Điều kiện tự nhiên

1. Vị trí địa lý
Tỉnh Đắk Lắk nằm trên địa bàn Tây Nguyên, trong khoảng tọa độ địa lý từ 107o28'57"- 108o59'37" độ kinh Đông và từ 12o9'45" - 13o25'06" độ vĩ Bắc.
- Phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai.
- Phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng.
- Phía Đông giáp tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa.
- Phía Tây giáp Vương quốc Cam Pu Chia và tỉnh Đăk Nông.
Là tỉnh có đường biên giới dài 70 km chung với nước Cam Pu Chia, trên đó có quốc lộ 14C chạy dọc theo biên giới hai nước, rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế vùng biên kết hợp với bảo vệ an ninh quốc phòng.
Thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm chính trị, kinh tế văn hoá xã hội của tỉnh và cả vùng Tây Nguyên. Trung tâm thành phố là điểm giao cắt giữa quốc lộ 14 (chạy xuyên suốt tỉnh theo chiều từ Bắc xuống Nam) với quốc lộ 26 và quốc lộ 27 nối Buôn Ma Thuột với các thành phố Nha Trang (Khánh Hoà), Đà Lạt (Lâm Đồng) và Pleiku (Gia Lai). Trong tương lai, khi đường Hồ Chí Minh được xây dựng cùng với đường hàng không được nâng cấp, thì Đắk Lắk sẽ là đầu mối giao lưu rất quan trọng, nối liền các trung tâm kinh tế của cả nước như Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là động lực lớn, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh cũng như toàn vùng Tây Nguyên phát triển. 

2. Địa hình, khí hậu

Phần lớn địa bàn Đắk Lắk thuộc sườn phía tây nam dãy Trường Sơn nên địa hình núi cao chiếm 35% diện tích tự nhiên, tập trung ở phía Nam và đông nam tỉnh với độ cao trung bình 1.000-1.200 m, trong đó có đỉnh Chư Yang Sin 2.442 m, Chư H’mu 2.051 m, Chư Dê 1.793 m, Chư Yang Pel 1.600 m.
Địa hình cao nguyên bằng phẳng nằm ở giữa tỉnh, chiếm 53% diện tích tự nhiên với độ cao trung bình 450 m. Phần diện tích tự nhiên còn lại là vùng thấp, bao gồm những bình nguyên ở phía bắc tỉnh và ở phía nam thành phố Buôn Ma Thuột. Đáng chú ý là diện tích đất đỏ bazan rất lớn, chiếm khoảng 1/3 diện tích tự nhiên, thích hợp cho việc phát triển cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu và cây ăn quả.
Do đặc điểm vị trí địa lý, địa hình nên khí hậu ở Đăk Lăk vừa chịu sự chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa, vừa mang tính chất của khí hậu cao nguyên mát dịu. Song chịu ảnh hưởng mạnh nhất chủ yếu vẫn là khí hậu Tây Trường Sơn.
Thời tiết chia 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, trong mùa này độ ẩm giảm, gió Đông Bắc thổi mạnh.
Lượng mưa trung bình hàng năm đạt khoảng 1.600 – 1.800 mm.
Độ ẩm không khí trung bình năm khoảng 82%.
Tổng số giờ nắng bình quân hàng năm khá cao, khoảng 2.139 giờ. 

3. Sông ngòi
Đắk Lắk có mạng lưới sông suối rất dầy với một số sông chính như sông Krông H’Năng, sông Ea H'leo, sông Đồng Nai, sông Serepôk; nhưng lớn nhất là dòng sông Serepôk dài 322 km, bắt nguồn từ hai nhánh nhỏ là sông Krông Ana và sông Krông Nô. Dòng sông Serepôk có nhiều thác ghềnh hùng vĩ và hoang sơ, là những điểm du lịch hấp dẫn như thác Trinh Nữ, Thác Đray Sáp, thác Đray Nu, thác Gia Long, thác Bảy Nhánh... Ở Đăk Lăk có một số hồ lớn tự nhiên, như Hồ Ea RBin-Nam Kar, Hồ Lắk; một số hồ lớn nhân tạo, như Hồ Buôn Triết, Hồ Buôn Tría, Hồ EaKao, Hồ Ea Súp thượng... Tuy là một tỉnh cao nguyên, nhưng ở đây có đến trên 500 hồ nước tự nhiên và nhân tạo lớn nhỏ, với 47.000 ha mặt nước, một tiềm năng không nhỏ về phát triển chăn nuôi thủy sản. Hiện tại, Đăk Lăk đang giữ kỉ lục Việt Nam về tỉnh có nhiều hồ nhất. 

4. Diện tích tự nhiên, dân số và phân bố hành chính
Đắk Lắk có diện tích tự nhiên 13.085 km², chiếm 3,9% diện tích tự nhiên cả nước Việt Nam. Theo số liệu tổng điều tra dân số ngày 01/4/2009, dân số tỉnh Đắk Lắk là 1.728.380 người. Trong đó, dân số đô thị chiếm 22,5%, còn lại chủ yếu là dân số nông thôn, chiếm 77,5%. Cộng đồng dân cư Đắk Lắk gồm 44 dân tộc. Trong đó, người Kinh chiếm trên 70%; các dân tộc ít người, như Ê Đê, M'nông, Thái, Tày, Nùng,... chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh.
Mật độ dân số trung bình toàn tỉnh là 132 người/km2, nhưng phân bố không đều trên địa bàn các huyện, tập trung chủ yếu ở thành phố Buôn Ma Thuột, các thị trấn huyện lỵ, ven các trục quốc lộ 14, 26, 27 chạy qua, như Krông Búk, Krông Pắk, Ea Kar, Krông Ana. Các huyện có mật độ dân số thấp chủ yếu là các huyện đặc biệt khó khăn như Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, Krông Bông, M’Drắk, Ea Hleo v.v… Các dân tộc thiểu số sinh sống ở 125/170 xã trên địa bàn tỉnh, nhưng phần lớn tập trung ở các xã vùng cao, vùng xa. Ngoài các dân tộc ít người tại chỗ, còn có số đông khác dân di cư từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung đến Đắk Lắk sinh cơ lập nghiệp.
Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trung bình hàng năm giảm từ 2,44% năm 2000 xuống còn 1,42% vào năm 2008. Trong những năm gần đây, dân số của Đắk Lắk có biến động do tăng cơ học, chủ yếu là di dân tự do, điều này đã gây nên sức ép lớn cho tỉnh về giải quyết đất ở, đất sản xuất và các vấn đề đời sống xã hội, an ninh trật tự và môi trường sinh thái.
Đắk Lắk là tỉnh có nhiều dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có những nét đẹp văn hoá riêng. Đặc biệt là văn hoá truyền thống của các dân tộc Ê Đê, M'Nông, Gia Rai, v.v… với những lễ hội cồng chiêng, đâm trâu, đua voi mùa xuân; kiến trúc nhà sàn, nhà rông; các nhạc cụ lâu đời nổi tiếng như các bộ cồng chiêng, đàn đá, đàn T'rưng; các bản trường ca Tây Nguyên... là những sản phẩm văn hoá vật thể và phi vật thể quý giá, trong đó Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tất cả các truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa của Đắk Lắk.
Dân tộc Ê Đê thuộc ngữ hệ Malayô - Pôlinêdiêng, địa bàn cư trú chủ yếu là các huyện phía Bắc và phía Nam: từ Ea Hleo, Buôn Hồ xuống M’Drak và kéo dài lên Buôn Ma Thuột.
Dân tộc M'nông thuộc ngữ hệ Môn-Khơme, địa bàn cư trú chủ yếu là các huyện phía Nam và dọc biên giới Tây Nam.
Tỉnh Đắk Lắk bao gồm thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và 13 huyện; trong đó có 180 xã, phường, thị trấn. 

5. Tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội
Phát triển kinh tế chủ đạo của Đăk Lăk dựa vào sản xuất và xuất khẩu nông sản, lâm sản (chiếm khoảng 60% GDP). Bên cạnh đó tỉnh có tiềm năng về du lịch sinh thái.
Đăk Lăk là tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn nhất Việt Nam với trên 174.740 ha. Sản lượng hàng năm trên dưới 435.000 tấn cà phê nhân.
Ngoài ra, tỉnh cũng là nơi trồng bông (bông vải), cacao, cao su, điều lớn của Việt Nam. Đắk Lắk cũng là nơi phát triển các loại cây ăn trái khác, đặc biệt như cây bơ, sầu riêng, chôm chôm, xoài...
Hiện tại, cà phê và bơ của Đắk Lắk đã được mang thương hiệu của mình.
Thủ phủ cà phê
Tuy cây cà phê không phải là cây nguyên sản, có xuất xứ ở Đắk Lắk, nhưng do đã được du nhập vào trồng tại đây từ rất sớm và mảnh đất này đặc biệt phù hợp với việc canh tác cà phê. Cà phê Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk luôn được đánh giá là có chất lượng cao, có hương vị đặc trưng; do đó thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đã được thế giới biết đến; địa danh Buôn Ma Thuột cũng được nhiều người ví như một "thủ phủ cà phê" của Việt Nam do ở đây, cây cà phê chiếm giữ một vị trí độc tôn, không loại cây trồng nào sánh được. Cây cà phê đã góp phần đưa Buôn Ma Thuột từ vị trí một thị xã tỉnh lẻ cao nguyên trở thành một thành phố sầm uất. Ở Đắk Lắk, một số vấn đề liên quan đến cà phê đã trở thành bản sắc văn hóa, như việc mời đi uống cà phê đã là một nét văn hoá rất đặc trưng của vùng này.
Nông, lâm nghiệp
Là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn về rừng với gần 1 triệu ha đất nông, lâm nghiệp, trong đó trên 600.000 ha có rừng, độ che phủ của rừng ở đây là 50%. Ở đây có Vườn quốc gia Yok Đôn rộng trên 115.500 ha, là khu Vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam.
Ngoài ra, Đắk Lắk còn có 4 rừng đặc dụng là: Vườn quốc gia Chư Yang Sin huyện Krông Bông, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar huyện Lắk và Rừng lịch sử văn hóa môi trường Hồ Lắk huyện Lắk, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô huyện Ea Kar, mỗi khu có diện tích từ 20 đến 60 nghìn ha.
Đắk Lắk không chỉ có núi non trùng điệp với những thảm rừng đa sinh thái với hơn 3 nghìn loài cây, 93 loài thú, 197 loài chim, mà còn là cao nguyên đất đỏ phù hợp với việc phát triển cây công nghiệp dài ngày.
Văn hóa
Môi trường này đã tạo nên trường ca Đam San, Xinh Nhã dài hàng nghìn câu truyền miệng từ bao đời nay, làm ra con chữ riêng cho người Ê Đê, người M'Nông; làm nên đàn đá, đàn T'rưng, đàn K'lông pút độc đáo và làm nên biệt tài săn bắt, thuần dưỡng voi rừng của người Buôn Đôn đứng đầu Đông Nam Á. Vua voi (N'Thu K'nul, trong 110 năm của đời mình đã săn bắt và thuần dưỡng được hơn 170 con voi rừng, trong đó có con Bạch Tượng tặng vua Xiêm và R'Leo K'Nul người kế tục cũng bắt được hơn 100 con voi có 1 con Bạch Tượng tặng vua Bảo Đại.
Đắk Lắk là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.
Đáng chú ý khi đến thăm Đắk Lắk là, những ngôi nhà dài truyền thống theo huyền thoại có thể "dài như tiếng chiêng ngân" hoặc các bến nước của các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, một nét văn hoá rất đặc trưng của vùng đất này và ấn tượng với du khách bằng những sản phẩm gia dụng như bàn, ghế và cả thuyền độc mộc đẽo từ những cây rừng lớn nguyên vẹn...
Có Lễ hội đua voi, Lễ hội Cồng chiêng và Lễ hội Cà phê đã được Nhà nước công nhận và tổ chức đều đặn hàng năm như một giá trị truyền thống.
Di tích lịch sử:
• Đình Lạc Giao;
• Chùa Sắc tứ Khải Đoan;
• Nhà đày Buôn Ma Thuột;
• Khu Biệt điện Bảo Đại - Nhà Công sứ số 4 Nguyễn Du hiện tại là Bảo tàng các dân tộc Việt Nam tại Đắk Lắk;
• Toà Giám mục tại Đắk Lắk;
• Hang đá Đắk Tur - Krông bông;
• Tháp Yang Prong – Easóup;
Giao thông
Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) có các chuyến bay thẳng từ thành phố Hồ Chí Minh tới sân bay Buôn Ma Thuột và từ Hà Nội bay thẳng tới Buôn Mê Thuột.
Mạng lưới đường bộ rất phát triển, nối Buôn Ma Thuột với Nha Trang ở phía đông (156 km), Pleiku ở phía bắc (195 km), Kontum (224 km) nối với Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh (353 km) hay Đà Lạt ở phía nam (193 km) vì Đăk Lăk được coi như trung tâm của Tây Nguyên.
Đăk Lăk có 14 tỉnh lộ với tổng chiều dài 460 km, gần 70% trong số đó đến cuối tháng 2 năm 2006 đã được trải nhựa.
Danh lam thắng cảnh - Du lịch
Đắk Lắk là một tỉnh miền núi nên có rất nhiều thắng cảnh đẹp như: Hồ Lắk - Lắk; thác Krông Kmar - Krông Bông; thác Đray Sáp, thác Đray Nu, thác Gia Long - Krông Ana; thác Thủy Tiên - Krông Năng...

Mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đăk Lăk đến năm 2020

I. Các mục tiêu chủ yếu
1. Về kinh tế
Phấn đấu tăng tổng GDP (theo giá so sánh 1994) đến năm 2020 gấp 3,03 lần so với năm 2010. GDP/người (giá hiện hành năm 2005) năm 2020 khoảng 42 – 43,3 triệu đồng; thu hẹp khoảng cách thu nhập bình quân đầu người (GDP/người) so với cả nước, đạt 61% năm 2015 và đến năm 2020 đạt 75%; tương ứng với các mốc thời gian trên, so với vùng Tây Nguyên đạt: 95% và 103%.
Về tốc độ tăng trưởng kinh tế theo GDP (giá so sánh 1994):
Thời kỳ 2011 - 2015: GDP tăng bình quân năm 12 - 12,5%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 19,5 - 20%/năm, nông, lâm nghiệp tăng 4,5 - 5%, dịch vụ tăng 16,3 - 17%/năm.
Thời kỳ 2016 - 2020: GDP tăng bình quân năm 12,5 - 13%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 19 - 20%/năm, nông, lâm nghiệp 4,4 - 4,5%, dịch vụ tăng 13 - 14%/năm.
Về cơ cấu kinh tế:
Cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ chuyển dịch dần từ nông, lâm nghiệp - công nghiệp - xây dựng - dịch vụ sang dịch vụ - công nghiệp - xây dựng - nông lâm nghiệp, đến năm 2020, tỉ trọng của 3 khu vực trên trong GDP là 40 - 41%, 34 - 35 %, 25 - 26%).
Giá trị xuất khẩu đến năm 2015 đạt 600 triệu USD và năm 2020 đạt 1.000 triệu USD.
Tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách khoảng 14 - 15%/năm vào năm 2015 và 16 - 18%/năm vào năm 2020.
Tổng nhu cầu đầu tư toàn xã hội (theo giá thực tế) thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 62 - 63 nghìn tỷ đồng và 148 - 149 nghìn tỷ đồng thời kỳ 2016 - 2020. Tốc độ tăng vốn đầu tư bình quân năm đạt khoảng 22%/năm thời kỳ 2011 - 2015 và 18,9 - 19%/năm thời kỳ 2016 - 2020.
2. Mục tiêu xã hội
Phấn đấu giảm tỉ lệ tăng dân số tự nhiên vào năm 2015 còn 1,3%/năm và năm 2020 là 1,1%/năm. Tỉ lệ dân số thành thị chiếm 35% năm 2015 và 45,6% năm 2020. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong lao động xã hội giảm xuống còn 50 - 55% vào năm 2020.
Giải quyết tốt các vấn đề xã hội cơ bản, giảm tỉ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn mới) xuống còn 15% vào năm 2010, đến năm 2020 về cơ bản không còn hộ nghèo.
Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46% vào năm 2020 (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo là đồng bào các dân tộc thiểu số phải đạt tối thiểu là 30% và 40% trong các năm tương ứng). Phấn đấu đến năm 2020 có 75% phổ cập trung học phổ thông trong độ tuổi. 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế vào năm 2015, 100% trạm y tế xã có bác sĩ và 4,3 bác sĩ/vạn dân, đến năm 2020 có 8 - 10 bác sĩ/vạn dân. Giảm tỉ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng xuống còn 15% vào năm 2020 (tỷ lệ tương ứng này đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đạt từ 35% và 20%). Tăng tỉ lệ số hộ được sử dụng điện đạt 100% vào năm 2015. Năm 2020, mật độ điện thoại bình quân đạt 50 máy/100 dân.
Đảm bảo nước sạch cho dân cư, đưa tỉ lệ số hộ được dùng nước sạch, nước qua xử lý lên 100% dân số đô thị và 70% dân số nông thôn vào năm 2010 và cơ bản giải quyết nước sạch cho dân cư nông thôn vào năm 2020.
3. Mục tiêu môi trường
Phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đưa tỷ lệ che phủ rừng lên 54% vào năm 2020, tăng diện tích cây xanh ở thành phố và các đô thị khác của tỉnh. Từng bước ứng dụng công nghệ sạch vào các ngành kinh tế của tỉnh. Đến năm 2015, các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm.
Cơ bản hoàn thành việc cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước mưa và nước thải ở thành phố Buôn Ma Thuột, các thị xã mới nâng cấp, các khu cụm công nghiệp; Đến năm 2010 có 100% các thành phố và thị xã, khu cụm công nghiệp được thu gom và xử lý rác thải, xử lý được 100% chất thải bệnh viện và 60% chất thải nguy hại. Xử lý cơ bản sự cố môi trường trên các dòng sông chảy qua tỉnh.
Phương án chọn về tăng trưởng GDP thời kỳ 2011 - 2015 là 12 - 12,5%/năm và 12,5 - 13%/năm cho thời kỳ 2016 - 2020 là phương án tăng trưởng chung cho nền kinh tế, lấy đó làm cơ sở cho việc luận chứng tăng trưởng các ngành, lĩnh vực theo các phương án cơ cấu kinh tế ngành. 

II. Dự kiến các lĩnh vực phát triển đột phá
Trọng điểm 1: Phát triển công nghiệp theo hướng tập trung đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng về thuỷ điện; khai thác lợi thế về nguồn nguyên liệu để đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản như công nghiệp chế biến cao su, điều, cà phê, bông vải và các loại nông sản khác, chế biến sản phẩm chăn nuôi, hàng mộc cao cấp xuất khẩu, vật liệu xây dựng, các ngành hàng tiểu thủ công nghiệp truyền thống...
Trọng điểm 2: Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đây là yếu tố nền tảng, tạo tiền đề cho quá trình phát triển, là trọng điểm xuyên suốt trong quy hoạch phát triển 10 - 15 năm tới. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện mạng lưới giao thông và hệ thống thuỷ lợi. Tiếp tục xây dựng các mạng lưới điện, cấp nước, bưu chính viễn thông. Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng biên giới; mở cửa khẩu Đăk Ruê. Phát triển và mở rộng hệ thống đô thị, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị hạt nhân và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật, y tế, dịch vụ, du lịch, thể dục thể thao của tỉnh Đăk Lăk và vùng Tây Nguyên. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương trong việc tham gia tích cực vào quá trình phát triển cùng với các địa phương, lãnh thổ trong tam giác Việt Nam - Lào - Cămpuchia.
Trọng điểm 3: Tạo bước chuyển biến vượt bậc trong du lịch, dịch vụ với mức tăng trưởng cao. Tập trung đầu tư các cụm du lịch trọng điểm Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn, hồ Lăk, v.v... Nâng cao năng lực và chất lượng, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Tăng cường liên doanh liên kết với các vùng lân cận và cả nước, đặc biệt là với TP. Hồ Chí Minh, vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung trong phát triển du lịch, dịch vụ, xuất khẩu, trao đổi hàng hóa. Phát triển nông, lâm, nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại hoá, công nghiệp hoá, đầu tư chiều sâu, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Hình thành các vùng trọng điểm, sản xuất tập trung cây trồng, vật nuôi chủ lực, mũi nhọn của tỉnh. Đẩy mạnh việc giao đất giao rừng, tổ chức khuyến nông, khuyến lâm và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ổn định sản xuất, nâng cao đời sống.
Trọng điểm 4: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo tăng cường đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý, các doanh nhân, công nhân lành nghề; xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống. 

III. Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2011
(1) Các chỉ tiêu kinh tế:
1- Tổng sản phẩm xã hội (giá so sánh 1994) 14.580 tỷ đồng. Tăng trưởng kinh tế 13,8 % so với ước thực hiện năm 2010.
Trong đó:
- Nông, lâm, ngư nghiệp 6.720 tỷ đồng, tăng 5,6%.
- Công nghiệp - xây dựng 2.760 tỷ đồng, tăng 22,5%.
Riêng công nghiệp 2.090 tỷ đồng, tăng 23%
- Dịch vụ 5.100 tỷ đồng, tăng 21,7%.
* Cơ cấu kinh tế ( ): Nông-lâm-ngư nghiệp 46 - 47%; công nghiệp - xây dựng 18 - 19%; dịch vụ 34 - 35%.
2- Huy động vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 11.000 tỷ đồng, tăng 21,5% so với kế họach thực hiện năm 2010, bằng khoảng 36,4% tổng sản phẩm xã hội.
3- Tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn 27.500 tỷ đồng, tăng 4,2% so ước thực hiện năm 2010.
4- Tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 650 triệu USD, tăng 4,8% so ước thực hiện 2010; Tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 20 triệu USD, tăng 25% so ước thực hiện 2010.
5- Thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 3.400 tỷ đồng, tăng 16,8% so với ước thực hiện năm 2010.
6- Phát triển hạ tầng: Thuỷ lợi bảo đảm tưới chủ động cho trên 72% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; cải tạo, nâng cấp nhựa hoặc bê tông hóa 80% các tuyến đường tỉnh, 57% hệ thống đường huyện, 28,7% đường xã và liên xã; 95,2% thôn, buôn có điện, trong đó 95,8% số hộ được dùng điện.
(2) Về xã hội:
7- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 22%. Có 87% thôn, buôn có trường hoặc lớp mẫu giáo.
8- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn về phổ cập trung học cơ sở đạt 100%.
9- Thu nhập bình quân đầu người 17 triệu đồng/năm.
10- Mức giảm tỷ lệ sinh khoảng từ 0,08%. Tỷ lệ tăng dân số 1,3%. Quy mô dân số năm 2011 khoảng 1.778 ngàn người.
11- Tạo việc làm mới cho 25.200 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động 39%, trong đó qua đào tạo nghề 31%.
12- Giảm tỷ lệ hộ nghèo 3% so với năm 2010.
13- Có 74,4% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. 100% buôn đồng bào dân tộc thiểu số có nhà sinh hoạt cộng đồng.
14- Phủ sóng phát thanh, truyền hình (đài địa phương) cho 100% số hộ.
15- Có 93% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
16- Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Tuyển quân đạt 100% chỉ tiêu. Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, chủ động nắm chắc tình hình và xử lý tốt các tình huống, không để bị động, bất ngờ.

(3) Về môi trường:
17- Tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch trên 65%.
18- Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên 73,8%.
19- Tỷ lệ che phủ rừng (tính cả cây cao su) 50,5%.
20- Tỷ lệ xử lý chất thải rắn tại đô thị 65%.

Dự báo kết quả đạt được của Đắk Lắk đến năm 2015 và 2020
Chỉ tiêu Đơn vị 2015 2020
1. Diện tích tự nhiên km2 13125,4 13125,4
2. Dân số trung bình người 2110 2300
- Tỉ lệ tăng dân số trung bình % 2,0 1,8
- Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên % 1,3 1,1
- Tỉ lệ tăng dân số cơ học % 0,3 0,3
- Dân số thành thị 1.000 ng. 738 1050
- Tỉ lệ so dân số chung % 35,0 45,6
3. Tổng GDP (giá CĐ 1994) tỉ đồng 21827 39333
- Công nghiệp-Xây dựng ,, 6234 14877
- Nông, lâm, thuỷ sản ,, 7516 9322
- Dịch vụ ,, 8077 15134
4. Nhịp độ tăng GDP(1) % 12.00 12.50
- Công nghiệp-Xây dựng ,, 19.50 19.00
- Nông, lâm, thuỷ sản ,, 4.50 4.40
- Dịch vụ ,, 16.30 13.4
5. Tổng GDP (giá HH) % 42562 90465
- Công nghiệp-Xây dựng ,, 12769 30758
- Nông nghiệp, thuỷ sản ,, 13194 23521
- Dịch vụ ,, 16599 36186
6. Cơ cấu GDP (giá HH) % 100,0 100,0
- Công nghiệp-Xây dựng ,, 30,0 34,0
- Nông nghiệp, thuỷ sản ,, 31,0 26,0
- Dịch vụ ,, 39,0 40
7. GDP b/q đầu người
- Đồng VN (giá HH) triệu đồng 20,17 39,33
- % so cả nước % 59 68
- % so với vùng Tây Nguyên % 91,7 93,7
8. Năng suất lao động chung triệu đồng 20,1 33,4
- Công nghiệp-Xây dựng ,, 39,8 66,5
- Nông nghiệp, thuỷ sản ,, 10,7 14,4
- Dịch vụ ,, 36,4 49,4
9. Kim ngạch xuất khẩu tr.USD 800 1.000
10.Vốn đầu tư 5 năm(2) (giá HH) ngh.tỉ đồng 62,4 148
11. Một số chỉ tiêu xã hội
- Tỉ lệ hộ nghèo (tiêu chí mới) % 10 2-3
- Tỉ lệ LĐ thất nghiệp KVTT % 3 3
- Tỉ lệ hộ sử dụng điện ,, 100 100
- Tỷ lệ hộ xem truyền hình QG 100 100
- Tỷ lệ nghe đài TNVN 100 100
- Tỉ lệ hộ dùng nước sạch (%) ,, 90 100
- Tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng % 20 15
- Số bác sĩ/1 vạn dân bác sĩ 8 10
- Số giường bệnh/1 vạn dân giường 25 30
- Số máy điện thoại/100 dân máy 45 50
- Tỷ lệ người luyện tập TX TDTT % 25 30

  • Tags: