Người tiêu dùng lựa chọn thép Trung Quốc, Việt nam?

Theo Trung tâm Thông tin Thương mại (Bộ Thương mại), chỉ tính riêng trong tháng 8-2006, xuất khẩu các sản phẩm thép của Trung Quốc ước đạt 3,86 triệu tấn, tăng 188% so với cùng kỳ năm 2005 và tăng 7,8

    

 

Thép Trung Quốc làm “chao đảo” thị trường thép Việt Nam

Theo dự báo của các chuyên gia thép thế giới, thị trường thép tiêu thụ của châu Á có xu hướng tăng (nhưng không nhiều) vào những tháng cuối năm. Trong khi đó, Trung Quốc lại xảy ra tình trạng thừa cung (gần 400 triệu tấn), chính phủ nước này đang nỗ lực hạn chế sản xuất, chấn chỉnh ngành thép, khuyến khích xuất khẩu thép thành phẩm thay vì xuất khẩu phôi. Trung Quốc còn áp dụng chính sách khuyến khích xuất khẩu sản phẩm, nên đã giảm thuế VAT đánh vào các sản phẩm xuất khẩu từ 17% xuống còn 6%, trong khi việc sản xuất phôi thép không được khuyến khích nên xảy ra tình trạng giá phôi thép cao hơn thép thành phẩm.

Trung tuần tháng 9, thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam với giá rẻ. Giá nhập khẩu phôi thép từ Trung Quốc chỉ từ 398-409 USD/tấn, trong khi thép cuộn thành phẩm được nhập vào Việt Nam với giá 380 USD/tấn. Dù lượng thép nhập khẩu chỉ chiếm 10%-15% nhu cầu thị trường, nhưng các doanh nghiệp trong nước đang lao đao vì giá thép Trung Quốc rẻ hơn bình quân 20 USD/tấn.

Hiện nay, ngành luyện cán thép Việt Nam có công suất khoảng 7 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu thép xây dựng chỉ ở vào khoảng 4 triệu tấn/năm, gây nên tình trạng dư thừa. Nay, có khoảng 10.000 tấn thép được ký hợp đồng và bán với giá 7 triệu đồng/tấn làm cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước càng thêm điêu đứng.

Khi Việt Nam gia nhập WTO, mặt hàng thép Trung Quốc hoàn toàn có quyền vào thị trường Việt Nam, thì đây chính là bài học để ngành Thép Việt Nam tự nhìn lại chính mình và cần có những nỗ lực để đứng vững trên thị trường. Nếu tiếp tục tồn tại tình trạng này thì ngành luyện cán thép xây dựng Việt Nam có nguy cơ phá sản.

Doanh nghiệp tự cứu lấy mình

Trước sự áp đảo của thép Trung Quốc, các doanh nghiệp trong nước đã tự cứu lấy mình bằng cách tìm nguồn phôi nhập khẩu giá rẻ từ các nước khác để tránh bị ép giá như hiện nay.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động nguồn phôi thép thông qua việc tăng sản lượng ở các nhà máy sản xuất phôi thép trong nước. Với các nhà máy đang sản xuất thử thì cũng cần sớm cho ra sản phẩm, đồng thời chủ động giảm chi phí sản xuất. Nhưng đây chưa phải là biện pháp tối ưu, bởi các dây chuyền công nghệ luyện cán thép của các doanh nghiệp Việt Nam đã lạc hậu.

Cũng có doanh nghiệp than rằng: “Máy móc sản xuất thép được trang bị mới chuẩn bị cho gia nhập WTO chưa khấu hao được bao nhiêu, nay giá thép thành phẩm nhập vào bằng giá phôi, thì ngay cả những doanh nghiệp sản xuất thép trong nước có luyện cũng không thể cạnh tranh nổi. Bởi lẽ, giá nhập khẩu phế liệu sau khi luyện cũng chỉ bằng giá phôi”.

Tại thời điểm hiện nay, chúng ta chưa thể kiện bán phá giá mặt hàng thép Trung Quốc. Theo một quan chức trong ngành Thép, để khởi kiện Trung Quốc bán phá giá còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố như văn bản pháp lý, văn bản WTO, căn cứ vào Hiệp định thương mại ASEAN-Trung Quốc… Đây là vấn đề khá nhạy cảm mà không thể ngày một ngày hai làm được. Hơn nữa, Việt Nam chưa phải là thành viên của WTO nên chưa làm được điều này.

Các doanh nghiệp ngành Thép Việt Nam chỉ còn biết kỳ vọng vào việc điều chỉnh về chính sách vĩ mô của Nhà nước. Chẳng hạn, điều chỉnh hàng rào thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này.

Trước sự lan tỏa thép Trung Quốc giá rẻ, nhiều người tiêu dùng đã tìm mua. Tuy nhiên, người ta đã khuyến cáo rằng, người Việt Nam nên sử dụng hàng Việt Nam, nếu có trường hợp khiếu kiện xảy ra sẽ có cơ quan chuyên trách giải quyết. Hơn nữa, người tiêu dùng cũng không nên mua thép Trung Quốc vì giá rẻ nhưng chưa hẳn đã là hàng chất lượng vì phần lớn thép Trung Quốc trên thị trường là hàng trôi nổi, không có thương hiệu rõ ràng, nếu sản phẩm bị lỗi kỹ thuật sẽ không biết “khiếu nại” ở đâu!

  • Tags: