Những bất cập pháp lý trong xây dựng cơ bản

Mặc dù cho đến nay, không biết đã có bao nhiêu cuộc thanh tra, kiểm tra, nhiều vụ án hình sự đã xử và hàng trăm cuộc hội thảo nhằm hạn chế và tìm ra nguyên nhân tiêu cực trong lĩnh vực XDCB, nhưng có

 Trong những năm qua, các ngành, các cấp đã rất nỗ lực chống thất thoát, nhưng những tiêu cực trong lĩnh vực này đã không những không giảm, mà còn phát triển tinh vi hơn, với nhiều đối tượng hơn, thậm chí cả cán bộ cao cấp làm cho Ngân sách nhà nước tổn thất nhiều hơn và càng khó phát hiện xử lý.

Nguyên nhân và biện pháp khắc phục đã được nhiều người, nhiều cơ quan có trách nhiệm họp bàn và đưa ra, nhưng có lẽ chưa “trúng”.

1 - Mặt trái của xây dựng cơ bản ở Việt Nam.

Trong Báo cáo của Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XI (ngày 21-10-2003) đã nêu lên con số nợ đọng rất lớn và nạn đầu tư dàn trải trong xây dựng cơ bản (XDCB). Tình trạng này đã khiến cho nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Thêm vào đó là tình trạng thất thoát, lãng phí, tham nhũng đã đến mức báo động.

Có người cho rằng, tỷ lệ thất thoát bình quân trong đầu tư xây dựng khoảng 30% giá trị đầu tư, tương ứng với mức 20- 25 ngàn tỷ đồng mỗi năm. Các con số này cho thấy thất thoát, lãng phí, tham nhũng vốn đầu tư xây dựng của Nhà nước đã và đang ở mức độ nghiêm trọng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích xã hội và mất lòng tin trong nhân dân. Có người còn bức xúc với việc lãng phí hơn là tham nhũng trong XDCB. Tham nhũng, thất thoát tiền của Nhà nước vào túi cá nhân, tuy phải lên án, truy cứu trách nhiệm, nhưng xét về mặt nào đó, tiền của vẫn ”còn”. Nhưng lãng phí thì không ai được gì, và đặc biệt là chẳng ai bị truy cứu trách nhiệm do đổ tiền của Nhà nước xuống sông, xuống biển. Thử hỏi trong việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch, thẩm định các dự án xây dựng kém gây nên tình trạng nhiều công trình xây xong thì mất thời cơ kinh doanh hoặc xây mãi không xong, đặc biệt lại có dự án đang xây…bỏ đấy, đã có ai bị kỷ luật hay mất chức chưa? .

Thực tế hiện nay, thất thoát lãng phí trong đầu tư XDCB đã và đang là điểm nóng rất nhạy cảm, được dư luận xã hội quan tâm. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là tình trạng này diễn ra phổ biến ở các dự án thuộc khu vực kinh tế nhà nước, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước. Đây là một trong nhiều nguyên nhân gây mất cân bằng tài chính của Nhà nước.

Một trong những mặt trái trong XDCB đó là vấn đề: Đấu thầu và những bất cập về đấu thầu.   

Mỗi năm, nhờ đấu thầu, ngân sách quốc gia "tiết kiệm" được khoảng 400 triệu USD. Tuy nhiên, các chuyên gia lại nhìn con số đó với nhiều nỗi lo khác nhau. Nhiều cá nhân và tổ chức rất lo lắng và  đã nhiều lần báo động về hiện tượng bỏ thầu phá giá. Thật là khó hiểu, nhiều công trình trúng thầu với giá thấp hơn rất nhiều thậm chí chỉ bằng 50-70% giá dự toán mà vẫn được chấp nhận? Phải chăng những người xét thầu không hiểu gì về xây dựng, hoặc những người lập dự toán không biết tính toán? Có người đã nghi ngờ: Thầu như vậy thì hoặc dự toán sai, hoặc công trình không đạt chất lượng, hoặc nhà thầu sẽ phá sản! Chắc chắn là dự toán không sai nhiều như vậy và cũng chẳng nhà thầu nào phá sản, cái duy nhất là công trình chất lượng không đạt yêu cầu và nhiều công trình buộc Nhà nước lại phải cho tay vào cái túi Ngân sách eo hẹp của mình để bù cho công trình đang thi công dở dang, vì sự hoàn thành của nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nền kinh tế quốc dân. Thí dụ: Gói thầu 2A hầm Hải Vân trúng thầu với giá chỉ bằng 34,3% giá dự toán đã tưởng là kỷ lục về thắng thầu mà vẫn phải "ngả nón chào thua" gói thầu 2B với giá trúng thầu chỉ bằng 28,9% giá dự toán. Trong công trình xây dựng Nhà máy Xi măng Phúc Sơn (Hải Dương), giá thẩm định gói thầu san lấp mặt bằng là 35 tỷ đồng. Các nhà thầu ở Bộ Xây dựng sau khi tính toán tiết kiệm, chào giá 31 tỷ đồng, các công ty quân đội chào 21 tỷ, nhưng các nhà thầu địa phương huy động "sức dân nhàn rỗi" đã bỏ thầu chỉ 14 tỷ đồng.

Như vậy, phá giá đang được các nhà thầu coi là biện pháp chủ yếu để thắng thầu. Có những vụ đấu thầu, chênh lệch giữa giá thắng thầu và giá gói thầu lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trường hợp như đấu thầu xây dựng cảng Cái Lân, "chênh lệch giá" lên tới 400 tỷ đồng. Đường Bắc Ninh - Nội Bài, trên 9 nhà thầu bỏ giá trong khoảng 657-675 tỷ đồng, nhà thầu "chiến thắng" vẫn bỏ giá 657 tỷ đồng nhưng hạ "nốc ao" đối thủ nhờ kèm theo một "thư giảm giá" lên tới 223 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành dự án đường Bắc Ninh - Nội Bài theo cam kết là 24 tháng. Thực tế: "Sau 18 tháng thi công, con đường 36,3 km chưa có một mét nào được xây dựng hoàn chỉnh; cả tuyến có 14 chiếc cầu, nhưng gần chục chiếc chưa có ai đụng đến. Tiến độ thi công có thể kéo dài thêm 2 năm và các chuyên gia dự đoán rằng, công trình này khó có thể hoàn thành, nếu không có sự trợ giúp của Nhà nước ".

Sự "xuất hiện đúng lúc" của Nhà nước luôn luôn là "chỗ dựa" tốt cho các “nhà thầu”. Vì các nhà thầu sử dụng mọi cách để thắng thầu, sau khi “đặt chân” vào công trình sẽ xoay sở với tư vấn giám sát, với chủ đầu tư, sửa đổi thiết kế, bổ sung khối lượng hoặc tráo đổi vật tư…

Các chuyên gia đã dẫn chứng: “Hầu hết các dự án do ngành Giao thông là chủ đầu tư đều được bổ sung, điều chỉnh vốn. Cầu Bến Lức, Bộ Giao thông vận tải duyệt 111,9 tỷ đồng, trong quá trình thi công "bổ sung" 84,2 tỷ. Giá trúng thầu ba hợp đồng công trình đường tránh Hà Nội - Cầu Giẽ là 382,2 tỷ đồng, nhưng được bổ sung tới 235,8 tỷ. Phần sửa đổi, bổ sung này là do bên A thoả thuận với bên B không qua đấu thầu, dẫn đến giá quyết toán cao hơn giá thắng thầu rất nhiều”.

Nhớ lại, trong một lần họp báo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT trước đây khi trả lời các phóng viên về những lá thư tay của mình gửi cho Hội đồng xét  thầu thuộc Bộ mình phụ trách đã cho đó là “chuyện thường ngày ở huyện”. Như vậy, Quy chế đấu thầu là văn bản pháp luật của Nhà nước lại “ngả”  mũ  chào thua những lá thư kiểu như thế!

2 - Những nguyên nhân gây nên những mặt trái trong đầu tư XDCB ở Việt Nam.

Hiện nay, mọi người  đều biết ít nhiều về những mặt trái trong đầu tư XDCB và những nguyên nhân của nó. Như việc thông đồng giữa A và B để cùng nhau rút ruột Nhà nước, do tư vấn, quy hoạch kém và do bộ phận cán bộ thoái hoá biến chất…Có thể nói, những điều đó đều đúng, nhưng chưa chỉ ra được nguyên nhân cơ bản.

Theo chúng tôi, nguyên nhân cơ bản gây nên mặt trái trong đầu tư XDCB là những nguyên nhân đáng suy nghĩ sau:

2.1 – Sự điều hành thiếu nhạy bén hay tư tưởng có “vấn đề”?

Trước hết, phải kể đến tư tưởng coi đầu tư Nhà nước là “của chùa”, tranh thủ càng nhiều, càng có cơ hội chiếm đoạt. Có những đề án, kế hoạch, chương trình từ trung ương đến địa phương được các cơ quan hành chính nhà nước xây dựng theo nhu cầu của mình, không quan tâm đầy đủ đến hiệu quả, nhu cầu của thị trường. Đã thế, việc tổ chức thực hiện lại theo một đường dây “khép kín” trong một bộ, một tổ chức. Qua đó, những kẻ tiêu cực chia chác nhau tiền của Nhà nước - mà thực chất là của dân - theo kiểu “đá đi, đá lại”, gây ra thất thoát.

Các quyết định sai trái, duy ý chí của những người có quyền về chủ trương, quy mô, địa điểm... của dự án đầu tư sẽ không trơn tru trót lọt, nếu không có sự “phụ họa”, “tô điểm” của các chuyên gia tư vấn.

Do điều hành kém, nên chúng ta đã để những quy chế “ốm yếu” vẫn tồn tại. Quy chế đấu thầu đã để những nhà thầu bỏ thầu giá thấp một cách phi lý mà vẫn trúng thầu. Đã có lần, vào những năm 90 của thế kỷ trước, doanh nghiệp Việt Nam tham gia đấu thầu quốc tế ở nước bạn Lào, bỏ thầu 70% tổng dự toán thì trượt, còn người ta bỏ thầu 90% lại thắng thầu. Các bạn Lào đã có lý khi giải thích: “Nếu chúng tôi chọn các bạn thì chúng tôi không thể có những công trình như mong muốn”. Như vậy, ở đây, khi các chủ đầu tư chọn những nhà thầu bỏ giá thấp phi lý là có “ vấn đề”. Mà vấn đề gì thì chỉ có trời mới biết được “bụng ruột” họ mưu tính cái gì?

Thực tế cho thấy, mặc dù hiện nay các nhà kinh doanh kêu ca ở "chốn riêng tư" rằng, mình là nạn nhân của tham nhũng, nhưng phần lớn trong số họ lại cho rằng có  ''chiều ý'' những người có chức có quyền thì mới được giao việc, rằng đút lót đã trở thành ''dầu bôi trơn''.

2.2 – Những quy định cứng nhắc không theo kịp thị trường vẫn tồn tại..

Hiện nay, nhiều văn bản trong XDCB không theo kịp cơ chế thị trường. Vật liệu xây dựng đầu vào được định giá bởi thị trường, nó thường xuyên thay đổi theo thời gian hoặc do muôn vàn tác động trong và ngoài nước, song, Nhà nước lại quy định ''cứng'' giá cho các vật liệu này theo từng khoảng thời gian 6 tháng - 1 năm, đó là điều hết sức bất hợp lý trong xây dựng cơ bản. Nếu giá định trước này không đủ (mà thường là không đủ), thì người thi công chỉ có 2 con đường: hoặc ăn bớt vật liệu, hoặc giảm chi phí nhân công và máy móc.

Một vấn đề rất đáng quan tâm mà những nhà quản lý ít khi đề cập đến và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực trong đầu tư XDCB ngày càng nhiều. Đó là: Hiện nay, đối tượng cho vay quá rộng, trùm lên phần lớn các hoạt động của nền kinh tế, có dự án cho vay đến 100% tổng mức đầu tư và có đến 12 mức lãi suất ưu đãi khác nhau (chủ yếu là mức 3%). Việc làm này khiến đầu tư Error! Reference source not found. biến dạng thành hình thức bao cấp mới trong đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách. Ngoài ra, còn xuất hiện một nguy cơ có thật là cả người đi vay và người cho vay vốn tín dụng đầu tư phát triển đều có tâm lý không phải thu và không phải trả, vì họ ngầm hiểu rằng, đây là tiền cho không, được nhà nước bao cấp.

2.3 – Tồn tại hay là chết - cùng trong vòng luẩn quẩn.

Một hiện tượng là nhiều công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực

xây dựng, do thiếu việc làm, nên tìm mọi cách để có hợp đồng, dù phải tạm ứng vốn trước khi chưa ký được hợp đồng, cơ sở pháp lý bảo đảm duy nhất là lời hứa của sếp có thẩm quyền bên A.. Thế là triển khai công việc và cùng nhau vui vẻ, nếu sếp may mắn được sếp trên cấp tiền như đã hứa, còn không thì cả A và B đều…dở khóc…dở cười.

Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra nhiều mặt trái trong XDCB. Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với phóng viên Tạp chí Công nghiệp tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XI như sau: Nhiều công trình đầu tư dàn trải và nợ đọng lớn là vì cán bộ lãnh đạo ở các địa phương do mong muốn địa phương mình mau chóng phát triển, nên đã triển khai nhiều dự án chưa được duyệt. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng lại thích thực hiện những công trình đầu tư chưa được duyệt này, vì họ không phải đấu thầu trong khi đang thiếu việc làm. Đây là lỗ hổng lớn, do không được duyệt nên giá cả, chất lượng, thanh quyết toán kiểu gì chẳng được. Những người làm không theo quy định của Nhà nước kiểu này, có khi lại được khen thưởng vì “thành tích năng động sáng tạo”. Được biết, năm 2003 và các năm sau, Chính phủ sẽ không thanh toán các công trình không trong kế hoạch được duyệt. Phó TT Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Muốn thanh toán, nhưng Chính phủ đâu còn tiền”. Hiện tượng này đã tồn tại nhiều năm và là cách làm mang tính tuỳ tiện, không khoa học và coi thường kỷ cương phép nước.

2.4 -  Xử lý theo kiểu gia đình

Nhiều quy định mang dáng dấp điều hành kiểu gia đình. Công tác thẩm định, thẩm tra cũng đang có nhiều bất cập: Bởi sau khi hoàn thành đề án thiết kế, hồ sơ được chuyển cho bộ phận thẩm định cấp Bộ hoặc Sở. Thường các bộ phận này trực tiếp thẩm định mà không qua tư vấn thẩm định, nên có nhiều vấn đề nảy sinh do trình độ chưa xứng tầm với nhiệm vụ (ở các nước tiên tiến, công tác thẩm định là do một tổ chức tư vấn có tư cách pháp nhân thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, tổ chức nhà nước chỉ thực hiện chức năng quản lý). ở Việt Nam, vấn đề thẩm định và thanh tra cùng trong một Bộ, cùng một cơ quan, nên dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Thủ tướng Phan Văn Khải có lần nêu: “ Giám sát và thi công mà cứ nằm trong cùng một bộ thì rất khó có được vai trò độc lập". Nhưng để tách được những DN có quyền lợi khổng lồ này ra khỏi các bộ là điều không dễ dàng. Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng, trong một số trường hợp, Chính phủ sẵn sàng thuê các nhà tư vấn quốc tế có uy tín, dù chi phí sẽ tăng.

Một hiện tượng mà ít khi được đề cập đến, như Bộ Trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc đã phát biểu tại Hội trường Quốc hội kỳ họp thứ tư, khoá XI là: nhiều dự án do được hứa trước các kỳ đại hội. Chúng ta biết là trong làm ăn kinh tế, không thể tồn tại những quyết định ngẫu hứng mà phải bằng những luận chứng kinh tế chính xác. Đây là một lỗ hổng rất lớn để “con voi” mặt trái XDCB ung dung đi qua.  

3 - Kiến nghị

Để hạn chế đến mức thấp nhất những mặt trái trong đầu tư XDCB, trước hết cần rà soát và sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp quy trong lĩnh vực XDCB. Điều quan trọng nhất là đã ban hành văn bản pháp quy nào thì phải thực hiện bằng được. Xử lý nghiêm minh bất kể ai vi phạm. Đây là điều khó vì chúng ta thường ứng xử theo kiểu “Dĩ hoà vi quý”, kiêng nể, né tránh. Đặc biệt phải tìm ra, chặn đứng những đường dây chạy dự án, chạy tội, chạy chức như Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội ngày 21/10/2003 đã nêu.

  • Tags: