Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế các vùng đặc biệt khó khăn, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển các vùng khó khăn theo phạm vi quản lý Nhà nước được giao. Các chính sách này bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn.
Trong đó, không thể không kể đến Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2015. Đây là chương trình đặc thù, hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực này.
Việc thực hiện Chương trình trong 05 năm qua đã đem lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn. Gần 80 đề án, nhiệm vụ của Chương trình đã góp phần kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa; hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững; xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm/ngành hàng có lợi thế tại các địa phương; đào tạo nguồn nhân lực cho hơn 4.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương hoạt động kinh doanh tại thị trường; rà soát phát triển và quản lý chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo từ đó nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách đối với quản lý, phát triển chợ, xây dựng các đề án kết nối, phát triển hạ tầng thương mại biên giới...
Các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình đã thúc đẩy đáng kể sự phát triển của các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để đưa vào hệ thống phân phối trong cả nước và phục vụ xuất khẩu. Trong đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành, địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tổ chức rất nhiều các Hội nghị, hội thảo quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa là lợi thế phát triển của các địa phương tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Quảng Ninh… đã kết nối được hơn 60 doanh nghiệp với trên 80 hợp đồng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Bộ Công Thương cũng đã phối hợp và cấp kinh phí xây dựng 02 mô hình phân phối đặc thù phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại 02 huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn huyện đảo sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của huyện đảo.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với nhiều địa phương tổ chức thành công các sự kiện: Hội thảo, hội chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của các địa phương nhằm kết nối tiêu thụ phân phối ổn định tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối như: Hội chợ quảng bá sản phẩm sâm Ngọc Linh và các sản phẩm đặc trưng miền núi tỉnh Quảng Nam; thúc đẩy tiêu thụ thông qua hệ thống Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai; Hội nghị thương mại kết nối thị trường cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng khu vực. Phối hợp với các địa phương như Quảng Bình, Lai Châu, Sơn La tổ chức các hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản có thế mạnh của địa phương vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, bước đầu hình thành hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ thành phẩm đặc trưng vùng miền hiện đại, bền vững.
Đặc biệt, nhiều sản phẩm hàng hoá có giá trị, được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã được sản xuất tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Các sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn được đẩy mạnh xuất khẩu. Nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản như xoài tròn Yên Châu, vải Lục Ngạn, nhãn Sông Mã… đã được chú trọng phát triển thương hiệu và xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, châu Âu…, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân.
Việc thực hiện Chương trình còn tạo được hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ cho phát triển hoạt động thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm được sản xuất trên địa bàn, hình thành hệ thống phân phối, mối liên kết bạn hàng giữa các vùng, miền để tạo thành một chuỗi cung ứng – tiêu thụ có tính liên tục góp phần giảm nghèo bền vững khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; nâng cao thu nhập của người dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; củng cố an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia trên địa bàn miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Tiếp nối cho giai đoạn 2015-2020, nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, ngày 13/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1162/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025. Chương trình có nhiều điểm mới, với những nội dung, yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước, và được kỳ vọng tiếp tục thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Mục tiêu cụ thể của chương trình trong cả giai đoạn 2021-2025 là phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9 - 11% hàng năm; phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực; khuyến khích, phát triển thương nhân, doanh nghiệp có năng lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mỗi năm tăng trung bình 8 - 10%; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về cơ chế, chính sách cho phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thống nhất, đồng bộ; phấn đấu đến 2025 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về sản phẩm tiềm năng, lợi thế về biển đảo…
Chương trình đã đưa ra một số định hướng phát triển, cụ thể: Xây dựng mô hình phát triển thương mại theo cấu trúc thương mại trên địa bàn xã, thị trấn. Tổ chức mạng lưới kinh doanh theo ngành hàng nông sản, vật tư nông nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội miền núi. Phát triển chợ đầu mối nông sản tại vùng sản xuất tập trung; khuyến khích phát triển các loại hình thương mại tư nhân, hộ kinh doanh…
Chương trình được xác định thực hiện trên phạm vi 287 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thuộc 48 tỉnh, thành phố trong cả nước và tập trung chủ yếu vào các hoạt động như: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế. Các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương; phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của khu vực gắn với hoạt động du lịch biển đảo.
Kế thừa, phát huy những kết quả đạt được của Chương trình giai đoạn 2015-2020, nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình giai đoạn 2021-2025, trong năm 2022, Bộ Công Thương đã, phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan bám sát mục tiêu của Chương trình triển khai 15 đề án, nhiệm vụ, tập trung chủ yếu vào các nội dung chính như: Xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế; Các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương; Phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của khu vực gắn với hoạt động du lịch biển đảo; Phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn; Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Phát triển năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác phát triển thương mại và các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Các hoạt động của Bộ Công Thương chú trọng vào việc thúc đẩy kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản, các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương như: Hỗ trợ triển khai kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản; tổ chức các Hội nghị, hội thảo, hội chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của các địa phương nhằm kết nối tiêu thụ ổn định vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương tổ chức xây dựng mô hình phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của các địa phương; tổ chức Hội nghị/Hội thảo giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm thế mạnh của địa phương vào các kênh phân phối hiện đại, bước đầu hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong việc hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh của địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và các rủi ro liên quan đến đại dịch Covid-19.
Thông tin liên quan
Gần đây nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 10 năm 2021 (sau đây gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).
Chương trình MTQG 1719 gồm 10 dự án thành phần. Trong đó có Dự án 3: “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”. Theo Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 về việc hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021; nguyên tắc thực hiện dự án 3 được quy định tại Điều 20 Nghị định số 27/222/NĐ-CP của Chính phủ, với mục tiêu “hỗ trợ sản xuất có chu kỳ đủ dài để đảm bảo tính ổn định, hiệu quả, duy trì bền vững và khả năng nhân rộng mô hình của dự án”… ưu tiên hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; thông qua thực hiện dự án này, nhiều sản phẩm đặc hữu có lợi ích so sánh, có giá trị kinh tế cao, có ý nghĩa quan trọng đối với giảm nghèo, phát triển bền vững, thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần củng cố quốc phòng an ninh thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được triển khai và kết nối sâu rộng trên khắp thị trường, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, một số “Trung tâm ươm tạo” thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại hàng hoá vùng miền và hỗ trợ khởi nghiệp sẽ được hình thành tại các địa phương.