Kymdan - 50 năm hành trình khẳng định một thương hiệu mạnh

Tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu Việt và bảo vệ nhãn hiệu hàng hoá Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế”, nhiều chuyên gia đã gióng hồi chuông nhắc nhở: Một nhãn hiệu thành công ở trong nước, ch

 Một trong những doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã đạt cả hai vế tạo thành công nhãn hiệu và khẳng định đó là : Công ty cổ phần Cao su Sài Gòn – Kymdan, thương hiệu mạnh gần 5 thập kỷ qua. Đây cũng là doanh nghiệp vừa được Hội đồng giải thưởng của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) xét trao giải Sáng tạo năm 2003.

Kymdan là tên viết tắt của Kỹ nghệ nệm đa ngành, hay cũng có thể hiểu Kỹ nghệ nệm của Đan; tức ông Nguyễn Văn Đan, người Việt Nam đầu tiên thành công trong việc khắc phục được mùi hôi của cao su và tạo độ xốp thích hợp cho sản xuất nệm cao su Việt Nam từ những năm đầu thập niên 50 ở thế kỷ trước.
Ngay từ những năm 1954, sản phẩm nệm cao su nhãn hiệu Kymdan đã có mặt thị trường. Năm 1961, nệm Kymdan được chính thức công nhận quyền sở hữu công nghiệp. Năm 1984, Cục Sáng chế Công hoà Pháp đã cấp bằng sáng chế cho ông Nguyễn Văn Đan về những cải tiến giúp làm thoát nhiệt từ cơ thể người nằm trên nệm cao su toả ra. Đến nay, sau gần 50 năm hình thành và phát triển, nệm cao su Kymdan đã khẳng định được vị thế là thương hiệu mạnh không những trong nước, mà còn chinh phục bằng thế mạnh rất riêng ở thị trường nước ngoài. Các bệnh viện ở Australia chuộng nệm Kymdan do có độ đàn hồi phù hợp với bệnh nhân; nệm Kymdan dạng salon được người tiêu dùng Đức ưu tiên lựa chọn do tính năng sử dụng đa dạng, độ ổn định cao; khách hàng Pháp thích sản phẩm nệm Kymdan vì nó được làm hoàn toàn bằng cao su thiên nhiên, và được đảm bảo an toàn về khả năng không có hoá chất gây độc hại, có khả năng chống cháy. Trung Quốc cũng là bạn hàng lớn tiêu thụ nệm cao su Kymdan, do sản phẩm có sức cạnh tranh tốt cả ở khâu giá cả lẫn độ bền cơ học.
Đến nay, thương hiệu nệm cao su Kymdan được đăng ký bảo hộ ở 52 quốc gia và vùng lãnh thổ. Doanh số bán hàng bình quân mỗi ngày đến gần 1 tỷ đồng (tính luôn cả 3 cửa hàng do Kymdan mở tại Pháp, Đức và Australia), và đã không ít lần từ chối đơn hàng số lượng lớn của khách nước ngoài, vì mặt bằng sản xuất của đơn vị còn chưa đủ sức đáp ứng.
Những điều gì đưa đến sự thành công của thương hiệu nệm cao su Kymdan? Theo nhiều doanh nhân “tiền bối” ở đất Sài Gòn xưa, thì có thể đó là kết quả từ tinh thần của chủ thuyết “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh đã làm nên một tinh thần doanh nghiệp mà người ta ví là “đòn bẩy công thương” ở những thập niên đầu thế kỷ trước. Thương hiệu nệm cao su Kymdan của ông Nguyễn Văn Đan ra đời trong bối cảnh, lúc đó trên thị trường Việt Nam chưa hề có một sản phẩm tương tự nào, dù là của nước ngoài sản xuất, xem như bước đầu đặt thêm niềm tin cho người Việt trên chặng đường “chấn hưng kinh tế”.
Xét dưới góc độ khác (góc độ sinh học), theo GS.TS Nguyễn Khánh Dư - Chủ tịch Hội Phẫu thuật lồng ngực và Tim mạch Tp.HCM, nệm cao su Kymdan đảm bảo về “độ cứng” cần thiết đối với các bệnh nhân nằm điều trị dài ngày tại bệnh viện, đặc biệt là đối với bệnh nhân về cột sống và bệnh nhi đang độ tuổi phát triển cột sống sinh lý. Quan điểm này cũng được nhiều chuyên gia cột sống của Australia đồng tình và lựa chọn trong các bệnh viện. Do đó, một khi nệm cao su này tốt cho người bệnh, thì cũng sẽ là lựa chọn hợp lý cho người khoẻ mạnh - GS.TS Nguyễn Khánh Dư đã tham vấn như vậy.
Còn bà Nguyễn Thị Minh Lý, Trưởng Phòng Chứng nhận của Trung tâm Chứng nhận Phù hợp Tiêu chuẩn Quacert (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho rằng, một trong những lý do đưa đến Kymdan trở thành thương hiệu mạnh, chính là việc các nhà quản lý ở đây đã giúp người lao động của mình am hiểu về yêu cầu của luật pháp quốc gia, cùng các công ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực lao động; như lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, điều kiện an toàn, thời gian làm việc, phân biệt đối xử trong lao động, bình đẳng giới, tôn trọng tự do đoàn thể, trả công, kỷ luật...
Người lao động nơi đây, qua khảo sát của Quacert, cho biết, hàng năm được trợ cấp số tiền từ 2 triệu đến 10 triệu đồng/lần trong dịp cưới hỏi, khi ốm đau, khi có người thân nằm viện... và nếu người lao động trong Công ty khi về hưu có mãn phần, gặp hoàn cảnh khó khăn, Ban Giám đốc Công ty sẽ giúp đỡ luôn cả việc xây nơi yên nghỉ, và ưu tiên nhận việc đối với con cái của những công nhân từng làm ở công ty. Ngoài ra, Công ty đang xây dựng khu cư xá công nhân, với chế độ ưu đãi cấp căn hộ miễn phí cho những lao động thâm niên có nhu cầu.
Ông Nguyễn Hữu Trí, người con kế nghiệp của ông Đan, bày tỏ quan điểm về một sản phẩm có thương hiệu mạnh, thì trước tiên thu nhập người lao động ở đó phải đảm bảo không những có thể nuôi được bản thân và gia đình, mà còn có dư dã để phụng dưỡng cha mẹ, cũng như mua sắm tiện nghi, giúp nâng cao đời sống tinh thần. Do vậy, tiền lương bình quân hàng tháng của người lao động tại đây hiện trên 3,3 triệu đồng.
... Một thương hiệu có sức mạnh làm gia tăng doanh thu và lợi nhuận, khuyến khích sự trung thành của giới tiêu dùng và giảm thiểu hậu quả phát sinh từ đối thủ cạnh tranh. Thương hiệu không đơn thuần chỉ là một thành tố quan trọng trong sản xuất kinh doanh, thương hiệu còn là một lối sống. Thương hiệu gắn liền, không chỉ với những sản phẩm cụ thể, mà còn gắn với một quốc gia… Và hành trình 50 năm của Kymdan xem như là một minh hoạ gần gũi cho xây dựng thành công thương hiệu Việt và bảo vệ nhãn hiệu hàng hoá Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

  • Tags: