Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex:Tự động hóa bến xuất xăng dầu - Bước đột phá trong công tác giao nhận

Hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề đặc thù, nặng nhọc, độc hại, đòi hỏi cao về an toàn phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường, trong nhiều năm qua, hệ thống các công trình xăng dầu của Tập đoàn Xăn


Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật ở Petrolimex có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn tuyệt đối các công trình xăng dầu, góp phần giải quyết được những khó khăn, ách tắc trong sản xuất kinh doanh; nâng cao năng suất lao động; cải thiện điều kiện làm việc và môi trường lao động. Các ứng dụng kỹ thuật này tại Petrolimex đã giúp cho tập thể người lao động nhanh chóng vươn lên tiếp cận và làm chủ công nghệ, tạo nền móng vững chắc cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên hội nhập, mở rộng hợp tác với các bạn hàng dầu khí lớn trên thế giới. 

Nhằm giảm thiểu các thao tác thủ công, nâng cao năng suất lao động và văn minh thương mại, tăng cường công tác an toàn phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường tại các kho, cảng xăng dầu đồng thời tránh tác động chủ quan trong khâu xuất hàng tại các bến xuất xăng dầu, Petrolimex đã chủ trương áp dụng đồng bộ hệ thống xuất hàng tự động tại các bến xuất xăng dầu từng bước tự động hoá, hiện đại hoá công nghệ, đáp ứng tăng trưởng nhu cầu xăng dầu trong cả nước. Công ty Xăng dầu Khu vực I là một trong những đơn vị tiên phong của Tập đoàn triển khai ứng dụng hiệu quả hệ thống tự động bến xuất xăng dầu. 

Từ xuất nhập thủ công
Tới thăm Tổng kho Xăng dầu Đức Giang, Công ty Xăng dầu Khu vực I, Anh Nguyễn Á Phi - Phó Giám đốc Công ty đã giới thiệu với chúng tôi hệ thống bến xuất hàng cho ô tô xi téc với các giàn xuất tự động hiện đại có khả năng xuất đồng thời năm mặt hàng khác nhau. Bến xuất của Công ty hiện nay hoạt động với quy mô lớn, tần xuất cao, quy trình xuất nhập khoa học giúp cho các phương tiện đến nhận hàng được khẩn trương, trật tự và an toàn. 

Anh Nguyễn Á Phi là người đã có nhiều năm gắn bó với Tổng kho nhớ lại: “Thời kỳ từ năm 1992 trở về trước, xuất hàng cho cho xe xi téc phải dùng máy bơm qua hệ thống vòi ống mềm, một công nhân đứng trên sàn thao tác và một công nhân đứng trong khu vực nhà bơm để đóng, mở van, khi hàng đầy đến cổ téc thì người trên sàn thao tác báo hiệu, người kia sẽ đóng van lại. Thời kỳ đó bộc lộ nhiều hạn chế, nếu hai công nhân phối hợp không tốt sẽ dẫn đến sự cố tràn dầu”. Việc đo lường, giao nhận thủ công như vậy có hiệu quả thấp, mất an toàn, không chính xác và dễ gây ra hiện tượng thừa, thiếu hàng trong mỗi lần xuất. Do đó, thời gian này, ở khu vực bảo vệ luôn phải bố trí một vài thùng phuy, xô chứa để bộ phận kiểm tra thực hiện rút ra hoặc thêm hàng vào nếu thấy thừa hoặc thiếu. Công đoạn này kéo dài gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khoẻ người lao động và luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ mất an toàn. 

Quá trình khai thác vận hành tại các bến xuất xăng dầu với phương pháp thủ công đã không đáp ứng được nhu cầu cung ứng xăng dầu ngày càng cao của toàn xã hội. 

Đến xuất nhập tự động và tích hợp, truyền dẫn số liệu
Bước sang thời kỳ tiếp theo, Công ty tiến hành đầu tư cải tạo thay thế hệ thống vòi ống mềm bằng các cần xuất xăng dầu và lắp đặt hệ thống khởi động/dừng máy bơm ở ngay trên giàn xuất. Với công nghệ này, xuất nhập xăng dầu tại bến xuất chỉ cần một người vận hành. Khi xe xi téc vào vị trí, công nhân vận hành sẽ ấn nút khởi động máy bơm để bơm hàng, khi hàng gần đầy đến tấm mức thì đóng dần van trên cần xuất và ấn nút dừng máy bơm. Về cơ bản, công nghệ này đã khắc phục được những hạn chế của các công nghệ trước, nhưng vẫn mang tính bán tự động và chưa hiệu quả, nhất là về năng suất lao động và thời gian cấp hàng. Vào thời điểm này (những năm cuối thế kỷ 20), công suất cấp hàng của Tổng kho Đức Giang vào khoảng 400.000 - 500.000 m3/năm. Con số này không ngừng tăng lên đòi hỏi lãnh đạo Tập đoàn (trước đây là Tổng công ty), lãnh đạo Công ty phải tiếp tục nghiên cứu cải tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các bến xuất xăng dầu phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Tập đoàn và Công ty đã quyết định, thay vì sử dụng tấm mức để đo lường, giao nhận hàng hoá sẽ sử dụng hệ thống lưu lượng kế kết hợp truyền dẫn số liệu từ các họng xuất xitéc đến nhà bơm và bộ phận nghiệp vụ phát hành hóa đơn… Sự kết hợp này đã làm cho quá trình xuất hàng trở nên linh hoạt, thuận tiện và chính xác hơn. Đồng thời phương thức đo lường, giao nhận đã được thay đổi từ việc lấy chính xitéc làm dụng cụ đo lường, giao nhận nay chuyển sang sử dụng số liệu của lưu lượng kế được gắn trên các giàn xuất. Quá trình này được Tập đoàn và Công ty Xăng dầu KV I thử nghiệm, kiểm nghiệm, đánh giá tổng thể, kỹ lưỡng trước khi đưa vào áp dụng rộng rãi trong toàn ngành. 

Tích hợp và thu thập dữ liệu từ hệ thống lưu lượng kế; tính toán và xử lý dữ liệu tại bộ điều khiển trung tâm; truy xuất dữ liệu để điều khiển máy bơm xăng dầu và van điện là quá trình đồng bộ khép kín tổng thể. Công nghệ này không những giải quyết được những hạn chế trước đây, mà còn nâng cao độ chính xác và năng suất cấp hàng. Trước đây khi xuất một xe hàng 15-16 m3 trung bình phải mất khoảng 40-50 phút/xe, nay giảm xuống còn 20-25 phút/xe. 

Giờ đây, toàn bộ quá trình cấp hàng từ lập đơn hàng, bơm rót hàng, hoàn thiện thủ tục đơn hàng, cho phép phương tiện rời bến đều do hệ thống tự động hoá thực hiện mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của con người vào các dữ liệu ban đầu. Nếu có vấn đề không đồng bộ với dữ liệu đã được lập trình thì quá trình xuất hàng sẽ không thể hoàn thiện được, vì vậy, khách hàng hoàn toàn yên tâm về tính chính xác, tiện lợi và minh bạch. Anh Đỗ Giang, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Công nghệ và An toàn Tập đoàn cho biết: “Cũng như những hệ thống đo lường khác trong toàn hệ thống Petrolimex, hệ thống đo lường tại bến xuất Tổng kho Đức Giang đều được các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, kiểm định định kỳ về độ chính xác và cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định. Việc bảo quản và sử dụng các thiết bị này tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy trình nghiệp vụ kỹ thuật”. 

Trong ngành công nghiệp nói chung, lĩnh vực xăng dầu nói riêng, tự động hoá, hiện đại hoá quá trình công nghệ luôn là một trong các động lực quan trọng, thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, hỗ trợ cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và cải thiện môi trường làm việc của người lao động. Công nghệ tự động hoá bến xuất xăng dầu của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam đã đạt được những thành quả nhất định, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng cường công tác an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và minh bạch hoá quá trình giao nhận. Trong thời gian tơi, Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai và hoàn thiện chương trình tự động hoá hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu, dự án tự động hoá kho bể và dự án quản trị nguồn lực ERP nhằm nâng cao khả năng quản trị toàn hệ thống Petrolimex.