Tránh cái bẫy tương lai
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2014, lượng sắt thép thô sản xuất chỉ đạt 283.000 tấn, giảm 26,5%; thép thanh, thép góc đạt 430.000 tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2013. Sản xuất thép xây dựng của các doanh nghiệp trong Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tháng 2/2014 đạt 255.057 tấn, giảm 20,29% so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm 2013 thép xây dựng vẫn tăng trưởng được 4,63%. Dự báo của VSA cho thấy nhu cầu thép cả nước năm 2014 không tăng đột biến và lượng quặng sắt tồn kho của các địa phương tính đến hết năm 2013 khoảng 3 triệu tấn, tương đương khoảng 3.000 tỷ đồng.
Quan ngại trước con số khổng lồ này nên rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thép đã đệ trình mong muốn VSA kiến nghị Chính phủ về việc xin xem xét lại chủ trương cấm xuất khẩu quặng sắt. Họ cho rằng chủ trương này đã tác động tiêu cực đến sự phát triển của các doanh nghiệp ngành Thép, bên cạnh đó là những thất thoát không tránh khỏi của Nhà nước khi quặng sắt xuất lậu.
Dĩ nhiên yêu cầu này đã bị chính “màng lọc” đầu tiên là VSA bác bỏ. VSA yêu cầu các thành viên của mình cần phải có một thái độ tích cực, có cái nhìn vừa xa vừa rộng để thấy được tính hai mặt của một vấn đề. Chủ tịch VSA, ông Hồ Nghĩa Dũng đã không thể đồng thuận với quan điểm của các doanh nghiệp như kiến nghị và ông khẳng định: Chính sách này là một chủ trương lớn của Nhà nước trong việc ưu tiên dành nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất lâu dài, hạn chế tình trạng nhập khẩu trong tương lai. Hơn ai hết, các doanh nghiệp ngành Thép đều biết rõ tài nguyên quặng sắt Việt Nam là rất nghèo nàn, không đủ cho công suất lò cao hiện có trong nước. Theo thống kê địa chất, tổng trữ lượng tài nguyên về quặng sắt của Việt Nam hiện chỉ khoảng > 1 tỷ tấn, nhưng hiện chỉ có 2 mỏ quặng sắt lớn đã được đánh giá địa chất đầy đủ là: Thạch Khê khoảng 500 triệu tấn (manhetit >60% Fe, chưa khai thác); Quý Xa gần 120 triệu tấn (limonit xấp xỉ 50% Fe đã khai thác). Còn các mỏ khác ở rải rác các địa phương, trữ lượng nhỏ, phần lớn là limonit hàm lượng Fe thấp, nếu dùng vào lò cao phải pha thêm quặng giàu (tới 30 - 40%). Đó là còn chưa kể trong 1 - 2 năm tới, sẽ có thêm một vài lò cao đi vào sản xuất.
Chính vì vậy, khi đã nghèo tài nguyên chúng ta không nên tiếp tục “làm nghèo” nó hơn được nữa. Thế giới đã dùng thuật ngữ “căn bệnh Hà Lan” từ cách đây năm thập kỷ để cảnh báo các quốc gia sống chủ yếu dựa trên xuất khẩu tài nguyên. Việt Nam là nước đi sau có điều kiện để nhìn lại mình, do đó việc tránh cái bẫy cho tương lai thực sự vô cùng cần thiết!
Giải đáp nào cho bài toán xuất lậu
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích lâu dài, Chính phủ cũng cần quan tâm đến những lợi ích trước mắt. Việc thừa thép dẫn đến giá thép bị đẩy xuống thấp thời gian qua đã phần nào dẫn đến tình hình xuất khẩu lậu khoáng sản và gian lận thương mại trong xuất khẩu khoáng sản, đặc biệt là mặt hàng quặng sắt diễn biến hết sức phức tạp, dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo báo cáo của VSA, qua tính toán sơ bộ thì số lượng quặng sắt xuất lậu năm 2011 - 2012 dự tính là 3,27 triệu tấn, thất thu cho ngân sách nhà nước 3.560 tỷ đồng. Đại diện Công ty CP Thép Pomina đề xuất, để đón đầu, Nhà nước cần phải yêu cầu các doanh nghiệp đóng thuế tài nguyên môi trường đúng và đủ dựa trên cơ bản là lượng thép sản xuất để sao cho giá thành công bằng trong ngành Thép. Nếu kịp thời, Nhà nước sẽ có nguồn thu thuế đáng kể và để tránh tình trạng thất thu như hiện nay, phải có biện pháp kiểm tra và yêu Bộ Tài chính tiến hành thu đủ thuế tài nguyên.
Thực tế là mặc dù tất cả các mỏ quặng sắt khai thác ở Việt Nam đều đã phải nộp thuế tài nguyên, nộp phí bảo vệ môi trường theo luật định, nhưng cần phải tăng cường quản lý ở các địa phương hơn nữa mới tránh khai thác lậu, trốn thuế và phá hoại môi trường.
Tại phiên họp thường vụ Quốc hội tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã nhận định, từ năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 mặt hàng quặng titan, quặng sắt xuất lậu qua biên giới giảm rõ rệt, do các biện pháp hạn chế, tăng cường kiểm tra, kiểm soát của phía Việt Nam. Bộ trưởng một lần nữa khẳng định sẽ tích cực hơn nữa trong phối hợp giữa các ngành và với các địa phương để năm 2015 về cơ bản không để xảy ra tình trạng xuất lậu nữa, thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đặc biệt là chú trọng vai trò quản lý trực tiếp trên địa bàn.
Đã có rất nhiều nước trên thế giới “thức tỉnh” trước nguy cơ chảy máu khoáng sản. Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết, nước này có thể áp thuế hoặc hạn ngạch xuất khẩu đối với quặng khoáng sản trước kế hoạch ban hành quy định cấm xuất khẩu khoáng sản thô vào năm 2014. Theo phát ngôn viên của Bộ Công nghiệp Indonesia, nước này có thể đánh thuế cao nhất có thể đối với các loại khoáng sản như quặng sắt, bauxite và các kim loại như niken và đồng. Indonesia cũng có thể quy định các công ty phải bán một phần nhất định trong sản lượng của họ cho thị trường trong nước. Kế hoạch này có thể gây thiệt hại lớn cho các tập đoàn sản xuất kim loại và khai thác mỏ tại nước này. Lệnh cấm xuất khẩu năm 2014 được đưa ra như một phần trong luật về khai thác mỏ và than đá được giới thiệu vào năm 2009. Indonesia là nước xuất khẩu thiếc và than đốt nhiệt lớn nhất thế giới.
Ấn Độ cũng đang xem xét và có thể cấm xuất khẩu quặng sắt. Trong khi chưa có quyết định cấm xuất khẩu chính thức, thuế suất xuất khẩu được nâng lên 20% với tất cả các chủng loại quặng sắt dạng cục, miếng. Mức thuế xuất khẩu hiện nay là 5%, thuế nhập khẩu là 15%. Nhu cầu quặng sắt cho sản xuất trong nước từ 72 triệu tấn năm 2010 lên 120 triệu tấn năm 2012 và sẽ tiếp tục tăng mạnh lên 233 triệu tấn vào năm 2025. Ấn Độ xếp thứ 5 thế giới về trữ lượng quặng sắt với khoảng 25 tỷ tấn, trong đó chỉ phần nhỏ là có thể khai thác được. Năm tài chính 2009 - 2010, nước này đã sản xuất 218 triệu tấn, trong đó hơn một nửa dành cho xuất khẩu. Cách đây 4 năm, Bộ trưởng Bộ Thép Ấn Độ kêu gọi cấm xuất khẩu quặng sắt và cần học kinh nghiệm từ các quốc gia như Trung Quốc và Mỹ để sử dụng nguồn tài nguyên có hạn một cách khôn ngoan, hiệu quả. Đây là tài nguyên có hạn về số lượng và ngày một ít đi. Ví dụ như Trung Quốc, họ để giành quặng sắt và nhập khẩu để phục vụ sản xuất trong nước. Mỹ cũng không xuất khẩu quặng sắt mà chỉ nhập khẩu.