Tổng hợp hoạt động nổi bật ngành Công Thương tuần từ 20/5 đến 24/5/2013

Trong tuần qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã tiếp ông Dominique de Villepin, nguyên Thủ tướng Cộng hòa Pháp nhằm triển khai hợp tác trong lĩnh vực năng lượng; Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa ch

Triển vọng hợp tác năng lượng Việt Nam - Pháp

Ngày 20/5/2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã tiếp thân mật ông Dominique de Villepin, nguyên Thủ tướng Cộng hòa Pháp nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại Việt - Pháp liên tục phát triển. Năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 3,752 tỷ USD. Đến tháng 3/2013, Pháp có 383 dự án với tổng số vốn đăng ký là 3,1 tỷ USD và vốn điều lệ là 1,6 tỷ USD, đứng thứ 16 trong tổng số 101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hiện Việt Nam đứng thứ 7 trong số các nước hưởng ODA của Pháp.

Nhận xét về kết quả đạt được trong hợp tác thương mại đầu tư giữa hai nước thời gian qua, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn manh: "Chính phủ Việt Nam đánh giá rất cao sự có mặt của các doanh nghiệp Pháp và hiệu quả của các dự án mà các doanh nghiệp Pháp mang lại". Liên quan đến các lĩnh vực hai bên có thể phát triển thêm, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: "Pháp là một trong số các quốc gia có công nghệ nguồn về điện hạt nhân, Việt Nam rất mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Pháp trong lĩnh vực này". Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Nguyên Thủ tướng Cộng hòa Pháp Dominique de Villepin khẳng định, Chính phủ và doanh nghiệp Pháp luôn quan tâm đến các dự án về lĩnh vực điện lực, dầu khí của Việt Nam, đồng thời đảm bảo chất lượng, duy trì phát triển, bảo vệ, bảo dưỡng của các công trình này. Ông cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các Dự án đang triển khai tại Việt Nam.

Đẩy nhanh tiến độ dự án Alumin Nhân Cơ

Ngày 22/5/2013, Ban chỉ đạo triển khai dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ do Thứ trưởng Lê Dương Quang, Trưởng ban và các thành viên đã kiểm tra và giải quyết những vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Theo báo cáo của Ban quản lý, các hạng mục ngoài hàng rào nhà máy alumin do chủ đầu tư và các nhà thầu trong nước thực hiện đã hoàn thành là: San nền mặt bằng Nhà máy Alumin; Hệ thống cấp điện và nước phục vụ thi công Nhà máy; Tuyến đường từ đường liên xã vào mặt bằng Nhà máy; Đường dân sinh; Khu nhà làm việc chuyên gia; Nhà tạm cư, đường tránh Nhà máy, v.v...

Thứ trưởng Lê Dương Quang yêu cầu Ban quản lý phối hợp tốt với địa phương, nhà thầu, báo cáo kịp thời các vướng mắc, xây lắp các công trình đảm bảo tính đồng bộ và đẩy nhanh tiến độ toàn dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ.

Cũng liên quan đến 2 dự án trên, mới đây việc một số cơ quan báo chí đưa về mức thuế suất 0% đối với thuế xuất khẩu alumina, cũng như về công nghệ của hai dự án bauxite, gây ra những hiểu nhầm trong công chúng, Vinacomin đã thông tin về công nghệ, thuế alumina. Theo đó, mặt hàng ô xít nhôm (alumina) có mã số hàng hóa (mã HS) là 2818.20.00 với mức thuế suất (thuế xuất khẩu) là 0%, mức thuế này tương đương với mức thuế 0% của các nước xuất khẩu chính alumina như Brazil, Ấn độ, Australia... Trong danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu của các nước, sản phẩm alumina được khai báo và thống kê theo phân nhóm "Ôxít nhôm" với mã số 2818.20 chứ không xếp vào phân nhóm "Quặng nhôm và tinh quặng nhôm" có mã số 2606.00. Sản phẩm alumina (ô xít nhôm: Al2O3) không phải là tinh quặng nhôm, mà là một loại hàng hóa được chế biến rất sâu từ tinh quặng nhôm ra. Alumina là một loại sản phẩm rất tinh khiết, khác về bản chất đối với các loại quặng nhôm thô và tinh quặng nhôm. Còn mức thuế suất 15-40% ở mục 16 trong Nghị quyết số 710/2008/UBTVQH12 là được áp dụng cho quặng sắt và quặng nhôm, chứ không phải thuế suất áp dụng cho alumina.

Về công nghệ được sử dụng trong 2 dự án Alumin Tân Rai và Nhân Cơ của Vinacomin là Công nghệ Bayer Châu Mỹ là công nghệ chung của thế giới đang được vận hành tại các nhà máy alumina xử lý quặng bauxite dạng gip-xit chứ không phải là công nghệ của Trung Quốc. Phương pháp thải bùn đỏ đang áp dụng ở Nhà máy Alumina Tân Rai và Nhân Cơ không phải là phương pháp thải ướt - lagooning hay ponding (tỷ lệ rắn/lỏng của bùn thường khoảng từ 20-30%) mà là phương pháp thải chồng lớp khô (Dry Stacking).

Công nghệ sử dụng khí hóa than được sử dụng từ những năm 1960 tương tự như công nghệ Bayer để chế biến alumina từ bauxite có từ thế kỷ 18 nhưng luôn luôn được hoàn thiện. Tính tiên tiến của công nghệ hiện nay là xem xét việc áp dụng các công nghệ, thiết bị tiên tiến trong hệ thống khí hóa than cũng như trong nhà máy alumina để đánh giá mức độ tiên tiến của công nghệ sử dụng.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với loại hình chợ

Trong hai ngày, 20/5 và 23/5, tại Hà Nội và TP HCM, Vụ Thị trường trong nước đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định 02/2003/NĐ-CP, sơ kết thực hiện Nghị định 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chủ trì Hội nghị.

Theo đánh giá chung, sự phát triển của hệ thống chợ đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tiêu thụ hàng hóa, góp phần thực hiện Cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", đưa hàng Việt về nông thôn và chợ truyền thống phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hai Nghị định vẫn tồn tại những hạn chế: hệ thống chợ chủ yếu là chợ bán lẻ, đa số có quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng sơ sài, lạc hậu, hoạt động kém hoặc không hiệu quả (chiếm khoảng 3%) đã xảy ra ở một số địa phương; việc kinh doanh hàng không bảo đảm chất lượng, hàng giả, hàng nhái tại các chợ còn khá phổ biến.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn manh: để khắc phục những tồn tại cần có sự phối hợp của các Bộ ngành, địa phương liên quan cũng như của chính các doanh nghiệp và HTX. Đó là cần rà soát và bổ sung các văn bản pháp luật; đa dạng nguồn vốn hỗ trợ; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực. Với vai trò của mình, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu các kiến nghị tại Hội nghị, nghiên cứu, xem xét và trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Tạo cơ hội kết nối doanh nghiệp Việt Nam, Ấn Độ

Ngày 22/5, tại TPHCM, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TPHCM đã tổ chức Chương trình giao lưu thương mại Việt Nam-Ấn Độ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên hình thành quan hệ đối tác. Chương trình có sự tham gia của 19 doanh nghiệp Ấn Độ trong các lĩnh vực như: sản phẩm dệt và thiết bị ngành dệt, phụ tùng ô tô, chế biến nông sản, vật liệu xây dựng, nguyên liệu đóng gói thuốc lá, thiết bị điện và điện tử, cơ sở hạ tầng, năng lượng, dược phẩm, v.v…Theo ông Abhay Thakur, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị, tiềm năng và thế mạnh của hai nước. Chương trình giao thương này nhằm mở rộng cơ hội kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước, góp phần đạt kim ngạch thương mại song phương 5 tỷ USD trong năm 2013. Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc VCCI tại TPHCM cho biết, Chương trình giao lưu là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu về thị trường, gặp gỡ các đối tác Ấn Độ để thiết lập quan hệ kinh doanh, hợp tác lâu dài.

Vận hành trở lại đường dây 500KV Bắc- Nam

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến 15 giờ 54 phút ngày 22/5, đường dây 500KV Bắc- Nam đã đưa vào vận hành trở lại, sự cố mất điện trên hệ thống điện phía Nam đã được khắc phục xong.


Vào lúc 14h19 đã xảy ra sự cố trên đường dây 500kV Di Linh - Tân Định. Sự cố đường dây 500kV trong lúc truyền tải công suất cao làm mất liên kết HTĐ 500kV Bắc - Nam, gây nhảy tất cả các tổ máy phát điện trong HTĐ miền Nam, dẫn tới HTĐ miền Nam mất điện toàn bộ (khoảng 9400 MW). Qua điều tra sơ bộ, sự cố do xe cần cẩu trồng cây trong khu vực Thành phố mới Bình Dương chạm vào đường dây 500kV ở khoảng trụ 1072-1073 gần trạm biến áp 500kV Tân Định. Hiện xe cần cẩu (Biển kiểm soát 61P-3745) đã bị lực lượng chức năng lập biên bản và tạm giữ.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhanh chóng chỉ đạo Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, các Tổng Công ty Điện lực, các nhà máy điện tập trung lực lượng, khẩn trương khắc phục sự cố để tái lập cung cấp điện cho HTĐ miền Nam. Đến 15h54 cùng ngày, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đưa vào vận hành trở lại đường dây 500kV Bắc - Nam và từng bước khôi phục HTĐ miền Nam. Cũng trong chiều và tối ngày 22/5, HTĐ miền Nam đã được khôi phục toàn bộ.

CPI tháng 5 giảm nhẹ

Ngày 24/5/2013, Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 giảm 0,06% so với tháng trước, tăng 6,36% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là tháng CPI đảo chiều giảm trở lại tương tự tháng 3 (giảm 0,19%) sau khi CPI tăng nhẹ 0,02% trong tháng 4.

Có 4/11 nhóm hàng giảm giá, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số CPI là nhóm ăn và dịch vụ ăn uống có mức giảm 0,35%. Trong đó, lương thực giảm 0,69%, thực phẩm giảm mạnh 1,24% trong khi ăn uống ngoài gia đình tăng 0,45%. Nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,53%, giao thông giảm 0,57%, bưu chính viễn thông giảm 0,07%. Trong các hàng hóa tăng giá, nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh nhất ở với 1,58%, riêng dịch vụ y tế tăng 1,92% (Vĩnh Phúc và Long An tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh). Nhóm đồ uống thuốc lá tăng 0,41%, nhóm may mắc mũ nón giầy dép là 0,36%, nhóm văn hóa giải trí và du lịch chỉ tăng 0,23% (dù là tháng có kỳ nghỉ lễ dài). Tuy nhiên điều này cũng không khiến chỉ số CPI tháng 5 tăng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu tiêu dùng giảm là một trong những nguyên nhân khiến giá cả hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu có quyền số lớn như: lương thực, thực phẩm, đồ uống và thuốc lá giảm hoặc tăng nhẹ. Việc giá xăng dầu giảm 3 lần trong tháng 4 cũng đã tác động khiến CPI giảm.