Thúc đẩy kết nối, phát triển bền vững, bao trùm

Trong hai ngày 25 - 26/10/2016, tại Hà Nội, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) lần thứ 8, Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác

Tuyên bố tại buổi họp báo quốc tế ngay sau khi kết thúc các phiên thảo luận đa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam năm nay đăng cai tổ chức hội nghị "3 trong 1" nhưng những hội nghị này đã rất thành công trên nhiều phương diện.

Đây là Hội nghị đã đón một lượng khách đông đảo nhất từ trước tới nay; đặc biệt thành phần gồm lãnh đạo các nước có liên quan tham dự rất đông đủ. Hơn nữa, Việt Nam đã sáng kiến mời các đối tác phát triển như Tổ chức Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng châu Á cùng tham dự. Ấn tượng nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn của Diễn đàn Kinh tế thế giới và các nước trong khu vực; nhiều doanh nghiệp Việt Nam; rất đông các đại sứ, đại diện có mặt ở Hà Nội cùng tham gia. Tại Hội nghị, các nước đối tác phát triển đã nói rõ nguồn lực mà các nước này sẵn sàng hỗ trợ cho nhóm nước chậm hơn trong CLVM. Đặc biệt, họ cũng tìm hiểu kỹ những dự án khả thi để tiếp tục đầu tư vào ACMECS và CLVM. Và đặt vấn đề cần phải có những dự án lớn trong khu vực để kết nối giao thông, kết nối điện, kết nối các ngành kinh tế; tăng trưởng bao trùm, tăng trưởng xanh trong phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp báo quốc tế

Tại các hội nghị này, Việt Nam đã đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp mới, mạnh mẽ hơn, như: tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm để phấn đấu xây dựng một xã hội hướng về dân, kịp thời ứng phó, thích nghi hơn với tình trạng biến đổi khí hậu sâu sắc đang xảy ra ở nước ta và trong khu vực. Song song đó, nhiều dự án cụ thể ở khu vực đã được đưa ra để tăng cường kết nối nội khối; đồng thời phát triển mạnh mẽ mối quan hệ với các nước có liên quan, có điều kiện hơn trong nhóm ACMECS và CLMV từ các nước nhóm đầu của ASEAN, của EU, Mỹ Trung Quốc,... để tạo nguồn lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển và khơi dậy tiềm năng tăng trưởng của khu vực Mê Công.

Bên cạnh đó, Việt Nam đưa ra những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với tiến trình công nghiệp hóa ở các nước Mê Công và những giải pháp kết nối; đồng thời cũng đưa ra những biện pháp để tăng cường hợp tác giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh các nước CLVM có sự chậm trễ hơn trong phát triển do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện tự nhiên khó khăn, nên cần phải cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, cũng như ứng dụng nền kinh tế số một cách kịp thời để phát huy được tiềm năng, thế mạnh, nhất là các lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ thông tin trong điều kiện phát triển của các nước nội khối.

Kết thúc các hội nghị, 4 nước tham gia CLMV đã ra Tuyên bố chung nhấn mạnh sứ mệnh cốt lõi của hợp tác CLMV là khuôn khổ thúc đẩy phối hợp chính sách và hoạt động chung giữa 4 nước nhằm bảo đảm tương lai hoà bình, ổn định và thịnh vượng. Các mục tiêu chính của hợp tác CLMV tiếp tục là: (i) Hỗ trợ sự phát triển của Cộng đồng ASEAN thông qua xây dựng năng lực hội nhập khu vực của các nước CLMV và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN; (ii) Phát huy tối đa tiềm năng của các nền kinh tế các nước thành viên và tăng cường các dòng đầu tư và thương mại giữa các nước CLMV với nhau và với các khu vực khác; (iii) Hướng tới sự phát triển bền vững và bao trùm tại tiểu vùng.

Trên cơ sở nhận thức đầy đủ những thách thức mà các nước CLMV đang phải đối mặt như hạn chế về nguồn lực và năng lực, cơ sở hạ tầng yếu kém, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tình trạng bất ổn định của kinh tế khu vực và toàn cầu, tính dễ bị tổn thương của các nền kinh tế mở và nhỏ các nước CLMV cho rằng chỉ có thông qua phối hợp và hợp tác chặt chẽ mới có thể vượt qua các thách thức và tạo nên một khu vực kinh tế năng động, phát triển bền vững và bao trùm. Đồng thời quyết tâm vừa tiến hành cải cách trong nước vừa hội nhập sâu rộng hơn nữa vào khu vực để duy trì động lực tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh; Tiếp tục tiến hành cải cách cơ cấu nền kinh tế để bảo đảm phân bổ hiệu quả nguồn vốn và lao động, thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng suất; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp có thể phát triển và người dân có thể phát huy hết tiềm năng của mình. Các nước CLMV cũng cam kết phối hợp và hợp tác chặt chẽ về giao thông, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, công nghiệp, du lịch, phát triển nguồn nhân lực,... để hướng tới một khu vực kinh tế kết nối thông suốt nhằm gắn kết hơn nữa nền kinh tế và thị trường của bốn nước vì lợi ích của tất cả các bên.

Tuyên bố Hà Nội của Hội nghị ACMECS lần thứ 7 có chủ đề “Hướng tới tiểu vùng Mê Công năng động và thịnh vượng” nêu rõ, các nước tham gia hợp tác ACMECS đều đạt được những bước tiến lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, nâng cao chất lượng sống và phúc lợi của người dân, tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư, giao lưu nhân dân và tiến hành cải cách thể chế hướng tới tăng trưởng bền vững. Trên cơ sở 8 lĩnh vực hợp tác đã được thảo luận, thống nhất trong Kế hoạch hành động ACMECS 2016 - 2018, các bên sẽ đẩy mạnh việc thực thi kế hoạch này.

ACMECS đã bước vào một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội phát triển chưa từng có và nhiều thách thức mới. Các nước thành viên ACMECS đều đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế - xã hội nhanh chóng, do vậy yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với chúng ta là tạo ra động lực tăng trưởng mới trên cơ sở phát huy các thế mạnh và tranh thủ các cơ hội phát triển mới.

Các bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên cao nhằm mục tiêu: (i) Tăng cường gắn kết trong khu vực nhằm tạo điều kiện cho các nền kinh tế tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao sức cạnh tranh; và (ii) Hỗ trợ các nước thành viên ACMECS thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Đồng thời cũng nhất trí tiến hành các hoạt động nhằm tăng cường hiệu quả của Hợp tác ACMECS.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sau hơn một thập kỷ hoạt động, hợp tác CLMV và ACMECS đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp, hòa bình và ổn định ở khu vực. Các nước Mê Công đã trở thành động lực quan trọng của kinh tế Đông Nam Á và được đánh giá là một trong những khu vực tăng trưởng năng động hàng đầu trên thế giới. Kết quả đạt được nêu trên thể hiện quyết tâm và nỗ lực của 5 nước chúng ta và đó cũng là kết quả của sự hỗ trợ to lớn, hợp tác hiệu quả của các đối tác phát triển, các nhà tài trợ quốc tế, đặc biệt là ASEAN. Chúng ta xin chân thành cám ơn sự giúp đỡ quý báu đó.

“Chính phủ Việt Nam rất coi trọng hợp tác CLMV và ACMECS, sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên cũng như các đối tác phát triển, vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng chung của khu vực” - Thủ tướng khẳng định.