Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ gạch xây dựng tăng cao, để tận dụng cơ hội này, Công ty CPTĐ XD&DL Bình Minh đã tiến hành đầu tư dự án Nhà máy sản xuất gạch không nung Trung Sơn, tại xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, với tổng giá trị đầu tư lên tới 1 nghìn tỷ đồng.
Dự án Nhà máy sản xuất gạch không nung Trung Sơn hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất gạch không nung (block) với công suất 2 tỷ viên/năm. Cụ thể: Về mặt địa lý, rất thuận tiện vì nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, Nhà máy cách trung tâm TP.Hà Nội và các chuỗi đô thị kéo dài như Miếu Môn - Xuân Mai, Hòa Lạc - Sơn Tây, các khu công nghệ cao đang được triển khai trong khu vực Hà Nội, Hòa Bình và các tỉnh lân cận chưa đầy 50Km và gần trạm điện 110kV E19.5 Trung Sơn. Đối với nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất, dựa trên cơ sở vật chất có sẵn của Công ty là có hồ nước rộng trên 3ha nằm trong khuôn viên nhà máy; mỏ đá núi Mố trữ lượng 11.219.000m3; tận thu trong quá trình xây dựng cơ bản đất đá hỗn hợp không làm nguyên liệu sản xuất xi măng được từ Mỏ Lộc Môn là 1.062.857 m3. Cộng với tận dụng đá bóc phong hóa, các chất thải rắn, phế liệu của nhà máy xi măng trong quá trình sản xuất, chủ động được nguồn xi măng đã có để làm ra các loại sản phẩm vật liệu xây dựng không nung từ vật liệu thô đến sản phẩm tinh phục vụ xây dựng đất nước. Về quỹ đất: Công ty sẽ bố trí hợp lý đủ điều kiện xây dựng khu vực nhà máy sản xuất gạch không nung tại khu đất đã được quy hoạch ở phía Tây nhà máy.
Từ những điều kiện thuận lợi trên, đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung là hoàn toàn phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020 và trong tương lai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội nói chung và TP.Hà Nội, Hòa Bình và các tỉnh lân cận nói riêng, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường, tận dụng tối đa các nguồn phế thải, giảm vận chuyển vật liệu thô được hàng triệu tấn km/năm trên các tuyến đường vào Thủ đô (vì không phải vận chuyển vật liệu thô mà chỉ chở sản phẩm hoàn thiện 1 lần, góp phần giảm tải giao thông và nâng cao tuổi thọ của các tuyến đường về Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận) của dự án, Nhà máy xi măng Trung Sơn là chi nhánh của Công ty CPTĐ XD&DL Bình Minh đã tiến hành đầu tư dự án Nhà máy sản xuất gạch không nung Trung Sơn tại xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là một nghìn tỷ đồng và chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ (2016-2020): Công suất 1 tỷ viên/năm. Nhà máy sẽ đầu tư phân kỳ từng năm cho đến năm 2020 sẽ đạt công suất 1 tỷ viên/năm (vì đây là giai đoạn đầu để mở thị trường). Đất đá các loại + vật liệu là khoảng 1.200.000m3/năm. Xi măng PCB40 250.000 ÷ 300.000 tấn/năm. Nhà máy sẽ sử dụng đội ngũ công nhân vận hành và lao động phổ thông là 200 người. Chủng loại sản phẩm xuất xưởng gồm: Các loại gạch Bloc xây dựng, các loại gạch lát tự chèn, gạch Tezaro và các chủng loại gạch không nung khác. Giai đoạn 2 (2021-2025): Công suất 2 tỷ viên/năm. Đất đá các loại + vật liệu khoảng 2.400.000m3/năm, Xi măng PCB 40 500.000 ÷ 600.000 tấn/năm. Nhà máy sẽ sử dụng đội ngũ công nhân vận hành và lao động phổ thông.
Tổng diện tích khu đất dự kiến xây dựng nhà máy rộng 41 ha. Do tính chất đặc thù của ngành sản xuất vật liệu xây dựng nên các chỉ tiêu quy hoạch tổng mặt bằng của Dự án có Tổng diện tích xây dựng nhà xưởng và các công trình là 8 ha chiếm 20%. Diện tích sân đường, kho bãi nội bộ là 22ha chiếm 55%. Diện tích hồ nước, cây xanh 10 ha chiếm 25%.
Theo đó dây chuyền sản xuất gạch không nung là hệ thống máy được vận hành theo chế độ tự động hóa hoàn toàn từ khâu cấp vật liệu, cân đong xi măng, phụ gia, trộn ép và đưa sản phẩm ra ngoài khi hoàn thiện. Trong đó, có sự phối hợp đồng bộ cơ chế tự động cơ khí và tự động điều khiển bằng công nghệ số, do đó không những các loại vật liệu có tỷ lệ cao như đá, xi măng mà các vật liệu có tỷ lệ, tỷ trọng thấp như các chất phụ gia có tác dụng tăng cường độ chịu lực cho từng loại sản phẩm cũng được hệ thống điều khiển xử lý cân, đong, cấp, trộn chính xác. Điều đáng chú ý là công nghệ nén được thực hiện bằng nguyên lý song lực (kết hợp thủy lực với độ rung tần số cao). Máy ép thủy lực cường độ lớn từ 90 đến 120 tấn/mẻ ( 450- 600 kg/cm2) cùng với hệ thống khuôn thép hợp kim và bàn ép được chế tạo bằng vật liệu compozit hỗn hợp siêu cứng, làm cho sản phẩm có độ kết dính cao, chịu cường độ nén lớn. Để đồng bộ cho hệ thống máy sản xuất gạch hoạt động, nhà máy phải trang bị thêm máy xúc lật, máy nâng liên hoàn và nhiều xe chuyên dụng khác đảm bảo cho công nhân vận hành 3 ca liên tục. Toàn bộ hệ thống dây chuyền hoạt động đều được đảm bảo bằng nguồn điện của trạm 110KV nằm trong mặt bằng xây dựng nhà máy.
Theo đánh giá, Dự án được đầu tư sẽ góp phần quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu của Chính phủ về tận dụng phế thải công nghiệp để sản xuất vật liệu xây dựng, đồng thời cùng ngành công nghiệp của Hòa Bình tạo sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, tăng thu cho ngân sách cho địa phương mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Việc phát triển đầu tư nhà máy sản xuất gạch không nung cũng đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập, đời sống và trình độ của người lao động; góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường sinh thái tỉnh Hòa Bình nói riêng và cả nước nói chung.