Công ty Than Cọc Sáu khai thác than ở mức sâu nhất ngành Than

Ngày 28 tháng 4 năm 2003 vừa qua, Công ty Than Cọc Sáu đã tổ chức Lễ mừng công, hoàn thành công trình hạ moong năm 2002-2003. Lễ mừng công năm nay có ý nghĩa đặc biệt, Công ty Than Cọc Sáu đã đạt được

Chiến dịch hạ moong hàng năm của Công ty Than Cọc Sáu tiến hành từ tháng 11 năm trước, tới 20/4 năm sau. Chiến dịch hạ moong hàng năm có ý nghĩa sống còn đối với việc thực hiện kế hoạch khai thác than hàng năm của Công ty. Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, lượng mưa trung bình hàng năm từ 2000-2040 mm và tập trung chủ yếu vào mùa mưa. Do vậy, việc khai thác than đáy mỏ chỉ tiến hành được trong 6 tháng mùa khô, trong thời gian này, mỏ phải tổ chức bơm cạn nước, xúc dọc bùn, thời gian thực sự để đào sâu lấy than chỉ còn 3-4 tháng. Trong thời gian đó, nước ngầm liên tục chảy ra (tời 2000-3000 m3/ngày đêm) làm cho đáy mỏ lầy lội, ôtô, máy xúc buôn bị lún chìm, hỏng hóc, năng suất thấp, chi phí vật tư, nhiên liệu lớn.

Do mưa lớn cuốn theo bùn, đất đá trôi xuống và lấp các vỉa than dưới đáy mỏ, nên khi khai thác xuống độ sâu – 60m mỏ phải tạm đóng cửa. Trong thời gian đó, hàng năm, bùn đất lắng đọng đổ xuống đáy mỏ từ lâu đã lên tới 1,2 triệu m3. Đã có nhiều phương án của nhiều tác giả nghiên cứu, đề xuất, đến tháng 5/1990, phương án vét bùn bằng tàu hút bùn và đào sâu đáy mỏ bằng máy xúc thuỷ lực ngầu ngược (TLGN) được thử nghiệm.

Trong quá trình thử nghiệm đề tài, việc tổ chức khai thác than đáy mỏ được tổ chức hết sức sáng tạo bằng cách đắp đập ngăn đáy mỏ thành 2 khu vực Bắc và Nam, dùng tàu hút bùn động tụ Nam sang động tụ Bắc, tiến hành khai thác hết than ở khu Nam, sau đó lại bơm bùn ngược trở lại khu Nam và khai thác than ở khu Bắc. Lấy nước tuần hoàn trên các khu chứa bùn cấp cho tàu hút bùn làm việc. Phương pháp này chi phí bơm bùn chỉ bằng 30% so với giá thành bơm bùn ra ngoài mỏ, không những vốn đầu tư ban đầu thấp, mà còn thu hồi được lượng than bùn đáy mỏ. Chỉ tính từ năm 1993-1996 đã bơm lên bể lắng và thu hồi sử dụng được 290.000 m3 bùn than trị giá 41,7 tỷ đồng. Thợ mỏ Cọc Sáu đã lao động sáng tạo, đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu đạt hiệu quả rất cao. Mỏ đã cải tạo 7 xe ôtô từ chờ đất sang chở bùn, tăng dung tích chứa hữu ích của thùng xe, đồng thời giảm độ bám dính của bùn trong thùng xe khi trút tải, năng suất gấp 2-3 lần trước khi cải tạo. Mỏ đã tự thiết kế và thi công các đập chắn bùn, tháo khô cục bộ một số khu vực để xúc trực tiếp, giảm chi phí và tăng tiến độ nạo vét. Nhờ các cố gắng trên, tháng 4/1997, toàn bộ khối lượng bùn 1,2 triệu m3 ở đáy mỏ được vét hết, khai thác được hoàn toàn 8 triệu tấn than dưới bùn.

Trong quá trình khai thác than đáy mỏ, công tác thoát nước bảo vệ sản xuất phải được Công ty coi trọng như chỉ tiêu than đất. Từ năm 1992 đến nay, nhiều công trình thoát dẫn nước lớn, nhỏ được thi công, tạo thành một vùng mương thoát dẫn nước bao quanh đáy mỏ, giảm lượng nước xuống đáy mỏ từ 15 triệu m3/năm trước đây xuống còn 5-6 triệu m3 và cũng giảm đi hàng trăm ngàn m3 bùn. Để xử lý mạch nước ngầm, năm 1995, Công ty đã thiết kế và thi công hố nước ở mức +30 dùng nước này để tưới đường dập bụi, làm vệ sinh công nghiệp, giảm bơm nước 2 cấp, khống chế hơn 4 triệu m3 nước không cho chảy xuống lòng moong, giảm chi phí hàng tỷ đồng.

Công tác vét bùn ở đáy mỏ được tiến hành theo kiểu cuốn chiếu. Để nâng cao năng suất khai thác than đáy moong, Công ty đã mua máy xúc ngầu ngược đưa vào sản xuất. Việc đưa máy xúc TLGN vào khai thác than đáy moong vừa cơ động, di chuyển nhanh, vừa đảm bảo an toàn ở các địa hình phức tạp khi thời tiết mưa bão bất ngờ và giảm chi phí, chất lượng than được nâng cao do ít lẫn bùn đất. Sau khi máy xúc TLGN được sử dụng thành công ở mỏ Cọc Sáu, hầu hết các mỏ lộ thiên khác đã đầu tư mua máy xúc này về sử dụng, tạo ra bước tiến lớn trong kỹ thuật khai thác. Thành công trong công nghệ khai thác than đáy mỏ là kết quả của trí tuệ tập thể, phản ánh tinh thần lao động sáng tạo, tính kỷ luật đồng tâm cao của thợ mỏ Cọc Sáu, phản ánh sự nỗ lực nội tại gắn liền với sự hợp tác chặt chẽ có hiệu quả với các cơ quan nghiên cứu khoa học.

Theo một số chuyên gia nước ngoài, những mỏ lộ thiên lớn như Cọc Sáu không có nhiều, bởi từ đáy moong lên tới đỉnh cao của mỏ tới 500 m, nó giống như 1 chiếc chảo khổng lồ mà đáy còn nhiều than, còn có thể tiếp tục khai thác được. Trước kia, có nhiều phương án và nhiều người rất ái ngại khi phải xuống sâu tới mức -120m. Tuy vậy cũng có ý kiến mạnh dạn đặt vấn đề, tạo sao Cọc Sáu không nghĩ đến mức – 240 hay sâu hơn nữa? Thành công chiến dịch hạ moong của Cọc Sáu đã chứng minh cho tư duy, còn than, Cọc Sáu còn xuống sâu, còn than, Tổng công ty TVN còn xuống sâu khai thác. Tất nhiên, Cọc Sáu nói riêng, Tổng công ty TVN nói chung sẽ tìm các giải pháp để đảm bảo an toàn cho người và thiết bị khi khai thác than xuống sâu.

Công ty Than Cọc Sáu đạt được nhiều “cái nhất” trong ngành Than, nhưng có 2 điều mà ai cũng nhớ, cũng biết, đó là: Sản lượng khai thác lớn nhất và khai thác than ở mức sâu nhất.

  • Tags: