Việt Nam - Lào: Phát triển thương mại biên giới theo thế mạnh hai quốc gia

Đây là nội dung trong khuôn khổ “Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam –Lào lần thứ XI” tổ chức tại TP. Đồng Hới, tinh Quảng Bình, ngày 27/ 9/2018.

Trong 2 ngày (26 – 27/9/2018) diễn ra Hội nghị, ngoài những nội dung được thảo luận, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh và Ông Bounmy Manivong, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào cùng các thành viên đều coi trọng việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển, đóng góp ngày càng nhiều hơn trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Phát biểu khai mạc Hội Nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh cho biết, kể từ Hội nghị “Hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa hai nước lần thứ X” đến nay, quan hệ thương mại nói chung và thương mại biên giới giữa hai nước nói riêng đã có bước phát triển mới, thể hiện qua những tín hiệu tăng trưởng tích cực trong kim ngạch thương mại, xuất nhập khẩu giữa hai nước. 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào đạt 587, 9 triệu USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 341,2 triệu USD, tăng 10,7%; kim ngạch nhập khẩu từ Lào đạt 246,7 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017. “Như vậy, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Lào đã tăng trưởng trở lại sau 2 năm liền suy giảm (năm 2015 và 2016). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Lào và từ Lào sang Việt Nam đều đạt tăng trưởng 2 con số”.

Ngoài những tín hiệu, kết quả trong quan hệ thương mại nói chung và thương mại biên giới nói riêng giữa hai nước thời gian qua. Tại hội nghị, các đại biểu là doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước của hai nước cùng thảo luận những vấn đề còn tồn tại mà hai bên cần tiếp tục tăng cường phối hợp để giải quyết. Trong đó, cơ bản nhất là để thương mại biên giới hai nước phát triển ổn định, bền vững, khai thác được tiềm năng, lợi thế của mỗi bên, góp phần thiết thực xóa đói, giảm ngèo, xây dựng nông thôn miền núi ngày càng phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân vùng biên giới hai nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển, đóng góp ngày càng nhiều hơn trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh (áo xanh) và Ông Bounmy MANIVONG (áo trắng), Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào tham quan khu gian hàng Việt – Lào tại Hội nghịThứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh (áo xanh) và Ông Bounmy Manivong (áo trắng), Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào tham quan khu gian hàng Việt – Lào tại Hội nghị

Hiện nay, xu thế hội nhập quốc tế về kinh tế ngày càng sâu rộng, nhu cầu hợp tác phát triển ngày càng cao. Nhiều vấn đề mới, mang tính thời đại được thế giới và khu vực quan tâm đề cập tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) vừa diễn ra tại Hà Nội. Bên cạnh đó, sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa bảo hộ thương mại ở nhiều quốc gia và diễn biến căng thẳng, phức tạp trong quan hệ thương mại quốc tế giữa một số nền kinh tế hàng đầu thế giới đã và đang tác động trực tiếp đến phát triển thương mại của cả hai nước. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương hai nước đã thống nhất tổ chức Hội nghị này để bàn về hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa hai nước ổn định, bền vững và hiệu quả, phù hợp với quan hệ láng giềng đặc biệt vốn có giữa hai nước và bối cảnh tình hình thế giới và khu vực hiện nay.

Tại Hội nghị, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, trong hai năm qua (2016 -2017), quan hệ kinh tế -thương mại nói chung và thương mại biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào nói riêng đã có những bước tiến mới. Ngoài ra, năm 2016 - 2017, Bộ Công Thương hai nước đã phối hợp tổ chức thành công 5 Hội nghị phổ biến, tuyên truyền các Hiệp định này cho cơ quan quản lý, các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp hai nước, trong đó, 3 Hội nghị được tổ chức tại Lào năm 2016 và 2 Hội nghị tổ chức tại Việt Nam năm 2017. Nhiều thỏa thuận hợp tác chung cũng như hợp tác cụ thể về nhiều lĩnh vực như đầu tư, giao thông vận tải, quốc phòng an ninh, nông nghiệp.... được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương biên giới hai nước ký kết. Các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính được hai Bên quan tâm cải thiện tạo môi trường thông thoáng thuận lợi cho mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới giữa hai nước.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, trước những tồn tại trong thương mại biên giới của Việt Nam - Lao, các Bộ, ngành, địa phương biên giới và doanh nghiệp của hai nước cần có phân tích, đánh giá về thực tế có những thời điểm, có những mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực của hai bên tăng trưởng chậm, thậm chí tăng trưởng âm; kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước nhiều năm bị giảm, không ổn định, chưa thực sự bền vững, chưa đáp ứng mục tiêu đề ra của hai Chính phủ.

Nhằm khắc phục tồn tại trên và phát triển giao thương giữa hai nước, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trao đổi, các cơ quan chức năng của hai bên cần thường xuyên quan tâm làm tốt việc rà soát, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển thương mại biên giới cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong thời gian tới, Việt Nam - Lào cần tăng cường hơn nữa việc hợp tác có hiệu quả ở tất cả các cấp từ cấp Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương cho đến doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực như kế hoạch hai Bên đã thỏa thuận nhằm từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào trở thành vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm là cơ hội để doanh nghiệp hai nước kết nốiKhu trưng bày và giới thiệu sản phẩm là cơ hội để doanh nghiệp hai nước kết nối

Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương hai nước cùng các đại biểu tham dự đã tham Khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm có quy mô 22 gian hàng với sự góp mặt của 40 doanh nghiệp của hai nước với các sản phẩm thế mạnh như đồ gỗ, cao su, gạo, đường, hồ tiêu, tinh bột nghệ, khoai lang gieo, các dược liệu, dầu lạc, cà phê, gạo, nhung hươu, cà phê… Khu trưng bày là cơ hội để doanh nghiệp hai nước gặp gỡ kết nối, tìm hiểu kỹ về sản phẩm của nhau để mở rộng hợp tác…

Thương mại biên giới Việt Nam-Lào đã tạo những điều kiện, tiền đề thuận lợi để các địa phương biên giới khai thác, phát huy được thế mạnh và tiềm năng của mình, tăng cường quan hệ liên kết với các địa phương trong cả nước và các địa phương của nước bạn, bước đầu tạo nên những khu vực phát triển kinh tế thương mại vùng biên năng động, nâng cao dần vị thế và năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Thăng Long