Văn bản pháp luật mới

1. Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được loại trừ trách nhiệm trong trường hợp họ không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng; Được giảm nhẹ một mức kỷ luật nếu thuộc một trong các trường hợp: đã có đơn xin từ chức và đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận; đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng, đã xử lý nghiêm minh, báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi tham nhũng.

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách, nếu không thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng hoặc nếu phát hiện hành vi tham nhũng mà không xử lý nghiêm minh, không báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì phải tăng nặng một mức kỷ luật.

2. Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Quy chế gồm 17 điều, quy định về mục đích giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; căn cứ để thực hiện giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; đối tượng giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; các hình thức giám sát doanh nghiệp; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong quá trình giám sát; nhiệm vụ và quyền hạn của chủ sở hữu trong hoạt động giám sát; nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động giám sát; phương pháp đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; hướng dẫn và công bố xếp loại doanh nghiệp nhà nước...

3. Nghị định số 118/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2006 về xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức.

Nghị định quy định về xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật, làm mất mát, hư hỏng trang bị, thiết bị hoặc gây ra thiệt hại về tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc xem xét xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức phải căn cứ vào lỗi, tính chất của hành vi gây thiệt hại, mức độ thiệt hại tài sản thực tế gây ra để quyết định mức và phương thức bồi thường thiệt hại, bảo đảm khách quan, công bằng và công khai.

Khi xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức phải thành lập Hội đồng xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức để xem xét, đánh giá tính chất của hành vi gây thiệt hại, mức độ thiệt hại, xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức gây ra thiệt hại, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về mức và phương thức bồi thường thiệt hại. Trường hợp cán bộ, công chức ngay sau khi gây ra thiệt hại có đơn xin tự nguyện bồi thường thiệt hại và được cơ quan, người có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản về mức, phương thức và thời hạn bồi thường thì không phải thành lập Hội đồng xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức.   

4. Nghị định số 117/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về Tổ chức và hoạt động của Thanh tra Công nghiệp.

Thanh tra công nghiệp là tổ chức thanh tra nhà nước, thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý Nhà nước về công nghiệp.

Thanh tra công nghiệp gồm thanh tra Bộ Công nghiệp và thanh tra Sở Công nghiệp. Hoạt động của thanh tra công nghiệp gồm: Hoạt động thanh tra hành chính (thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao đối với tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng và Giám đốc Sở; thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại tố cáo); Hoạt động thanh tra chuyên ngành gồm thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao đối với tổ chức, cá nhân hoạt động về công nghiệp, bao gồm các ngành cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khí, khai thác và chế biến khoáng sản, hoá chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác trong phạm vi cả nước, các hoạt động khác về công nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công nghiệp và Sở Công nghiệp; Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động về công nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công nghiệp và Sở Công nghiệp.

  • Tags: