EVN hơi vội vàng khi từ chối 13 dự án điện

Chính phủ lập ra EVN là để lo điện cho đất nước chứ không phải khi khó khăn thì lại trả dự án cho Nhà nước – ông Tạ Văn Hường - Vụ trưởng Vụ Năng lượng Dầu khí (Bộ Công Thương) bày tỏ ý kiến của mình.
Chính phủ lập ra EVN là để lo điện cho đất nước chứ không phải khi khó khăn thì lại trả dự án cho Nhà nước – ông Tạ Văn Hường - Vụ trưởng Vụ Năng lượng Dầu khí (Bộ Công Thương) bày tỏ ý kiến của mình.   Chuyện thiếu vốn hiện nay là tình hình chung của các doanh nghiệp, không riêng gì EVN. Các nhà đầu tư trong nước đều gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn, ngay cả các ngân hàng cũng phải xem xét lại những thỏa thuận trước đây với các nhà đầu tư. “Đây không hẳn là lần đầu tiên EVN kêu khó khăn về vốn. Từ trước đến nay họ kêu liên tục vì các dự án của EVN đầu tư rất lớn. Chuyện EVN trả lại các dự án cũng thể hiện sự khó khăn trong thực hiện kế hoạch được giao” – ông Hường nói. 

PV: Vậy vì sao EVN không trả sớm hơn mà  để hơn 2 năm (sau khi tổng sơ đồ 6 ra đời)  mới xin trả lại vì lý do thiếu vốn?

Ông Tạ Văn Hường: Tình hình kinh tế của đất nước và khu vực khi làm tổng sơ đồ (TSĐ) 6 không như hiện nay. Tuy nhiên do những biến động của thị trường trong nước và quốc tế nên nảy sinh những khó khăn mới mà lúc làm TSĐ 6 chưa nhìn thấy hết. Nhìn trước khả năng khó thực hiện nên EVN đã quyết định trả lại Chính phủ 13 dự án này.

PV: Ngoài vấn đề vốn còn có gì khác có thể EVN thấy trước mà không nói ra hay không, thưa ông?

Ông Tạ Văn Hường: Theo tôi, vấn đề chính vẫn là vốn, còn những vấn đề khác cũng có nhưng là rất nhỏ. Do thiếu vốn nên cái khó này chồng lên cái khó khác khiến việc thực hiện khó khăn hơn. Chính vì vậy, việc đảm bảo chắc chắn sự thành công của TSĐ đòi hỏi phải có sự điều hành rất uyển chuyển, quyết liệt.

PV: EVN là cơ quan chịu trách nhiệm chính phát triển nguồn điện cho đất nước nhưng khi thấy khó lại “bỏ của chạy lấy người”. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Ông Tạ Văn Hường: EVN từ chối 13 dự án này, theo tôi là không hợp lý lắm. Chính phủ lập ra EVN là để lo điện cho đất nước chứ không phải khi khó khăn thì lại trả cho Nhà nước.

Theo nhìn nhận của tôi, lãnh đạo EVN từ chối 13 dự án là muốn bày tỏ sự khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Thực tế, EVN đã khó khăn rồi thì các doanh nghiệp khác còn khó khăn hơn. EVN trả lại dự án thì cũng không có nghĩa là các doanh nghiệp khác làm thay được công việc này. Bất kỳ doanh nghiệp nào khi nhận các dự án này cần có sự xem xét kỹ lưỡng. Thực tế đầu tư vào các nguồn điện rất hấp dẫn không chỉ đối với các nhà đầu tư trong nước mà cả quốc tế.

Việc trả lại này theo tôi là hơi vội vàng vì nhà nước trông chờ vào EVN thì đáng lý ra với những khó khăn như vậy thì EVN phải “mách” cho Nhà nước cách xử lý tình hình này như thế nào, có thể phải tăng giá điện, có thể phải huy động nguồn vốn từ các nơi khác.

Tôi cho rằng EVN vẫn là đơn vị có khả năng nhất để thực hiện các dự án điện này chứ không phải các tổng công ty hay tập đoàn khác và càng không phải là các đơn vị nước ngoài.

PV: Vậy còn việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhận 13 dự án này thì sao, thưa ông?

Ông Tạ Văn Hường: Chúng tôi cũng đang nghiên cứu việc EVN trả lại như vậy thì Chính phủ có nên chấp nhận lời đề nghị này hay phải xem xét vừa đồng thời giao các tập đoàn khác và vừa vẫn giao cho EVN phải thực hiện. Vì về nguyên tắc chung EVN là đơn vị mạnh nhất về lĩnh vực này.

Việc PVN nhận làm các dự án này thì cần phải chờ Chính phủ xem xét kỹ lưỡng. Vì EVN mạnh, có kinh nghiệm làm điện như thế mà còn gặp khó khăn thì làm sao có thể giao một lúc 13 dự án cho các đơn vị khác. Tất nhiên Chính phủ vẫn phải dựa vào các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước để thực hiện TSĐ này.

PV: 13 dự án này cần rất nhiều than để hoạt động mà từ 2010 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than. Đây có phải là một trong những vướng mắc chính của EVN khi từ chối các dự án?

Ông Tạ Văn Hường: Thiết kế của TSĐ 6 chủ yếu là nhập khẩu than. Điều này chúng ta có thể giải quyết được. Thường các dự án này phải ký hợp đồng dài hạn cho vài chục năm để đảm bảo nguồn cung năng lượng vận hành nhà máy. Trong cơ chế thị trường ai mua cứ mua, ai bán cứ bán nếu giá tăng cao thì ta sẽ điều chỉnh giá bán sản phẩm lên.

Trong số các dự án giao cho EVN thực hiện có những dự án Chính phủ chấp nhận sử dụng nguồn than trong nước. Vấn đề mấu chốt của việc trả dự án ở đây vẫn là tài chính.

PV: Cũng có ý kiến cho rằng EVN chỉ mạnh về thủy điện và yếu về nhiệt điện nên lo không kham được nên mới có chuyện trả lại dự án?

Ông Tạ Văn Hường: Tôi cho rằng đây chỉ là cách đánh giá của mỗi người. Trong 3-4 năm gần đây, Việt Nam cũng có phát triển nhiều dự án nhiệt điện và hiện EVN cũng có vài trung tâm tư vấn về nhiệt điện.

Thiếu nhân lực, thiếu tiền, thiếu vốn là tình hình chung của một nước đang phát triển. Không có nước nào đang phát triển mà thiếu sự hỗ trợ từ nước ngoài. Các dự án điện của Việt Nam hiện nay đang sẵn sàng chào đón sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.

PV: Được biết tháng 10, Bộ Công Thương sẽ phải báo cáo Chính phủ về phương án giải quyết 13 dự án này. Vậy hướng xử lý sẽ như thế nào thưa ông?

Ông Tạ Văn Hường: Đây là vấn đề rất lớn của đất nước nên Chính phủ sẽ xem xét kỹ lưỡng. Đây mới chỉ là đề nghị và kiến nghị còn việc có chấp nhận, có giải quyết cho PVN nhận các dự án hay không sẽ có sự nghiên cứu kỹ trước khi quyết định.

Tôi tin lãnh đạo EVN không ấu trĩ đến mức cho thấy đây là mong muốn của họ mà chỉ là muốn bày tỏ sự khó khăn mình đang gặp phải để Chính phủ, nhân dân thông cảm.

 PV: Xin cảm ơn ông!/.

Vũ Hạnh (thực hiện) Nguồn:VOVNEWS.VN
  • Tags: