ngoài. Theo các nhà kinh tế Mỹ, giới trung lưu vùng Đông Nam Á gia tăng, đó là thị trường tiềm năng cho hàng hóa của Mỹ và cho các công ty Mỹ đầu tư trực tiếp vào. Hiệp định này cũng quan trọng với Việt Nam vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn cũng như là nguồn thu hút đầu tư vào Việt Nam. Hiệp định sẽ dành ưu đãi cho Việt Nam trong nhiều ngành, từ hàng hóa đến dịch vụ, trong đó có hàng dệt may, da giày.

Khánh Vân

 

 


Đưa hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ chịu tác động của nhiều đạo luật mới

 

            Sau khi ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hoa Kỳ, thị trường Hoa Kỳ từ nhập khẩu với kim ngạch khiêm tốn, trong 4 năm qua đã vươn lên thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

            Ngày 27/4, Bộ Công Thương phối hợp với các chuyên gia Hoa Kỳ tổ chức hội thảo phổ biến những quy định mới liên quan đến việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ.

            Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết quý I/2009, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ có suy giảm không lớn, nhưng một số mặt hàng lại có suy giảm đáng kể. Chẳng hạn, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm 10% (đạt 203 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2008, thủy sản giảm 2,2% (đạt 111 triệu USD), dệt may giảm 2,9% (đạt 1,06 tỷ USD)... trong khi đối với Việt Nam, thị trường Hoa Kỳ có ý nghĩa quan trọng.

            Trước khi xuất hàng, nghiên cứu kỹ luật Hoa Kỳ

            Năm 2008, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt xấp xỉ 12 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản, thủ công mỹ nghệ đã chiếm được thị phần tương đối đáng kể và trở thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nhưng trong năm 2007 và 2008, Hoa Kỳ đã thông qua một loạt đạo luật và các văn bản quy định những điều kiện liên quan đến nhập khẩu một số mặt hàng, trong đó có những mặt hàng chiếm thị phần rất lớn trong xuất khẩu của Việt Nam, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

            Theo bà Cathy Sauceda, Giám đốc phụ trách An toàn nhập khẩu và các yêu cầu liên ngành của Hải quan Hoa Kỳ, một số quy định mới trong Đạo luật Nông trại, Đạo luật Lacey sửa đổi (thực thi toàn bộ từ ngày 01/5/2009) và Đạo luật Cải tiến an toàn sản phẩm tiêu dùng sẽ tác động trực tiếp đến việc xuất khẩu nông sản, hải sản, đồ gỗ, hàng tiêu dùng... của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới. Những quy định này được thực thi nhằm nâng cao an ninh nhưng vẫn đảm bảo lưu chuyển hàng hóa. Trong đó, những lĩnh vực Hoa Kỳ sẽ tăng cường kiểm tra, giám định là hàng dệt may, sở hữu trí tuệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp...

            Phân tích cụ thể hơn, Luật sư Brenda A. Jacobs, Công ty luật Sidley Austin (Hoa Kỳ), cho biết, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động lớn bởi các đạo luật nói trên như cá tra, cá basa, đồ gỗ và các sản phẩm gỗ. Bởi sắp tới đây, một luật mới khác của Hoa Kỳ sẽ buộc các lô hàng các lô hàng cá da trơn phải chịu sự kiểm tra khi xuất khẩu vào thị trường này. Đây là nguy cơ đối với Việt Nam nếu biện pháp kiểm tra toàn bộ sẽ được áp dụng. Hơn nữa, các nhà sản xuất của Hoa Kỳ đang vận động mạnh mẽ để Hoa Kỳ áp dụng bắt buộc phải phân loại theo chất lượng và điều này phải được thể hiện ngay trên bao bì sản phẩm, điều đó có nghĩa là chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên.

            Còn đối với mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ, bà Brenda A. Jacobs cho biết, theo Đạo luật nông trại 2008, nhà nhập khẩu phải đáp ứng yêu cầu khai báo nhập khẩu. Xuất phát từ việc các nhóm môi trường tại Hoa Kỳ khẳng định rằng 10% các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Hoa Kỳ hàng năm trị giá khoảng 3,8 tỷ USD là được thu từ gỗ chặt đốn trái phép. Và các nhóm công nghiệp thì khẳng định rằng việc chặt đốn gỗ trái phép này tạo ra sự cạnh tranh không công bằng với thương mại và sản xuất hợp pháp tại Hoa Kỳ. Mặc dù trước mắt, Hoa Kỳ chỉ áp dụng đối với gỗ nhiên liệu, gỗ thô nhập khẩu, nhưng mỗi tháng sẽ được đưa vào 1 giai đoạn mới và bổ sung thêm những sản phẩm mới, và từ tháng 4/2010 sẽ áp dụng đối với tất cả sản phẩm gỗ và đồ gỗ nội thất – đây là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ.

            Tìm kiếm đối tác có uy tín

            Để đưa hàng hóa thành công vào thị trường Hoa Kỳ, một lời khuyên hữu ích được bà Cathy Sauceda đưa ra cho các doanh nghiệp Việt Nam là không nên bỏ qua hoặc không quan tâm đúng mức đến các công đoạn trong chuỗi cung ứng. Muốn vậy, doanh nghiệp phải làm việc với những đối tác Hoa Kỳ có uy tín, có kinh nghiệm để có thể chuyển hàng hóa hiệu quả đến Hoa Kỳ.

            Nhưng trước đó, song song với việc các nhà sản xuất Việt Nam cần đảm bảo sản xuất hàng hóa có chất lượng thì doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phải biết rõ nhà cung cấp nguyên liệu cho mình là ai, sản phẩm xuất khẩu có được kiểm nghiệm không, rồi tiếp đó mới tới ai là người vận chuyển, ai là người đưa sản phẩm vào Hoa Kỳ và ai là người phân phối đến người tiêu dùng.

            Ông Nguyễn Thành Biên cũng khuyến cáo, Hoa Kỳ vẫn là một thị trường lớn và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2009 và các năm tiếp theo. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tổ chức tốt hơn công tác thị trường nước ngoài, nắm bắt và tổ chức các hoạt động giao lưu, tiếp xúc với các bạn hàng nhập khẩu, các tổ chức bán buôn, bán lẻ để hiểu rõ những thay đổi trong cơ chế quản lý nhập khẩu của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tiếp xúc với cơ quan tư vấn để họ hướng dẫn về 3 đạo luật mới trên do nó tác động trực tiếp đến hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp, bởi đây là những hàng rào kỹ thuật thương mại mới và phức tạp cho nên doanh nghiệp cần nghiên cứu sâu với sự hỗ trợ của các chuyên gia. Tóm lại, doanh nghiệp cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa 3 khâu sản xuất, nắm bắt thông tin và tổ chức xúc tiến thương mại.

            Về phía Bộ Công Thương sẽ tích cực phổ biến cho doanh nghiệp nắm được những quy định mới liên quan đến chính sách và điều tiết nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, cũng như có biện pháp tổ chức thực hiện để có thể giảm thiểu tác động từ việc thực thi các quyết định này đến xuất khẩu của Việt Nam, tăng cường chất lượng của các quy định để phù hợp với các quy định của Hoa Kỳ.

Hồng Thoan

 


Hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ ở Hoa Kỳ

 

            1. Hệ thống phân phối

            Phân phối hàng hóa là một hoạt động vô cùng quan trọng trong thành công của một công ty. Một công ty có thể sản xuất ra những sản phẩm chất lượng tốt, giá rẻ, mẫu mã đẹp nhưng nếu không thiết lập được cho mình một/hoặc nhiều kênh phân phối thích hợp thì khó có thể đưa những sản phẩm của mình đến khách hàng được. Nếu như trước đây, nhà sản xuất có thể bán trực tiếp các sản phẩm của mình cho khách hàng, thì ngày nay, rất ít công ty có thể làm được điều đó mà các công ty này chỉ là một mắt xích trong cả dây chuyền sản xuất và cung cấp hàng hóa. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực tin học cũng đem lại những hình thức phân phối hàng hóa mới đa dạng và phức tạp hơn trước rất nhiều.

            Vậy kênh phân phối là gì? Kênh phân phối (distribution channel) hay còn gọi là kênh tiếp thị (marketing channel) là một chuỗi các tổ chức phụ thuộc lẫn nhau cùng tham gia vào quá trình đưa sản phẩm và dịch vụ tới người sử dụng hoặc tiêu dùng. Những chủ thể chính trong kênh phân phối là nhà sản xuất, người bán buôn, người bán lẻ và người tiêu dùng. Nếu kênh phân phối chỉ có nhà sản xuất và người tiêu dùng mà không có sự tham gia của các đối tượng trung gian thì kênh phân phối đó là kênh phân phối trực tiếp; nếu có các đối tượng trung gian khác tham gia thì gọi là kênh phân phối gián tiếp.

            Trước đây, ở Hoa Kỳ chủ yếu tồn tại loại kênh phân phối truyền thống (conventional distribution channel) bao gồm một hoặc nhiều nhà sản xuất, bán buôn, bán lẻ độc lập với nhau và mỗi chủ thể trong kênh phân phối đó tìm cách tối đa hóa lợi nhuận của mình ngay cả khi phải hy sinh lợi nhuận của cả hệ thống. Trong hệ thống phân phối này, không một thành viên nào có nhiều ràng buộc hay kiểm soát đối với các thành viên khác, không có quy định rõ ràng chức năng của từng thành viên trong hệ thống cũng như cách thức để giải quyết xung đột giữa các thành viên trong hệ thống nếu có. Kênh phân phối theo kiểu này ngày nay còn rất ít mà được thay thế bởi hình thức kênh phân phối theo chiều dọc (vertical distribution channel). Kênh phân phối theo chiều dọc là kênh phân phối trong đó, nhà sản xuất, người bán buôn, người bán lử hoạt động như một thể thống nhất. Mỗi thành viên trong hệ thống có thể có sở hữu hay thỏa thuận với các thành viên khác hoặc có sức mạnh to lớn khiến cho các thành viên khác phải hợp tác. Hệ thống phân phối này có thể bị chi phối bởi nhà sản xuất, người bán buôn hay người bán lẻ. Có 3 loại kênh phân phối theo chiều dọc chính như sau:

            Kênh phân phối chiều dọc theo hình thức công ty (Corporate VMS): là một kênh phân phối theo chiều dọc bao gồm nhiều giai đoạn kế tiếp nhau của hoạt động sản xuất và phân phối dưới cùng một sở hữu đơn nhất. Việc phối hợp và giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên đó có chung sở hữu. Ví dụ, hơn 50% hàng hóa bán trong các cửa hàng của tập đoàn bán lẻ Sears được cung cấp bởi các công ty mà Sears sở hữu một phần hoặc toàn phần. Các cửa hàng của Giant Food cũng bán đô uống, kem, bánh ngọt do chính các cơ sở sản xuất của Giant Food cung cấp.

            Kênh phân phối chiều dọc theo thỏa thuận (Contractual VMS): là kiểu phân phối theo chiều dọc trong đó các thành viên độc lập ở những giai đoạn sản xuất và phân phối liên kết lại với nhau nhằm tiết kiệm chi phí đồng thời bán được nhiều hàng hóa hơn so với công ty đó hoạt động một mình. Sự phối hợp và giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên có được nhờ sự thỏa thuận giữa các thành viên trong hệ thống. Nhượng quyền kinh doanh (Franchise organization) là quan hệ thỏa thuận phổ biến nhất, theo đó một thành viên trong kênh phân phối gọi là công ty nhượng quyền (Franchisor) liên kết một vài giai đoạn trong toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối. Theo các nhà phân tích công nghiệp, cứ 8 phút, ở Hoa Kỳ lại có một cửa hàng bán hàng theo hình thức nhượng quyền kinh doanh được thành lập; cứ 12 cửa hàng kinh doanh bán lẻ lại có 1 cửa hàng kinh doanh theo hình thức này. Có 3 loại hình Franchise. Hình thức thứ nhất là hệ thống nhượng quyền bán lẻ của nhà sản xuất (manufacturer - sponsored retailer franchise system). Ví dụ, các hãng xe ô tô ở Mỹ như Ford, Buick đều có một hệ thống cửa hàng bán lẻ các sản phẩm của mình trên nước Mỹ. Hình thức thứ 2 là hệ thống nhượng quyền bán buôn của các nhà sản xuất (manufacturer - sponsored wholesaler franchise system). Ví dụ, hãng Coca - Cola cho phép các công ty đóng chai (các công ty bán buôn) ở nhiều nơi được phép mua nước si-rô cô đặc Coca - Cola để đóng chai thành các sản phẩm hoàn chỉnh rồi bán lại cho các cửa hàng bán lẻ ở thị trường địa phương. Loại hình thứ 3 là hệ thống nhượng quyền bán lẻ của các hãng cung cấp dịch vụ (service - firm - sponsored retailer franchise system). Ví dụ, hầu hết các sân bay ở Hoa Kỳ đều có dịch vụ thuê xe ô tô của các hãng Hertz, Avis..., hoặc hình thức kinh doanh dịch vụ thức ăn nhanh của McDonald's, Burger King...

            Kênh phân phối chiều dọc theo kiểu quản lý, kiểm soát (Administered VMS): là kiểu phân phối chiều dọc trong đó các giai đoạn khác nhau của quá trình sản xuất và phân phối được phối hợp không phải bởi sở hữu chung hay thỏa thuận, hợp đồng mà bởi quy mô và sức mạnh của một hoặc một vài thành viên nổi trội trong hệ thống phân phối đó. Ví dụ, các nhà sản xuất danh tiếng như General Electric, Procter @ Gamble, Kraft có thể gây ảnh hưởng đến các công ty bán lẻ trong việc trưng bày hàng hóa, khuyến mại sản phẩm, các chính sách về giá cả... Ngược lại, các tập đoàn bán lẻ lớn như Wal-Mart, K-Mart... hoặc thậm chí họ có thể mua trực tiếp qua mạng trên website của công ty www.ibm.com. Sử dụng hệ thống phân phối nhiều kênh có cái lợi là có thể tiếp cận được nhiều loại đối tượng khách hàng song hệ thống phân phối kiểu này thường rất phức tạp và khó kiểm soát đồng thời có thể gây ra xung đột giữa các kênh trong cùng một hệ thống vì đều cạnh tranh để bán hàng. Chẳng hạn, khi IBM bắt đầu bán hàng trực tiếp qua mạng và qua điện thoại, các cửa hàng bán lẻ máy tính cho rằng đó là cạnh tranh không bình đẳng và đe dọa sẽ không bán hàng hoặc giảm lượng hàng bán của IBM.

            Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hình thức phân phối cũng có những thay đổi về chất. Ở Mỹ, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua máy tính Dell từ mạng của Dell hoặc từ trang web của các công ty bán lẻ khác như Best Buy, Compusa hay Circuicity; vé máy bay có thể mua trực tiếp từ website của các hãng hàng không American Airlines, United Air-lines... hoặc có thể mua từ website của công ty dịch vụ du lịch trên mạng như Travelocity.com hay Cheapticket.com; sách báo, băng đĩa nhạc có thể mua trên Amazon.com, hoa có thể mua trên 1-800-Flowers.com... Ngay cả những thứ hàng hóa cồng kềnh như đồ gỗ cũng có thể đặt mua trên mạng. Thương mại điện tử đang nổi lên và thay thế dần những hình thức mua bán truyền thống, thay thế dần những cửa hàng bằng gạch và vữa. Ngày càng có nhiều loại hàng hóa dịch vụ được phân phối qua hình thức này và ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn hình thức mua hàng qua internet. Thương mại điện tử đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với nhà sản xuất và các đối tượng trung gian trong hệ thống phân phối (nhà bán buôn, bán lẻ). Để có sức cạnh tranh, các nhà sản xuất tất nhiên phải tìm cho mình những cơ hội mới để tiếp cạn khách hàng như internet hoặc bán hàng qua điện thoại, qua catalogue... Tuy nhiên, phát triển những hình thức mới này lại đẩy họ phải cạnh tranh và nhiều khi đi đến mâu thuẫn với những kênh bán hàng truyền thống. Để giải quyết tình trạng này, các đối tượng trung gian trong hệ thống phân phối phải tìm cách để có thêm giá trị gia tăng của mình trong toàn hệ thống mà nếu người sản xuất muốn bán hàng trực tiếp cũng khó hoặc không thể tạo ra được giá trị gia tăng đó. Còn các nhà sản xuất, để tránh được mâu thuẫn với những hệ thống bán hàng mới, họ phải có cách tiếp cận và dung hòa và kết hợp giữa hình thức bán hàng cũ và bán hàng mới. Chẳng hạn, hãng máy tính HP sau khi nhận đơn hàng trực tiếp từ 3 mạng của hãng là Shopping Village, HP Commerce Center và Electronic Solutions Now thì HP lại đưa những đơn hàng này cho các nhà bán lẻ để họ hoàn tất đơn hàng, gửi hàng và nhận một phần hoa hồng. Bằng cách này, HP vừa có thể phát triển được cách thức bán hàng mới vừa duy trì được hệ thống bán hàng cũ và hạn chế xung đột giữa các kênh bán hàng khác nhau.


Xuất khẩu vào Mỹ : Cơ hội và khó khăn

Dương Bích Thủy

            Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù đang trong thời kỳ khó khăn, nhưng không phải vì thế mà luồng hàng nhập khẩu vào Mỹ giảm đi. Đối với thị trường Việt Nam, các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Mỹ có tầm nhìn dài hạn về chiến lược kinh doanh, mà theo cách nói của giới doanh nhân Mỹ thì họ đến Việt Nam không phải để "lướt sóng" chỉ nhằm kiếm lợi nhuận nhanh rồi bỏ đi, ngược lại họ có chiến lược kinh doanh lâu dài hàng chục năm, thậm chí là cả nhiều thậm kỷ. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đang sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam. Khi Hiệp định đầu tư song phương Việt - Mỹ có hiệu lực, chắc chắn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng vọt, đưa Mỹ từ vị trí thứ 5 về đầu tư ở Việt Nam vươn lên vị trí dẫn đầu. Tính đến cuối tháng 10/2008, có hơn 1.000 doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2008, Mỹ có thêm 26 dự án với số vốn 1,353 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam. Điều này cho thấy xu thế gia tăng mạnh trong đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.

            Tháng 6/2007, Hội đồng Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) song phương được thành lập, đến nay, hai bên đã tiến hành các phiên họp trao đổi về các vấn đề như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm, dược phẩm, xuất nhập khẩu hàng nông sản, thương mại hàng hóa (bao gồm cả cơ chế ưu đãi GSP, cơ chế giám sát hàng dệt may), trao đổi về Hiệp định đầu tư song phương (BIT). Tháng 10/2008, Việt Nam và Mỹ đã đạt được nhất trí tự do hóa quan hệ hàng không dân sự song phương thông qua một thỏa thuận Bầu trời mở về các dịch vụ vận tải hàng hóa thuần túy. Theo đó, thỏa thuận này sẽ tăng cường và mở rộng mối quan hệ thương mại và du lịch hiện đang phát triển nhanh giữa hai nước, tạo thuận lợi cho các hãng vận tải hàng hóa và du lịch của hai nước. Hai bên nhất trí sẽ tiến hành thảo luận trong vòng 2 năm tới về việc tự do hóa hơn nữa các dịch vụ hàng không. (Đến nay, Mỹ đã ký thỏa thuận Bầu trời mở với 93 nước trên thế giới).

            Trao đổi thương mại giữa hai nước đang tiếp tục phát triển thuận lợi. Hiện nay, hai nước đang xúc tiến đàm phán để sớm đi đến ký kết Hiệp định TIFA. TIFA làm rõ hơn nhiều vấn đề và cũng mang lại những hoạt động thực chất hơn trên cơ sở của Hiệp định BTA (nói cách khác là TIFA là sự mở rộng của BTA). Thông thường đối với nhiều nước khác, để hoàn tất đàm phán một hiệp định như thế này phải mất nhiều thời gian, còn đối với Việt Nam, thời gian đàm phán dự kiến không kéo dài, đến nay chỉ còn một số vấn đề hai nước cần tiếp tục giải quyết.

            Việc nâng cấp Văn phòng Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) lên thành Phái đoàn chính thức tại Việt Nam trong tháng 7/2008 là bằng chứng cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của quan hệ nhiều mặt giữa hai nước, đồng thời cũng cho thấy rõ cam kết của USAID trong việc tăng cường nguồn lực và nhân sự cho các dự án tại Việt Nam. Hiện nay, USAID đang có một chương trình hoạt động rất mạnh mẽ để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam soạn thảo luật. Giám đốc USAID cho biết, trong hệ thống của mình, USAID thực hiện sự hỗ trợ theo đề nghị của nước nhận viện trợ. Việt Nam có kế hoạch phát triển của mình, nên USAID sẽ cố gắng giúp đỡ cho kế hoạch đó một cách tối đa trong phạm vi của mình và theo kế hoạch ngân sách mà Quốc hội Mỹ thông qua.

            Tại Mỹ hiện có khoảng 3.400 dòng thuế hàng hóa nhập khẩu đang được hưởng qui chế ưu đãi GSP, trong đó Việt Nam đang xuất khẩu vào Mỹ các chủng loại hàng hóa thuộc khoảng 1.000 dòng thuế được ưu đãi. Nếu được trao GSP, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ được hưởng mức thuế quan ưu đãi 0%, như vậy sẽ tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Do không được cạnh tranh về giá, khiến cho nhiều hàng xuất khẩu của Việt Nam (nhất là nhóm hàng nông sản, thực phẩm chế biến) dù có chất lượng tốt nhưng vẫn khó tìm được chỗ đứng trên thị trường Mỹ. Tuy nhiên, để được hưởng GSP, vấn đề cơ bản còn phụ thuộc vào bản thân ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, bởi GSP của Mỹ có những quy định rất chặt chẽ. Trước khi đồng ý trao GSP cho Việt Nam, các cơ quan chức năng của Mỹ phải xem xét nhiều tiêu chuẩn để xác định mặt hàng đó có thể được đưa vào hay bị loại ra khỏi danh sách được hưởng ưu đãi.

            Một số ngành hàng của Việt Nam đang có khó khăn trong xuất khẩu vào Mỹ. Ngành chế biến đồ gỗ vốn được xem là một ngành hàng thế mạnh trong xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ trong những năm qua. Một số doanh nghiệp đồ gỗ đã mở đại lý ở Mỹ, thực hiện khá tốt việc quảng bá sản phẩm, xúc tiến bán hàng và đã nhận được sự phản hồi đầy hứa hẹn từ phía người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, tình hình xuất khẩu trở nên ảm dạm. Đại diện của VASEP cũng cho biết, thời gian gần đây lượng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ giảm đáng kể. Trong các nhóm hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ thì tôm là mặt hàng chủ lực, nhưng đây là sản phẩm cao cấp nên người tiêu dùng đang hạn chế mua trong lúc kinh tế Mỹ khó khăn. Theo đánh giá của Uỷ ban Thương mại quốc tế Mỹ, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2007 tăng 25% so với năm 2006 chủ yếu là nhờ mặt hàng thủy sản truyền thống. Năm 2008 kinh tế Mỹ có nhiều khó khăn, nên kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ không đạt mục tiêu 13,1 tỷ USD.

            Trong những năm qua, nhiều bài học mà doanh nghiệp Việt Nam phải trả giá quá đắt khi làm ăn với các đối tác Mỹ, mà nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta chưa nắm được luật. Trong khi trên thực tế, dù có nắm được luật vẫn phải thường xuyên theo sát diễn biến thị trường, bởi thị trường Mỹ nổi tiếng về các vụ kiện mà hầu hết đều liên quan đến trách nhiệm đối với hàng hóa. Ở Mỹ, khách hàng rất coi trọng các chính sách bảo vệ người tiêu dùng, an toàn hàng hóa đối với người tiêu dùng không chỉ alf trách nhiệm của nhà nhập khẩu, mà cả của nhà sản xuất và nhà xuất khẩu nước ngoài. Trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam chưa gặp phải những vấn đề về an toàn hàng hóa đến mức bị thu hồi sản phẩm đang lưu thông trên thị trường như trường hợp đồ chơi của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ vừa qua, nhưng nếu doanh nghiệp Việt Nam không quan tâm và tìm hiểu kỹ những quy định và tiêu chuẩn cụ thể của thị trường, thì những rắc rối là khó lường. Không chỉ quan tâm nghiên cứu các chính sách, nếu thấy chưa yên tâm, doanh nghiệp cần thuê các tổ chức tư vấn sở tại để tránh thiệt hại đáng tiếc.

            Theo tin từ Vụ Châu Mỹ (Bộ Công Thương), trong suốt 1 thập kỷ qua, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của ta vào Mỹ gần như không thay đổi, mặc dù có xuất hiện thêm những mặt hàng xuất khẩu mới, nhưng qui mô còn quá nhỏ. Đây là vấn đề các doanh nghiệp cần quan tâm trong thời gian trước mắt. Hiện nay, Việt Nam đang đề xuất với Mỹ dành qui chế ưu đãi GSP cho Việt Nam. Hơn 1 năm qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thu thập thông tin để giải trình 12 tiêu chí mà phía Mỹ yêu cầu, đã hoàn chỉnh hồ sơ gửi tới các cơ quan chức năng của Mỹ. Phía Mỹ sẽ tiến hành điều trần về vấn đề này. GSP của Mỹ được xem là một qui chế luật định chặt chẽ nhất thế giới. Ngoài ra, một trong những trọng tâm của Bộ Công Thương năm 2009 là thúc đẩy vấn đề Mỹ công nhận qui chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Hiện nay, trong các vụ kiện chống bán phá giá, Việt Nam vẫn chưa được xem xét như một nước có nền kinh tế thị trường. Về vấn đề này, EU đã đồng ý từng bước công nhận từng ngành hàng của Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường. Hình thức đàm phán này đang được Bộ Công Thương đề nghị Mỹ cũng tiến hành tương tự.

            Trong công tác quản lý Hải quan, Việt Nam phải thực hiện hiện đại hóa hoạt động và thủ tục hải quan, bởi vì từ cuối năm 2007 Mỹ đã ban hành Đạo luật quy định từ 1/7/2012, tất cả các lô hàng từ mọi xuất xứ khi nhập khẩu vào Mỹ đều phải được soi chiếu X quang tại cảng biển trước khi hàng xuống tàu.

            Về phía các doanh nghiệp, theo ý kiến của các chuyên gia Mỹ, để có thể kinh doanh thành công tại thị trường Mỹ, các doanh nghiệp phải lập văn phòng đại diện tại Mỹ. Việc mở văn phòng đại diện có 2 điểm lợi cơ bản, đó là: làm tăng lòng tin của khách hàng tại thị trường do họ được tiếp xúc trực tiếp, được gặp gỡ nhà xuất khẩu; doanh nghiệp xuất khẩu có thể cung cấp dịch vụ hậu mãi tốt hơn, trong khi khách hàng Mỹ rất coi trọng yếu tố này.

 

 

 

 

 

 

  • Tags: