Tóm tắt:

Nhìn lại cả quá trình tái cơ cấu ngân hàng từ năm 2012 đến nay, Chính phủ khẳng định về cơ bản, mục tiêu của Đề án 254 đã đạt được. Kết quả cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển bền vững hơn của hệ thống ngân hàng ở giai đoạn tiếp theo. Đến thời điểm này, một trong số các kết quả nổi bật trong tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng là sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý một bước quan trọng. Sở hữu của các ngân hàng thương mại cổ phần đã minh bạch và đại chúng hơn. Tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được xử lý và kiểm soát về cơ bản; các nhóm lợi ích đã giảm dần theo như đánh giá của Chính phủ....

Từ khóa: Tái cơ cấu, ngân hàng thương mại, sáp nhập, nợ xấu, cơ cấu lại, tổ chức tín dụng…



I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong một hội nghị tổng kết của một ngân hàng lớn tại Hà Nội vào cuối tháng 12/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã phát biểu, kể từ năm 2015, hệ thống tổ chức tín dụng sẽ bước vào giai đoạn 2 của quá trình sắp xếp và tái cơ cấu, trong đó, nửa đầu năm 2015 được xác định là thời gian cao điểm và tất cả các ngân hàng lớn phải vào cuộc - xem như nhiệm vụ phải làm. Thống đốc khuyến khích các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV hay Vietinbank tham gia sáp nhập với các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn để vừa hỗ trợ, vừa tăng quy mô và “kéo” nhau cùng phát triển. Cùng với việc xác định 2015 sẽ là năm then chốt trong tái cơ cấu hệ thống, NHNN khẳng định sẽ tạo điều kiện đẩy nhanh hoạt động sáp nhập, mua lại (M & A) các tổ chức tín dụng trên cơ sở tự nguyện và đúng luật. Trong đó, vai trò của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước chi phối vốn sẽ rất lớn khi tham gia vào quá trình sáp nhập, hợp nhất và mua lại những đơn vị yếu kém. Theo đó, tất cả những ngân hàng yếu kém, không có triển vọng phục hồi sẽ bị xử lý dứt điểm, kể cả khi phải áp dụng các biện pháp giải thể, phá sản hoặc các biện pháp can thiệp bắt buộc khác.

Từ quyết tâm cải tổ hệ thống ngân hàng của NHNN, thị trường năm 2015 có nhiều thương vụ M & A hoặc tự cơ cấu sôi động và nhiều biến đổi. Không chỉ tập trung giải quyết các ngân hàng yếu kém trong nước, 3 năm qua, NHNN cũng thực hiện nhiều giải pháp cơ cấu lại các NHTM, ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Do đó, số lượng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực tế đã được thu gọn, đặc biệt là với những tổ chức yếu kém. Số liệu công bố vào đầu năm 2015 cho thấy, toàn hệ thống đã giảm 7 tổ chức tín dụng, 2 chi nhánh ngân hàng liên doanh, 4 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 quỹ tín dụng nhân dân thông qua sáp nhập, hợp nhất, thu hồi giấy phép, chuyển đổi hình thức hoạt động.

II. NHÌN LẠI QUÁ TRÌNH TÁI CƠ CẤU HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM THỜI GIAN QUA

Ở Việt Nam, các bộ, ngành và Chính phủ đang đẩy mạnh những cuộc bàn thảo để cho ra được một kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế một cách tốt nhất. Nếu nhìn vào thực trạng của hệ thống ngân hàng Việt Nam và sự thay đổi của môi trường trong nước và quốc tế thì khu vực kinh tế quan trọng này của Việt Nam cũng cần phải được cơ cấu lại.

Một trong những yếu kém đáng chú ý nhất của hệ thống NHTM ở Việt Nam là sự tăng trưởng một cách không cân đối trong nhiều năm. Sự mất cân đối này cần được nhìn nhận cả trên phương diện vĩ mô và vi mô. Sự tăng trưởng nhanh về quy mô và vốn trong khi các thiết chế quản lý chưa theo kịp là các vấn đề nội tại của khu vực này. Sự mất cân đối này thể hiện ở nhiều yếu tố.

- Yếu tố đầu tiên phải kể đến là tăng trưởng tín dụng nóng. Kinh tế Việt Nam vẫn được coi là nền kinh tế tăng trưởng dựa nhiều vào vốn; chỉ số ICOR tăng cao trong nhiều năm qua cho thấy rõ đặc điểm này. Tính chất này cũng được phản ánh vào sự tăng trưởng tín dụng cao ở khu vực ngân hàng trong nhiều năm qua. Tăng trưởng tín dụng bình quân mấy năm qua của Việt Nam đạt gần 30%/năm, trong khi các nghiên cứu chỉ ra rằng, tăng trưởng tín dụng gấp khoảng 3 lần tăng tưởng kinh tế (GDP) hàng năm là phù hợp. Cuối quý III năm 2014, tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 28% và như vậy cả năm 2014 có thể trên 30% (trong khi dự báo tăng trưởng kinh tế là 5,2%). Yếu tố mất cân đối thứ hai là mở rộng quy mô quá mức. Thống kê cho thấy, những năm 1990, tín dụng cho nền kinh tế bằng khoảng 18% GDP, tuy nhiên đến nay (năm 2014) quy mô tín dụng đã đạt gần 100% GDP. Tốc độ tiền tệ hóa nền kinh tế (M2/GDP) đến nay ước khoảng 110%, trong khi tỷ lệ này vào năm 1990 chỉ khoảng 19% GDP. Sự tăng trưởng quy mô của từng ngân hàng và toàn thị trường như vậy là khá nhanh. Thế nhưng trình độ quản trị, cơ sở hạ tầng, thể chế thị trường lại chưa thực sự theo kịp. Các NHTM vẫn hoạt động theo mô hình cũ từ những năm 1990, Luật NHNN và Luật các tổ chức tín dụng đã bộc lộ những điểm lạc hậu cần sửa đổi.

- Yếu tố tiếp theo là quản lý thanh khoản bất cập. Năm 2013 là năm thách thức về năng lực quản lý thanh khoản của các NHTM. Một số ngân hàng đã rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản và biểu hiện của nó là trào lưu “siêu lãi suất” hồi đầu năm 2013 và các NHTM đã từng đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên tới mức 45%/năm. Sự tăng trưởng tín dụng như trên cùng với khả năng quản lý thanh khoản hạn chế đã tạo ra mất cân đối về kỳ hạn và làm cho hệ thống rất dễ bị tổn thương trước các cú sốc. Các ước tính cho thấy, cơ cấu nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng có tới 80% tổng nguồn vốn là có kỳ hạn dưới 1 năm; chỉ có 20% tổng nguồn vốn là có kỳ hạn trên 1 năm (trong đó kỳ hạn trên 2 năm chưa tới 10%). Trong khi đó, cơ cấu cho vay phổ biến tại các NHTM Việt Nam là gần 60% tổng dư nợ cho vay với thời hạn cho vay trên 1 năm.

- Yếu tố cuối cùng cần phải đề cập tới là tình trạng “vốn mới - quản trị cũ” tại các NHTM cổ phần. Đến nay, nhìn chung các ngân hàng này vẫn hoạt động theo mô hình quản trị công ty đã cũ (nhất là các NHTM cổ phần nông thôn vừa được nâng cấp). Các NHTM quốc doanh vừa mới cổ phần hóa và niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán nhưng mô hình quản trị vẫn giữ nguyên như NHTM quốc doanh ngày xưa do mức độ cổ phần hóa quá ít (Vietcombank chỉ bán cổ phần ra ngoài tương đương 9,28% vốn điều lệ; con số này ở Vietinbank là 4%).

Thực trạng trên cho thấy, khu vực ngân hàng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu về tái cơ cấu mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, do khu vực ngân hàng là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế nên việc cơ cấu lại cần được nhìn nhận trên phương diện tổng thể. Do đó, nội dung và trọng tâm cơ cấu lại khu vực ngân hàng Việt Nam hiện nay không chỉ từ góc độ vi mô (từng ngân hàng) mà cả từ góc độ vĩ mô (Nhà nước/Chính phủ).

Trước tiên, trên phương diện vĩ mô, vấn đề mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng cần phải được “cơ cấu lại” theo hướng mới là không nên đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao bằng mọi giá mà thay vào đó là một mức tăng trưởng hợp lý, bền vững. Khi đó áp lực tăng trưởng kinh tế không đè nặng lên hệ thống ngân hàng, làm cho khu vực này dễ tổn thương và kém hiệu quả. Một số cơ cấu vĩ mô khác cũng cần được cơ cấu lại để đảm bảo phát triển và tăng trưởng bền vững như cơ cấu xuất nhập khẩu, cơ cấu ngành sản xuất, cơ cấu đầu tư, cơ cấu ngân sách… Cũng trên phương diện vĩ mô, cần phải cơ cấu lại hệ thống luật pháp tài chính, ngân hàng. Hiện Luật các tổ chức tín dụng, Luật NHNN và các quy định khác đang được xem xét sửa đổi một cách cơ bản. Việc cơ cấu lại NHNN cũng nên được đặt ra theo lộ trình sửa đổi Luật NHNN, để đảm bảo cơ quan này hoạt động theo đúng chức năng của một ngân hàng trung ương hiện đại.

Ngoài ra, cũng cần tăng cường quản trị, quản lý đối với cả hệ thống ngân hàng trên phương diện vĩ mô và vi mô. Vấn đề quản trị cần được cải thiện để đảm bảo các NHTM cổ phần hoạt động theo đúng nguyên tắc của một công ty cổ phần và công ty đại chúng: chế độ công bố thông tin, báo cáo tài chính; quyền của các cổ đông nhỏ lẻ; vấn đề chuyển đổi NHTM Nhà nước sau cổ phần hóa sang công ty cổ phần thực sự…

- Về mặt quản lý, cải thiện quản lý rủi ro thanh khoản (như hệ thống ALCO) cần được đặt ra như một yêu cầu bắt buộc đối với các NHTM hiện nay để đảm bảo các NHTM có thể chịu đựng được các cú sốc...

- Về phương diện vi mô, các ngân hàng cần tiến hành cơ cấu lại thị trường, sản phẩm và cơ cấu tài sản cho phù hợp với năng lực quản lý của mình, đảm bảo phát triển hiệu quả và bền vững. Với cơ cấu tài sản và sản phẩm như hiện nay, hệ thống NHTM Việt Nam rất dễ bị tổn thương (như năm 2013). Đối với các NHTM Nhà nước vừa mới cổ phần hóa cần tập trung cải thiện quản trị tại ngân hàng này theo chuẩn quốc tế vì nơi đây tập trung nguồn lực lớn của Nhà nước, coi đây là hình mẫu về quản trị ngân hàng hiện đại ở Việt Nam.

- Về mặt nhân sự, cần nâng cao trình độ quản lý của cấp lãnh đạo; cải thiện kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ của cả hệ thống. Cần thành lập và đảm bảo sự hoạt động của ủy ban (cơ quan) về vấn đề quản lý rủi ro và ủy ban về vấn đề nhân sự như quy định tại Nghị định 59/2014/NĐ - CP ngày 16/7/2014 của Chính phủ.

III. GIẢI PHÁP CẢI TỔ HỆ THỐNG NGÂN HÀNG CỦA VIỆT NAM

Thứ nhất, tập trung giải quyết hiệu quả vấn đề nợ xấu. Đối với bối cảnh kinh tế Việt Nam cũng như tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện nay, giải pháp cấp bách đầu tiên là phải “phá băng” nợ xấu… NHNN rất cần có chính sách kiểm soát để các NHTM phải nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và giảm nợ xấu. Tập trung xử lý nợ xấu của các NHTM Nhà nước để sớm làm sạch bảng cân đối của NHTM Nhà nước; phấn đấu đạt tỷ lệ nợ xấu của các NHTM về dưới 3% theo tiêu chuẩn phân loại nợ và chuẩn mực kế toán của Việt Nam.

Thứ hai, thúc đẩy hoạt động M&A, nâng cao khả năng tự chủ tài chính của ngân hàng. Tăng nhanh quy mô và năng lực tài chính thông qua tăng vốn để bảo đảm đủ mức vốn tự có theo tiêu chuẩn an toàn vốn của Basel II đến năm 2015 thông qua phát hành cổ phiếu bổ sung và nguồn vốn từ Chính phủ; Mua lại, sáp nhập TCTD và mở rộng nguồn vốn huy động. Các ngân hàng muốn nâng cao khả năng tự chủ tài chính thì trước hết phải tăng vốn chủ sở hữu. Trong giai đoạn hiện nay, khi mà chi tiêu ngân sách thắt chặt và thị trường chứng khoán chưa sớm khởi sắc thì giải pháp sáp nhập, hợp nhất và mua lại lẫn nhau trong hệ thống ngân hàng được coi là phương án tối ưu.

Thứ ba, tăng cường khả năng huy động vốn và sử dụng vốn hiệu quả. Tăng cường huy động vốn sẽ giúp cho các ngân hàng phát triển ổn định. Bên cạnh đó, cần chú trọng tăng huy động vốn trung và dài hạn thông qua kênh phát hành các công cụ tài chính. Trên thị trường tài chính trong nước, có thể phát hành trái phiếu có khả năng chuyển đổi, đây là hình thức huy động vốn linh hoạt vì sẽ chủ động được kỳ hạn và quy mô vốn. Từ năm 2013 đến năm 2015, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ tập trung vào nâng cao các hiệu quả an toàn, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế và củng cố, nâng chất hoạt động quản trị. Đặc biệt, Chính phủ sẽ tập trung xây dựng các nhóm ngân hàng lành mạnh, có đủ sức làm trụ cột cho hoạt động ngân hàng trong nước và phấn đấu để có thể có từ 1- 2 ngân hàng đạt tiêu chuẩn khu vực. Về sử dụng vốn, không nên đặt mục tiêu tín dụng là hoạt động chủ yếu trong sử dụng vốn của ngân hàng vì có nguy cơ rủi ro, làm cho thu nhập của ngân hàng giảm sút do bị thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay vì cạnh tranh gay gắt. Do vậy, nên mở rộng hình thức sử dụng vốn khác như thuê mua tài chính, liên doanh liên kết, bao thanh toán, tài trợ xuất khẩu, bảo lãnh cho các công ty phát hành trái phiếu dài hạn…

Thứ tư, quyết tâm thực hiện đúng lộ trình tái cơ cấu. Trong quá trình tái cơ cấu, cần phải theo dõi diễn biến thị trường, nâng cao công tác thanh tra giám sát nhằm điều chỉnh chính sách kịp thời, tránh những biến động bất lợi. Nên mở rộng công tác tuyên truyền đến dân cư để không tạo trạng thái người dân đổ xô đi rút tiền hoặc chuyển sang các kênh đầu tư khác. Vì vậy, quá trình tái cơ cấu nên thực hiện thí điểm một số ngân hàng để rút kinh nghiệm và quá trình tái cơ cấu nên thực hiện từ từ. Có thể sáp nhập theo lĩnh vực hoạt động trước, sau đó để bộ máy các cấp đồng bộ thì sẽ sáp nhập bộ máy cấp cao. Khi sáp nhập thì nên tiến hành từng bước nhằm tránh những tâm lý hoang mang từ dân cư, doanh nghiệp. Có thể sáp nhập các ngân hàng theo từng nhóm ngân hàng nhằm giải quyết nguồn lực đủ để trợ giúp thanh khoản từ NHNN. Như vậy sẽ tránh hiện tượng phải bơm khối lượng tiền lớn vào các ngân hàng để trợ giúp.

Thứ năm, áp dụng các hệ thống quản trị quốc tế. Đổi mới hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế tiên tiến, đặc biệt tăng cường hiện đại hóa hệ thống quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ để các NHTM có khả năng tự kiểm soát một cách có hiệu quả các loại rủi ro trong hoạt động, trước hết là chất lượng tín dụng và khả năng thanh khoản. Các NHTM cần hiện đại hóa hệ thống công nghệ, tạo điều kiện phát triển dịch vụ ngân hàng mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời hỗ trợ quản trị ngân hàng có hiệu quả. Mỗi ngân hàng cần chủ động tiếp cận vốn thị trường tài chính quốc tế nhằm tìm kiếm và cải thiện cơ cấu nguồn vốn, mở rộng thị phần, tiếp thu công nghệ hiện đại và nâng cao khả năng quản trị trong hoạt động của mình.

Có thể thấy quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một quá trình lâu dài, bao gồm nhiều biện pháp được triển khai theo từng bước, từ những biện pháp khẩn cấp lập lại lòng tin đến việc tạo dựng những cơ chế để xử lý những ngân hàng buộc phải sắp xếp. Bên cạnh tính pháp lý, yếu tố con người cũng rất quan trọng. Hệ thống thanh tra giám sát ngân hàng cần phải được đào tạo và trang bị các kỹ năng để thực thi các luật định và các nhà quản lý ngân hàng cần phải thấy được các lợi ích thiết thực khi tuân thủ nghiêm túc các luật định phòng ngừa rủi ro và thi hành các tiêu chuẩn kế toán, kiểm toán quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”

2. baomoi.com

3. vneconomy.vn

4. techcombank.com.vn

Ngày nhận bài: 03/01/2016

Ngày chấp nhận đăng bài: 22/01/2016

Thông tin tác giả:

ThS. Phạm Thị Phương Thảo

Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Restructuring Vietnam’s banking system in 2014 and in the first half of 2015

Master. Pham Thi Phương Thao

Faculty of Finance and Banking, University of Economics and Technology Industry

Abstract:

When reviewing the restructuring Vietnam’s banking system plan from 2012 to 2015, the Governmet judged that the plan basically achieved the goals including solving cross-ownership and cross investment among banks. The restructuring built concrete pillars for the development of Vietnam’s banking sector in the next time.

Keywords: Restructuring, commercial banks, mergers, bad debt, credit institutions.