Phát triển công nghiệp ở một huyện ngoại thành

Là huyện ngoại thành của thành phố Hà Nội, Gia Lâm có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế do có nhiều đầu mối giao thông nối với các tỉnh, thành khu vực miền Bắc. Phát huy những lợi thế

Năm 2005, giá trị sản xuất toàn Huyện tăng hơn 14,1% so với năm 2004, trong đó ngành công nghiệp - xây dựng đạt 53,5%; Nông, lâm, thuỷ sản đạt 23,4%; Thương mại dịch vụ đạt 23,1%.

Sản xuất công nghiệp năm qua được đánh giá là có bước tăng trưởng khá do có sự đầu tư mạnh trong khối doanh nghiệp. Năm 2004, tổng nguồn vốn kinh doanh là 451 tỷ đồng, thì đến năm 2005, con số này đã là 682 tỷ đồng, tăng 51,2%. Trong đó, khu vực công ty TNHH tăng 41,4%, công ty cổ phần tăng 82,2%, khu vực doanh nghiệp tư nhân tăng 39,6%, kinh tế tập thể tăng 40,4%. ước giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh năm 2005 đạt 395,6 tỷ đồng, tăng 17,2%.

Các cụm doanh nghiệp tập trung vừa và nhỏ cũng đã từng bước đi vào hoạt động ổn định và bước đầu đã có kết quả tốt như Cụm công nghiệp Phú Thị, Cụm sản xuất làng nghề Bát Tràng với diện tích gần 17 ha đang trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Các dự án còn lại như Dự án cụm công nghiệp làng nghề Kiêu Kỵ đã cắm xong mốc giới, Cụm công nghiệp Ninh Hiệp với diện tích 63,631 ha đã được phê duyệt dự án đầu tư và đang xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, có Cụm công nghiệp thực phẩm Hapro nằm trên địa bàn hai xã Kim Sơn và Lệ Chi đang chuẩn bị được xây dựng và Cụm công nghiệp Lâm Giang nằm trên xã Kiêu Kỵ đang lập dự án đầu tư.

Hoạt động thương mại và dịch vụ cũng được đánh giá phát triển khá mạnh nhờ sự năng động của các hộ kinh tế cá thể, sự phát triển mạnh mẽ của khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã đưa giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ năm 2005 đạt trên 200 tỷ đồng, tăng từ 15-16% so với năm 2004.

Năm qua, Huyện cũng thực hiện tốt công tác rà soát, đánh giá kết quả triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội từ năm 2001-2005 đồng thời đề ra phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, an ninh-quốc phòng từ năm 2006 đến 2010. Trong năm, Huyện đã giao cho các đơn vị làm chủ đầu tư với tổng số 180 dự án, (trong đó 43 dự án đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, 137 dự án giai đoạn chuẩn bị thực hiện). Các dự án khi triển khai đều thực hiện theo đúng trình tự về quản lý đầu tư xây dựng, thi công đảm bảo chất lượng, kỹ thuật.  

Năm 2006, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện Gia Lâm lần thứ XIX và kế hoạch 5 năm (2006-2010) theo tinh thần “Trí tuệ, đổi mới, đoàn kết, dân chủ, kỷ cương”, ngay từ những tháng đầu năm, Huyện đã phát động phong trào thi đua rộng rãi tới các ngành đoàn thể, các cơ quan đơn vị và mọi tầng lớp nhân dân, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Tiếp tục triển khai và thực hiện mục tiêu 3 Đề án của Thành uỷ về Cải cách hành chính; Nâng cao hiệu quả kinh tế, Cải thiện môi trường xã hội. Các đề án này đều được gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các chương trình của Huyện.

Đây là năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là năm bản lề để Gia Lâm tăng tốc phát triển. Vì vậy, Huyện phấn đấu tổng giá trị các ngành kinh tế chủ yếu tăng từ 14-15%, trong đó, giá trị SX CN –XD CB tăng 17-18%, giá trị SX thương mại-dịch vụ tăng 15-16%.

Về sản xuất công nghiệp, nhiệm vụ trọng tâm của năm 2005 vẫn là chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung, khuyến khích mọi thành phần kinh tế, mọi người dân có năng lực và điều kiện tham gia đầu tư, mở rộng SXKD nhất là các làng nghề truyền thống, có thương hiệu và có uy tín trên thị trường.

Tập trung hướng phát triển vào các ngành hàng mũi nhọn, truyền thống, sản phẩm có uy tín, giá trị tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, hạn chế gây ô nhiễm môi trường; Phát triển các loại hình dịch vụ theo hướng vừa đa dạng phong phú, vừa chuyên doanh nhằm nâng cao trình độ và chất lượng các loại hình dịch vụ.

Trong định hướng phát triển kinh tế của huyện Gia Lâm, các dự án lớn, các công trình trọng điểm, đặc biệt là các dự án tạo vốn cho đầu tư phát triển như Khu đấu giá quyền sử dụng đất Trâu Quỳ, Cụm công nghiệp tiểu thủ công nghiệp Bát Tràng, Kiêu Kỵ… sẽ được triển khai nhanh. Bên cạnh đó, Huyện còn chú trọng áp dụng khoa học công nghệ đầu tư các vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng vùng sản xuất rau an toàn để cung cấp cho nhân dân trong vùng, trong nội thành và hướng tới thị trường xuất khẩu. Quan tâm hỗ trợ các vùng sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp, cây rau, trên cơ sở tăng cường chuyển giao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất thâm canh, bố trí cơ cấu cây trồng, mùa vụ hợp lý có hiệu quả. Có chính sách hỗ trợ giống và ứng dụng thiết bị kỹ thuật giúp nông dân phát triển chăn nuôi lợn nạc, bò sữa, nuôi trồng thuỷ sản. Đồng thời chỉ đạo các dự án chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá có quy hoạch vùng sản xuất tập trung, phát triển các làng nghề theo đề án đã phê duyệt.

Trong những năm tới, một số công trình lớn như cầu Thanh Trì, đường Quốc lộ 5 kéo dài, các khu công nghiệp tập trung và các khu đô thị mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ cho phép Gia Lâm có thêm nhiều cơ hội phát triển, để một huyện ngoại thành Hà Nội ngày càng lớn mạnh góp phần cho sự phồn vinh của thủ đô và của đất nước.
  • Tags: