Thêm 2 nước cấm xuất khẩu gạo, liệu gạo Việt Nam có hưởng lợi?

Nga và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất vừa quyết định cấm xuất khẩu gạo tạm thời với cùng lý do là “nhằm bình ổn thị trường trong nước”. Các quyết định này được đưa ra chỉ sau hơn 1 tuần kể từ ngày Ấn Độ đột ngột cấm xuất khẩu phần lớn gạo.
Cấm  xuất khẩu gạo
Sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vào ngày 20/7 vừa qua, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất đồng loạt thông báo tạm thời ngưng xuất khẩu gạo nhằm ổn định thị trường nội địa.

Cụ thể, trang Telegram của Chính phủ Nga đã đăng thông báo “Chính phủ (Nga) đã quyết định tạm thời cấm xuất khẩu gạo, bao gồm cả gạo chưa qua chế biến lẫn gạo đã qua chế biến. Quyết định này nhằm duy trì sự ổn định của thị trường nội địa”.

Thông báo trên cũng cho biết lệnh cấm xuất khẩu gạo này không áp dụng cho các thành viên khác của Liên minh Kinh tế Á - Âu (gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) và khu vực Nam Ossetia và Abkhazia. Loại gạo chính được trồng ở Nga hiện nay là gạo Nhật Japonica.

Trước đó, nhằm trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng như nhằm đảm bảo nguồn cung ngũ cốc trong nước, Chính phủ Nga đã cấm xuất khẩu gạo từ ngày 1/7 đến ngày 1/12/2022. Sau đó, lệnh cấm này được gia hạn thêm 6 tháng và kết thúc vào ngày 30/6 vừa qua, trước khi được áp dụng trở lại.

Không chỉ Nga, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) cũng vừa tuyên bố cấm xuất khẩu gạo và tái xuất gạo trong vòng 4 tháng kể từ ngày 28/7. Biện pháp này được áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ UAE, bao gồm cả các khu vực thương mại tự do, đối với tất cả các loại gạo, bao gồm gạo lứt, gạo đã được xay xát hoàn toàn hoặc một phần, và gạo tấm.  

Chính phủ UAE cũng cho biết lệnh cấm này có thể thể tự động gia hạn trừ phi có quyết định hủy bỏ việc thực hiện lệnh này. Hiện 90% nguồn cung lương thực của UAE đến từ các quốc gia khác. Việc giá lương thực tăng cao trong phần lớn năm 2022 đã gây áp lực nghiêm trọng lên tình hình kinh tế nước này.

Theo đánh giá của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global (Hoa Kỳ), mặc dù việc thị trường gạo thế giới mất đi nguồn cung gạo Japonica của Nga thì cũng không gây ra tác động quá lớn đến các nước nhập khẩu loại gạo này, nhưng động thái này đang tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo khác. Hành động của Nga có thể buộc người mua phải cân nhắc kỹ hơn trong việc lựa chọn các nguồn nhập khẩu có đủ năng lực cung ứng trong lâu dài, đặc biệt là từ Thái Lan, Việt Nam và Myanmar.

Xem thêm: "Cổ phiếu gạo “nổi sóng”, doanh nghiệp nào thực sự hưởng lợi từ giá gạo xuất khẩu tăng cao?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Hiện giá gạo trên thị trường quốc tế đang ở mức cao kỷ lục sau khi Ấn Độ đột ngột cấm xuất khẩu toàn bộ các loại gạo tẻ (vốn chiếm 80% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này) vào ngày 20/7 vừa qua. Chính phủ Ấn Độ cho biết động thái này nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi giá bán lẻ gạo tại nước này tăng cao và nguồn cung có thể suy giảm vì điều kiện thời tiết kém thuận lợi.

Việc thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan tăng lên mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.

Chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Pierre-Olivier Gourinchas nhận định việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề tăng giá lương thực trên toàn cầu và kêu gọi nước này nối lại hoạt động xuất khẩu.

"Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có thể sẽ gây ra tác động tương tự như việc thỏa thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen vừa bị đình chỉ, khiến giá gạo ở các nước khác tăng cao. Giá ngũ cốc toàn cầu có thể tăng 10-15% trong năm nay", ông Gourinchas cảnh báo.

Quỳnh Trang