TP. Hồ Chí Minh: 4 Hiệp hội kiến nghị về bổ sung vi chất dinh dưỡng

Đó là một trong những nội dung chính tại Hội thảo “Trao đổi một số thông tin và đánh giá tác động của việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào trong chế biến thực phẩm”.

Hội thảo do Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) phối hợp với Hiệp Hội Chế Biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP); Hiệp hội Thực phẩm minh bạch và Hội Nước mắm Phú Quốc tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh (chiều ngày 25/6/2018).

Theo đó, tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP (Nghị định 09) của Chính phủ ban hành ngày 28/01/2016 (Nghị định về Quy định tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm) quy định: “Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt”. Tuy nhiên, thực tế khi áp dụng quy định này, một số loại thực phẩm không thể sử dụng muối I-ốt làm nguồn nguyên liệu để chế biến (do tạo ra trạng thái cảm quan, màu sắc, mùi vị… không bằng so với việc sử dụng muối thường - không bổ sung I-ốt), do đó doanh nghiệp gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, công bố, đưa sản phẩm ra thị trường.

Tại Hội thảo, bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch FFA cho biết, hiện nay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm, gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện “Nghị định 09” (nhất là việc tăng cường I-ốt). Bên cạnh đó, khi thực hiện quy định bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm, doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn từ khâu nhập khẩu nguyên liệu (khi các doanh nghiệp nhập khẩu đề nghị đối tác bổ sung thên vi chất sắt và kẽm thì không được chấp thuận) và tại một số thị trường xuất khẩu, khách hàng sẽ từ chối một số sản phẩm có bổ sung I-ốt và sản phẩm làm từ bột mỳ có bổ sung sắt, kẽm… dẫn đến ảnh hưởng mạnh đến doanh số, lợi nhuận của doanh nghiệp.

Cũng theo bà Lý Thị Kim Chi, thời gian qua FFA cùng với các hội ngành nghề liên quan đã nhiều lần kiến nghị về nội dung này bằng văn bản và thông qua các buổi làm việc trực tiếp với Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm và Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) với mong muốn kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm.

Nhiều tham luận, báo các đánh giá tác động của việc bổ sung I-ốt và vi chất dinh dưỡng vào chế biến thực phẩm cũng được đưa ra tại hội thảo

Cũng tại đây, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) ngoài chỉ ra những bất cập về sử dụng muối có bổ sung I-ốt trong chế biến thực phẩn (nhất là trong chế biến thủy sản) như gây biến màu, biến mùi, mất khả năng chống ôxi hóa… hoặc nhiều sản phâm có sẵn I-ốt (thủy sản) thì không cần sử dụng muối có I-ốt sẽ tránh tăng giá, chi phí sản xuất và tạo hàm lượng I-ốt cao trong sản phẩm…. còn đưa ra một vài đề xuất và kiến nghị như chỉ khuyến khích (không bắt buộc) doanh nghiệp sản xuát thực phẩm phải tăng cường muối I-ốt, bắt buộc bổ sung I-ốt trong các sản phẩm gia vị, hạt nêm…

Ngoài ra, trong hội thảo nhiều tham luận, báo các đánh giá tác động của việc bổ sung I-ốt và vi chất dinh dưỡng vào chế biến thực phẩm cũng được đại diện của Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Bột Mỳ (VIKYBOMI), Hội Nước mắm Phú Quốc…. đưa ra nhằm đề xuất với Chính phủ, Bộ Y tế tháo gỡ triệt để khó khăn cho doanh nghiệp, các Hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp thực phẩm để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.


Ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ( Nghị quyết 19/2018) về việc tiếp tục thực hiên những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Trong đó, tại điểm b khoản 15 Mục III, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế “Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm theo hướng: (i) bãi bỏ quy định ‘muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt’ tại điểm a khoản 1 Điều 6; (ii) bãi bỏ quy định ‘Bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm’ tại điểm b khoản 1 Điều 6. thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp trong chế biến thực phẩm sử dụng”


Hoàng Dương