Trong nhiều năm nay, giáo dục Việt Nam đã trở thành vấn đề được toàn xã hội rất quan tâm với nhiều bức xúc đòi hỏi phải được giải quyết sớm như cải cách chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, cải cách thi cử, vấn đề tăng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển giáo dục, những tiêu cực trong giáo dục từ phía nhà quản lý và người học, mở rộng mạng lưới các trường tư, việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, v.v…
Hiện nay, Đảng và Chính phủ đang mong muốn thúc đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa giáo dục, nhưng nếu không đổi mới nền giáo dục thì giáo dục công lập và ngoài công lập không thể phát triển và mang lại hiệu quả.
1 - Một số vấn đề cần phải giải quyết của nền giáo dục Việt Nam .
GS Hoàng Tuỵ đã nhận xét: "Tình trạng sút kém của giáo dục kéo dài triền miên quá lâu, có thể nói cả chục năm nay rồi. Những chuyện thi cử, dạy thêm, sách giáo khoa - ba khối u đó có từ lúc nào và đến nay đã giảm bớt được gì?
Nguy kịch chính là ở chỗ đó: Không có gì đáng lo hơn là lạc hậu mà không nhận ra được sự lạc hậu!...Cái chính là ta làm giáo dục (GD) sai quá. Điều tệ hại là do phổ thông có quá nhiều chuyện bức xúc, nên cả xã hội tập trung bàn về phổ thông mà quên ĐH. Trong khi đó, so với thế giới và các nước trong khu vực, giáo dục đại học (ĐH) của ta tụt hậu còn xa hơn giáo dục phổ thông.
Nếu nguyên nhân giáo dục phổ thông tụt hậu không phải chủ yếu do đầu tư hay tiềm năng thì ở ĐH, cả tiềm năng và đầu tư đều chưa đủ. Cứ để ĐH nhếch nhác như hiện nay thì ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ các ngành.
Muốn chấn hưng ĐH, có bốn khâu cấp thiết cần chỉnh đốn: thi cử, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, xét phong chức danh GS, PGS, và chính sách sử dụng giảng viên ĐH (phổ biến là giáo viên dạy 25-30 giờ một tuần!). Được biết, hiện SV VN phải học một chương trình khá nặng (theo một phân tích thì số đơn vị học trình của ĐH VN nhiều gấp rưỡi ở các nước khác), nặng về số lượng mà kém về chất lượng.
Trên thế giới, không ở đâu đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ nhanh, nhiều, rẻ, và ẩu như ở nước ta.
Cũng không ở đâu có cách phong GS, PGS kỳ lạ như ở ta: Năm 1996, lớn tiếng tuyên bố GS, PGS ta đã phong là hoàn toàn đạt trình độ quốc tế, nay lại bảo 80% số GS, PGS đã được phong chưa đạt chuẩn mực quốc tế bình thường, thậm chí hầu hết các GS, PGS đã được phong trước đây còn kém hơn! Xây dựng ĐH theo kiểu ấy, coi GS, PGS, TS đều là “hàng nội” cả thì cạnh tranh, hợp tác với ai được, làm sao hội nhập.
Song điều đáng nói hơn là tiêu chuẩn “nội” ấy một mặt rất thấp về khoa học, mặt khác lại gạt ra được nhiều người trẻ có năng lực hoàn toàn xứng đáng theo tiêu chuẩn quốc tế. Nghĩa là: Cái mình trọng thì người ta không coi là chính, cái người ta coi là chính thì mình không trọng. Phong GS, PGS để thúc đẩy đại học đi vào nề nếp, nâng cao trình độ, hay để làm... đề tài cho thiên hạ đàm tiếu?”
Cạnh tranh là động lực của phát triển. Trong học đường cũng vậy. Giáo dục đại học ở VN hầu như thiếu hẳn tính chất cạnh tranh. ở mỗi khoa, các khóa học được chia thành các lớp (tùy theo lĩnh vực chuyên môn hẹp trong một khoa) và sinh viên mỗi lớp học các môn giống nhau với cùng các giáo viên như nhau.
Nói dễ hiểu hơn, việc tổ chức như vậy không khác gì ở bậc tiểu học, trung học. SV không được chọn lựa môn học, không được chọn thầy để học. Do vậy, ĐH không tạo cơ chế cho giáo viên luôn luôn phấn đấu, cố gắng để dạy tốt hơn, và đào thải những giáo viên thiếu trách nhiệm nghề nghiệp, những giáo viên không có khả năng cải tiến năng lực chuyên môn và thiếu năng khiếu giảng dạy.
Nhiều người đã chứng minh Bộ GD-ĐT rất bảo thủ. Chẳng hạn, việc ra đề thi ĐH theo một bộ đề thi in thành sách đã được nhiều người người góp ý và “phê phán", nhưng cũng mất đến tám năm mới bỏ được. Tự nhiên coi GS, PGS là "học hàm" và lại ngót 20 năm mới xác định trở lại là "chức danh"; hay như chuyện thi tiểu học, nhiều người đề nghị bỏ, nhưng Bộ GD & ĐT vẫn "xin" giữ lại, mãi gần đây mới chịu nghe, nhưng cũng chưa dứt khoát...
Khi bàn việc sửa đổi Luật Giáo dục, người ta vẫn cố dành quyền đào tạo thạc sĩ cho các trường ĐH...
Khi bàn về chất lượng giáo dục của chúng ta hiện nay thì ai cũng cho là kém, không đạt yêu cầu...ở đây yếu tố quyết định chất lượng giáo dục quan trọng nhất chính là người thầy. Nhưng hiện nay, chất lượng của đội ngũ giáo viên các cấp là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý. Chỉ tiếc cho các nhà quản lý chỉ biết kêu “đau đầu”, mà không chịu tìm ra những “thuốc” có công hiệu cho nền GD-ĐT đang bị tụt hậu ngày càng xa so với các nước. Một trong những nguyên nhân là chúng ta thường triển khai công việc thiếu một “nhạc trưởng” biết nhìn xa trông rộng. Thí dụ: “Từ năm 1985, khi Bộ GD-ĐT bắt đầu tăng quy mô, đa dạng hóa các loại hình đào tạo ĐH thì các trường cũng liên tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh, mở hệ không chính quy; rồi trường bán công, dân lập lần lượt ra đời. Thế nhưng chúng ta đã không chuẩn bị tốt cho việc tăng đột biến này. Ngay tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nơi đã được xã hội tín nhiệm về chất lượng đào tạo, từ đó đến nay, quy mô sinh viên tăng gấp 10 lần, chất lượng đào tạo sa sút đó là hậu quả của việc đội ngũ giảng viên tăng không tương ứng. Năm 2003-2004, thời lượng giảng dạy bộ môn Công nghệ chế tạo máy lên tới 915 giờ/năm. Các bộ môn như, Hệ thống điện, Công nghệ thông tin: 900 giờ/năm, thậm chí có bộ môn lên tới 1.777 giờ/năm” (Chắc chắn thống kê này không tính đến số giờ thỉnh giảng ở các trường dân lập, liên kết, liên thông...).
Tóm lại, nền GD-ĐT nước nhà hiện nay đang trong tình trạng báo động khẩn cấp. Vậy chúng ta có thể vượt qua tình trạng này không? Chắc chắn chúng ta hoàn toàn có thể, nếu chúng ta có ý chí, có quyết tâm và có những quyết định thật sáng suốt dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn.
2 – Một số bất cập của các trường ngoài công lập và những đề xuất.
Hiện nay, các cấp học đều có trường dân lập, nhưng có lẽ phần lớn những trường tư ở các cấp phổ thông có chất lượng có thể nói không thua kém các trường quốc lập. Còn ở bậc cao đẳng và đại học thì chất lượng đào tạo ở các trường dân lập không những kém hơn mà những vụ bê bối, tiêu cực cũng nhiều hơn.
Phải nói cho công bằng, các trường dân lập được lập ra không phải mục đích cho sự phát triển nền GD-ĐT, mà là một trong những ngành nghề kinh doanh có lợi nhuận cao trong nền kinh tế hiện nay. Các tiêu cực phổ biến là do thiếu “đầu vào” trong khâu tuyển sinh, các trường ngoài công lập không muốn đóng cửa hoặc phải bù lỗ nên đã “phù phép” đầu vào bất chấp các quy định của Bộ GD-ĐT. Thứ đến, do “siêu” lợi nhuận, nên ăn chia khó mà công bằng, dẫn đến nội bộ tranh dành quyền lợi và kiện cáo nhau thường xảy ra. Những người sáng lập các trường phần lớn không phải là các nhà giầu như các nước khác, mà phần lớn là những quan chức cao cấp, các GS, PGS có nhiều mối quan hệ, khi nghỉ hưu muốn tạo thu nhập thêm. Bên cạnh đó, Chính phủ lại chưa ban hành đầy đủ và đồng bộ các văn bản pháp quy về cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện, như, chế độ học phí, vấn đề sở hữu trong cơ sở ngoài công lập; phân phối thu nhập, chế độ chính sách đối với giáo viên, học sinh, người tham gia góp vốn và giáo dục…
Một vấn đề nữa đã được xã hội công nhận là hoạt động của việc ‘trồng người’ phải vì mục đích "phi lợi nhuận", nhưng trên thực tế lại chưa có pháp quy về tính chất bất vụ lợi của các hình thái giáo dục.
Còn ngành nghề đào tạo ở các cơ sở ngoài công lập chủ yếu là chọn những ngành học “chay”, nghĩa là sinh viên chỉ cần đến trường có chỗ ngồi để nghe các thầy (phần lớn là thỉnh giảng và về hưu) đọc cho chép và về. Vì Việt Nam hiện nay chưa có người giầu để có đủ tài chính cho cơ sở vật chất khi thành lập trường. Các trường chủ yếu học các ngành nghề tương tự như nhau: ngoại ngữ, tin học, quản trị kinh doanh, kinh tế, kế toán, du lịch, báo chí…
Do đó, chúng ta cần thống nhất Giáo dục Đào tạo (GDĐT) có liên quan đến thị trường, tức là quá trình đào tạo phải gắn với nhu cầu của xã hội; nhưng tự nó không phải là một thứ hàng hóa có thể mua bán tự do. Những dịch vụ về GDĐT phải tuân thủ những qui định về chất lượng và nội dung tri thức.
Vì vậy, công lập phải được duy trì và củng cố. Đào tạo ngoài công lập tuy có góp phần tích cực, nhưng số lượng trường không vượt quá một tỉ lệ nhất định, lợi tức tài chính phải được giới hạn. Nhà nước phải dự báo, kiểm tra, điều tiết tất cả các trường, các cấp công lập và ngoài công lập, nhưng không xen vào những vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ sở GD-ĐT.
Nhiều người cho rằng, vấn đề "nóng" hiện nay là làm sao để xã hội hoá giáo dục, phát huy chất lượng thị trường lao động mà bản thân lĩnh vực giáo dục không bị thị trường hoá? Muốn giải vấn đề “nóng” này chỉ có cách duy nhất là chúng ta phải có văn bản pháp quy về tính chất bất vụ lợi của các hình thái giáo dục! Nguồn nhân lực Việt Nam sẽ là một "hàng hoá giá trị" mang lợi ích bền vững cho bản thân người lao động và cho nền kinh tế, khi ngành Giáo dục được điều tiết bởi một pháp chế hoạt động bất vụ lợi của nó. Nếu có pháp chế này, sẽ thay đổi nền tảng của ngành Giáo dục đang bị lũng đoạn bởi một cơ chế quan liêu hành chính có trong bộ máy Nhà nước và bởi không ít tổ chức dân lập "kinh doanh thời vụ" theo chế độ "công ty cổ phần ăn chia siêu lợi nhuận"!
Qua những phân tích trên cho thấy, việc xã hội hóa giáo dục là cần thiết, nhưng với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay, chúng ta phải rất cẩn thận khi quyết định cho vấn đề này. Chúng ta không thể nóng vội tăng tỷ lệ giáo dục ngoài công lập các cấp học theo kiểu phong trào và chạy theo số lượng, thành tích, mà cần có định hướng và cơ sở khoa học cho mỗi bước đi. Chúng ta đã trả giá quá nhiều cho những quyết định vội vã, thiếu tính toán khoa học trong ngành GD-ĐT, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Với điều kiện hiện nay, Nhà nước nên tập trung định hướng cho việc phát triển GD-ĐT ngoài công lập ở lĩnh vực GD phổ thông và đào tạo nghề, không cấp phép thành lập các trường DH dân lập (vì SV của các trường công lập tốt nghiệp không có việc làm khá cao). Đối với các trường ĐH dân lập hiện nay, nếu không tuyển đủ SV theo quy định thì nên nên đóng cửa./.