Đô thị - điện sáng hơn
Những ngày này, nếu ai có dịp đi dọc các tỉnh từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, qua Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đến Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà lên các tỉnh Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tom đều tự hào, phấn chấn khi tận mắt nhìn thấy một phần ba đất nước Việt Nam giàu đẹp, “sơn thuỷ hữu tình” đang bừng lên sức sống mới. Các hệ thống đường dây truyền tải điện như những con “rắn bạc” vượt qua sông lớn, xuyên thẳng rừng xanh, qua các miền quê trù phú đưa điện về cấp cho các thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mở đang hoạt động và tiếp tục mở rộng…
Đã qua lâu rồi tình trạng thành phố, đô thị mà phải ăn cơm và học tập dưới ánh sáng đèn dầu tù mù, đêm ngủ phải dùng đến quạt mo, quạt giấy phì phạch rã cả hai cánh tay. Vì cả vùng rộng lớn này, từ chỗ mỗi năm chỉ có vài trăm triệu kWh điện bằng nguồn phát điêzen độc lập công suất nhỏ và đã cũ kỹ, lạc hậu, nay đạt bình quân 3,5 – 4 tỷ kWh/năm. Các cơ quan, xí nghiệp, khách sạn, bệnh viện, trường học, rạp hát, nơi vui chơi công cộng, nhà hàng, bến xe, bến tàu, nhà ga, chợ… nay không còn “đói điện”. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, học tập, sinh hoạt của người dân đều sử dụng ánh sáng điện. Nhiều gia đình đã dùng máy điều hoà không khí, máy giặt, tủ lạnh và các tiện nghi sinh hoạt hiện đại khác, để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đặc biệt, về đêm, các thành phố, đô thị mới, thị xã, thị trấn, thị tứ ở các tỉnh ven biển miền Trung và Tây Nguyên điện sáng rực rỡ hơn, đã tăng thêm vẻ đẹp, làm phấn chấn lòng người tự hào về đất nước đổi mới, càng tăng thêm tin tưởng vào tương lai sán lạn của quê hương. Thị xã Đồng Hới, các thành phố Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang… soi mình bên bờ biển Đông vốn đã đẹp “như tranh họa”, đêm đến, ánh điện lung linh nhiều màu lại càng tăng thêm sự quyến rũ du khách trong nước và nước ngoài. ở các thành phố Pleicu, Buôn Ma Thuột và các thị xã Đắc Nông, Kon Tum trên Tây Nguyên ngút ngàn màu xanh, điện không những toả sáng cả vùng đô thị mới sầm uất đang phát triển mạnh, mà còn góp phần quan trọng mở ra nhiều ngành kinh tế công nghiệp mới, nâng cao đời sống và dân trí đồng bào các dân tộc. Điện thương phẩm hàng năm cung cấp cho các thành phố, thị xã này những năm qua và hiện nay luôn tăng trưởng 2 con số và bình quân cứ 5 - 6 năm lại tăng gấp đôi.
Điện đến khắp buôn làng
Địa bàn do PC3 chịu trách nhiệm cung ứng điện năng chiếm tới hơn 30% diện tích cả nước, một bên giáp biển Đông, một bên giáp biên giới Việt-Lào. Trong đó, khu vực nông thôn, miền núi chiếm phần rất lớn. Địa thế ở đây hiểm trở, thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, lại bị chiến tranh tàn phá khá nặng nề, cơ sở hạ tầng hết sức yếu kém. Gần 20 năm sau ngày thống nhất nước nhà, hầu hết nông thôn ở đây vẫn chưa có điện.
Nhờ có hệ thống tải điện quốc gia 500 kV được kết nối hoàn thiện với các hệ thống đường dây truyền tải điện 220 -110kV và một số nhà máy thuỷ điện trên địa bàn như Vĩnh Sơn (hoàn thành cuối năm 1994), Sông Hinh hoàn thành năm 2000, Yaly (hoàn thành vào 2001)…, sản lượng điện trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên tăng khá, mạng lưới điện nông thôn có cơ hội phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng. Riêng năm 2003 đã có thêm 87 công trình điện nông thôn hoàn thành. Nhờ vậy, đến nay, 100% số huyện ở 13 tỉnh ven biển miền Trung và Tây Nguyên này có điện, 97% tổng số xã và gần 83% tổng số hộ dân nông thôn đã có điện để sản xuất và tiêu dùng. Đặc biệt, 5 trong số 13 tỉnh, thành phố đã có 100% tổng số xã dùng điện lưới quốc gia và đã bán điện cho Lào.
Điện đang vươn tới khắp buôn làng, các đảo ven biển, thức dậy tiềm năng kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân các dân tộc. Kỹ sư, công nhân Điện lực Khánh Hoà đã không quản khó khăn, vất vả, đưa điện lưới quốc gia ra đảo Bình Ba và bán đảo Vạn Thạnh, kéo đường dây vượt qua eo biển Cửa Nhỏ ở Vịnh Cam Ranh để đưa điện đến cho hàng ngàn hộ ngư dân… Đồng bào các dân tộc ít người ở nhiều xã vùng sâu, vùng xa, sát biên giới Việt - Lào từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam đến Kon Tum… đã được sử dụng điện lưới quốc gia và nguồn điện tại chỗ.
PC3 cũng đã hoàn thành trước thời hạn một tháng việc tiếp nhận và hoàn trả vốn lưới điện trung áp nông thôn do địa phương đầu tư trước tháng 2-1999; đồng thời đã tiếp nhận thí điểm bán điện đến tận hộ dùng điện ở nông thôn tại 21 xã. Công ty đã chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu, giảm giá bán điện xuống bằng hoặc thấp hơn giá Chính phủ quy định ở 400 xã, được nhân dân đánh giá cao. Công ty cũng đã đi đầu trong cải cách hành chính, thực hiện chế độ một cửa, một giá trong lắp đặt công tơ mới, đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng mua điện. Công ty đang tích cực xoá tình trạng bán điện qua công tơ tổng tại các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ và xoá cai thầu điện ở nông thôn.
Điện đến với các hộ công nghiệp
Từ chỗ vắng bóng công nghiệp trung ương và công nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài, đến nay trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố nói trên, đã có hơn 20 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế mở Chu Lai, thu hút hàng trăm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Công nghiệp ở đây đang có bước phát triển đầy triển vọng với nhiều ngành cơ bản, quan trọng như: luyện thép, cán kéo thép thành phẩm, sản xuất dây và cáp điện lực, đóng tàu biển, chế tạo cơ khí, hoá chất, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, thực phẩm và thuỷ sản, kéo sợi, dệt nhuộm hoàn tất, may hàng xuất khẩu, sản xuất săm lốp ôtô, xe máy và xe đạp, chế biến gỗ…
Với nhận thức “điện đi trước một bước và là động lực để phát triển kinh tế”, PC3 đã nắm bắt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước và từng địa phương, chủ động kéo đường dây, lắp đặt trạm biến áp để cấp điện sớm cho các khu kinh tế tổng hợp tập trung, các ngành kinh tế mũi nhọn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mở, các cửa khẩu, hải cảng trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên. Công ty đã có sự sáng tạo trong việc đầu tư cung cấp điện đến thẳng các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế mở bằng vốn vay tín dụng. Đây là cách làm mới, đem lại hiệu quả rõ rệt cho các nhà đầu tư và cả ngành Điện. Với cách làm này, Công ty đã bán được điện trực tiếp cho khách hàng, tăng doanh thu, góp phần thu hút nhà đầu tư, phát huy hiệu quả vốn kinh doanh của cả hai phía, được các địa phương và các nhà kinh doanh công nghiệp, dịch vụ, thương mại hoan nghênh.
Hiện nay, PC3 đang áp dụng rộng rãi phương thức đầu tư đưa điện đến thẳng hộ sử dụng trong tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế mở trên địa bàn. Trong đó có các khu công nghiệp đã thu hút được nhiều chủ đầu tư như Hoà Khánh, Liên Chiểu, An Đồn (Đà Nẵng); Điện Nam - Điện Ngọc, Chu Lai – Kỳ Hà (Quảng Nam) ; Dung Quất (Quảng Ngãi); Phú Tài (Bình Định); Hoà Hiệp (Phú Yên); Suối Dầu (Khánh Hoà); Trà Đa (Gia Lai) ; Tâm Thắng (Đắc Lắc); Phú Bài, Chân Mây (Thừa Thiên –Huế); Tây Bắc Đồng Hới (Quảng Bình)… Trong trường hợp cần sửa chữa đường dây và trạm phải tạm cắt điện, sẽ được báo trước 2 ngày để doanh nghiệp chuẩn bị, không để hư hỏng sản phẩm do mất điện đột ngột.
Nhờ chủ động cung ứng đủ điện năng một cách ổn định ngay từ đầu, đến nay, khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc đã phủ kín 95% diện tích giai đoạn I, hiện có 35 công ty, nhà máy đang hoạt động, thu hút hơn 16.200 lao động. Nhà máy Bia Quảng Nam có công suất giai đoạn I hơn 10 triệu lít/năm đi vào hoạt động từ tháng 9/2002, đến nay đã sản xuất vượt công suất thiết kế. Nhà máy Gạch lát Đồng Tâm đầu tư giai đoạn I trên 300 tỷ đồng với công nghệ tiên tiến nhất của Italia có công suất 5,6 triệu m2/năm, đi vào sản xuất 20-10-2000. Năm 2003, Nhà máy này đã xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ và Ôxtrâylia, nộp ngân sách Nhà nước hơn 20 tỷ đồng.
Mở rộng nghề kinh doanh
Thực hiện chiến lược của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) về phát triển đa ngành với các hình thức sở hữu thích hợp để tiến tới tham gia thị trường Điện lực, PC3 là đơn vị thành viên đầu tiên của EVN đầu tư các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ bằng các hình thức liên doanh, cổ phần.
PC3 đang triển khai 5 dự án thuỷ điện nhỏ có tổng công suất 41 MW với tổng số vốn dự toán 653 tỷ đồng bằng vốn tự có, vay thương mại và vốn cổ phần của cán bộ, công nhân viên. Các dự án này đã khởi công năm 2003, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện trong năm nay và năm tới, lần lượt đưa vào vận hành trong 2 năm 2005 - 2006. Dự án thuỷ điện Dray H’linh 2 có công suất 16 MW, đầu tư 243 tỷ đồng với vốn vay tín dụng và huy động của cán bộ công nhân viên đã khởi công năm 2003, dự định đưa vào vận hành năm 2005. Nhà máy thuỷ điện Đăk Pône công suất 14 MW đầu tư 253 tỷ đồng sẽ khởi công năm nay, dự định đưa vào vận hành năm 2006.
PC3 đã chủ động lựa chọn những đơn vị có tiềm lực như Điện lực Gia Lai, Công ty Xây lắp Điện 3, Công ty Xây dựng 47, Công ty Sông Đà và Công ty Bình Minh, đồng thời thành lập 3 Công ty liên doanh 2 thành viên và 3 thành viên để đầu tư xây dựng các nhà máy thuỷ điện H’Chan ở Gia Lai công suất 12 MW đã khởi công tháng 12-2002; Nhà máy thuỷ điện Khe Diên công suất 9 MW đã khởi công tháng 9-2003; Công trình thuỷ điện Ea Krông Rou ở Khánh Hoà công suất 28 MW sẽ khởi công trong quý 2-2004; các dự án thuỷ điện H’ Mun 15 MW, Ayun Thượng 2 công suất 18 MW…dự định sẽ khởi công trong năm tới.
Bên cạnh dó, PC3 cũng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào các dự án sản xuất dây và cáp điện lực, chế tạo cơ khí, sản xuất các mặt hàng bằng vật liệu Composite, chế tạo công tơ điện tử một pha, ba pha một giá và nhiều giá, triển khai dịch vụ viễn thông điện lực… nhằm tăng nhanh nguồn lực của một doanh nghiệp thành viên thuộc EVN, đang trên đường phấn đấu trở thành tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước./.