Tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Cameroon

Cộng hoà Cameroon nằm ở Tây Phi, phía nằm giữa Ghi-nê Xích đạo và Nigeria, có thủ đô là Yaoundé. Với diện tích 475.440 km2, Cameroon có dân số 20,5 triệu người (năm 2013).

Ngôn ngữ sử dụng ch


Về kinh tế, Cameroon có tiềm năng về các mặt hàng cacao, chuối, cà phê, bông, mật ong, các sản phẩm lâm nghiệp, khai khoáng và dầu lửa. Cameroon là nền kinh tế lớn nhất khu vực Trung Phi, riêng GDP của nước này bằng 1 nửa tổng GDP của 6 nước thành viên Cộng đồng kinh tế và tiền tệ Trung Phi (CEMAC).

Giống như nhiều nước đang phát triển khác, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã tạo ra sức ép lên nền kinh tế. Hoạt động kinh tế lớn nhất tại Cameroon vẫn là nông nghiệp. Nhiều trở ngại khác đang cản trở sự phát triển của Cameroon như quan liêu, tham nhũng, hạ tầng cơ sở yếu kém. Gần đây, chính phủ đã tuyên bố nỗ lực tiêu diệt tham nhũng và tạo môi trường kinh doanh minh bạch hơn.

Năm 2013, tổng sản phẩm quốc nội của Cameroon đạt 27,88 tỷ USD, tăng trưởng 4,6% so với năm 2012. GDP bình quân đầu người của Cameroon đạt khoảng 1200 USD người/năm.

Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp đóng góp 20,6% GDP, công nghiệp 27,3% và dịch vụ 52,1%.

Về ngoại thương, năm 2013, Cameroon xuất khẩu 6 tỷ USD hàng hoá các loại, trong đó có dầu thô, các sản phẩm về dầu lửa, hạt coca, nhôm, bông, cà phê, gỗ xẻ. Các đối tác xuất khẩu của Cameroon là Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Hàn Quốc, Mỹ, Hà Lan.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2013 của Cameroon là 6,79 tỷ USD với các mặt hàng chính là máy móc, thiết bị điện, xe cộ, xăng dầu và thực phẩm. Các bạn hàng nhập khẩu của Cameroon là Pháp, Nigeria, Trung Quốc, Mỹ, Bỉ.

Về chính sách ngoại thương, Cameroon là thành viên của Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (CEMAC) gồm 6 quốc gia Gabon, CH Trung Phi, CH Congo, Chad và Ghi-nê Xích đạo áp dụng một biểu thuế nhập khẩu ngoại khối chung với mức thuế trung bình là 18,4%. 4 loại thuế cơ bản gồm: 5% đối với hàng hoá thiết yếu; 10% đối với nguyên liệu thô và hàng hoá tạm nhập; 20% đối với hàng bán thành phẩm và 30% đối với hàng tiêu dùng. Ngoài ra còn có một số loại thuế đối với hàng hoá nhập khẩu đặc biệt tuỳ theo tính chất của hàng hoá, số lượng hàng và phương thức vận chuyển. Để tận thu thuế nhập khẩu, Chính phủ Cameroon đã thuê một công ty Thuỵ Sỹ phụ trách việc thu thuế. Các công ty xuất nhập khẩu phải đăng ký với Bộ Kinh tế và Tài chính và bảo đảm việc trả thuế trước khi đăng ký với Bộ Thương mại Cameroon.

Quan hệ Việt Nam – Cameroon:

Việt Nam và Cameroon có quan hệ từ khá sớm, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ 30 tháng 8 năm 1972. Hiện nay Đại sứ quán ta tại An-giê-ri kiêm nhiệm Cameroon và Đại sứ quán Cameroon tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam. Nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với Cộng hòa Cameroon, tháng 8 năm 2011, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Lê Dương Quang dẫn đầu đã sang thăm và làm việc tại nước này. Tham gia đoàn có đại diện của Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực gạo, gỗ, điều, thương mại tổng hợp, chuyển giao công nghệ. Hai bên đã trao đổi dự thảo MOU về thương mại gạo nhằm tiến tới ký kết vào thời gian thích hợp.

Tháng 8/2013, Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á phối hợp với Công ty Thương mại và XNK Viettel (Viettelimex) đã tổ chức đoàn nghiên cứu chính sách và xúc tiến thương mại tại Cameroon.

Tháng 11/2013, trong khuôn khổ hợp tác với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp với phía Cameroon tổ chức Cuộc gặp ngân hàng giữa Châu Phi và các nước ASEAN tại thủ đô Yaoundé. Tham gia đoàn Việt Nam còn có đại diện các Ngân hàng An Bình, Ngân hàng ngoại thương và công ty gốm sứ Hảo Cảnh.

Cameroon là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Trung Phi và là 1 trong 10 nước có trao đổi thương mại lớn nhất trong các nước châu Phi.

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Cameroon đạt 101 triệu USD, tăng 62% so với năm 2012 trong đó mặt hàng xuất khẩu chính là gạo (đạt 60,86 triệu USD), sản phẩm sắt thép (14,85 triệu USD), dây và cáp điện (6,42 triệu USD), hàng thủy sản (3,2 triệu USD), nguyên phụ liệu thuốc lá (2,5 triệu USD), phân NPK (2,3 triệu USD), máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng (2,3 triệu USD), cấu kiện nhà lắp ghép (1,6 triệu USD)…

Kim ngạch nhập khẩu từ Cameroon cũng không ngừng tăng, đặc biệt là mặt hàng gỗ nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Trong những năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sang tìm hiểu thị trường và mua những đơn hàng gỗ lớn từ Cameroon. Giá trị nhập khẩu từ Cameroon năm 2013 đạt 89,47 triệu USD tăng 27% trong đó các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 78,2 triệu USD, bông các loại 10,6 triệu USD, cà phê 518.926 USD.

Về đầu tư, tháng 12/2012, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã đầu tư 393,9 triệu USD vào Cameroon trong lĩnh vực mạng viễn thông và Internet. Viettel là nhà cung cấp viễn thông thứ 3 của Cameroon và phủ sóng khoảng 81% lãnh thổ nước này, với công nghệ sử dụng 2G và 3G. Hiện nay, ngoài viễn thông, Tập đoàn này đã mở rộng hoạt động kinh doanh tại Cameroon trước mắt là xuất khẩu gạo và nhập khẩu gỗ. Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel (Viettelimex) đang xúc tiến thành lập công ty và mở kho ngoại quan tại Cameroon để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.

Tháng 11/2013, Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình thuộc Tập đoàn Xuân Thành đã ký Bản ghi nhớ với phía Cameroon về đầu tư thủy điện và xi măng tại Cameroon. Theo cam kết, nhà máy sản xuất xi măng công suất 5 triệu tấn/năm sẽ cho sản phẩm vào năm 2015, phục vụ tiêu thụ tại thị trường Cameroon và các nước trong khu vực. Còn dự án thủy điện, công suất 2.000 MW sẽ hòa lưới điện của Cameroon năm 2018. Ngay từ quý 1/2014, công ty Xuân Thiện đã đưa cán bộ, chuyên gia, công nhân lành nghề từ Việt Nam sang để thực hiện các dự án.

Ngoài ra, còn có Công ty TNHH Goldenland Cameroon, liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Cameroon hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến gỗ, vàng và các khoảng sản có trụ sở tại thành phố cảng Douala, Cameroon.

Triển vọng và tiềm năng thị trường

Về xuất khẩu

Gạo: Với dân số hơn 20 triệu người, nhu cầu tiêu thụ gạo của Cameroon vào khoảng 450.000 đến 500.000 tấn mỗi năm. Do sản xuất trong nước chưa đủ, hàng năm, Cameroon phải nhập khẩu 400.000 tấn gạo chủ yếu từ các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Pakistan, Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam.Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Cameroon mấy năm gần đây tăng liên tục từ 23,5 triệu USD năm 2010 lên 43,9 triệu USD năm 2012 và 60,86 triệu USD năm 2013.

Hàng hải sản: Đây là mặt hàng Việt Nam có nhiều triển vọng đẩy mạnh xuất khẩu sang Cameroon với kim ngạch tăng từ 2,5 triệu USD năm 2011 lên 7,1 triệu USD năm 2012 và 3,2 triệu USD năm 2013.

Sản phẩm sắt thép: Mặc dù là sản phẩm mới song kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã vươn lên vị trí thứ hai trong năm 2013 với tổng giá trị 14,8 triệu USD. Với việc Tập đoàn Viettel triển khai các hoạt động xây dựng hạ tầng viễn thông tại Cameroon, dự báo kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ ngày càng tăng.

Dây điện & dây cáp điện: Đây cũng là mặt hàng mà nước ta có nhiều tiềm năng nâng kim ngạch với giá trị xuất khẩu đạt 6,4 triệu USD trong năm 2013.

Sản phẩm dệt may: Là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu quan trọng, đạt mức cao nhất là 24,5 triệu USD năm 2011. Ngoài phục vụ tiêu dùng trong nước, Cameroon còn nhập khẩu hàng dệt may để xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Bên cạnh những sản phẩm trên thì máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, nguyên phụ liệu thuốc lá, phân bón, sản phẩm từ giấy, linh kiện phụ tùng xe đạp, xe máy, cấu kiện nhà lắp ghép, phân NPK... cũng là những mặt hàng Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng kim ngạch xuất khẩu do nhu cầu của Cameroon liên tục tăng trong những năm gần đây.

Về nhập khẩu

Gỗ và sản phẩm gỗ: Cameroon là quốc gia có khối lượng gỗ lớn thứ hai châu Phi (sau CH Dân chủ Congo) với diện tích rừng 19.875.000 ha.Trong những năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sang tìm hiểu thị trường và mua những đơn hàng gỗ lớn từ Cameroon. Kim ngạch nhập khẩu gỗ của Việt Nam đã tăng rất mạnh từ 33.259 USD năm 2010 lên 66,83 triệu USD năm 2012 và 78,2 triệu USD năm 2013 (chiếm 90%-95% tổng giá trị nhập khẩu từ Cameroon).

Bông: Là mặt hàng nhập khẩu quan trọng thứ hai của Việt Nam từ Cameroon. Năm 2010, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này lên tới 11,78 triệu USD. Năm 2012, giá trị nhập khẩu bông giảm xuống còn 3,2 triệu USD. Năm 2013, kim ngạch nhập khẩu đã tăng lên 10,6 triệu USD.

Cà phê: Mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu số 1 thế giới về cà phê Robusta song doanh nghiệp của ta cũng đã bắt đầu nhập khẩu mặt hàng này từ Cameroon. Trong năm 2013, kim ngạch nhập khẩu đạt 518.926 USD./.


Hoàng Đức Nhuận