Trà Lĩnh - Điểm đầu tuyến đường nông sản Cao Bằng - Bắc Kinh

Khu hợp tác kinh tế qua biên giới (KHTKTQBG) Trà Lĩnh của Việt Nam và Long Bang (Trung Quốc) là một trong những khu kinh tế trọng điểm, góp phần đẩy mạnh quan hệ thương mại Việt - Trung, thôn

Cuối năm 2013, Hội thảo “Tư vấn xây dựng các khu kinh tế qua biên giới Việt - Trung”, do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Quảng Ninh đồng chủ trì, đã xác định, đề xuất 4 KHTKTQBG, bao gồm: Móng Cái - Quảng Tây; Đồng Đăng - Bằng Tường; Trà Lĩnh - Long Bang; Lào Cai - Vân Nam.

Tại Hội thảo, có đại biểu quan tâm vì sao Cao Bằng lấy cửa khẩu Trà Lĩnh làm KHTKTQBG thay vì chọn cửa khẩu đã trở nên quen thuộc là Tà Lùng? Đại diện tỉnh Cao Bằng giải thích, cặp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) có rất nhiều lợi thế để phát triển KHTKTQBG do đây là đầu mối kết nối của tuyến hàng lang giao thông từ các tỉnh Tây Nam Trung Quốc đi ASEAN và quốc tế thông qua cảng Hải Phòng.

Trà Lĩnh của Cao Bằng giáp với Long Bang, thuộc thành phố Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây là một trong những trung tâm cung cấp 30% hàng hóa nông sản quan trọng của thị trường Trung Quốc. Bách Sắc còn là điểm nối của tuyến cao tốc Tứ Xuyên - Trùng Khánh. Lựa chọn Trà Lĩnh sẽ thông thương một tuyến đường bộ gần nhất, khoảng 1.200km từ TP. Tứ Xuyên qua Trùng Khánh, ra cảng Hải Phòng. Theo tính toán, tuyến vận chuyển từ Tứ Xuyên - Trùng Khánh - Thành Đô - Bách Sắc của Trung Quốc qua Trà Lĩnh xuống cảng Hải Phòng sẽ rút ngắn được gần 1.100 km so vận chuyển hàng hóa từ các đô thị nói trên của Trung Quốc ra cảng biển gần nhất của nước này để sang các nước Asean.

Hơn nữa, hàng ngày từ thành phố Bách Sắc đi Bắc Kinh có chuyến tàu chuyên chở hàng nông sản. Tận dụng lợi thế này, hai bên Cao Bằng và Quảng Tây có thể xây dựng chiến lược hợp tác đưa hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Thông qua tuyến đường này, Trà Lĩnh của Cao Bằng sẽ là điểm đầu cung ứng nông sản của Việt Nam vượt hơn 2000 km tới Bắc Kinh mỗi ngày.

Trà Lĩnh được đánh giá là đắc địa trong bối cảnh Trung Quốc là bạn hàng lớn về hàng hóa nông sản của Việt Nam. Từ trước đến nay, việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản tập trung chủ yếu qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Hàng hóa xuất nhập khẩu có xu hướng tăng nhanh nhưng hạ tầng cơ sở như: Hệ thống kho bãi, giao thông tại các cửa khẩu chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, chưa có kho trung chuyển hàng hóa phục vụ cho việc kiểm tra thông quan; không ít lần xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa nông sản tại cửa khẩu, gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân, doanh nghiệp.

Xác định lợi thế của Trà Lĩnh, cuối 2014, tức là 1 năm sau Hội thảo “Tư vấn xây dựng các khu kinh tế qua biên giới Việt - Trung”, Cao Bằng đã phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu vực Cửa khẩu Trà Lĩnh với tổng diện tích 177 ha. Kể từ đó đến nay, việc thu hút đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh đã khởi sắc, bởi những tiềm năng, thế mạnh được đánh thức bằng những hoạch định đúng hướng. Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh đã được đầu tư bài bản, hiện đại với các công trình Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu, nơi làm việc của các lực lượng chuyên ngành như Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch, Ban Quản lý khu kinh tế với các khu vực: quá cảnh, kiểm tra, kiểm soát..., phục vụ hoạt động quản lý, giao lưu phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu hàng hóa, du lịch; đầu tư.

Để khắc phục điểm bất lợi của các cửa khẩu Lạng Sơn, trong KHTKTQBG Trà Lĩnh đã đầu tư Khu trung chuyển phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy hải sản có quy mô 100 ha. Hiện có 7 doanh nghiệp đang đầu tư kho tàng bến bãi gồm: kho bãi lưu chuyển xuất nhập khẩu hàng; kho bãi xuất nhập hàng, sân bãi chờ xuất nhập hàng hóa; trung tâm điều hành; khu văn phòng đại diện các doanh nghiệp; khu dịch vụ vận tải; khu trưng bày giới thiệu sản phẩm... sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ùn ứ nông sản tại biên giới 2 nước.

KHTKTQBG Trà Lĩnh (Việt Nam) và Long Bang (Trung Quốc) là một trong những khu kinh tế xuyên biên giới trọng điểm, góp phần đẩy mạnh quan hệ thương mại Việt - Trung, thông qua tạo ra một tuyến hành lang nông sản từ Cao Bằng đi Bắc Kinh hàng ngày, và tuyến đường trung chuyển hàng hóa, dịch vụ quốc tế từ một số TP. phía Tây Nam Trung Quốc qua cảng Hải Phòng sang các nước Asean và quốc tế.