Người say mê cải tiến để được… lùi

Vào một ngày đầu xuân 2010, tôi may mắn được chứng kiến một cuộc bàn giao đầy cảm động: 2 người khuyết tật ôm nhau trong dàn dụa nước mắt vui sướng; một người nhận được chiếc xe mô tô 3 bánh có số lùi

Họ siết chặt tay nhau hướng về con đường đời phía trước. Điều làm tôi ngạc nhiên đến thán phục là sản phẩm xe mô tô có “số de” cho người khuyết tật lại do chính anh Võ Đình Minh - một người khuyết tật đã tự mày mò, nghiên cứu thiết kế và lắp ráp, trở thành sản phẩm độc đáo của DNTN Hoàng Minh 27 Lam Sơn - TP Quy Nhơn do anh làm chủ.

        Định hướng cuộc sống từ một tuổi thơ bất hạnh

        Võ Đình Minh sinh ra và lớn lên ở vùng quê dừa Tam Quan - tỉnh Bình Định. Vào những năm 1963, bom đạn chiến tranh đã chà xát trên quê hương, gieo tang tóc cho bà con làng xóm, gia đình, tuổi thơ của anh phải chịu thêm một bất hạnh lớn đó là cơn sốt bại liệt trong điều kiện chiến tranh không chạy chữa được đã cướp đi đôi chân của anh lúc 3 tuổi,

        Không tuyệt vọng, Võ Đình Minh vẫn được đến trường trên lưng những người bạn cùng xóm. Cho đến một buổi học cuối cấp 1, ngôi trường bị của anh bị giặc đánh bom và xảy ra cháy lớn. Trong cơn hoảng loạn, mạnh ai nấy chạy, Võ Đình Minh bất lực ngồi nhìn ngọn lửa đến quyết định số phận của mình thì… điều kỳ diệu đã xảy ra: Bạn Huynh xuất hiện, cõng anh băng ra khỏi lưới lửa mịt mùng. Từ đó, không những anh ghi sâu vào tâm khảm  người sinh ra mình lần thứ 2 mà một ý tưởng  đẹp đã nảy sinh  trở thành định hướng cho cuộc đời của Võ Đình Minh sau này như một chân lý thật đơn giản: “Hạnh phúc là khi được giúp đỡ mọi người”.

        Động lực mới từ  “tàn nhưng không phế”

        Theo người cha công tác trong ngành hoả xa vào Quy Nhơn sinh sống. Võ Đình Minh phải rời ghế nhà trường từ cuối năm lớp 9, anh quyết kiếm lấy một nghề nghiệp gì đó để làm kế sinh nhai, không phải phụ thuộc gia đình vốn rất khó khăn vì đông con. Võ Đình Minh được giới thiệu vào học nghề điện tử ở Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng, tại một cơ sở tư nhân. Chăm chỉ, sáng dạ, khắc phục khó khăn trong đi lại, anh đã tích luỹ được một số vốn kiến thức kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm tương đối về sửa chữa ti vi, các đồ gia dụng về điện tử. Tuy vậy, về lại Quy Nhơn với thân phận là người khuyết tật anh không thể tìm được việc làm, không đủ vốn để mở cửa hàng riêng. Đành chuyển sang nghề làm thợ sửa khoá. Với tư chất tìm tòi, sáng tạo học hỏi qua sách vở, bạn bè anh tích luỹ được một số vốn kha khá. Thời ấy anh được mệnh danh là “Ông vua mở  két sắt” tại Quy Nhơn-Bình Định. Cơ quan, gia đình nào mất chìa khoá là anh được điều động đến ngay.

       Với sự mẫn cảm với các ngành nghề CN-TTCN, anh mạnh dạn chuyển sang làm ăn lớn:  dồn vốn mở cơ sở gia công suốt chỉ bố lốp xe hơi để làm vệ tinh cho các nhà máy sản xuất lốp xe đạp. Công việc đang tiến triển với gần chục lao động khuyết tật có thu nhập ổn định thì đột nhiên mặt hàng này bị cạnh tranh bởi các nguyên liệu ngoại nhập. Bài  học chua xót về thị trường anh phải trả giá quá đắt để cơ sở gia công bị phá sản.

        Thất bại trong sản xuất, không duy trì nổi việc làm cho số lao động khuyết tật đã cùng kề vai sát cánh vượt qua cuộc sống nhưng anh không nản lòng. Võ Đình Minh nhớ lại lời Bác Hồ như một lời động viên đúng lúc “…tàn nhưng không phế”. Lúc này đau đáu trong anh là làm thế nào để đi lại dễ dàng hơn, quan hệ rộng hơn với các đoàn thể Hội người khuyết tật của địa phương. Trên chiếc xe mô tô 3 bánh tự chế tạo được, mỗi lần đi ra con hẻm trong phố để về nhà, không cách nào lùi được để quay đầu, lại phải chờ người đi đường kéo hộ… quá phiền toái. Anh tự nhủ với lòng mình phải tìm cách, tự cứu mình và anh em cùng cảnh ngộ.

         Nhìn thấy trong đống đồ phế liệu của người vợ mua, bán ngoài chợ trời có nhiều chi tiết: hộp số, tay ga của xe lam 3 bánh, các loại động cơ mô tô, Võ Đình Minh tự đặt cho mình một mục tiêu mới: “Mô tô 3 bánh có số lùi cho người khuyết tật- Tại sao không?” Thế là anh lại lao vào cuộc tìm kiếm mới, hết ga ra này đến xưởng cơ khí nọ để học hỏi, gia công các bộ phận cho một chiếc mô tô đặc chủng. Những kiến thức kỹ thuật tích lũy được gần nữa đời người đã hỗ trợ anh “khôn ra từ cái khó”.

          Trải qua bao cay đắng trong thất bại, anh lại kiên trì đeo bám ý tưởng suốt một năm trời để  hoàn thiện sản phẩm đầy tính nhân văn này. Bởi anh biết rằng khi chiếc xe mô tô có chức năng lùi, người khuyết tật sẽ có thêm cơ hội tiếp cận với cộng đồng, không gian cuộc sống sẽ mở rộng thêm. Điều đó trở thành nguyện vọng, định hướng cuộc sống của Võ Đình Minh từ thời niên thiếu.

           Ngày hạnh phúc thứ 2 trong đời Võ Đình Minh là ngày 18/4/1995, khi chiếc xe mô tô 3 bánh cho người khuyết tật có số lùi - đầu tiên được đưa ra thị trường, với hàng chục đơn đặt hàng từ khắp các địa phương trong toàn tỉnh Bình Định. Vinh dự hơn nữa, sản phẩm của Võ Định Minh được tham gia Hội thi sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ 2 năm 2003 được đạt giải cao. Anh được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động TB&XH Bằng khen của Bộ Khoa học Công nghệ. Đem biểu tượng “ Chiến thắng nỗi đau” của Bộ LĐTB&XH và Hội bảo trợ người tàn tật tặng ở Hà Nội về cơ sở sản xuất, anh em công nhân khuyết tật như vỡ oà niềm vui trong nghẹn ngào nước mắt.

                 Thế là doanh nghiệp Tư nhân Hoàng Minh ra đời với gần chục lao động trong đó có tuyển thêm công nhân kỹ thuật cơ khí, động lực và các lao động là người khuyết tật, thương binh về đây chung sức chung lòng cho một thương hiệu đã đi vào cuộc sống: Các loại xe cho người khuyết tật trong đó có xe mô tô 3 bánh - có số lùi, Cơ sở cơ khí tư nhân Hoàng Minh cũng đã nghiên cứu thêm và sản xuất thành công xe lăn chạy điện lên cầu thang cho người khuyết tật. Đây là địa chỉ tin yêu của hàng trăm người khuyết tật từ mọi miền trong nước với sự giúp đỡ có hiệu quả của Hội bảo trợ Người Khuyết tật và trẻ em Mồ côi của địa phương.

         Vẫn còn đó những nguyện vọng cháy bỏng

         Võ Đình Minh trở thành ông chủ của một cơ sở sản xuất cơ khí tư nhân, không chỉ thành đạt trên thương trường với nhiều mẫu mã xe được thích nghi tốt với người khuyết tật. Hạnh phúc của anh là cùng anh em “vượt qua nỗi đau” nâng mình lên hoà nhập với cộng đồng. Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn về vốn, nhà xưởng mặt bằng chật hẹp, lại phải thuê mướn không ổn định, thủ tục đăng ký sở hữu công nghiệp, đăng kiểm an toàn… sao khó quá! Anh tâm sự thật chân tình: Đã “tiến được và lùi được”, nhưng giá như có cú huých tạo động lực từ các Ngành, các cấp của xã hội thì chiếc xe “mô tô 3 bánh - có số de” của chúng tôi sẽ tiến nhanh hơn vào mục tiêu: đưa một bộ phận người khuyết tật của chúng tôi hoà nhập sớm vào cộng đồng”