Tổng công ty Điện lực miền Nam: Thực hiện nhiều chương trình tiết kiệm điện, giảm ô nhiễm môi trường

Trong quá trình xây dựng, phát triển và vận hành hệ thống điện, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn phấn đấu sử dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ

Thực hiện nhiệm vụ cung ứng điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội 21 tỉnh thành phía Nam, từ Ninh Thuận, Lâm Đồng trở vào (trừ TP. Hồ Chí Minh), hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên phạm vi rộng và có tính hệ thống cao, EVN SPC được đánh giá là một trong những Tổng công ty lớn và hoạt động có hiệu quả của EVN. Sản lượng điện thương phẩm của Tổng công ty chiếm 1/3 tổng sản lượng điện thương phẩm của EVN, với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2008 - 2013 là 14,20%/năm. Cụ thể như năm 2013, EVN SPC đã thực hiện đạt 39,94 tỷ kWh điện thương phẩm, tăng 10,05% so với năm 2012; doanh thu tiền điện ước đạt 57.739 tỷ đồng, tăng 21,23%; nộp ngân sách nhà nước 666,14 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2013, EVN SPC đã thực hiện nhiều dự án đầu tư với tổng giá trị lên đến 3.726 tỷ đồng, tăng 37,89% so với năm 2012; đồng thời sửa chữa lớn 688 công trình với tổng kinh phí 359,12 tỷ đồng. Đã có 294 công trình lưới điện trung hạ thế hoàn thành, đóng điện đưa vào vận hành, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho 21 tỉnh, thành phố phía Nam. Đáng chú ý là đã hoàn thành đóng điện nối điện lưới quốc gia dự án cáp ngầm Hà Tiên - Phú Quốc từ ngày 2/2, tức mùng 3 tết Giáp Ngọ 2014. Nhờ có dự án này mà từ ngày 01/6/2014 giá bán điện trên đảo Phú Quốc bằng với đất liền và từ ngày 01/7/2014, thời gian phát điện trên đảo đã tăng lên 24 giờ/ngày để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trên đảo.

Bằng việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quản lý, kết hợp đầu tư lưới điện phân phối có chọn lọc tính toán với hiệu quả tối ưu; từng bước đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn, nhằm xây dựng lộ trình hạ tỷ lệ điện dùng để phân phối điện. Nhờ vậy, tỷ lệ điện dùng để truyền tải và phân phối đã giảm rõ rệt, từ 7,90% năm 2007 xuống còn 5,44% năm 2013.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống điện và trong các lĩnh vực hoạt động khác EVN SPC đều hướng đến sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ “xanh, sạch” thân thiện môi trường với mục tiêu tiết kiệm điện năng nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. EVN SPC đã hiện thực hóa quan điểm phát triển bền vững trên bằng nhiều hoạt động cụ thể, có ý nghĩa đã được triển khai.

Đó là việc triển khai thực hiện đề án hỗ trợ nông dân thay thế 2 triệu bóng đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện cho cây thanh long tại 3 tỉnh: Bình Thuận, Long An và Tiền Giang, giai đoạn 2014 - 2015. Tổng vốn đầu tư của đề án này là 20 tỉ đồng, trong đó chi phí hỗ trợ cho nông dân thu hồi bóng đèn sợi đốt là 8 tỉ đồng (4.000 đồng/bóng). Việc thay đổi từ sử dụng đèn sợi đốt (60 W) sang sử dụng thiết bị chiếu sáng có hiệu suất cao và tiết kiệm điện năng (đèn compact 20 W) giúp giảm 2/3 lượng điện năng tiêu thụ. Nếu áp dụng giải pháp trên cho toàn bộ diện tích thanh long, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (khoảng 19.000 ha) và hệ số sử dụng là 0,7 thì khi sử dụng đèn compact thay đèn tròn sợi đốt, hằng năm sẽ tiết kiệm 170.240.000 kWh, với giá điện như hiện nay là 1.340 đồng/kWh thì số tiền tiết kiệm mỗi năm khoảng 228 tỉ đồng. Tương tự, Long An có khoảng 2.000 ha và Tiền Giang khoảng 2.500 ha, nếu sử dụng bóng đèn compact thay đèn tròn thì nông dân 2 tỉnh này sẽ tiết kiệm hơn 50 tỉ đồng/năm.

Kế tiếp là việc triển khai thí điểm mô hình Dịch vụ năng lượng (ESCO) thông qua dự án lắp đặt giàn nước nóng năng lượng mặt trời cho khách hàng. Vừa qua, tại TP. Cần Thơ, EVN SPC và Công ty Điện lực TP. Cần Thơ (PC Cần Thơ) đã tổ chức hội thảo giải pháp hỗ trợ dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo mô hình ESCO. Theo kế hoạch, để triển khai thí điểm giai đoạn 1 Đề án ESCO năm 2014, EVN SPC phối hợp với SolarESCO đầu tư thí điểm lắp đặt giàn nước nóng bằng năng lượng mặt trời cho 10 khách hàng là doanh nghiệp có sản lượng điện tiêu thụ bình quân lớn hơn 20.000 kWh/tháng với tổng kinh phí khoảng 12 tỷ đồng. Về lý thuyết, ước tính một dự án ứng dụng mô hình ESCO có thể tiết kiệm đến 70% điện năng, hiệu quả lớn hơn là doanh nghiệp giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống, trong khi tính an toàn cho người sử dụng cao hơn và giảm thiểu phát thải bảo vệ môi trường.

Bên cạnh hiệu quả về mặt kinh tế từ các dự án dịch vụ năng lượng do SolarESCO thực hiện, dự án còn mang lại các hiệu quả về môi trường, xã hội như: Giảm phát thải khí nhà kính vào môi trường, tạo cơ hội việc làm, nâng cao nhận thức của khách hàng tham gia dự án, từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ngoài ra, ngày 24/5/2014, EVN SPC đã chọn Đồng Tháp là tỉnh tổ chức ngày hội tiết kiệm điện lần thứ 3. Ngày hội diễn ra nhằm vận động người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể cùng tham gia sử dụng điện một cách hiệu quả, an toàn; vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình vừa giảm áp lực đầu tư nguồn điện, tiết kiệm chi phí cho xã hội và góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời, giới thiệu, nhân rộng các mô hình tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và các loại thiết bị tiết kiệm điện. Ngoài ra, trong ngày hội này còn diễn ra hội thảo: “Giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả”. Theo đó, triển khai mô hình “Ấp văn hóa, tuyến phố văn hóa tiết kiệm điện”, Công ty Điện lực Đồng Tháp đã thay 10.647 bóng đèn tiết kiệm điện các loại cho người dân.

Kết quả, 21 tỉnh thành miền Nam đã thực hiện tiết kiệm điện đạt 408,6 triệu kWh, tương đương 46,3% của tập đoàn giao (882 triệu kWh). Theo EVN SPC, để tiết kiệm được sản phẩm điện nêu trên, toàn ngành Điện miền Nam đã nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện các phương thức tiết kiệm điện, tổ chức thay thế thiết bị tiêu hao nhiều nhiều điện năng bằng thiết bị tiết kiệm điện đến từng hộ dân.