Du lịch nhà vườn Huế

Phần lớn du khách đến thăm Huế chỉ biết chiêm ngưỡng các đền đài miếu mạo, lăng tẩm, chùa chiền… nhưng ít có ai nghĩ đến việc tham quan, chiêm ngưỡng các nhà vườn Huế. Từ lâu, các nhà vườn Huế nổi tiế

Nhà vườn Huế như một tiểu vũ trụ của cuộc sống thường ngày rất dân dã, gắn kết cuộc sống cần cù, nhẫn nại của con người với thiên nhiên, là mẫu mực của lối kiến trúc cảnh vật hoá. Đó là những ngôi nhà cổ kính nằm trong mảnh vườn có lối kiến trúc mà những bộ vì kèo chạm trổ hết sức công phu, những bờ nóc, bờ quyết được đắp nổi, những trang trí rồng, mây trông thật tỉ mỉ, đẹp mắt. Nhà vườn Huế được lợp bằng một thứ ngói cổ, qua thời gian đã phủ lên một lớp rêu xanh cùng hoà lẫn vào màu xanh của vườn cây quanh nhà, càng làm cho bức tranh thiên nhiên ở đây hết sức quyến rũ.
Tổng thể một ngôi nhà vườn Huế thường là dãy hàng rào chè tàu hay hàng dâm bụt được tỉa xén ngay ngắn, cẩn thận trông đẹp mắt. ở mặt sau là hàng rào, tre trúc xanh tốt. Cửa ngõ vào nhà thường bằng gạch lát, mái ngói hay bằng gỗ đơn sơ, tiếp đến là bình phong nhỏ bằng gạch hoặc bằng cây, rồi mới đến khoảnh sân, hồ sen có bông súng hay bể cạn với hòn non bộ ở trên. Cuối sân là ngôi nhà chính ba gian hay năm gian, hai chái. Chung quanh ngôi nhà là vườn cây hay vườn hoa gồm có các loại hoa và cây cảnh với các thứ cây ăn quả phong phú về chủng loại của cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Khoảnh đất còn lại ở phía sau nhà là khu vườn để trồng rau và chăn nuôi gia cầm.
Nhà vườn Huế là hai bộ phận hữu cơ của một không gian nhân văn Huế, một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ vừa có hiệu quả kinh tế trong sự hài hoà giữa thiên nhiên và cuộc sống. Thú tiêu khiển của người Huế trong ngôi nhà vườn cũng là một nét văn hoá độc đáo. Phổ biến nhất là hòn non bộ với cảnh núi non thu nhỏ, có hang động, có chùa tháp, có suối, có thác, có người và vật, tượng trưng cho cảnh sinh hoạt hay sự tích lịch sử, huyền thoại, cổ tích nào đó.
ở những nhà  khá giả, trong nhà thường có bộ trường kỷ, hai bên là tủ chè, sập gụ, bầy những món đồ cổ quý giá, thậm chí cả những súc gỗ trầm chạm chim muông, hoa trái…
Ngày nay, những ngôi nhà vườn cổ kính còn lại ở Huế rất ít. Đó là vườn Ân Hiên xây dựng từ năm 1895, nhà vườn Lạc Viên xây năm 1889, nhà vườn Ngọc Sơn công chúa xây khoảng năm 1920… Bên cạnh một số nhà vườn được tôn tạo thì cũng còn nhiều nhà vườn đang xuống cấp trầm trọng vì chủ nhân thiếu kinh phí sửa chữa, hoặc phân chia nhỏ cho con cháu. Đó là chưa kể nhiều trường hợp, chủ gia đình phải bán cả nhà vườn cho chủ khác để thanh toán nợ nần. Vì vậy mà, số nhà vườn mỗi năm bị thu hẹp dần, và thay thế vào vị trí nhà vườn là những ngôi biệt thự khang trang, hiện đại…
Tuy nhiên, cũng có nhiều chủ nhân các nhà vườn đã và đang nắm bắt được kinh tế thị trường và nhu cầu phát triển của ngành du lịch, nên đã nhanh nhạy bỏ vốn đầu tư kinh doanh nhà vườn khá hiệu quả. Festival Huế 2004, nhiều chủ nhân đã biến nhà vườn của mình thành nhà trọ để tiếp nhận khách vãng lai, du lịch. Du khách đến nghỉ tại các nhà vườn ở vùng ngoại thành sẽ tiếp cận được khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng, không khí trong lành, tận hưởng nhiều thú vui nơi đồng nội mà giá cả lại rất bình dân.
Để phát triển du lịch bền vững và không làm mất đi những cảnh quan của các nhà vườn Huế cổ kính, thành phố Huế đã phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích cố đô thực hiện phương án trùng tu, tôn tạo nhà di sản Huế để làm chuẩn mực cho chủ nhân của các nhà vườn áp dụng. Có như thế, du lịch nhà vườn mới có một hướng đi vững chắc trong tương lai và thu hút một số lượng lớn du khách đến nghỉ ngơi, tham quan và giải trí.

  • Tags: