"Siêu hạng"... lấy cắp điện

Theo cách nói của anh em công nhân Tổ kiểm tra sử dụng điện ở Điện lực Bình Định thì muốn bắt được người ăn cắp điện, bản thân mình phải là “siêu hạng của ăn cắp”, phải là “bậc thầy của ăn cắp điện” !

Cũng phải thôi, nhiệm vụ Tổ kiểm tra sử dụng điện của anh đúng như tên gọi của Tổ, nhưng khi triển khai các nội dung kiểm tra này thực không dễ dàng gì. Số “Thượng đế” của ngành Điện ở Bình Định đã lên đến gần năm mươi ngàn công tơ chính, rãi khắp 12 huyện, thành phố, địa bàn trọng điểm vẫn là thành phố Qui Nhơn, với 26.346 hộ công tơ chính. Trong khi đó, Tổ chỉ được biên chế 4 người, một người vì lý do sức khoẻ được phân công trực tại chỗ, còn 3 anh em phải luân phiên phối hợp với các Chi nhánh để tác nghiệp trên địa bàn. Khỏi phải nói những gian khổ và mức độ căng thẳng khi lập được biên bản “lấy cắp điện quả tang” chuyển về bộ phận Giám sát điện năng Sở Công nghiệp để xử lý. Bởi ngoài yếu tố khách hàng đông, địa bàn rộng, việc lấy cắp điện diễn ra trong nhà riêng “kín cổng, cao tường” và thời gian bất cứ “nửa đêm, gà gáy”. Việc đột nhập vào nhà khách để giữ nguyên hiện trường, rồi “đấu trí, đấu lý” để thuyết phục khách hàng ký vào biên bản vi phạm là cả một công đoạn không chỉ đổ mồ hôi là được.

“Vỏ quýt dày, có móng tay nhọn”. “Mình không hơn được người ta cái đầu thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ”. Lê Văn Ninh nhiều lần tâm sự với tổ như vậy và anh đã không ngừng suy nghĩ, tìm tòi những biện pháp kỹ thuật để giúp cho việc phát hiện lấy cắp điện một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Kinh nghiệm “trận mạc” nghề điện của một công nhân bậc 7/7, kết hợp với nghiên cứu lý thuyết và thực tế trong công tác giám sát điện năng, hơn 10 năm qua đã giúp anh đề xuất được nhiều sáng kiến hay, được xem như chiếc chìa khóa nghiệp vụ cho cả Tổ, đó là: Sáng kiến “Phát hiện hình thức lấy cắp điện liên kết 2 công tơ 1 pha tạo mất điện áp ở cuộn áp công tơ, dẫn đến mất khả năng đo đếm. Rồi biện pháp bắt lấy cắp điện (tại hộ tiêu thụ có đảo cực tinh dùng nguội ngoài) bằng cách thao tác kiểm tra từ xa. Trong năm 2002, anh lại đưa ra sáng kiến “Kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng (A) bằng phương pháp so sánh công suất sử dụng (P) và công suất tính toán đĩa quay của công tơ hữu công…

Những lần như vậy, tiền thưởng sáng kiến chỉ mang tính động viên cả tổ, nhưng hiệu quả đem lại đã tính được trên thực tế công tác. Riêng năm 2002, Tổ đã phối hợp với các Chi nhánh điện và sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, tiến hành kiểm tra trên 7.756 hộ khách hàng dùng điện 3 pha và 1 pha, phát hiện 24 vụ vi phạm sử dụng điện, trong đó lập biên bản lấy cắp điện quả tang 3 vụ, đã truy thu cho Nhà nước 134.690 kWh điện.

Nhưng điều có ý nghĩa hơn nhiều, đó là Tổ kiểm tra sử dụng điện bằng kinh nghiệm, năng lực và uy lực thực sự của mình trở thành tác nhân làm giảm hiện tượng lấy cắp điện trong khách hàng, góp phần làm giảm chỉ tiêu tổn thất điện năng thương mại trong toàn Điện lực. Năm 2002, chỉ tiêu tổn thất điện năng của Điện lực Bình Định chỉ còn 7,1%, làm lợi cho nhà nước trên 3 tỷ đồng. Ai cũng hiểu rằng đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng “sống còn” trong kinh doanh điện năng.

Công nhân Lê Văn Ninh được suy tôn danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 2 năm liền 2001, 2002. Hiện nay, Anh đang cùng Tổ kiểm tra sử dụng điện tiếp tục tìm tòi nghiên cứu những biện pháp nghiệp vụ “phát hiện lấy cắp điện” một cách “bén” nhất, giúp Tổ hoạt động đạt hiệu quả cao hơn, hễ ra quân là đánh thắng, để trở thành tập thể Lao động xuất sắc như đã đăng ký từ đầu năm 2003./.

  • Tags: