Để có thị trường khoa học công nghệ NANÔ...

Tháng 7 năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton quyết định chọn Khoa học và Công nghệ nanô làm hướng phát triển ưu tiên số 1 của Mỹ. Theo gương Mỹ, tất cả các nước tiên tiến đều ưu tiên phát triển Khoa h

GS. Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu

Trong sự nghiệp này, bộ công nghiệp có vai trò hết sức quan trọng

Nói rằng, tình hình phát triển Công nghệ nanô ở Việt Nam hiện nay là muộn so với thế giới thì cũng đúng, nhưng cũng phải thấy rằng, nước ta còn rất nghèo, tiềm lực khoa học nhỏ bé, làm sao có thể tiến nhanh như các nước tiên tiến trên thế giới được. Có muộn hơn một chút thì đó cũng là lẽ thường tình, mà cũng chỉ hơi muộn thôi.
Cách đây hơn 7 năm, trong Hội nghị Vật lý chất rắn toàn quốc lần thứ hai tại Đồ Sơn, trên cương vị Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, tôi đã kêu gọi giới Vật lý Việt Nam nghiên cứu vật lý nanô. Ngay sau đó, năm 1998, Hội đồng Khoa học ngành Vật lý đã ưu tiên cấp kinh phí cho các đề tài trọng điểm về vật lý nanô. Theo đề nghị của tôi, Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (cũ) cũng bắt đầu tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu về vật lý nanô và hoá học nanô.
Tháng 7 năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton quyết định chọn Khoa học và Công nghệ nanô làm hướng phát triển ưu tiên số một của Mỹ. Theo gương Mỹ, tất cả các nước tiên tiến đều ưu tiên phát triển Khoa học và Công nghệ nanô. Chỉ 3 năm sau, cuối năm 2003, Bộ Khoa học và Công nghệ nước ta đã quyết định mở hướng nghiên cứu trọng điểm về Khoa học và Công nghệ nanô bắt đầu từ năm 2004. Như thế là chỉ muộn ít thôi, mà muộn là tất nhiên. Tôi mong rằng, sau khi đã thấy rõ sự cần thiết phải phát triển Khoa học và Công nghệ nanô, Nhà nước ta sẽ ưu tiên đầu tư phát triển hướng Khoa học Công nghệ rất có triển vọng này.
Cho đến năm 2003, ở nước ta mới có rất ít các cơ quan khoa học quan tâm nghiên cứu Khoa học và Công nghệ nanô đó là: Viện Khoa học Vật liệu, Viện Vật lý, Viện Hoá học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) và Trường Đại học Bách Khoa Hà nội. Từ năm 2004, có thêm hai cơ quan nữa là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) và Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN).
Trường chúng tôi sẽ là một thành viên tích cực trong “Tập đoàn” nghiên cứu Khoa học và Công nghệ nanô của Việt Nam gồm các viện nghiên cứu, các trường đại học nói trên và nhiều thành viên mới trong tương lai. Muốn phát triển Khoa học và Công nghệ nanô ở Việt Nam, ngoài sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp. Khoa học và Công nghệ nanô chỉ có thể phát triển mạnh khi ở trong nước có các nhà máy sản xuất các sản phẩm của Công nghệ nanô. Trong sự nghiệp này, Bộ Công nghiệp có vai trò hết sức quan trọng.

Giáo sư Phan Hồng Khôi - Viện Khoa học Công nghệ:

Muốn đột phá, cần phải có sự phối hợp giữa nhà khoa học và nhà nước...

Trong một vài năm gần đây, Chính phủ Việt Nam (thông qua Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ giáo dục đào tạo) cũng đã nhận thức được Khoa học và Công nghệ nanô là một lĩnh vực rất cần được ưu tiên phát triển. Vì vậy, Nhà nước đang tập trung vào ba vấn đề lớn, đó là: ưu tiên đào tạo một thế hệ các nhà khoa học mới, đây chính là động lực trẻ để tiếp cận với Khoa học và Công nghệ nanô; thứ hai là đầu tư kinh phí cho một số nghiên cứu có chọn lọc, chủ yếu là nghiên cứu khoa học cơ bản, kết hợp với đào tạo, trong đó có một số chương trình của Viện Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; thứ ba là từng bước tăng cường cơ sở vật chất cho một số phòng thí nghiệm chính.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất hiện nay là, ưu tiên việc đào tạo một thế hệ nhân tài mới để tiếp cận được với Khoa học và Công nghệ nanô. Trong quá trình đó, sẽ tập hợp được đội ngũ cán bộ khoa học, dần từng bước, chúng ta sẽ có sự nhìn nhận rõ hơn để đào tạo cho đúng hướng, tránh đầu tư lãng phí. Vì vậy, ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, các cấp quốc gia đã thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo, hội nghị về vấn đề này. Việc mời các nhà khoa học trên thế giới đến cũng là một trong những hình thức để các cán bộ trẻ tiếp cận những cái mới, với các phòng thí nghiệm lớn, để cử họ đi học ở các nước bạn. Mặc dù sự đầu tư như thế cũng rất đáng kể, tuy nhiên hiện nay nước ta vẫn còn nghèo, vì thế vẫn còn hạn chế và đang dừng ở một mức nhất định. Với tình trạng như hiện nay, tất nhiên chúng tôi vẫn cố gắng tìm cách khắc phục, nhưng sẽ vô cùng khó khăn. Nguyện vọng của các nhà khoa học là, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể, sự chú ý và đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho những vấn đề khả thi của các nhà khoa học. Có như vậy, mới làm tăng khả năng đột phá trong lĩnh vực này. Tôi xin nêu một ví dụ: Trung Quốc đã đầu tư rất lớn và hiện nay họ đã bán được nhiều sản phẩm ra thị trường. Vấn đề là ở chỗ, các nhà khoa học phải đề xuất được những đề tài mang tính thực tiễn, trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ đầu tư. Sự phối hợp như vậy sẽ tạo nên một sức mạnh, để ngành Công nghiệp Nanô phát triển nhanh chóng.

Giáo sư Shuji Tanaka - ĐH Tohoku, Nhật Bản:

Cần phải hợp tác với nhau nhiều hơn nữa trong khu vực

Các khu vực trên thế giới đang xác định Công nghệ nanô có một vị trí chiến lược trong sự phát triển KH&CN. Và khu vực chúng ta cũng vậy. Có thể lấy một ví dụ như thế này, hiện nay, châu á là khu vực sản xuất màn hình phẳng lớn nhất thế giới và có sự tham gia đóng góp của rất nhiều nước. Trong đó, Nhật Bản sản xuất những bộ phận, còn các nước khác thì lắp ráp. Điều đó càng khẳng định tương lai của việc ứng dụng công nghệ Nanô trong chế tạo màn hình phẳng và tất cả các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, để phát triển một thị trường Nanô có nhiều triển vọng và đầy tiềm năng như ở khu vực châu á, thì các nước phải hợp tác với nhau và điều đó là vô cùng cần thiết. Theo tôi, nên tăng cường hơn nữa những buổi hội thảo, hội nghị trong khu vực và trên thế giới về những vấn đề xung quanh lĩnh vực này, để các nước có thể học hỏi, trao đổi với nhau. ở đất nước chúng tôi, lương thực, thực phẩm mặc dù không có nhiều, nhưng đổi lại rất phát triển về mặt công nghệ. Tôi muốn nói, mỗi nước có những đặc thù riêng, vì thế mối quan hệ hợp tác trong khu vực lại càng phải gắn bó hơn. Riêng Nhật Bản, luôn muốn hợp tác về mặt đào tạo với Việt Nam, vì cái gốc bao giờ cũng là con người, đồng thời, Nhật Bản là nước có lợi thế về mặt nghiên cứu. Những buổi hội thảo, hội nghị sẽ là những cơ hội mà Nhật Bản có thể tìm kiếm được học sinh, hay có những trao đổi về việc đào tạo con người. Đó chính là những bước đầu tiên để có thể đi đến được cái đích của sự hợp tác trong khu vực.

 

Giáo sư Vũ Thiện Bình (Việt kiều) - Trường ĐH Lyon 1, Pháp:

Chính phủ, nhà khoa học và doanh nghiệp phải là một khối liên kết chặt chẽ

Tất cả các lĩnh vực đều có thể ứng dụng công nghệ nanô. Có thể không sai khi tôi nói rằng, ngành này sẽ chiếm vị thế cốt lõi vì nó rất kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay việc đào tạo nhân lực cho Công nghệ nanô chỉ mới có ở các trường đại học. Tôi rất tự hào vì là một trong những người đầu tiên mở ra những hội thảo, hội nghị về Công nghệ nanô, đồng thời là một trong những thành viên sáng lập ra môn Năng lượng nanô đầu tiên ở Pháp. Tôi nghĩ, đây là môn có thể nói là duy nhất trong những năm tới. Theo tôi, muốn mở mang thị trường nanô cho những năm tới, thì cần phải có sự giảng dạy và hiểu biết một cách cơ bản về lĩnh vực này và các trường đại học về Công nghệ nanô bắt buộc phải dạy cho học sinh ngay từ khi bước chân vào giảng đường. Nước Pháp đã kịp thời đưa bộ môn này là một trong những bộ môn có tầm quan trọng hàng đầu và rất chú ý thúc đẩy quá trình phát triển.
ở Pháp có những phong trào hợp tác với nhau giữa Chính phủ và các nhà khoa học, tức là Chính phủ đầu tư cho những đề tài mang tính khả thi của các nhà khoa học. Không chỉ Chính phủ Pháp mới quan tâm tới Công nghệ nanô, mà các doanh nghiệp và các nhà khoa học liên kết với nhau cũng rất chặt chẽ. Ví dụ, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp biết họ sẽ bị tụt hậu và gặp rất nhiều khó khăn trong những năm tới, nếu không chú ý tới dạng Công nghệ đầy tiềm năng này. Khi dạy học trò, tôi luôn đề cao vai trò của việc ứng dụng nanô vào đời sống. Phải đề cập vấn đề nanô ở khía cạnh ứng dụng thực tiễn, chứ không chỉ bó hẹp trong nghiên cứu. Khái niệm nanô không còn xa lạ, chỉ có điều làm sao để đưa nó vào ứng dụng trong thực tế mới là điều mới và cần phải làm nhất.

  • Tags: