Khi các “đại gia” đến phim trường
Hiện nay, trên thế giới đã xuất hiện thuật ngữ PP (Product Placement) để chỉ cách sử dụng tích hợp giữa sản phẩm hay thương hiệu cần quảng cáo với kênh truyền thông giải trí, có thể là điện ảnh, truyền hình, opera hay các hình thức nghệ thuật khác. Và “đại gia” đầu tiên mở màn cho chiêu thức quảng cáo mới lạ này là hãng Proter & Gamble (P&G). Đến thập niên 80 của thế kỷ XX, quảng cáo trên phim phát triển rất mạnh, với sự thành công của bộ phim kinh điển ET (Người ngoài hành tinh) và nhãn hiệu Hershey. Đặc biệt, các mặt hàng “nhạy cảm” như rượu mạnh, thuốc lá thì xem PP là mảnh đất màu mỡ nhất cho việc quảng bá sản phẩm. Và đến nay, hình thức quảng cáo trên phim đã đạt đến cực thịnh, là “sợi dây thần kỳ” liên kết các doanh nghiệp và đạo diễn, giữa tiền bạc và nghệ thuật, kiểu quảng cáo thông dụng nhất là đưa sản phẩm, thương hiệu lên làm nền cho một cảnh quay. Đó là cách mà đạo diễn bộ phim The Interprefer đã dùng để khéo léo đưa hình ảnh của “hai người khổng lồ” không đội trời chung là Cocacola và Pepsi vào phim. Một máy pha chế đồ uống đỏ rực sắc màu Cocacola phía sau một cuộc đối chất nghẹt thở vào một pha hành động gay cấn với góc quay “sáng tạo” từ phía sau tấm pano quảng cáo Pepsi. Chỉ vậy thôi nhưng đã đem về cho bộ phim một khoản tiền gần 4 triệu USD.
Một kiểu “hào hùng” khác khá ấn tượng, là để các “sao” sử dụng trực tiếp sản phẩm cần quảng cáo. Bạn hãy thử tưởng tượng: Khi đang đắm đuối dõi theo từng cử chỉ của thần tượng trên phim, bất chợt anh ta rút ra một tấm visacard và nói: “Tiền của cô đây”. Rõ ràng, việc đó sẽ gây ấn tượng hơn rất nhiều so với cứ ra rả nói về sự tiện ích của tấm card. Cũng từ cách đó mà TomHank và MegPyan đã thu được nhiều tiền từ Visa khi tham gia phim You’ve got mail. Các hãng xe hơi lừng danh là Mercedes, BMW, Ford, Toyota không bao giờ bỏ qua một cảnh quay rượt đuổi gay cấn trong những bộ phim nổi tiếng. Từ Interpreter, Man on Fire, SinCity đều có hình ảnh chiếc Mercedes màu đen bóng lộn, vô địch trong mọi cuộc đua tốc độ. BMW cắn răng bỏ ra 3 triệu USD cho “phi đội BMW” xuất hiện trong Mr&Mrs.Smith - bộ phim ăn khách nhất Hollywood mùa hè vừa qua. Việc sử dụng chiêu thức quảng cáo này khiến cho các “kiệt tác” của kinh đô điện ảnh Hollywood ngày nay xảy ra tình trạng khá hài hước: Cứ cảnh nào có xe hơi là xuất hiện Mercedes, BMW; đồng hồ thì phải là Tissot, Omega; còn đồ uống, không gì khác là Cocacola và Pepsi.
Trông người lại nghĩ đến ta
ở Việt Nam, có lẽ người nhạy bén nhất với trào lưu này là đạo diễn Lê Hoàng – một người nổi danh ở dòng phim thị trường. Với một loạt phim Gái nhảy I-II, Nữ tướng cướp... Lê Hoàng đã “khởi động” một kiểu kinh doanh mới trong điện ảnh. Và chính anh từng tuyên bố: “Chừng nào điện ảnh chưa được doanh nghiệp quan tâm thì nó chưa thể phát triển được”. Và dĩ nhiên là để lôi kéo được “sự quan tâm” trị giá bạc triệu đó, thì bộ phim phải chinh phục được đông đảo người xem bằng chất lượng, hay ít nhất cũng phải “câu được khách”. Hãy thử nhớ lại, Mỹ Duyên trong “Gái nhảy” đã hét lên “Sam Sung!” nghe có vẻ bâng quơ, nhưng đó là nội dung của một hợp đồng quảng cáo đắt giá. Rồi anh chàng Quang Dũng sành điệu với chiếc xe Suzuki Vitara, luôn là niềm mơ ước của biết bao cô gái trẻ trong “Lọ lem hè phố”. Và đặc biệt gần đây nhất, bộ phim Nữ tướng cướp với cảnh hai cô “ăn cướp” xinh đẹp chặt đứt đôi chai nước Aquafina khiến con tim trong phim và cả khán giả thót tim. Aquafina dường như đã trở thành một diễn viên chính trong phim, cùng với các ngôi sao Mỹ Duyên, Bằng Lăng và Lam Trường. Rồi nữa, chiến lợi phẩm đắt giá nhất mà 2 cô cướp được là chiếc điện thoại Nokia đời mới nhất. Đó cũng là cầu nối cho mối tình lãng mạn của hai nhân vật chính trong phim.
Nhưng với điện ảnh Việt Nam hiện nay, không phải bao giờ đạo diễn và doanh nghiệp cũng tìm thấy tiếng nói chung. Những mâu thuẫn giữa chất lượng nghệ thuật của phim và nhu cầu quảng bá thương hiệu sản phẩm, vẫn là bức tường ngăn cách không thể phá bỏ. Vẫn biết các bộ môn nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng cần phải được xã hội hóa, thoát khỏi sự bao bọc của ngân sách Nhà nước, nhưng làm được điều đó là hết sức khó khăn. Nói như đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, thì điện ảnh của chúng ta vẫn còn quá “nặng lòng” với hai đề tài muôn thuở là chiến tranh và nông thôn. Mà rõ ràng đó không phải là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp quảng cáo. Hơn nữa, vì chưa có nhiều tiền lệ nên cả đạo diễn và doanh nghiệp của chúng ta, còn quá lúng túng khi xử lý các cảnh quay trong phim. Và như vậy, điều ước của một đạo diễn gạo cội rằng: “Ước gì những ông giám đốc được học nghề đạo diễn và anh đạo diễn được phổ cập kiến thức kinh doanh” xem ra vẫn còn xa lắm. Và chừng nào mâu thuẫn ấy chưa giải quyết được thì “nạn nhân” đầu tiên sẽ là khán giả, khi phải thưởng thức những hạt sạn trong món lẩu thập cẩm mang tên: “phim - quảng cáo”./.