Trong hai năm gần đây, các chuyến đi thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 10/2002), Thủ tướng Nhật Bản (tháng 4/2002) và Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 4/2003) đã nâng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới theo phương châm: Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài.
Hợp tác kinh tế và phát triển giữa Việt Nam và Nhật Bản được tiến hành trên các lĩnh vực chủ yếu như trao đổi thương mại, dịch vụ, hợp tác đầu tư và hợp tác phát triển. Ba kênh quan trọng này là động lực cho phát triển các mối quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam và quốc đảo hoa Anh đào.
Quan hệ buôn bán Việt Nam - Nhật Bản đã có từ rất sớm, ngay từ thủa bình minh của các mối quan hệ giữa hai quốc gia. Từ những thế kỷ trước, các thương nhân Nhật Bản đã tới cửa biển Hội An tỉnh Quảng Nam và hiện còn lưu lại nơi đây những dấu ấn đặc trưng cho nền văn hoá Nhật Bản như: Cây cầu có mái che, các nếp nhà, bia mộ... Những di vật này góp phần làm cho Hội An, một di sản văn hoá thế giới thêm phong phú và đa dạng.
Suốt 30 năm qua, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản có bước thăng trầm, song buôn bán giữa hai nước chưa bao giờ dừng lại. Giờ đây, Nhật Bản đã trở thành bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 5 tỷ USD/năm. Việt Nam đã xuất khẩu sang Nhật Bản một số sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản, hàng dệt, may mặc và hàng thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam còn đơn giản, trên 50% là nguyên liệu thô và hàng sơ chế. Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản hai mặt hàng lớn nhất là phân bón, sắt thép, tiếp đó là lĩnh vực lắp ráp ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, máy mọc thiết bị và phụ tùng. Tiềm năng của hai nước trong lĩnh vực này còn rất lớn. Trong kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản, Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng quá khiêm tốn, khoảng 0,6%, trong khi đó tỷ trọng này của Trung Quốc là 12,4%, Thái Lan - 2,6% và Malaysia - 2,7%.
Hai nước đã nhận thức được tình hình này và đã nhất trí thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy buôn bán, trong đó, vòng đàm phán về một hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản sẽ được bắt đầu trong thời gian tới. Dự kiến sẽ có những cuộc trao đổi giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và các đối tác Nhật Bản về một thoả thuận liên quan tới Kiểm dịch động thực vật. Khi đạt được thoả thuận này sẽ mở đường cho hàng nông sản Việt Nam, nhất là các loại mà hiện nay Nhật Bản đang phải nhập) vào thị trường nước này với quy mô lớn và vững chắc hơn.
Du lịch đã trở thành tập quán của người Nhật Bản và Việt Nam đã là điểm đến an toàn và hấp dẫn đối với du khách Nhật Bản, nhất là giới trẻ. Năm 2002, gần 300 nghìn người Nhật Bản đã tới Việt Nam. Theo số liệu thống kê, du khách Nhật Bản đứng đầu trong số du khách nước ngoài mua sắm nhiều nhất tại Việt Nam. Hy vọng trong những năm tới, người Nhật Bản đến du lịch đến Việt Nam sẽ đông hơn, do đi lại giữa hai nước nay đã thuận tiện. Hiện nay, hai đường bay trực tiếp Hà Nội - Tokyo và Thành phố Hồ Chí Minh - Osaka đang hoạt động, đường bay thứ ba nối liền thành phố Hồ Chí Minh và Fukuoka sẽ được khai trương trong tháng 9 tới.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những năm qua đã mang lại cho Việt Nam nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến và Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư lớn nhất hiện nay.
Với hơn 380 dự án còn hiệu lực có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,3 tỷ USD, các nhà đầu tư Nhật Bản tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất vật chất để sản xuất hàng xuất khẩu hoặc thay thế hàng nhập khẩu, rất phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta. Theo thống kê sơ bộ, hiện có trên 30 tập đoàn xuyên quốc gia của Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, chiếm khoảng 25% số dự án và gần 70% tổng vốn đăng ký của các dự án Nhật Bản đầu tư tại nước ta. Các tập đoàn này có mặt trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp quan trọng như bưu chính viễn thông, lắp ráp ô tô, xe máy, công nghệ thông tin - điện tử, sản xuất xi măng, kính, phân bón, đồ gia dụng và phát triển hạ tầng khu công nghiệp ...
Nét nổi bật của các nhà đầu tư Nhật Bản là rất thận trọng trong việc tìm hiểu cơ hội đầu tư, chuẩn bị dự án, song khi đã quyết thì việc triển khai dự án sẽ nhanh chóng và có hiệu quả. Cách làm này đã giữ cho tỷ lệ các dự án của Nhật Bản bị giải thể thấp, dưới 9%, trong khi đó tỷ lệ chung là 15%. Ngoài ra, các nhà đầu tư Nhật Bản luôn luôn dẫn đầu về vốn thực hiện đầu tư, đã đạt 3,3 tỷ USD. Tiêu chí này phản ánh việc đầu tư trực tiếp của Nhật Bản tại Việt Nam đã đạt hiệu quả cao.
Các doanh nghiệp Nhật Bản làm ăn tại Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Riêng về xuất khẩu, có tới 70% các công ty có vốn đầu tư Nhật Bản tham gia xuất khẩu, trong đó số công ty xuất khẩu 100% sản phẩm chiếm tới gần một nửa, chủ yếu là các sản phẩm dệt may, đồ điện, điện tử, máy móc chính xác ... Các công ty có vốn đầu tư của Nhật Bản có tỷ lệ hàng xuất khẩu cao nhất hiện nay, chiếm gần 1/3 tổng giá trị hàng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, so với các nước châu á khác, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản ở Việt Nam chưa tương xứng với thực lực và nguyện vọng của cả hai bên. Làm gì và làm thế nào để dòng đầu tư của Nhật Bản đổ vào Việt Nam nhiều hơn - đây là một vấn đề trọng tâm trong Chương trình nghị sự của hai nước. Nhân chuyến đi thăm làm việc của Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải trong tháng 4 năm nay, hai nước đã thoả thuận Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Việc ký kết chính thức Hiệp định này trong thời gian tới sẽ mở ra triển vọng to lớn cho hợp tác đầu tư Việt Nam - Nhật Bản. Cũng trong khuôn khổ chuyến đi thăm nói trên, Việt Nam và Nhật Bản đã công bố Sáng kiến chung về nghiên cứu môi trường kinh doanh ở Việt Nam, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Hy vọng rằng, những khuyến nghị được đưa ra vào cuối năm nay trong khuôn khổ Sáng kiến này, sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam, góp phần vào quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Song song với hoạt động này, Nhóm công tác Việt Nam - Nhật Bản về cải thiện môi trường đầu tư, được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hai nước, đã hoạt động được 4 năm nay. Nhóm công tác này đang có những đóng góp tích cực nhằm tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và dự báo trước được đối với các nhà đầu tư Nhật Bản.
Cùng với thương mại và đầu tư trực tiếp, Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản dành cho Việt Nam chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong hợp tác phát triển của Việt Nam với cộng động tài trợ quốc tế. Trong số các nước bạn bè của Việt Nam, Nhật Bản đã hỗ trợ tài chính để góp phần khai thông mối quan hệ của Việt Nam với các tổ chức tài chính quốc tế chủ chốt vào cuối năm 1992 và cũng từ đây, quan hệ hợp tác phát triển song phương Việt Nam - Nhật Bản đã khởi động trở lại và không ngừng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Thực hiện chính sách ODA hướng vào châu á, Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác ODA ưu tiên của mình. Trong thời gian qua, hai nước đã hướng hợp tác phát triển vào 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: (i) Phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thể chế, trong đó chú trọng hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường; (ii) Hỗ trợ cải tạo và xây dựng các công trình điện và giao thông; (iii) Hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng ở nông thôn và chuyển giao công nghệ mới tại các vùng nông thôn; (iv) Hỗ trợ phát triển giáo dục và y tế; (v) Hỗ trợ bảo vệ môi trường.
Các lĩnh vực ưu tiên nói trên phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam trong Chiến lược phát triển 10 năm 2001 - 2010 và Kế hoạch 5 năm 2001 - 2005.
Từ năm1992 đến nay, kể cả những năm kinh tế Nhật Bản gặp nhiều khó khăn, Chính phủ Nhật Bản luôn là nhà tài trợ ODA có quy mô lớn nhất dành cho Việt Nam, đã tăng từ 46,7 tỷ Yên năm 1992 lên 93,4 tỷ Yên năm 2002, chiếm 40% tổng nguồn ODA của các nước cung cấp cho Việt Nam. Tổng cộng trong thời kỳ 1992 - 2002, Nhật Bản đã ký kết cho Việt Nam các khoản ODA trị giá hơn 8 tỷ USD, trong đó hơn 13% là viện trợ không hoàn lại, phần còn lại là các khoản tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp và thời gian tài trợ dài.
Nhật Bản chủ trương hỗ trợ Việt Nam phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn làm động lực cho tăng trưởng toàn diện và xoá đói giảm nghèo, ODA của Nhật Bản đã hỗ trợ phát triển giao thông vận tải, năng lượng, thuỷ lợi, một số cơ sở đào tạo và y tế trọng điểm. Nhiều công trình trong các lĩnh vực trên đã đưa vào sử dụng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân như quốc lộ 5, nhiều đoạn trên quốc lộ 18, quốc lộ 10, các cầu trên quốc lộ 1, một số lượng lớn các cầu nông thôn ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2; Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, hàng trăm trường tiểu học ở các vùng bị bão lụt… Chẳng bao lâu nữa, nhiều công trình hạ tầng cơ sở khác tầm cỡ quốc gia với sự tài trợ của Nhật Bản sẽ hoàn thành xây dựng như hầm đường bộ đèo Hải Vân, cầu Thanh Trì Hà Nội, cầu Bãi Cháy Hạ Long, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1 và 2, Nhà máy Thuỷ điện Đại Ninh, công trình thuỷ lợi Phan Rí, bệnh viện Trung ương Huế ... đóng góp thiết thực cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2001 - 2005 và tạo gối đầu cho kế hoạch 5 năm tiếp theo.
Song song với việc hỗ trợ phát triển phần cứng, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường thể chế trong các lĩnh vực luật pháp, cải cách tài chính, ngân hàng, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ... cũng là những trọng tâm của ODA Nhật Bản.
Thông qua ODA, Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong nhiều sáng kiến hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, ASEM, tiểu vùng Mêkông mở rộng ...
Nâng cao hiệu quả ODA, nhất là giải ngân nguồn vốn này hiện là sự quan tâm chung của cả hai phía. Hài hòa thủ tục, đặc biệt là trong lĩnh vực mua sắm, đấu thầu và xây dựng kế hoạch giải ngân là những trọng tâm trong kế hoạch hành động của Việt Nam và Nhật Bản từ nay đến cuối năm.
30 năm nhìn lại có thể thấy, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Nhật Bản đang đơm hoa kết trái, phục vụ cho lợi ích chung của cả hai nước. Thời gian qua đã để lại nhiều kinh nghiệm quí và nhiều bài học có giá trị cho đoạn đường phía trước của mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản hướng tới mục tiêu: Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài.