Tiết kiệm năng lượng tạo hiệu quả tuyên truyền tích cực

Ngày 17 tháng 10 năm 2014, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị Tiết kiệm năng lượng toàn quốc 2014. Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan,

Năng lượng đã và đang đặt ra những thách thức lớn trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Nhằm đối phó với các thách thức này, Chính phủ Việt Nam đã dành sự ưu tiên cho việc giải quyết vấn đề năng lượng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của mình, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 -2010, trong đó Bộ Công Thương được giao làm đầu mối xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình. Thông qua Chương trình này, Bộ Công Thương và các bộ ngành có liên quan đã chủ trì thực hiện tổ chức xây dựng Khung chính sách để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực từ ngày 01/01/2011 đã thể chế hoá đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước.

Ông Đặng Huy Cường - Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng phát biểu tại hội nghị

Ngày 02/10/2012, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định 1427/QĐ- TTg Phê duyệt Chương trình MTQG Sử dụng năng lượng TK&HQ giai đoạn 2012-2015. Mục tiêu của giai đoạn này là giảm ít nhất 10% cường độ năng lượng của các ngành sử dụng nhiều năng lượng, tiết kiệm từ 5 đến 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, một trong những thành công lớn của Chương trình là hoàn thiện chính sách thúc đẩy sử dụng trang thiết bị hiệu suất cao, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp thực hiện thông qua chương trình dán nhãn năng lượng. Đến hết tháng 6 năm 2014, Bộ Công Thương đã cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng cho 6.215 chủng loại sản phẩm của 13 loại trang thiết bị phải dán nhãn theo Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm máy thu hình, thiết bị chiếu sáng, quạt điện, điều hoà không khí, máy giặt, nồi cơm điện, máy biến áp phân phối.

Hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng luôn là một trong những trọng tâm trong hoạt động của Chương trình. Hàng loạt hoạt động tuyên truyền đã được tổ chức trên phạm vi toàn quốc như: Cuộc vận động hộ gia đình tiết kiệm năng lượng; Phong trào sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện; Sử dụng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, sử dụng hầm khí sinh học biogas; Cuộc thi quản lý năng lượng trong công nghiệp và tòa nhà; Giải báo chí toàn quốc về tiết kiệm năng lượng; Chiến dịch Giờ Trái đất…

Giới thiệu sản phẩm TKNL

Với những Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp – đối tượng tiêu thụ nhiều năng lượng, trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình đã triển khai phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn IS0 50001. Đến hết năm 2013, 55 doanh nghiệp, với hơn 100 cán bộ và 45 chuyên gia đã tham dự các khóa đào tạo về hệ thống quản lý năng lượng theo Tiêu chuẩn ISO 50001.

Kể từ năm 2008, Hội nghị các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng toàn quốc lần lượt được tổ chức ở các địa phương. Hội nghị là dịp tổng kết các hoạt động của Chương trình. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các đơn vị gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giữa các địa phương. 

Ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ trưởng Vụ KHCN -Tổng cục Năng lượng phát biểu tại HN

Những thành quả trên có sự đóng góp không nhỏ của các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng; Các trung tâm khuyến công - khuyến nông; Trung tâm sản xuất sạch hơn và các Sở công thương của các tỉnh thành.

Ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, “Hầu hết các địa phương trên cả nước đã có bộ phận chuyên trách về Tiết kiệm năng lượng. Bộ phận này ngoài thực hiện nhiệm vụ do Chương trình giao còn góp phần tích cực đề xuất xây dựng, hoàn thiện Chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương. Hoạt động tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc vì thế diễn ra rất sôi động, rộng khắp, tạo được hiệu quả tuyên truyền rất tích cực”.

Với mạng lưới gồm 14 Trung tâm Tiết kiệm năng lượng tại các tỉnh thành phố và gần 40 Trung tâm khuyến công và các trung tâm tư vấn, chuyển giao công nghệ, hoạt động tiết kiệm năng lượng đã được các địa phương triển khai mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong thành công của Chương trình Mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.