Vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong thời hội nhập

Ngày nay, đối với các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng, các hiệp hội ngành hàng có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là khi chúng ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế t

ÔNG TRẦN THẢO - VỤ TRƯỞNG VỤ TỔ CHỨC CÁN BỘ, BỘ CÔNG  THƯƠNG: “Vai trò của hiệp hội ngày càng quan trọng hơn”

 

“Có một thực tế là, hiện nay các doanh nghiệp (DN) thuộc tập đoàn, tổng công ty (TCT) không còn nhiều nữa,  nhưng trong các ngành hàng, lĩnh vực đó lại có rất nhiều doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động. Chẳng hạn, Tập đoàn Dệt – May Việt Nam có hơn 60 DN thành viên, nhưng ngành May mặc cả nước có tới hơn 600 DN. Vì vậy, hiệp hội (HH) sẽ là nơi tập trung được đông đảo doanh nghiệp, thậm chí TCT cũng chỉ là một thành viên lớn trong HH. Vai trò của HH vì thế cũng ngày càng quan trọng hơn.

Nhiều HH đã tư vấn cho Bộ, các tập đoàn, TCT về thẩm định dự án lớn, chương trình trọng điểm của Nhà nước... Nhiều HH, thông qua hoạt động của mình, đã có nhiều đóng góp vào việc bình ổn giá cả, thị trường, tiêu biểu như Hiệp hội Thép VN, Hiệp hội Xăng dầu VN... Đồng thời, các HH còn tích cực tham gia vào việc xây dựng cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với ngành hàng của mình (như HH Thép VN, HH Dệt may VN). Đặc biệt, HH Dệt May và Da – Giày còn lên tiếng bảo vệ quyền lợi  cho hội viên và ngành mình trước những sự kiện như vụ chống phá giá da giày... Các HH còn thường xuyên tổ chức các  chuyến đi tham quan, tìm hiểu, phát triển thị trường ở nước ngoài, đồng thời tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm ở trong và ngoài nước tương đối có hiệu quả. Thông qua đó, nhiều hợp đồng kinh tế được ký kết, nhiều DN đã tìm được đối tác làm ăn, nhất là những DN qui mô còn nhỏ, ít có cơ hội. Qua các hoạt động của HH như hội thảo, hội chợ, trang web của HH, các DN có điều kiện giới thiệu năng lực sản xuất, kinh doanh của mình với đối tác, khách hàng. Do làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, tiếng nói của các HH này ngày càng có uy tín hơn và nhiều HH xứng đáng là chỗ dựa vững chắc của DN.

Theo Nghị định số 88/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) vừa tạo điều kiện cho Hiệp hội hoạt động đúng lĩnh vực, ngành nghề của mình; đồng thời tranh thủ ý kiến của HH về ngành, lĩnh vực ấy. Để thực hiện điều này, Bộ đã giao việc quản lý hoạt động của HH cho các Vụ chuyên ngành, tạo điều kiện để các HH hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò là cầu nối doanh nghiệp với thị trường, với Bộ và Chính phủ”.

 

TSKH. ĐINH NGỌC ĐĂNG – PHÓ CHỦ TỊCH, KIÊM TỔNG THƯ KÝ HỘI KH – CN MỎ VIỆT NAM (HỘI MỎ VN): “Hội Mỏ VN cũng gián tiếp làm công tác xúc tiến thương mại…”

“Hội Mỏ VN là một tổ chức tư vấn, phản biện, giám định xã hội và tham gia giám sát độc lập đối với các đề án, công trình quan trọng, góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách, các chương trình, kế hoạch của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành Mỏ, phát triển KHCN, giáo dục đào tạo và bảo vệ môi trường trong ngành Mỏ Việt Nam. Hội đã có dịp tiếp xúc và làm việc với nhiều đoàn khách nước ngoài đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều nước như Nhật Bản, Bungari, Trung Quốc,... Trong các buổi làm việc đó, Hội đã tranh thủ giới thiệu với khách nước ngoài về tiềm năng khoáng sản VN, trong đó có các loại đất hiếm, từ đó giúp họ có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào ngành Mỏ Việt Nam. Như vậy, với chức năng của mình, Hội Mỏ Việt Nam cũng gián tiếp làm công tác xúc tiến thương mại cho ngành Mỏ VN”.

 

 

THS. NGUYỄN VĂN HÙNG - PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC, TỔNG THƯ KÝ HIỆP HỘI BIA - RƯỢU - NGK VIỆT NAM (VBA): VBA “hợp tác - bình đẳng – cùng phát triển”

“Với phương châm Hợp tác – Bình đẳng – Cùng phát triển, trong những năm qua, VBA đã có nhiều hoạt động  thiết thực, bổ ích, được các đơn vị thành viên đồng tình ủng hộ. Đáng kể như việc tổ chức thành công các sự kiện quan trọng như Lễ hội Bia Việt Nam 2007, Cuộc thi Rượu Vang Quốc tế Việt Nam 2007, Hội chợ – Triển lãm “Câu đối, Hoa và Rượu Tết 2007, Lễ hội “Câu đối, Hoa và Đồ uống Tết 2008”, Cuộc thi tuyển chọn rượu lần thứ nhất, lần thứ 2... Thông qua những hoạt động này, VBA đã quyên góp, ủng hộ được gần 1 tỷ đồng cho Quỹ chất độc da cam Việt Nam, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, Tết cho người nghèo 2008... Với chức năng là cầu nối, VBA đã tạo sân chơi bình đẳng, lành mạnh cho các doanh nghiệp thành viên trong xu thế hội nhập, đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong việc xây dựng chính sách của Nhà nước. Nhằm thực hiện lộ trình cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO, mới đây, VBA đã phối hợp với Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tổ chức cuộc Tọa đàm lấy ý kiến của các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu về Dự án Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ IV, Quốc hội khóa XII. Qua đó, các đơn vị thành viên có dịp nắm bắt thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời nói lên những suy nghĩ, trăn trở của mình để việc xây dựng sắc thuế mới vừa đúng với cam kết khi gia nhập WTO, vừa phù hợp với điều kiện sản xuất – kinh doanh bia, rượu tại Việt Nam.

Trong thời gian qua, VBA luôn tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp thành viên có dịp tiếp cận với các công nghệ, thiết bị tiên tiến trên thế giới thông qua các cuộc hội thảo quốc tế về công nghệ, thiết bị, nguyên liệu phục vụ cho ngành Đồ uống, do VBA tổ chức, đã thu hút đông đảo doanh nghiệp thành viên tham gia. Đầu năm 2008, VBA còn bảo lãnh cho 3 đơn vị thành viên tham gia Hội chợ Quốc tế tại Nhật Bản, nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đồ uống Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Thông qua Hiệp hội, nhiều đối tác nước ngoài đã tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam. Hiện nay, VBA đang thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh đồ uống vào Hiệp hội. Riêng cuối năm 2007 và đầu năm 2008, VBA đã kết nạp thêm 18 hội viên mới, nâng tổng số hội viên lên hơn 200 đơn vị. Điều đáng nói là, trong những năm qua, Tạp chí Đồ uống Việt Nam (cơ quan thông tin lý luận của VBA) đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp những thông tin kịp thời tới các doanh nghiệp, giúp cho VBA  thực hiện tốt chức năng cầu nối của mình. Tạp chí Đồ uống Việt Nam đang từng bước phát triển và trở thành người bạn thân thiết của các doanh nghiệp trong ngành, cũng như bạn đọc trong cả nước.

Trong thời gian tới, VBA sẽ tiếp tục triển khai một số dự án mới, tổ chức các hội thảo quốc tế chuyên ngành, tổ chức lễ hội, tạo ra sân chơi, cung cấp những thông tin bổ ích cho các doanh nghiệp thành viên, nhằm khẳng định vị thế, vai trò của Hiệp hội trong xu thế hội nhập”.

 

TS. VŨ NGỌC BẢO, TỔNG THƯ KÝ HIỆP HỘI GIẤY VÀ BỘT GIẤY VIỆT NAM: “Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam hoạt động tương tự như một công ty”

“Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam được thành lập từ năm 1991. Tính đến nay, Hiệp hội đã có 17 năm ra đời và phát triển với 85 thành viên được chia thành 4 chi hội. Hiệp hội Giấy và Bột giấy tương tự như một công ty, nên Ban chấp hành Hiệp hội sẽ giống như một hội đồng quản trị, làm việc theo những nội dung được quy định trong Điều lệ của Hiệp hội. Điều mà hội viên luôn cần ở Hiệp hội là việc cung cấp những thông tin về giá cả thị trường, khoa học kỹ thuật, chính sách của Nhà nước để vận dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Hiệp hội còn phải là cầu nối để truyền đạt những kiến nghị của DN hội viên tới Nhà nước. Trong thời buổi hội nhập, các DN rất cần biết về những nhận định, đánh giá, dự báo trước về xu hướng vận động của thị trường để họ còn định hướng phát triển cho mình. Hiệp hội cần phải đảm nhiệm thêm cả vai trò này nữa. Hiện nay, có rất nhiều cơ quan tư vấn có thể làm tốt những công việc này, tuy nhiên, tại sao các DN thành viên lại chọn Hiệp hội? Câu trả lời chính là nằm ở vai trò và sự cuốn hút của Hiệp hội. Trong những năm qua, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã làm rất tốt vai trò cầu nối và đã tạo được sự cuốn tin cậy từ các hội viên. Những điều mà các hội viên cần chúng tôi đều cố gắng đáp ứng và đã thực hiện được. Hiện nay, Hiệp hội đang có một tờ thông tin Công nghiệp Giấy và một website với địa chỉ http://www.vppa.vn. Đây là hai công cụ mạnh giúp Hiệp hội và các hội viên tìm đến nhau một cách nhanh nhất dù ở rất xa nhau. Với phương châm cạnh tranh không phải là tiêu diệt lẫn nhau, mà là hợp tác, hiệp lực để cùng phát triển, hầu như các hội viên của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đều cư xử với nhau rất “cơm lành, canh ngọt”.

 

ÔNG NGUYỄN VĂN THỤ - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP CƠ KHÍ VIỆT NAM: “Cần có những chính sách đặc thù cho hiệp hội ngành hàng và tạo điều kiện hơn nữa để Hiệp hội có đủ lực hỗ trợ các doanh nghiệp”

“Hàng năm, Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí VN luôn quan tâm thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt là trong năm 2006, Hiệp hội đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức cho các đoàn đi tham quan, tìm hiểu trình độ công nghệ ở các nước tiên tiến; đi dự các hội chợ, triển lãm quốc tế và tổ chức các cuộc triển lãm về ngành Cơ khí ở trong nước... Thông qua những hoạt động này, doanh nghiệp trong Ngành có điều kiện học tập, mở mang thêm nhiều kiến thức  về công nghệ tiên tiến của các nước trên thế giới, về cách quản lý và điều hành rất chuyên nghiệp từ các doanh nghiệp của nhiều nước. Đây cũng là cơ hội hiếm có để các doanh nghiệp có dịp quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình. Sau mỗi chuyến đi, có nhiều doanh nghiệp đã ký kết được những hợp đồng làm ăn lớn, mở ra cơ hội giao thương lâu dài trong tương lai. Một trong những họat động mà nhiều năm nay Hiệp hội cũng luôn quan tâm và coi đây là một “mắt xích” không thể thiếu trong hoạt động xúc tiến thương mại, đó là việc duy trì tờ chuyên san và website riêng của Ngành để thường xuyên cập nhật các thông tin về hoạt động, cũng như giới thiệu kịp thời các sản phẩm mới của doanh nghiệp.

Với tư cách là một tổ chức, hiệp hội riêng của ngành Cơ khí, có thể nói, Hiệp hội đã rất nỗ lực triển khai nhiều  hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp thị sản phẩm. Tuy nhiên, để ngành Cơ khí thực sự phát triển và vươn xa hơn nữa, thì sự cố gắng của chúng tôi cũng như “muối bỏ bể” nếu như không cho ngành Cơ khí những cơ chế và chính sách khuyến khích đầu tư linh hoạt. Chẳng hạn như với các công trình có vốn đầu tư của Nhà nước, thì cần áp dụng cơ chế chỉ định thầu, giao trực tiếp cho các công ty, tổng công ty Nhà nước thực hiện các dự án đó.

Ngoài ra, Nhà nước cần phải có chính sách trợ giá để doanh nghiệp mua thiết kế, công nghệ của nước ngoài, liên doanh với các tập đoàn xuyên quốc gia để sản xuất thiết bị trong nước. Đối với hoạt động của Hiệp hội, chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước cần có những chính sách đặc thù cho hiệp hội ngành hàng và tạo điều kiện hơn nữa để Hiệp hội có đủ lực hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp vươn ra “biển lớn” trong giai đoạn hội nhập đầy cam go như hiện nay”.

 

ÔNG BÙI QUANG ĐỘ - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM: “Phát huy vai trò làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước”

“Ngay từ khi thành lập. Hiệp hội đã xác định việc thiết lập và duy trì quan hệ mật thiết với các cơ quan quản lý nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tạo thuận lợi cho các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh có kết quả và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các DN thành viên. Là thành viên chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia về ứng dụng phát triển CNTT của Chính phủ, Hiệp hội Điện tử VN đã cùng với 6 hội và hiệp hội khác đề xuất, kiến nghị với Tổng cục Thuế giải quyết các bất hợp lý trong việc tính thuế nhập khẩu các linh kiện điện tử và CNTT trước khi Chính phủ ban hành Nghị định về Danh mục Hàng hoá và Thuế suất của Việt Nam để thực hiện các cam kết trong Hiệp định CEPT và AFTA. Bên cạnh việc tăng cường mối quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Bưu chính Viễn thông (cũ) và Bộ Nội vụ, Hiệp hội còn tiếp tục củng cố và tăng cường mối quan hệ với các Hiệp hội cùng ngành của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước trong khu vực ASEAN, nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, trao đổi thông tin, đào tạo nguồn nhân lực và mở rộng thị trường XNK…

Để tăng cường thế và lực trong thời kỳ hội nhập, nhiệm kỳ này, Hiệp hội sẽ chú trọng phát triển hội viên trong ngành Bưu chính Viễn thông và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, phấn đấu đạt 120-150 hội viên là DN. Bên cạnh đó, Hiệp hội còn trực tiếp tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phối hợp với các đối tác nước ngoài và các bộ, ngành tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý, hội nhập cho các doanh nghiệp trong Ngành”.

 

  • Tags: