Ngành công nghiệp chế biến sữa: tiềm năng và thách thức

Ngành công nghiệp sữa của Việt Nam đang phát triển nhanh và mạnh trong 10 năm qua. Tuy nhiên, nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để ngành chế biến đầy tiềm năng này “đẻ trứng vàng” là câ
Tiềm năng phát triển ...

Tại Hội thảo “Hiện trạng sữa với người tiêu dùng Việt Nam” diễn ra hôm nay, Thạc sỹ Phạm Văn Đoan (Vụ Công nghiệp nhẹ-Bộ Công Thương) cho biết, tổng năng lực sản xuất sữa của Việt Nam hiện nay là 796,2 triệu hộp sữa đặc có đường, 101,5 ngàn tấn sữa bột, 778,3 ngàn tấn sữa thanh trùng và tiệt trùng và 150,8 ngàn tấn sữa chua/năm.

Tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam từ mức 8,09 l/người/năm vào năm 2000 đã lên tới 14,8l/người/năm vào năm 2010. Giai đoạn 2000-2010 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 9%/năm.

Trong thời gian qua doanh nghiệp ngành sữa đã không ngừng đổi mới dây chuyền sản xuất hiện đại đồng bộ, tự động hoá khép kín từ khâu nguyên liệu cho tới khâu đóng gói. Số lượng doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa đã tăng trên 23% trong 10 năm qua, hiện cả nước có hơn 300 nhãn hiệu sản phẩm sữa các loại.

Doanh nghiệp cũng chú trọng đổi mới, đa dạng hoá bao bì sản phẩm, sử dụng bao bì giấy tiệt trùng 6 lớp để đóng gói sản phẩm. Các công ty đều có phòng thí nghiệm kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì lượng tiêu thụ sữa Việt Nam còn rất khiêm tốn. Hiện mới chỉ có 10% người tiêu dùng được sử dụng sữa thường xuyên, trong đó 70% ở thành thị và 30% người tiêu dùng ở nông thôn.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, với mức tăng dân số hàng năm khoảng 1,2%, tỷ lệ tăng trưởng GDP từ 6-8%/năm, thu nhập bình quân đầu người ngày một tăng thì tiềm năng phát triển của thị trường sữa Việt Nam còn rất lớn.

Các chuyên gia cho rằng, để xây dựng chiến lược phát triển ngành sữa Việt Nam đến năm 2020, trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần cụ thể hóa quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam tại các địa phương.

Đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở kiểm nghiệm sữa với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đạt tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao chất lượng cũng như giá trị gia tăng trong từng sản phẩm góp phần phát triển ngành sữa trong thời kỳ hội nhập và tăng cường khả năng tiếp cận sữa chất lượng cao cho người tiêu dùng.

Và thách thức chất lượng

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay của ngành sữa bên cạnh nguồn nguyên liệu bấp bênh, thiếu hụt thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng thực sự là vấn đề.

Chất lượng sữa thành phẩm khi đưa ra thị trường phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, quy chuẩn bán hàng.

Sản xuất sữa đòi hỏi phải tuân thủ quy trình khắt khe nghiêm ngặt từ nuôi bò-vắt sữa-bảo quản-thu gom vận chuyển-xét nghiệm tại phòng thí nghiệm-chế biến-đóng gói-bán. Yếu tố vệ sinh, bảo quản và đảm bảo cho nguồn sữa luôn sạch, đủ các chất dinh dưỡng là yêu cầu bắt buộc.

Tuy nhiên, hiện việc thực hiện quy trình này còn bất cập. Người nông dân chăn nuôi bò sữa còn thực hiện theo phương thức thủ công truyền thống. Thức ăn cho bò chưa đảm bảo nên chất lượng sữa không cao. Công nghệ vắt, chế biến sữa lạc hậu.

Việc kiểm định chất lượng sữa của cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc các hàm lượng các vi chất trong thành phần sữa có khớp với các thông số chỉ tiêu ghi trên bao bì hay không thì vẫn chưa làm được.

Khắc phục bất cập trên, Bộ Y tế đã ban hành Quy chuẩn Quốc gia về mặt hàng sữa có hiệu lực từ ngày 1/7/2010. Quy chuẩn này có những yêu cầu cụ thể về an toàn thực phẩm với sữa dạng lỏng, với sữa dạng bột, sản phẩm fomat, chất béo từ sữa, sữa lên men; quy chuẩn quốc gia về các chất được bổ sung vào sữa như kẽm, acid folic, sắt, calci…

Đây là công cụ rất quan trọng để định hướng người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm sữa chất lượng, giúp nhà sản xuất có quy chuẩn để công bố sản phẩm của mình và cơ quan quản lý có cơ sở để kiểm tra chất lượng mặt hàng sữa.

Khẳng định tại Hội thảo “Hiện trạng sữa với người tiêu dùng Việt Nam”, bà Vũ Thị Bạch Nga, Cục Quản lý Cạnh tranh-Bộ Công Thương nói nếu phát hiện doanh nghiệp nào sản xuất sản phẩm không đúng chất lượng như công bố, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ căn cứ trên quy chuẩn để xử phạt. Đặc biệt Bộ sẽ lập và công bố danh sách đen những doanh nghiệp vi phạm lớn hoặc tái phạm nhiều lần.

Cục Quản lý cạnh tranh cũng sẽ kiểm tra độ chính xác, tin cậy của thông tin về xuất xứ nguyên liệu ghi trên bao bì sữa. Chẳng hạn như có đúng là bò được nghe nhạc, uống nước sạch, được tắm mát mỗi ngày như trên quảng cáo của một nhãn hiệu sữa tươi tiệt trùng rất phổ biến trên thị trường hiện nay hay không.

Để nâng cao chất lượng cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho nguồn nguyên liệu thì chúng ta cần giải pháp hữu hiệu hơn nữa. Trong đó, người nông dân cần ý thức được vai trò quan trọng của thức ăn ngon, nước sạch và điều kiện vệ sinh cho bò sữa để cải thiện chất lượng sữa. Bên cạnh đó, họ cũng cần được đầu tư và hỗ trợ từ các doanh nghiệp chế biến về kiến thức, vốn, công nghệ, sự đảm bảo về đầu ra với mạng lưới thu gom sữa khoa học, hiệu quả.