Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2005 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 6 năm 2006, đã thu hút được sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân. Được xây dựng, nâng cao, hoàn thiện từ Pháp lệnh Phòng, chống tham nhũng ban hành cách đây bẩy năm và đã khắc phục được nhiều hạn chế của Pháp lệnh, với nhiều nội dung mới quan trọng, trong đó một trong những điểm đáng chú ý là quy định về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng.
Sự cần thiết của việc quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong Luật Phòng, chống tham nhũng.
Tham nhũng có thể hiểu theo nghĩa rộng là việc lợi dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích riêng gây thiệt hại cho xã hội. Đây chính là một hiện tượng phổ biến ở tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị hay trình độ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, ở những nước đang phát triển với một hệ thống pháp luật còn trong giai đoạn hoàn chỉnh, bổ sung thì hiện tượng tham nhũng xảy ra phổ biến hơn.
ở nước ta, trong thời gian vừa qua, vấn đề tham nhũng diễn ra tương đối phức tạp và phổ biến ở khắp các lĩnh vực, gây đảo lộn trật tự quản lý Nhà nước và làm mất lòng tin trong nhân dân. Tại Hội thảo do Thanh tra Chính phủ, Tổ chức Kornad Adenaure Stiftung (KAS- Đức) và Viện Nghiên cứu ngoại vụ Singapore đồng tổ chức ngày 6/10/2005 tại Hà Nội, xung quanh nội dung: Làm thế nào để phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng trong các cơ quan thực thi pháp luật, ông Lê Văn Lân – Phó Vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương đã công bố kết quả một cuộc khảo sát mới đây ở bẩy tỉnh, thành phố và ba bộ của Việt Nam, theo đó, trong nhóm “10 cơ quan (lĩnh vực) xảy ra tham nhũng nhiều nhất” thì đứng đầu là địa chính – nhà đất, kế đến là hải quan - quản lý xuất nhập khẩu và đứng thứ ba là cảnh sát giao thông... Cũng theo ông Lân, tại các cơ quan công quyền hay cơ sở dịch vụ công, ở các tỉnh đều xảy ra chuyện đưa và nhận “tiền bồi dưỡng” với mức độ khác nhau, trung bình một lần giao dịch chi thấp nhất là 94.000 đồng (đăng ký khai sinh), cao nhất là 2,1 triệu đồng (khi đi xin việc)...
Một điều có thể dễ dàng nhận ra là, tình trạng thiếu trách nhiệm trong một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, cho thấy cần phải thực hiện nghiêm túc chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức khi xảy ra tham nhũng trong mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan. Người đứng đầu phải có trách nhiệm kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp tiêu cực, tham nhũng nảy sinh trong cơ quan, ngành, cấp của mình. Nếu lãnh đạo quản lý sâu sát, có trách nhiệm ngăn chặn kịp thời, thì chắc chắn đã hạn chế được những vụ việc, không để đến mức nghiêm trọng như đã xảy ra.
Rõ ràng là, không một cá nhân, tập thể đứng đầu nào không phải chịu trách nhiệm về những gì diễn ra trong cơ quan, ngành, cấp của mình. Vì vậy, trong mỗi vụ việc tham nhũng, song song với việc xử lý người có hành vi tham nhũng, cần thiết phải nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu.
Đặt vấn đề và thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cũng là biện pháp khắc phục bệnh quan liêu, thiếu sâu sát, thiếu kiểm tra trong công tác quản lý, không những hạn chế được mức độ thiệt hại do tham nhũng gây ra mà còn làm tăng hiệu lực của pháp luật, hiệu lực kỷ luật của đảng, đoàn thể.
Luật Phòng, chống tham nhũng xác định rõ nguyên tắc người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức đơn vị do mình phụ trách, quản lý.
Cụ thể: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng của những người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ. Cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong các đơn vị do mình trực tiếp phụ trách. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong các đơn vị do cấp phó của mình trực tiếp phụ trách. Người đứng đầu đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu và cá nhân khác có trách nhiệm trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác có thụ hưởng ngân sách nhà nước về việc để xảy ra hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng và Điều lệ, Quy chế của tổ chức đó.
Việc xử lý ngươì đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng tuỳ thuộc vào mức độ trách nhiệm của họ khi vụ việc tham nhũng xảy ra.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị khi phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật.
Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được loại trừ trong trường hợp họ không thể biết được hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Họ cũng được xem xét miễn hoặc giảm trách nhiệm pháp lý nếu đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng; xử lý nghiêm minh, báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi tham nhũng.
Để có cơ sở xử lý, trong kết luận thanh tra, kiểm toán, kết luận điều tra vụ việc tham nhũng phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng theo các mức độ: Yếu kém năng lực quản lý; thiếu trách nhiệm trong quản lý; bao che cho người có hành vi tham nhũng.
Cùng với quy định về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, các quy định khác của Luật Phòng chống tham nhũng như quy định về công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vấn đề kê khai tài sản, thu nhập... đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của cử tri, đồng bào cả nước, thể hiện ý chí của chế độ chính trị của chúng ta quyết tâm bài trừ loại tệ nạn nhức nhối và nghiêm trọng này.
Ngày 1 tháng 6 năm 2006, Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ có hiệu lực thi hành, đây sẽ là một công cụ pháp lý hữu hiệu trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, cũng cần hiểu, chống tham nhũng là một quá trình lâu dài và liên tục. Chúng ta không kỳ vọng là có Luật rồi sẽ ngay lập tức giải quyết được mọi chuyện. Vấn đề không kém quan trọng là cần phải xây dựng được một nhà nước pháp quyền với những cơ chế đồng bộ, triệt để, không né tránh, nể nang, để bộ máy nhà nước cũng như nền kinh tế vận hành có hiệu quả, rõ ràng minh bạch, từ đó ngày càng ít có cơ hội cho nạn tham nhũng tồn tại và hoành hành.