Thị trường gạo thế giới tháng 6/2014

Trong tháng 6/2014, thị trường gạo quốc tế đã có một số tin chính như sau.

Kết thúc tháng 6/2014, chỉ số giá gạo trắng xuất khẩu trung bình trên toàn cầu – Oryza White Rice Index đạt 461 USD/tấn, tăng 1 USD/tấn so với tháng 5/2014, thấp hơn 13 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013. Trong tháng 6 vừa qua, ngoại trừ giá gạo Thái Lan có sự tăng nhẹ nhờ vào việc Chính phủ quân sự Thái Lan hoãn xả bán gạo tạm thời thì giá các loại gạo Châu Á vẫn ở mức tương đối ổn định.

Chỉ số giá gạo trắng xuất khẩu trung bình trên toàn cầu - Oryza White Rice Index (1/6/2011 - 1/6/2014)

Hội đồng ngũ cốc thế giới (ICG) dự báo lượng gạo được giao dịch trên toàn cầu trong năm 2014 sẽ đạt mức kỷ lục 40 triệu tấn, tăng 5% so với mức 38 triệu tấn trong năm 2013. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu gạo của các quốc gia thuộc vùng Viễn Đông Châu Á và Châu Phi tăng lên.

ICG dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2013/2014 đạt 476 triệu tấn, tăng 1% so với mức 472 triệu tán trong niên vụ 2012/2013. Do sản lượng gạo của Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan tăng lên. Lượng gạo dự trữ cuối niên vụ 2013/2014 được ICG dự báo giảm xuống mức 109 triệu tấn so với mức 110 triệu tấn trong niên vụ trước.

Thái Lan

Kết thúc tháng 6/2014, giá gạo 5% tấm Thái Lan đạt 385 USD/tấn, tăng 1% so với tháng 5/2014 và giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết Thái Lan sẽ xuất khẩu được 9 triệu tấn gạo trong năm 2014. Theo Văn phòng kinh tế nông nghiệp Thái Lan, diện tích canh tác lúa gạo trong niên vụ 2014/2015 sẽ giảm 1% so với niên vụ 2013/2014. Tuy nhiên, dự báo sản lượng thóc của Thái Lan trong niên vụ 2014/2015 (tháng 1/2014 – tháng 12/2014) đạt 38,8 triệu tấn, tăng nhẹ so với mức 38,79 triệu tấn trong niên vụ 2013/2014.

Bên cạnh đó, Chính phủ quân sự Thái Lan đã tuyên bố cung cấp các khoản hỗ trợ và vay lãi suất thấp nhằm giúp người nông dân nước này sau khi chấm dứt chương trình trợ giá thu mua lúa gạo.

Ấn Độ

Kết thúc tháng 6/2014, gạo 5% tấm Ấn Độ đạt 435 USD/tấn, tăng 1% so với tháng 5/2014 và giảm 2% so với cùng kỳ năm 2013.

Theo dữ liệu của Tổng công ty lương thực Ấn Độ, tính đến 1/6/2014, lượng gạo dự trữ trong các kho dự trữ quốc gia của Ấn Độ đạt 28,03 triệu tấn, giảm 16% so với mức 33,306 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này vẫn cao gấp đôi so với mức dự trữ bắt buộc và chiến lược vốn chỉ ở mức 14,2 triệu tấn vào thời điểm này trong năm tại Ấn Độ.

Cơ quan phát triển xuất khẩu nông sản và thực phẩm chế biến của Ấn Độ cho biết, Ấn Độ đã xuất khẩu được 10,78 triệu tấn gạo trong năm tài chính 2013/2014 (1/4/2013 – 31/3/2014), tăng 6% so với mức 10,15 triệu tấn trong năm tài chính 2012/2013.

Trang oryza.com cho biết, Chính phủ Ấn Độ đang lên kế hoạch bán ra 5 triệu tấn gạo vào thị trường nội địa nhằm ngăn chặn tình trạng giá gạo tăng cao trước nguy cơ hiện tượng El Nino sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất lúa gạo tại nước này. Một số chuyên gia phân tích nhận định giá gạo bán buôn tại Ấn Độ sẽ vẫn ở mức ổn định trong năm 2014 mặc dù điều kiện thời tiết tác động xấu đến mùa vụ nhờ mức dự trữ gạo ở mức cao của Chính phủ Ấn Độ. Theo Cơ quan khí tượng Ấn Độ, xác suất xảy ra hiện tương El Nino trong mùa mưa này tại Ấn Độ (tháng 6 – tháng 9) là 60%.

Pakistan

Kết thúc tháng 6/2014, gạo 5% tấm Pakistan đạt 445 USD/tấn, giảm 3% so với tháng 5/2014 và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2013.

Theo Cơ quan nông nghiệp và lương thực Liên Hợp Quốc (FAO), dự kiến Pakistan sẽ xuất khẩu khoảng 3,3 triệu tấn gạo trong năm 2014, tăng 5% so với năm 2013. Sản lượng thóc của Pakistan trong năm 2014 được FAO dự báo đạt 9,8 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2013. Trong khi đó, Cơ quan vũ trụ quốc gia Pakistan ước tính sản lượng gạo của Pakistan trong năm tài chính 2013/2014 (tháng 7/2013 – tháng 6/2014) đạt 7 triệu tấn với diện tích canh tác ước đạt 2,879 triệu ha, năng suất ước tính đạt 2,5 tấn/ha.

Campuchia

Giá gạo 5% tấm của Campuchia vào cuối tháng 6/2014 đạt 445 USD/tấn, tăng 1% so với hồi tháng 5/2014.

Trang oryza.com cho biết Campuchia đã cùng với Thái Lan xây dựng một nhà máy xay xát gạo hiện đại trị giá 50 triệu USD; nhà máy này sẽ đi vào hoạt động trong quý I/2015 và có công suất đạt 300.000 tấn gạo/năm. Trang oryza.com cũng cho biết, các nhà xuất khẩu gạo Campuchia lo ngại quyết định xả bán 5 triệu tấn gạo ra thị trường của Chính phủ Ấn Độ có thể tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu gạo trên toàn cầu.

Philippines

Theo Cơ quan thống kê nông nghiệp Philippines, tính đến ngày 1/5/2014, tổng lượng gạo dự trữ của Philippines đạt 2,52 triệu tấn, tăng 16% so với mức 2,18 triệu tấn trong tháng 4/2014 và thấp hơn 3% so với mức 2,61 triệu tấn vào tháng 5/2013.

Vào đầu tháng 6/2014, Chính phủ Philippines đã công bố lộ trình chương trình đảm bảo tự cung tự cấp lúa gạo mới. Theo đó, Philippines đặt mục tiêu sản xuất 19,07 triệu tấn thóc trong năm 2014, tăng 3,4% so với mức 18,44 triệu tấn trong năm 2013.

Bên cạnh đó, Philippines đang lên kế hoạch nhập khẩu thêm 250.000 tấn gạo trong năm 2014 bên cạnh 800.000 tấn gạo mới được nhập khẩu từ Việt Nam nhằm nâng cao lượng dự trữ gạo hiện tại và kiểm soát đà tăng giá gạo.

Ủy ban thương mại và hàng hóa của Tổ chức thương mại thế giới (WTO – CTG) đã cho phép Philippines tiếp tục áp dụng quy định hạn chế định lượng (QRs) đối với gạo nhập khẩu cho đến năm 2017; quy định này vốn hết hiệu lực từ hồi tháng 6/2012. Philippines cũng giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với gạo theo quy định Khối lượng tiếp cận tối thiểu (MAV) từ 40% xuống còn 35%.

Các thị trường khác

Rwanda đã nâng mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với gạo được nhập khẩu từ các khu vực không thuộc Cộng đồng Đông Phi từ 30% lên 45% nhằm bảo vệ nông dân.

Các quan chức và chuyên gia phân tích trong ngành gạo dự báo Indonesia sẽ nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo trong năm 2014, tăng gấp đôi so với mức 700.000 tấn trong năm 2013. Các chuyên gia phân tích cho rằng quyết định nhập khẩu gạo sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tự cung tự cấp lúa gạo của Indonesia nhưng sẽ giúp ngăn chặn tình trạng lạm phát và ổn định tình hình xã hội tại nước này. Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế nhận định chiến lược ngành gạo của Indonesia chưa đạt hiệu quả cao. Indonesia là quốc gia sản xuất lúa gạo lớn thứ ba thế giới nhưng nước này vẫn phải nhập khẩu gạo hàng năm do nhu cầu tiêu thụ tăng lên trong khi các phương pháp kỹ thuật canh tác không đạt hiệu quả.

FAO dự báo Sri Lanka sẽ sản xuất được 3,9 triệu tấn thóc trong năm 2014, giảm 16% so với mức 4,62 triệu tấn trong năm 2013 do sản lượng gạo của mùa vụ Maha trong niên vụ 2013/2014 của nước này giảm mạnh. Sản lượng thóc của mùa vụ Maha vốn chiếm đến 60% tổng sản lượng thóc hàng năm của Sri Lanka. Trang oryza.com cho biết, Sri Lanka sẽ nhập khẩu 100.000 tấn gạo trong năm 2014 nhằm đáp ứng nhu cầu sửu dụng và giảm giá gạo trong nước.

Bộ Nông nghiệp Bangladesh cho biết, trong năm tài chính 2013/2014, Bangladesh đã nhập khẩu 374.560 tấn gạo, tăng 13 lần so với mức 28.812 tấn trong năm tài chính 2012/2013.
Đặng Quang (Theo oryza.com)