Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước sau đăng ký kinh doanh tại Tp.HCM được thể hiện ở những điểm dưới đây:
Hiện nay, thủ tục để một DN có thể hoạt động được đã khá đơn giản so với trước, nhờ chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước chú trọng nhiều đến công tác tiền đăng, còn công tác hậu kiểm chưa được chú trọng đúng mức. Vì thế trong quá trình tổ chức thực hiện còn khá nhiều vướng mắc, đặc biệt trong công tác “hậu kiểm”.
1. Những vướng mắc khi xác định tên DN
Theo điều 32 Luật DN, tên DN phải đảm bảo không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên DN khác đã đăng ký. Tuy nhiên, hiện tượng đặt tên gần giống với các DN đã nổi tiếng, đôi khi xảy ra, dẫn đến tranh chấp bản quyền. Sở dĩ tồn tại vấn đề này là vì hiện nay chưa có quy định rõ ràng, thế nào là gây nhầm lẫn, tiêu chí nào xác định không trùng tên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ có văn bản hướng dẫn việc xem xét trùng tên trong phạm vi từng loại hình DN, chưa đề cập đến phạm vi địa bàn. Chính vì vậy, hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM chỉ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (KD) cho những DN không trùng tên với bất kỳ DN nào trên địa bàn Thành phố. Việc đối chiếu tên DN được thực hiện thông qua mạng máy tính nội bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư, chưa kết nối với Sở Tư pháp, cũng như cơ quan đăng ký KD có thẩm quyền khác trên toàn quốc.
2. Vướng mắc về tính xác thực của người thành lập DN.
Vướng mắc đầu tiên kể đến là chưa có văn bản hướng dẫn, ai sẽ chịu trách nhiệm xác định nhân thân của người nộp đơn đăng ký kinh doanh. Cơ quan đăng ký KD chỉ chịu trách nhiệm thẩm định tính hợp lệ của hồ sơ.
Lợi dụng kẽ hở do cơ quan đăng ký KD không thể biết được về người xin thành lập DN một cách chính xác, một số đối tượng đã thành lập DN không nhằm mục đích kinh doanh mà chỉ để lừa gạt, gian lận. Theo Tổng cục Thuế, thống kê sơ bộ tại các địa phương cho thấy, rất nhiều tỉnh, thành phố có tình trạng DN được thành lập sau đó bỏ địa điểm KD mang theo hoá đơn VAT. Tình trạng này tập trung nhiều ở các thành phố như Hà Nội và Tp. HCM. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thì nhiều, trong đó có nguyên nhân do cán bộ ngành thuế ít, lại không có chức năng điều tra, nên những vụ có dấu hiệu vi phạm đều chuyển cho cơ quan công an để xác minh. Sự phối hợp giữa hai ngành này còn quá nhiều hạn chế.
3. Vướng mắc trong việc xem xét và xử lý mối quan hệ giữa DN và chi nhánh, văn phòng đại diện.
Thực tế cho thấy, không ít DN tuy đã chấm dứt hoạt động (giải thể, tạm ngưng hoạt động, bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký KD) nhưng chi nhánh, văn phòng đại diện của các DN vẫn còn hoạt động, nguyên nhân do chưa có cơ chế trao đổi thông tin giữa các tỉnh, thành trong cả nước.
4. Vướng mắc trong việc hướng dẫn ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Nhiều văn bản dưới luật chưa cụ thể hoá các ngành nghề cấm kinh doanh. Điều này đã gây sự lúng túng cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Mặt khác, theo quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ, một trong những nhiệm vụ của Phòng đăng ký kinh doanh là hướng dẫn người đăng ký kinh doanh về ngành, nghề kinh doanh. Tuy nhiên trên thực tế, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện do nhiều cơ quan nhà nước khác nhau quản lý. Ví dụ, phòng khám hoặc nhà thuốc do ngành Y tế quản lý; Kinh doanh nước giải khát có gas, rượu do ngành Thương mại quản lý; Kinh doanh karaoke do ngành Văn hoá - Thông tin quản lý... Do vậy, rất khó khăn trong việc theo dõi, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thường mang tính chuyên ngành cao, đòi hỏi phải có cán bộ chuyên môn nghiệp vụ nghiên cứu và hướng dẫn; Bản thân cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh không thể nắm hết được các điều kiện kinh doanh này. Vì vậy, giao nhiệm vụ cho Phòng đăng ký kinh doanh là không khả thi. Khó khăn và bất cập hơn nữa là ở Tp. HCM hiện nay, hầu hết quận, huyện đều không có Phòng đăng ký kinh doanh, mà đăng ký kinh doanh chỉ là một nhiệm vụ của Phòng Kinh tế.
5. Những khó khăn về chế độ báo cáo tài chính.
Luật DN quy định, DNTN phải nộp báo cáo tài chính cho cơ quan thuế và cơ quan đăng ký KD trong thời hạn 30 ngày. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều DNTN rất ngại lập và nộp báo cáo tài chính. Do vậy, tỷ lệ DNTN nộp báo cáo tài chính cho cơ quan đăng ký kinh doanh còn rất thấp. Hiện nay, những DNTN lập và nộp báo cáo tài chính thường chỉ vì sợ bị xử phạt hơn là cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng. Nguyên nhân của hiện tượng này do:
- Các yêu cầu của báo cáo tài chính khá phức tạp, chỉ phù hợp cho các DN lớn, có bộ phận kế toán chuyên nghiệp, trong khi hầu hết các DNTN là những DN nhỏ, vừa.
- Cơ quan đăng ký kinh doanh không đựơc trao quyền hạn để phạt các doanh nghiệp không nộp báo cáo tài chính, cơ quan đăng ký kinh doanh phải lập hồ sơ trình cơ quan có thầm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Để thực hiện được quy trình này mất khá nhiều thời gian. Điều này đã làm giảm hiệu quả của việc áp dụng chế tài hành chính.
6. Những vướng mắc trong công tác kiểm tra, thanh tra DN
Hiện nay kiểm tra, thanh tra DN là công tác gây nhiều phiền phức cho DN. Có đến hơn 140 văn bản quy định về việc kiểm tra, thanh tra DN với gần 100 cơ quan các cấp có thẩm quyền. Thêm vào đó, giữa các cơ quan này lại không có sự phối hợp đồng bộ với nhau nên dẫn đến hiện tượng kiểm tra, thanh tra chồng chéo.
7. Vướng mắc trong việc phối hợp giữa sở ngành, quận - huyện với phòng đăng ký kinh doanh.
- Phối hợp giữa Phòng đăng ký kinh doanh với sở, ngành của Thành phố:
Hiện nay, hệ thống thông tin về DN đã thể hiện đầy đủ trên trang web của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa Phòng đăng ký kinh doanh với các sở ngành của thành phố còn những khó khăn trong cơ chế trao đổi thông tin về DN, dẫn đến thiếu những thông tin cần thiết như thông tin về nhân thân của người thành lập; về việc đã cấp giấy phép kinh doanh cho DN đối với những ngành, nghề KD có điều kiện và chứng chỉ hành nghề; các biện pháp xử lý hành chính đã áp dụng đối với DN có hành vi vi phạm pháp luật... .
- Phối hợp giữa Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố với các quận, huyện:
Việc phối hợp trong công tác kiểm tra còn chưa kịp thời, nguyên nhân là cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh ở cấp quận, huyện còn kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách. Mặt khác, bộ máy tổ chức của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện không ổn định, phân tán, chưa thực sự đúng nghĩa là cơ quan đăng ký kinh doanh, làm cho sự phối hợp giữa Phòng đăng ký kinh doanh Thành phố với quận, huyện trở nên kém hiệu quả, việc giám sát và quản lý doanh nghiệp theo các nội dung đăng ký kinh doanh trên phạm vi địa phương không thực hiện được; công tác chỉ đạo nghiệp vụ không thống nhất trên địa bàn.
8. Những vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm.
- Các DN thực hiện chưa nghiêm túc Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN (kê khai hoạt động lỗ). Một số doanh nghiệp không ký kết hợp đồng lao động, không đóng BHYT, BHXH cho người lao động... Những vi phạm này không được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm. Nguyên nhân chính là thẩm quyền xử phạt không được quy định rõ ràng.
- Hiện nay, DN vi phạm trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 37/2003/NĐ-CP ngày 10/4/2003 của Chính phủ. Nhưng cũng theo quy định này, thẩm quyền xử phạt là UBND cấp quận, huyện, phường xã và cơ quan quản lý thị trường. Do vậy, việc xử lý những vi phạm về đăng ký kinh doanh không kịp thời, vì sau khi phát hiện vi phạm của DN, Phòng đăng ký kinh doanh không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt. Hiện nay đã có thanh tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhưng chức năng nhiệm vụ vẫn chưa được bổ sung trong Nghị định số 37/2003/NĐ-CP.
- Kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật của DNTN chưa được thực hiện tốt do thiếu thông tin về DN, thiếu tính chủ động trong công việc. Chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra DN chưa được báo cáo tập trung vào một đầu mối, nên xảy ra tình trạng một DN trong 1 năm bị thanh, kiểm tra nhiều lần.
Trước thực trạng nêu trên, đòi hỏi quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nói chung, doanh ngiệp tư nhân nói riêng cần tiếp tục được hoàn thiện.