Mấy năm gần đây, không mặt hàng nào có sức ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam như xăng dầu, cũng không mặt hàng nào Chính phủ phải can thiệp nhiều như xăng dầu. Tuy nhiên, giá xăng dầu vẫn như con ngựa bất kham, mới có 7 tháng rưỡi của năm 2005 (tính đến 16/8) Nhà nước đã phải… ba lần điều chỉnh tăng giá.
Dõi theo những lần tăng giá người ta thấy, trong số “3 nhà” (nhà kinh doanh xăng dầu, nhà tiêu dùng và Nhà nước), chỉ có nhà kinh doanh là khoẻ re, bình chân như vại vì tăng giá bao nhiêu, họ được bù lỗ bấy nhiêu. Nhà nước và nhà tiêu dùng thì ngược lại. Nếu những lần tăng giá trước đây, tuyệt đại bộ phận người tiêu dùng đều bình thản, có phần vui vẻ nữa khi nói “phải cùng nhau chia sẻ trách nhiệm thôi”. Nhưng lần thứ ba tăng giá trong năm và chỉ sau lần tăng giá trước đó có một tháng thì phản ứng của người tiêu dùng rất dè dặt, lo âu nhiều hơn chứ không còn thoải mái như những lần tăng giá trước đó nữa. Một là, do túi tiền bị thâm thủng: tăng giá xăng MOGAS 92 hồi cuối tháng 3/2005 chỉ có 500 VND thì hồi giữa tháng 8/2005 đã là 1000 VND và đạt giá kỷ lục 10 ngàn VND/lít. Điều lo nữa là phương thức “3 nhà” nói trên đã tỏ ra mất thiêng khi ngân sách phải dùng 25 – 30 tỷ VND/ngày để bù lỗ cho xăng dầu, chẳng những giá mặt hàng này vẫn nhấp nhổm tăng, nó còn lung lạc đầu vào của hàng loạt mặt hàng thiết yếu khác. ở tầm vĩ mô, cho dù rất nhiều biện pháp kìm giá được đưa ra thi thố, song “mượn gió bẻ măng”, không biết bao nhiêu doanh nghiệp đã vô cảm, phá rào cho giá sản phẩm của mình tăng vượt tốc độ tăng của giá xăng dầu. Hệ quả: chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 5,6% trong 7 tháng và chỉ số lạm phát 6,5% do Quốc hội đề ra cho năm 2005 ngay bây giờ đã thấy bất cập.
Năm ngoái, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XI, khi đề cập vấn đề bù lỗ cho xăng dầu (thời điểm ấy mới có 20 tỷ VND/ngày), có lẽ đã cảm nhận được phương thức “3 nhà cùng chia sẻ trách nhiệm” không mấy hiệu nghiệm nữa, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thốt lên: “Khả năng che chắn của chúng ta không thể kéo dài…”.
Về phía giới nghiên cứu kinh tế thì cho rằng, việc bù lỗ cho xăng dầu (như lâu nay chúng ta vẫn làm) là “lợi bất cập hại” và “không tôn trọng diễn biến giá cả theo quy luật kinh tế thị trường”; lý do: nếu cứ dùng kênh ngân sách hỗ trợ giá triền miên không có hồi kết thì sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền tài chính quốc gia nói chung và khả năng cân đối ngân sách nói riêng. Kéo dài tình trạng dùng kênh ngân sách để hỗ trợ giá (bao gồm bù lỗ giá bán, cấp vốn dự trữ nhiều mặt hàng, cấp bù chênh lệch lãi suất) đã vô hình chung tạo cơ hội cho nạn tái xuất các mặt hàng được bù lỗ. Vào thời điểm này, sau khi đã điều chỉnh tăng giá lần thứ ba trong năm, Việt Nam ta vẫn phải “viện trợ không hoàn lại” cho các nước láng giềng (Campuchia, Lào, Trung Quốc) khoảng 2 tỷ VND/ngày, do mỗi ngày vẫn có 500 tấn xăng dầu thẩm lậu qua biên giới với chênh lệch bình quân 4 triệu VND/tấn.
Như vậy, cả người tiêu dùng, giới nghiên cứu và Chính phủ đều thấy, việc thả nổi giá xăng dầu ở Việt Nam là điều khó tránh và tất yếu sẽ xảy ra trong tương lai gần. Không một quốc gia giàu tiềm lực nào trên thế giới có thể “gồng mình” bù lỗ cho xăng dầu tương đương 8% tổng thu ngân sách mỗi năm như Việt Nam hiện nay (bao gồm: khoản bù lỗ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước + khoản tăng thu của xuất khẩu dầu thô + khoản hụt thu do giảm thuế nhập khẩu xăng dầu xuống 0%).
Về khả năng tự điều tiết giá cả của thị trường, mọi người hẳn còn nhớ những cơn sốt thép năm ngoái. Hồi ấy, với tham vọng hốt bạc, trong số các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép, có nơi găm hàng đón giá cao, có nơi tuỳ tiện đẩy giá lên trời xanh. Hệ quả: thép làm ra cũng như thép nhập khẩu đều “trùm chăn ngủ kỹ” chẳng ma nào mua. Xăng dầu cũng vậy thôi, hiện tại giá 1 lít xăng MOGAS 92 mua tại đại lý trong mạng lưới phân phối là 10 ngàn VND, nếu một điểm cóc bán can nào đó tăng lên 11 ngàn thì người tiêu dùng khả dĩ còn chấp nhận; còn hô 11,5 ngàn trở lên, lập tức bị người tiêu dùng lắc đầu và quay lưng. Về khả năng người tiêu dùng chấp nhận tăng giá tới mức nào, có chuyên gia đưa ra nhận định: giả dụ từ nay đến cuối năm 2005 (trong vòng 4 tháng) giá xăng dầu tăng gấp đôi (đạt 20 ngàn VND/lít xăng MOGAS 92) thì chỉ có khoảng 60 – 70% chủ của những chiếc môtô trong cả nước quyết định tiếp tục cho phương tiện lăn bánh trên đường; con số này đối với ôtô vào khoảng 70 – 80%. Tương tự, chúng ta xoá bao cấp lương thực và xoá bù lỗ cho kinh doanh lương thực, chẳng những giá lương thực không nhảy chồm chồm, mà người tiêu dùng luôn luôn được ăn gạo ngon như ý, còn Nhà nước thì xuất khẩu mỗi năm hàng triệu tấn gạo, thu về hàng trăm triệu USD. Sơ sơ vài nét như vậy đủ thấy, rồi đây Nhà nước có thả nổi giá xăng dầu thì khả năng tự điều tiết của thị trường sẽ làm giá cả nói chung và xăng dầu nói riêng không tăng vô tội vạ được! Nếu có lo thì đó là lo cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong đó có đại gia Petrolimex thuộc Bộ Thương mại. Liệu những doanh nghiệp đang ngập chìm trong bầu sữa mẹ (tuy trước thời điểm 16/8/2005, nhập 1 lít xăng, doanh nghiệp lỗ 500 VND, nhưng được ngân sách bù lỗ; con số bù lỗ 6 tháng đầu năm 2005 là 7.500 tỷ VND, tương đương 4% thu ngân sách, tức 8% tổng thu ngân sách nếu phải bù lỗ cả năm 2005), rồi đây có đủ “cứng cáp” để đứng vững trong nền kinh tế thị trường, nơi mà năng lực cạnh tranh là thước đo hàng đầu của sự đứng vững đó hay không?
Tại các nước công nghiệp tiên tiến (Mỹ, Anh, Nhật Bản, v.v…), các mặt hàng nhạy cảm như xăng dầu đều thả nổi giá, nó trở thành một thứ “phong vũ biểu” như cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Giá xăng dầu thế giới tăng thì giá xăng dầu bên nước họ tăng đánh rụp và ngược lại. Khác với bên ta, mỗi lần giá xăng dầu thế giới tăng là mỗi lần cơ quan điều hành vĩ mô về giá lại phải tính toán, cân nhắc trình Chính phủ xem xét, quyết định một trong hai phương án “mở biên độ tối đa 10%”? hay “nâng giá bán theo định hướng”?. Như vậy, việc thả nổi giá xăng dầu ở Việt Nam – sớm muộn cũng xảy ra – chẳng những góp phần làm lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia, mà còn góp phần chặn đứng những lỗ hổng do không kiểm soát được cơ chế bù lỗ giá. Suy cho cùng, quy luật cung – cầu (với thuộc tính tự điều tiết giá tiềm ẩn trong nó) cũng góp phần bình ổn giá. Rất mừng cho người tiêu dùng, sau nhiều lần tăng giá, lần đầu tiên, khi giá dầu thế giới giảm, Chính phủ đã có quyết định giảm giá xăng dầu bán lẻ bình quân 500 đồng/lít, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người tiêu dùng.