Vai trò Công đoàn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển

Mỏ Apatít Lào Cai, nay là Công ty Apatít Việt Nam thuộc Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam, đóng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Được thành lập từ năm 1955, đến năm 2005 Công ty đã tròn 50 năm xây dựng và phát

Cùng với sự hình thành và phát triển Công ty, tổ chức Công đoàn Công ty Apatít Việt Nam là Công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn lao động tỉnh Lào Cai và công đoàn Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam. Trải qua 50 năm phát triển, Công đoàn Công ty đã qua 18 kỳ Đại hội. Hiện tại Công đoàn Công ty có 3.457 đoàn viên, 356 tổ công đoàn sinh hoạt tại 27 công đoàn cơ sở trực thuộc. Nổi bật trong hoạt động của Công đoàn Công ty Apatít Việt Nam có 4 nội dung sau đây:

Động viên cán bộ CNVC, LĐ hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.

Căn cứ vào nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội hàng năm của Công ty, Công đoàn Công ty và các cấp Công đoàn đã chủ động xây dựng nghị quyết và các chương trình hành động hướng về cơ sở để động viên CNVC hăng hái trong lao động sản xuất, đồng thời phát động phong trào thi đua trong CNVC, LĐ với những hình thức và nội dung thiết thực, nổi bật là thi đua nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch, thi đua lao động giỏi lao động sáng tạo, tham gia quản lý hạ giá thành sản phẩm. Chính những việc làm này của tổ chức Công đoàn đặc biệt là ở cấp cơ sở đã làm cho người lao động có suy nghĩ và cách nhìn đúng về vai trò tổ chức Công đoàn, về trách nhiệm của người lao động trong doanh nghiệp. Do đó 50 năm qua, Công ty liên tục hoàn thành mọi nhiệm vụ, kế hoạch Nhà nước giao. Những kết quả đạt được trong những năm gần đây rất đáng khích lệ, như giá trị sản xuất công nghiệp năm 2001 đạt 131 tỷ đồng thì đến năm 2004 đạt 336 tỷ đồng và dự kiến năm 2005 này đạt 351 tỷ đồng.

Công tác tuyên truyền giáo dục, trang bị kiến thức pháp luật cho người lao động.

Thực hiện chức năng vận động, thuyết phục CNVC - LĐ, đoàn viên công đoàn, trong những năm qua, từ Công đoàn Công ty đến các Công đoàn cơ sở thành viên, đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chính trị có nội dung phong phú, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ CNVC - LĐ về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 9, nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Lào Cai v.v... Thông qua các đợt tuyên truyền vận động, đã ngày một nâng cao nhận thức, hiểu biết đúng đắn, toàn diện và sâu sắc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước, định hướng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Công ty, của tỉnh tới đại bộ phận cán bộ CNVC - LĐ Công ty; đồng thời tích cực giúp cho người lao động nhận thức được nhiệm vụ và quyền lợi của mình trong quá trình lao động sản xuất. Xuất phát từ những nhận thức và hiểu biết đó, đã tạo ra cho người lao động có thêm nhiệt huyết, say mê với công việc, gắn mình với sự tồn tại và phát triển của Công ty và tập hợp sức mạnh để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh, góp phần tăng doanh thu hàng năm của Công ty, đời sống vật chất tinh thần của cán bộ CNVC - LĐ không ngừng được cải thiện.

Tổ chức phong trào thi đua lao động giỏi - lao động sáng tạo.

Thực trạng dây chuyền sản xuất và trang thiết bị của Công ty chủ yếu do Liên Xô cung cấp, năm 1979 lại bị chiến tranh biên giới tàn phá nặng nề. So với yêu cầu hiện tại thì các trang thiết bị có cái đã lạc hậu, hiệu suất thấp, chi phí cao... Đặc biệt, khi đưa Nhà máy Tuyển quặng Tằng Loỏng vào hoạt động (1994), cán bộ công nhân chưa thực sự làm quen với thiết bị. Đứng trước những thử thách đó, tập thể lãnh đạo Công ty và toàn thể cán bộ CNVC - LĐ Công ty đã không lùi bước trước khó khăn mà đã đoàn kết nhất trí để từng bước tháo gỡ những khó khăn với phương châm: Tập hợp sức mạnh và chất xám của cán bộ CNVC để nâng cao hiệu suất của các thiết bị, kết hợp với từng bước đầu tư bổ sung các trang thiết bị hiện đại.

Trong quá trình đó, tổ chức Công đoàn Công ty đã luôn kề vai, sát cánh với lãnh đạo Công ty để tháo gỡ những khó khăn. Công đoàn đã chủ động tham gia cùng chuyên môn để tổ chức phát động các phong trào thi đua trong CNVC - LĐ, như: phong trào thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm vật tư, nhiên liệu, giảm chi phí sản xuất; phong trào thi đua học tập nâng cao trình độ, nghiệp vụ và tay nghề, Công ty đã chủ động mở nhiều lớp đại học tại chức, tổ chức các đợt tham quan học tập các mô hình sản xuất, dây chuyền công nghệ hiện đại của các đơn vị bạn trong Tổng Công ty; phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo và phát huy sáng kiến cải tiến trong CNVC. Chỉ tính riêng từ năm 2000 đến năm 2004 đã có 320 sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất được áp dụng với tổng số tiền làm lợi 34,5 tỷ đồng; có 191 công trình phần việc Công đoàn, với tổng số tiền 27,3 tỷ đồng. Những phong trào thi đua điển hình đó, đã đóng góp lớn vào việc khắc phục những khó khăn, từng bước giúp cho cán bộ CNVC nắm bắt và làm chủ hơn về công nghệ, trang thiết bị; khắc phục những hạn chế, phát huy những thế mạnh của từng loại công nghệ, thiết bị, giảm chi phí sản xuất dẫn đến hạ giá thành sản phẩm đầu ra, ổn định sản xuất và giữ được thị trường.

Qua các phong trào thi đua trên, hàng năm Công ty luôn có nhiều các tập thể và cá nhân được các cấp khen thưởng, đó chính là những thành quả của sự không ngừng phấn đấu khắc phục mọi khó khăn của tập thể cán bộ đoàn viên, CNVC, LĐ toàn Công ty.

Tổ chức chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Hoạt động công đoàn không thể thiếu được việc thường xuyên chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Thực hiện chỉ đạo của Liên đoàn lao động tỉnh, từ nguồn kinh phí của mình, sự hỗ trợ của chuyên môn, đóng góp của đoàn viên, Công đoàn Công ty đã lập được quỹ Tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp; quỹ Phụ nữ nghèo. Trong những năm qua, đã hỗ trợ cho một số gia đình CNVC - LĐ xây được nhà tình nghĩa, cho nữ CNVC vay vốn phát triển kinh tế gia đình, thăm hỏi tặng sổ tiết kiệm cho CNVC gặp khó khăn. Công đoàn chủ động tham gia với chuyên môn lo bố trí việc làm ổn định cho người lao động, động viên CNVC hoàn thành tốt nhiệm vụ, người lao động có thu nhập ổn định và từng bước được cải thiện trong các năm qua. Những con số sau đây sẽ là sự minh chứng cho kết quả đạt được trong sự nỗ lực phấn đấu của tập thể lãnh đạo, cán bộ CNVC - LĐ, đoàn viên công đoàn toàn Công ty trong thực hiện nhiệm vụ hàng đầu là đảm bảo đủ việc làm, đời sống vật chất, tinh thần được đảm bảo và cải thiện - năm 2001, thu nhập bình quân của Công ty đạt 1.032.000 đồng/ người/tháng, thì đến năm 2004 đạt 1.750.000 đồng/ người/ tháng và dự kiến năm 2005 đạt mức thu nhập bình quân 1.900.000 đồng/ người/ tháng. Đặc biệt hiện nay, Công đoàn Công ty đã chủ động phối hợp với chuyên môn, hỗ trợ kinh phí giúp các gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở “xây dựng nhà tình thương”, góp phần xoá nhà tạm, làm cho CNVC yên tâm trong công tác góp sức mình cống hiến lâu dài cho Công ty.

Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2005, là năm Công ty Apatít Việt Nam tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống (23/9/1955 - 23/9/2005) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chính phủ trao tặng. Công đoàn Công ty tổ chức phát động phong trào thi đua với nhiều nội dung thiết thực, được đông đảo cán bộ CNVC - LĐ - đoàn viên công đoàn hưởng ứng. Phát huy truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển của giai cấp công nhân mỏ, với tinh thần đoàn kết, nhất trí, khắc phục mọi khó khăn, nhất định tập thể cán bộ CNVC Công ty Apatít Việt Nam sẽ giành được những thành quả mới và thực sự vững vàng tiến bước trên con đường đổi mới chung của toàn tỉnh, toàn ngành và của nước nhà.
  • Tags: