Trong những năm qua, kinh tế Cuba đã vượt qua được tình trạng suy thoái, bước vào thời kỳ tăng trưởng và từ năm 2005 đến nay, đã đạt mức tăng trưởng tương đối cao. Tiêu chí trong hoạt động kinh tế của đất nước Cuba hiện nay là “Sản xuất ra nhiều nhất bằng ít nguồn lực nhất”. Theo số liệu của Bộ Kinh tế và Kế hoạch Cuba, năm 2006, kinh tế Cuba đạt tốc độ tăng trưởng 12,5%, chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp dược phẩm, khai thác dầu khí, đánh cá, viễn thông, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng v.v... Năm 2005, Cuba nhập khẩu 6,9 tỉ USD, xuất khẩu chỉ có 2,4 tỉ USD. Kinh tế Cuba dựa nhiều vào các ngành có lợi thế do thiên nhiên đem lại như: du lịch, khai thác nguyên, vật liệu... Ngoại thương Cuba đã vượt qua khó khăn, trở ngại do chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ, đạt giá trị xuất khẩu năm 2006 là 10,4 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2005; giá trị nhập khẩu đạt 10,3 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2005. Hai bạn hàng quan trọng là Vê-nê-zu-ê-la và Trung Quốc đã trở thành các nhân tố chủ yếu đảm bảo sự ổn định của ngoại thương Cuba. Chính phủ Cuba cũng đã có nhiều biện pháp hữu hiệu, cải thiện đáng kể khả năng tín dụng của đất nước trên thị trường tài chính quốc tế, đồng thời đã nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhất là dược phẩm, củng cố thêm vị trí của Cuba trên thương trường toàn cầu. Một nhân tố khác đem lại thuận lợi cho ngoại thương Cuba là giá ni-ken trên thị trường thế giới tăng mạnh, từ 14 nghìn USD/tấn đầu năm 2006, tăng lên 33 nghìn USD/tấn vào cuối năm 2006, hàng năm đã thu về cho đất nước trên 1,5 tỷ USD từ xuất khẩu kim loại quý hiếm này, bằng xấp xỉ với nguồn thu từ du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Cuba từ nhiều năm nay.
Với đường lối đúng đắn, Đảng và Chính phủ Cuba đã chỉ đạo triển khai chính sách chuyển hướng kinh tế, điều chỉnh cơ cấu kinh tế đất nước, phát triển kinh tế tri thức, nhằm xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế khoa học - công nghệ. Năm 2005 có thể được xem là sự khởi đầu tốt đẹp cho sự chuyển hướng này, đạt tốc độ xuất khẩu cao các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ y tế, dược phẩm, kỹ nghệ gien, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin… Bên cạnh đó, Cuba đã đạt được nhiều thành tựu to lớn: Duy trì vững chắc những thành quả cách mạng; đạt tiến bộ quan trọng trên các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và lĩnh vực xã hội; củng cố sự ổn định chính trị - xã hội; cải thiện hiệu quả kinh tế; triển khai cách mạng năng lượng; đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại...
Đời sống của cán bộ, công chức và nhân dân Cuba đã từng bước được cải thiện. Cuối năm 2005, Chính phủ Cuba đã ban hành chế độ lương mới, với mức lương tăng bình quân 27,9%. Tốc độ xây dựng nhà ở cho nhân dân tăng liên tục trong những năm vừa qua, điển hình là năm 2006, diện tích nhà tăng gấp 3 lần so với năm 2005. Cuba tiếp tục khẳng định là một quốc gia phát triển về xã hội. Quyền được học tập, quyền được chăm sóc sức khỏe và quyền được làm việc đã trở thành các giá trị mang tính nguyên tắc và thước đo trình độ công bằng xã hội. Giáo dục đạt chất lượng cao, miễn phí cho toàn dân và ngày nay, giáo dục đại học đã được triển khai đến toàn bộ 169 quận, huyện của cả nước, thu hút 67% thanh niên ở độ tuổi 18-24 đến giảng đường đại học. Dịch vụ y tế với chất lượng cao và thực hiện miễn phí tuyệt đối cho mọi người, đem lại tuổi thọ bình quân 77 tuổi cho người dân. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2006 vào loại thấp nhất thế giới (1,9%). Đời sống của người già độc thân, trẻ em khuyết tật, những người có hoàn cảnh đặc biệt… ngày càng được Chính phủ quan tâm thông qua hoạt động của hơn 42 nghìn cán bộ làm công tác xã hội, đảm bảo mọi người đều được hưởng quyền lợi về an sinh xã hội trên Hòn đảo tự do này.
Quan hệ hợp tác Việt Nam – Cuba:
Những năm gần đây, mặc dù gặp khó khăn do bị bao vây cấm vận, nhân dân Cuba vẫn luôn quan tâm theo dõi tình hình Việt Nam và dành cho nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ kịp thời, quí báu. Cuba sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ Việt Nam trong các lĩnh vực mà bạn có thế mạnh như: xây dựng, giao thông, công nghệ sinh học, giáo dục, y tế, thể thao và nông nghiệp. Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam trước sau như một luôn coi trọng việc giữ gìn và phát huy tình đoàn kết, thủy chung, trong sáng với nhân dân Cuba. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu 400.000 tấn gạo sang Cuba với những điều kiện ưu đãi và hợp tác có kết quả trong lĩnh vực sản xuất lúa theo hộ gia đình để giúp Cuba tự túc lúa gạo. Trao đổi thương mại giữa hai nước liên tục tăng, từ 60 triệu USD năm 2002 lên hơn 90 triệu USD năm 2003 và đạt hơn 500 triệu USD hiện nay. Cuba đặc biệt coi trọng mối quan hệ hợp tác này bởi hiện nay, sau Trung Quốc, Việt Nam đứng thứ hai về kim ngạch thương mại với Cuba. Trong bối cảnh tình hình quốc tế mới, lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng quan tâm thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Cuba phát triển toàn diện, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, đầu tư, giáo dục, khoa học kỹ thuật tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước.
Tại cuộc họp Uỷ ban Hợp tác Liên Chính phủ Việt Nam – Cuba, hai bên đã xác định và chỉ đạo triển khai một số dự án trọng điểm về tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên đất liền và tại vùng vịnh Mehicô; thiết kế và trợ giúp kỹ thuật cho Trung tâm công nghệ sinh học tại Việt Nam; giai đoạn ba của dự án Phát triển trồng lúa theo hộ gia đình ở Cuba... Ngoài ra, nhiều lĩnh vực hợp tác khác cũng được thống nhất trong kỳ họp này như: công nghệ sinh học, công nghiệp, dầu khí, xây dựng, giáo dục đại học, văn hoá, thể thao, tài chính-ngân hàng, khoa học kỹ thuật, giao thông - vận tải, du lịch, phát thanh-truyền hình... Tất cả các chương trình đang hướng tới sự đa dạng hoá với thời gian trung hạn và dài hạn. Kỳ họp này đã đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại, văn hoá, khoa học, kỹ thuật với nội dung thiết thực, hiệu quả, mở ra những khả năng hợp tác mới giữa hai nước.
Năm 2006, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp cơ bản Cuba Yadira Garcia Vera đã sang thăm và làm việc với Bộ Công nghiệp, Tập đoàn Dầu khí VN, Tập đoàn Điện lực VN... Bộ trưởng đã đề xuất việc xây dựng kế hoạch hợp tác với Bộ Công nghiệp trong các lĩnh vực dầu khí, điện lực... Nhân dịp này, Tập đoàn Dầu khí VN (Petrovietnam) đã ký với Tập đoàn Cuba Petroleo (CUPET) Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. Cũng trong năm 2006, nhân dịp sang thăm và làm việc tại CH Cuba, đoàn đại biểu Bộ Công nghiệp VN đã có cuộc gặp gỡ và làm việc với Chủ tịch Phân ban Cuba trong ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Cuba. Hai bên đã đề cập đến hợp tác Việt Nam – Cuba, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp. Hiện Cuba và Việt Nam đang hợp tác trong lĩnh vực cơ khí luyện kim, công nghiệp nhẹ, công nghiệp lương thực và thực phẩm. Năm 2007, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ Cuba Jose Harnamdez Bernandez đã làm việc với Tập đoàn Dệt may VN, Bộ trưởng đã đánh giá cao chất lượng các sản phẩm dệt-may của Việt Nam và cho biết sẽ cử các đoàn doanh nghiệp của Cuba sang trao đổi, đàm phán và ký kết hợp tác với Tập đoàn Dệt may VN.
Năm 2008, Việt Nam vẫn tiếp tục cung cấp cho Cuba 200 nghìn tấn gạo theo hợp đồng Chính phủ và 200 nghìn tấn gạo theo hợp đồng với điều kiện như thường lệ. Việt Nam còn giúp Cuba thực hiện giai đoạn đoạn 3 (2008- 2010) với kinh phí tăng gấp 10 lần so với giai đoạn 2 trong dự án phát triển hợp tác về sản xuất lúa quy mô hộ gia đình để góp phần giúp Cuba trong việc tăng cường an ninh lương thực. Hiện nay, Việt Nam cũng là nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm tin học cho Cuba, vì thế Cuba mong muốn được Việt Nam tiếp tục hợp tác và giúp đỡ trong lĩnh vực này trong giai đoạn 2008 - 2012.
Trong những năm qua, mặc dù quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam – Cuba phát triển, song vẫn chưa tương xứng với sự phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt, sâu sắc giữa hai nước anh em cũng như tiềm năng thực tế của cả hai nước. Quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước vẫn còn gặp không ít khó khăn, trở ngại do cơ chế riêng của hai nước. Điều quan trọng là hai nước phải thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý cũng như các điều kiện cần thiết khác để các doanh nghiệp hai nước thuận lợi trong việc đầu tư và hợp tác. Ngân hàng hai nước cần bảo đảm thanh toán an toàn, hiệu quả cho các doanh nghiệp và cần phải có biện pháp khắc phục tình trạng doanh nghiệp hai bên khi giao dịch, thanh toán phải thông qua bên thứ ba.
Trang mới trong quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại và nhiều lĩnh vực khác giữa Việt Nam và Cuba đã mở ra, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để cho mối quan hệ này có tầm vóc mới, xứng đáng với mối quan hệ chính trị gắn bó đặc biệt giữa hai nước.