TP. Hồ Chí Minh có thêm một Đại học

Theo thông tin từ Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1146/QĐ-TTg về việc chuyển Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thành Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; thực hiện tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh theo quy định.

Như vậy Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã chính thức trở thành 1 trong 7 cơ sở giáo dục Đại học tại Việt Nam hoạt động theo mô hình “Đại học đa ngành, đa lĩnh vực”. Sự kiện Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh chuyển đổi mô hình thành Đại học đa ngành, đa lĩnh vực là một cột mốc đáng ghi nhận trên hành trình gần 50 năm phát triển của nhà trường.

Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Để chính thức trở thành Đại học đa ngành, đa lĩnh vực, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã có một quá trình chuẩn bị lâu dài, bài bản. Từ năm 2021, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã xác định chiến lược phát triển trở thành Đại học đa ngành và bền vững với việc thành lập 3 trường thành viên gồm: Trường Kinh doanh UEH; Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH; Trường Công nghệ và Thiết kế UEH cùng với phân hiệu Vĩnh Long.

Quy mô đào tạo của toàn trường hiện tại là hơn 36.000 người học, với 38 ngành trình độ Đại học; 19 ngành trình độ thạc sĩ và 14 ngành trình độ tiến sĩ.

Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn châu Âu FIBAA về chất lượng đào tạo cấp cơ sở giáo dục Đại học đầu tiên tại Việt Nam cùng với 17 chương trình đào tạo đạt hai tiêu chuẩn quốc tế là FIBAA và AUN-QA (của Mạng lưới các Trường Đại học ASEAN).

Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nằm trong top 401+ các Đại học tốt nhất châu Á (bảng xếp hạng QS Asia 2023), Top 301 - 400 Đại học đóng góp cho 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (theo bảng xếp hạng THE Impact Rankings 2023).

Sinh viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
Sinh viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Khái niệm Đại học và Trường Đại học

Tại Điều 4 Luật Giáo dục Đại học 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 định nghĩa:

  • Trường Đại học, Học viện (sau đây gọi chung là Trường Đại học) là cơ sở giáo dục Đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này.
  • Đại học là cơ sở giáo dục Đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành Đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.

Theo đó Trường Đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Trường Đại học có thể là một cơ sở giảng dạy Đại học độc lập hoặc là thành viên của một Đại học vùng, chuyên cung cấp các chương trình đào tạo bậc Đại học.

Đại học là một cơ sở đào tạo trên nhiều lĩnh vực (trong mỗi lĩnh vực có thể có nhiều ngành). Đại học là một tổ chức giáo dục có các Trường Đại học thành viên.

Điều này có nghĩa, Đại học là cấp cao hơn, trong Đại học sẽ bao hàm các Trường Đại học.

Ngọc Châm