Đầu tư nước ngoài của các nước ASEAN trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam

Ngày nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã trở thành một nhân tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế các nước. Bên cạnh việc cung cấp tài chính, đầu tư trực tiếp nước ngoài còn tạo điều kiện chuyển g

Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã ban hành và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài nói riêng, cũng như cải thiện môi trường đầu tư nói chung theo hướng ngày càng thuận lợi, thông thoáng cho các nhà đầu tư. Nhờ đó, tính đến nay đã có hơn 4.000 dự án đầu tư của các công ty thuộc 62 quốc gia và vùng lãnh thổ vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 39,6 tỷ USD (không tính các dự án đã hết hiệu lực), trong đó có 553 dự án của các nhà đầu tư thuộc khối các nước ASEAN với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 10,2 tỷ USD, tổng vốn thực hiện đạt khoảng 4,3 tỷ USD. Như vậy, đầu tư của ASEAN chiếm 27,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ vào Việt Nam. Điều đáng lưu ý là trong 10 nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, có 2 nước thuộc khối ASEAN là Singapore đứng ở vị trí dẫn đầu và Thái Lan đứng ở vị trí thứ 9. Ngoài ra, Malaysia đứng thứ 12, Philippines đứng thứ 23, Indonesia đứng thứ 25.

Hầu hết các dự án đầu tư của các nước trong khối ASEAN tập trung trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với 319 dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 3,9 tỷ USD, chiếm 57,7% tổng số dự án của các nước trong khối ASEAN đầu tư vào Việt Nam và chiếm 38,6% tổng vốn đầu tư. Trong đó, 138 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nặng với tổng vốn đầu tư trên 1,2 tỷ USD; 47 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD, số còn lại đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp nhẹ và công nghiệp dầu khí (xem bảng 1).

Nhiều tập đoàn hàng đầu của các nước thuộc khối ASEAN như Neptune Orion Lines, Keppel, Caltex, Nasteel đã có mặt tại Việt Nam với các sản phẩm và dịch vụ ngày càng quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam.

Hiện tại, các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp của các nước thuộc khối ASEAN đã có mặt trên 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhưng cũng như các nước và vùng lãnh thổ khác đầu tư vào Việt Nam, các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp của các nước trong khối ASEAN thường tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng tương đối phát triển, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ từng riêng 5 tỉnh và thành phố này, đã có 253 dự án với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, chiếm 79,3% về số dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp và chiếm 76,4% về tổng vốn đăng ký trong lĩnh vực công nghiệp.

Phần lớn các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp của các nước trong khối ASEAN được đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 252 dự án, tiếp đến là hình thức liên doanh với 105 dự án, còn lại các dự án được đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh và BOT. Các dự án thường có quy mô bình quân khoảng 12,1 triệu USD/dự án, xấp xỉ mức bình quân của các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Nhìn chung, các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp của các nước trong khối ASEAN hoạt động có hiệu quả, các nhà đầu tư có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các dự án. Tính đến nay tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án đạt trên 2,2 tỷ USD, chiếm 56,4% tổng vốn đăng ký của các nước thuộc khối ASEAN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.

Đến nay, các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp của các nước trong khối ASEAN thu hút khoảng 6 vạn lao động trực tiếp và hàng chục vạn lao động gián tiếp, góp phần giải quyết việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế tại nhiều địa phương.

Tuy nhiên, một số dự án lớn vẫn còn những khó khăn như Công ty TNHH Công nghiệp kính Việt Nam (Singapore), tổng vốn đầu tư 145 triệu USD, đang gặp khó khăn về mặt tài chính; Công ty thuỷ tinh Việt Nam (VGI), tổng vốn đầu tư 34 triệu USD (Thái Lan), gặp khó khăn do thị trường bao bì thuỷ tinh tại Việt Nam và ở các nước của Công ty mẹ bị thu hẹp, nên Công ty hiện xin tạm ngừng hoạt động trong thời gian 3 năm để nghiên cứu thị trường mới; Công ty TNHH mía đường Ninh Bình (Philippines), vốn đầu tư 60 triệu USD, do nhiều nguyên nhân, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.

Các chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư của các nước thuộc khối ASEAN vào Việt Nam, trước hết cần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, nhất là các dự án lớn đang gặp khó khăn như đã nói ở trên. Đồng thời, cần sớm thực hiện các biện pháp giảm chi phí sản xuất và đẩy nhanh lộ trình áp dụng cơ chế một giá như giá điện, nước, cước viễn thông, cước vận chuyển đường hàng không, phí quảng cáo,... cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư của các nước thuộc khối ASEAN để nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Mặt khác, cần nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch ngành, sản phẩm để có cơ sở nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư hướng vào một số địa bàn trọng điểm, vào các ngành sản xuất Việt Nam có năng lực và ưu thế cạnh tranh; nâng cao một bước chất lượng dịch vụ xúc tiến và hỗ trợ cụ thể các nhà đầu tư để ý định của các nhà đầu tư nhanh chóng trở thành hiện thực, các dự án đầu tư nhanh chóng đi vào thực hiện. Ngoài ra, phải chú trọng hơn nữa đến công tác đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài.

Quá trình tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp với tư duy phục vụ doanh nghiệp, vì doanh nghiệp trong quá trình xử lý vướng mắc của các cơ quan Việt Nam, cùng với nỗ lực của các nước thành viên trong việc hình thành khu vực đầu tư ASEAN cho phép chúng ta tin tưởng rằng, đầu tư trực tiếp của ASEAN tiếp tục gia tăng một cách có hiệu quả, góp phần quan trọng vào quá trình liên kết kinh tế khu vực.

  • Tags: