1. Hệ thống giao thông thuận lợi:
Toàn tỉnh có hơn 2.500 km đường bộ, Quốc lộ 1A chạy xuyên qua tỉnh từ Bắc xuống Nam cùng với các tuyến tỉnh lộ chạy song song và cắt ngang như tỉnh lộ 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8A, 8B, 10A, 10B, 10C, 11A, 11B, 15 và các tỉnh lộ khác. 

Ngoài ra còn có tuyến quốc lộ 49 chạy ngang qua từ tây sang đông nối tiếp vùng núi với biển. Khu vực ven biển, đầm phá có quốc lộ 49B và một số tuyến ven biển khác. Khu vực gò đồi trung du và vùng núi rộng lớn phía tây thuộc các huyện A Lưới, Nam Đông có quốc lộ 14, tỉnh lộ 14B, 14C, quốc lộ 49 đi sang Lào. 

Đến nay toàn tỉnh đã nhựa hóa được 80% đường tỉnh, bê tông hóa 70% đường giao thông nông thôn (đường huyện, đường xã), 100% xã có đường ô tô đến trung tâm. 

Đường biển và đường thủy: Tổng chiều dài 563km sông, đầm phá. Tỉnh có cảng biển là cảng nước sâu Chân Mây và cảng Thuận An. Cảng Thuận An nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 13 km về phía đông bắc. Trong nhiều năm tỉnh đã tập trung đầu tư cho cảng Thuận An 5 cầu tầu dài 150m, có khả năng tiếp nhận tầu 1.000 tấn, được nhà nước công nhận là cảng biển quốc gia. Cảng nước sâu Chân Mây cách thành phố Huế 49 km về phía Nam đang được triển khai xây dựng một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật đầu tiên nhằm khai thác lợi thế trục giao thông Bắc - Nam và tuyến hành lang Đông - Tây, tạo động lực phát triển kinh tế những năm sau. 

Đường sắt: Tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua tỉnh Thừa Thiên Huế dài 101,2km đóng một vai trò quan trọng trong giao thông của tỉnh. 

Đường hàng không: Thừa Thiên Huế có sân bay quốc tế Phú Bài nằm trên quốc lộ I, cách phía Nam thành phố Huế khoảng 15 km. Những năm qua, bộ mặt và cơ sở hạ tầng của sân bay Phú Bài đã có những thay đổi đáng kể; đảm bảo cho may bay Airbus A320, Boeing 747 cất hạ cánh an toàn. 

2. Các nguồn cung cấp điện năng:
Hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế được nhận điện từ hệ thống điện Quốc Gia qua các tuyến đường dây 110 kV Đà Nẵng - Huế (chiều dài 86 km dây dẫn 2xACSR-185), tuyến Đồng Hới – Huế (mạch đơn ACSR-185) và đường dây mạch đơn 220 kV Hòa Khánh - Huế (chiều dài 80 km, dây dẫn ACSR-400) thông qua các trạm biến áp sau: Trạm 220 kV Huế có công suất 1x125 MVA điện áp 220/110 kV, trạm này vận hành từ 08/2002, được xây dựng trên cơ sở mở rộng trạm 110 kV Huế 1, nằm trên địa bàn xã Thủy An – Thành phố Huế (gần Ngự Bình). Trạm 220 kV Huế nhận điện từ trạm biến áp 500 kV qua đường dây 220 kV Đà Nẵng - Huế. 

- Trạm 110 kV Huế 1 (E6) có công suất 2x40 MVA điện áp 110/35/22 kV, trạm Huế 1 nhận điện từ trạm 220 kV Huế.
- Trạm 110 kV Văn Xá (E5) có công suất 2x25 MVA điện áp 110/35/6 kV, trạm này đưa vào vận hành từ năm 1997 chủ yếu cấp điện cho các phụ tải của nhà máy Xi măng Văn Xá.
- Trạm 110 kV Phú Bài, công suất 1x25 MVA, điện áp 110/35/22 kV, trạm chủ yếu cung cấp điện cho các phụ tải của KCN Phú Bài, trạm được đấu nối với lộ 373 của trạm 110 kV Huế 1.
- Trạm 110 kV Lăng Cô, công suất 1x25 MVA, điện áp 110/22 kV được đưa vào hoạt động để cung cấp điện cho khu du lịch Lăng Cô.
- Trạm 110 kV T2 Cầu Hai, công suất 1x25 MVA, điện áp 110/35/22 kV.
- Trạm 110 kV Huế 2 (E7), công suất 1x25 MVA, điện áp 110/35/22 kV, nằm trên địa bàn xã Hương Sơ - thành phố Huế, được đưa vào vận hành từ năm 1999 cấp điện cho khu vực phía Bắc thành phố Huế.
- Trạm 110 kV dệt Huế (E8), công suất 1x16 MVA, điện áp 110/35/6 kV. 

Ngoài ra tỉnh Thừa Thiên Huế còn có trạm phát điện diezel Ngự Bình có công suất đạt 2x4000 kVA đang vận hành và phát hiện bổ sung vào những giờ cao điểm. 

Ngoài 9 dự án thủy điện bậc thang được Bộ Công Thương phê duyệt thì tỉnh cũng qui hoạch 12 dự án thuỷ điện nhỏ khác với tổng công suất 106,5 MW. Hiện nay, nhà máy thủy điện Bình Điền đã phát điện và đến cuối năm (2010) nhà máy thủy điện Hương Điền cũng bắt đầu phát điện. 

3. Hệ thống cấp nước:
Thừa Thiên Huế là địa phương có nguồn nước mặt tự nhiên có chất lượng và sạch bậc nhất Việt Nam.
Tỷ lệ hộ sử dụng nước sách và nước vệ sinh khu vực nông thôn là 87%, khu vực thành thị là 98,9% (số liệu năm 2009). 

Công ty TNHH Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế có 10 nhà máy trực thuộc, với công suất thiết kế 99.200m3/ngày đêm, năm 2010, nâng tổng công suất đạt 206.500m3/ngày đêm, trong đó, cấp nước cho cho 111/152 phường xã, thị trấn trong tỉnh, trong đó: 100% dân thành phố Huế, 90% dân các thị trấn thị tứ và các xã vùng ven. Phấn đấu đến năm 2015 đạt tỷ lệ 75% dân số toàn tỉnh được tiếp cận nguồn nước máy. 

4. Tài nguyên khoáng sản
Trên lãnh thổ Thừa Thiên Huế đã phát hiện được 120 mỏ, điểm khoáng sản với 25 loại khoáng sản, tài nguyên nước dưới đất, phân bố đều khắp, trong đó chiếm tỷ trọng đáng kể và có giá trị kinh tế là các khoáng sản phi kim loại và nhóm vật liệu xây dựng. 

- Nhóm khoáng sản nhiên liệu chủ yếu là than bùn, trữ lượng các mỏ than bùn ở khu vực các trằm tại Phong Chương được đánh giá lên tới 5 triệu mét khối. 

- Nhóm khoáng sản kim loại có sắt, titan, chì, kẽm, vàng, thiếc 

- Nhóm khoáng sản phi kim loại và nhóm vật liệu xây dựng là các nhóm có triển vọng lớn nhất của Thừa Thiên Huế, bao gồm pyrit, phosphorit, kaolin, sét, đá granit, đá gabro, đá vôi, cuội sỏi và cát xây dựng. 

5. Các Khu kinh tế - Khu công nghiệp trên địa bàn:
- Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô
- Khu công nghiệp Phú Bài
- Khu công nghiệp tứ Hạ
- Khu công nghiệp Phong Điền
- Khu công nghiệp Phú Đa
- Khu công nghiệp La Sơn
- Khu công nghiệp Quảng Vinh
Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm kêu gọi các nhà đầu tư để lấp đầy các dự án tại các Khu kinh tế - Khu công nghiệp trên địa bàn.
  • Tags: