Tổng kết Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả

Ngày 9/6, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng Cục Năng lượng – Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo Tổng kết Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả ( Chương trình VA).

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Hưng – Vụ phó, Vụ Khoa học công nghệ và tiết kiệm năng lượng – Bộ Công Thương nhận định, Chương trình VA được Tổng Cục năng lượng thực hiện trong giai đoạn từ năm 2012 – 2017, với mục đích tăng cường năng lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong các ngành công nghiệp quan trọng, qua đó, nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng (TKNL) đạt mức TKNL 360,4 nghìn TOE vào năm thứ 5 và giảm phát thải nhà kính đạt 1,25 triệu tCO2 vào năm thứ 5. Ngoài ra, mục đích của chương trình phát triển cơ chế VA như một công cụ chính sách, giúp cho các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc thiết lập các mục tiêu TKNL, từ đó thực hiện TKNL, giảm chi phí sản xuất và tuân thủ những chính sách pháp luật nhà nước, nhân rộng chương trình trong tương lai.

Ông Lê Quốc Hưng - Vụ phó, Vụ KHCN & TKNL - Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo

Hiệu lực của thỏa thuận là 10 năm, đối với các doanh nghiệp tham gia thí điểm chương trình, thời gian cho giai đoạn thí điểm là 02 năm kể từ ngày ký thỏa thuận. Sau 02 năm, các bên ký thỏa thuận tổ chức đánh giá, xác định lại các mục tiêu, nội dung và thời gian thỏa thuận.

Theo số liệu của Tổng Cục năng lượng – Bộ Công Thương, trong suốt giai đoạn thí điểm chương trình, đã có 30 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Đến năm 2015, qua sau kiểm toán, chương trình đã chọn được 7 doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận tự nguyện thí điểm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong 7 doanh nghiệp đã ký kết, có 4 doanh nghiệp cam kết theo các giải pháp TKNL, cụ thể là: Công ty Ricoh, thực hiện ít nhất 90% giải pháp có thời gian hoàn vốn dưới 5 năm; Công ty Annoza, thực hiện ít nhất 90% giải pháp có thời gian hoàn vốn dưới 3 năm; Công ty Dệt kim Đông Xuân, thực hiện ít nhất 65% giải pháp có thời gian hoàn vốn dưới 7 năm bà công ty Việt Nam Food, thực hiện ít nhất 70% giải pháp có thời gian hoàn vốn dưới 2 năm.

 Ông Mai Văn Huyên - Giám đốc Trung tâm Phát triển Xanh chia sẽ tại hội thảo

Nhận định về hiệu quả của các doanh nghiệp sau 2 năm triển khai, ông Mai Văn Huyên – Giám đốc Trung tâm phát triển Xanh cho biết, trong quá trình thí điểm chương trình, nếu các doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ, đúng các giải pháp, quy định, sẽ tiết kiệm ít nhất trên 10% năng lượng trong sản xuất kinh doanh, có thể nêu cụ thể kết quả sau 02 năm thực hiện, tổng năng lượng tiết kiệm được của các doanh nghiệp tham gia là: 1.267.889 kWh điện, 385.683 dầu FO và 1.140 tấn than.

Chia sẽ về những lợi ích của chương trình, ông Đào Xuân Chiến – đại diện Công ty Dệt kim Đông Xuân cho biết, bằng các giải pháp như: Thay thế 5 máy nén khí Piston 7.5 kW bằng máy nén khí trục vít 37 kW tại xưởng nhuộm; Thay thế 2 máy nén khí trục vít 22 kW hiệu suất thấp bằng 2 máy nén khí trục vít 37kW hiệu suất cao tại xưởng dệt; Thay thế 01 lò đốt hơi dầu 10 tấn/h và 02 lò hơi đốt than 4 tấn/h bằng lò hơi đốt than 10 tấn/h và thay thế lò dầu tải nhiệt 1,500,000 kCal/h đốt dầu bằng lò dầu tải nhiệt đốt than và củi trấu , với tổng cộng 04 giải pháp trên, công ty đã tiết kiệm được 55,924,526 MJ. Tương tự như Công ty Colusa Miliket, nhờ được tư vấn từ chương trình, năng lượng tiết kiệm được trên 99.000 MJ, tiết kiệm khoảng 17% năng lượng sử dụng so với năm trước khi thực hiện chương trình VA.

Mặc dù trong quá trình thực hiện đã có nhiều kết quả tích cực, nhưng tại hội thảo, lãnh đạo Tổng Cục năng lượng và các doanh nghiệp cũng chỉ ra những khó khăn khi thực hiện chương trình, cụ thể như: Thời gian thực hiện thí điểm quá ngắn, chưa đủ cơ sở để thực hiện về dữ liệu, để đánh giá đầy đủ các nội dung của chương trình VA. Ngoài ra, các điều khoản, nội dung khuyến khích cho các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chủ yếu là các khuyến khích phi tài chính; Nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước cho doanh nghiệp ngừng triển khai; Doanh nghiệp Việt Nam đa số còn hạn chế trong việc cung cấp các thông tin dữ liệu; Nhân sự làm về TKNL của doanh nghiệp còn rất khiêm tốn và hay thay đổi người phụ trách theo dõi, thực hiện chương trình.

Trong khuôn khổ của hội thảo, đại diện lãnh đạo Tổng Cục Năng lượng – Bộ Công Thương, đã trao Cúp và Hoa, khen thưởng cho các doanh nghiệp có nhiều nổ lực, hoạt động tích cực trong Chương trình VA.